Vừa ra trường, gánh núi nợ

Chủ Nhật, 06/08/2017, 14:45
Sinh viên Anh sau khi ra trường ngoài việc phải đối mặt với vấn đề việc làm, còn phải đối mặt với những khoản nợ thuộc hạng cao nhất thế giới, lên tới 57.000 bảng (1,66 tỷ VNÐ).


Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính Anh (IFS), có tới 3/4 số sinh viên tốt nghiệp sẽ không đủ điều kiện xóa các khoản nợ đã vay trong suốt giai đoạn học tập trên giảng đường.

Dự tính khoảng thời gian để số sinh viên đó phải trả hết tiền nợ và lãi suất cũng phải đến năm họ 50 tuổi, tức cả tuổi thanh xuân của họ phải è cổ làm việc để trả nợ. Điều này đã làm dấy lên những tranh cãi, cho rằng nền giáo dục Anh thiếu bền vững khi “dụ” sinh viên thành con nợ.

Nền giáo dục nặng nợ

Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã đưa ra những quan điểm để bảo vệ hệ thống giáo dục được cho là “bền vững và công bằng” này. Họ cho rằng đây là cách để mọi người cùng chia sẻ chi phí giáo dục, vì họ đã đầu tư tài chính, tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp đỡ các trường đại học trong cả nước. 

Theo IFS, từ năm 2012 sinh viên tốt nghiệp ở Anh đã có mức thu nhập tối thiểu là 1.500 bảng Anh/năm, năm 2017 thu nhập đã cao hơn... Tuy nhiên, mức nợ của sinh viên cũng tăng lên nhanh chóng.

Ảnh minh họa.

Theo đó, mức nợ của sinh viên có xuất thân từ gia đình thu nhập thấp sẽ phải trả sau khi tốt nghiệp lên đến 57.000 bảng Anh. Những sinh viên từ các gia đình có thu nhập cao hơn sẽ ít nợ hơn một chút, 40.000  bảng Anh... 

Khảo sát thực tế cho thấy mức lãi suất nợ dành cho sinh viên ở mức khá cao, cao hơn 3% so với lạm phát. Vì vậy, mỗi tân sinh viên ở Anh cần xác định khi bước chân vào cánh cổng đại học, đồng nghĩa với việc bản thân họ và gia đình bắt buộc phải trả lệ phí trước hoặc sau đều không hề “nhẹ nhàng”.

Đề xuất

Ông Jack Britton, một trong những tác giả của báo cáo, chia sẻ: “Những thay đổi chính sách của Chính phủ Anh gần đây đã thúc đẩy tăng nguồn tài trợ cho các trường đại học và muốn tìm cách cắt giảm chi tiêu của nhà nước đối với giáo dục đại học”.

Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp có thu nhập cao tăng lên đáng kể. Hiện các trường đại học tăng lượng hỗ trợ tài chính thêm 25% cho mỗi sinh viên, và hầu hết nguồn kinh phí được tài trợ bởi các cựu sinh viên có thu nhập cao.

 Một số đề xuất được đặt ra như: giảm lệ phí sinh viên để phù hợp với lợi ích của những người có mức thu nhập khác nhau; trợ cấp đầu tư vào các khóa học với tiên đoán về “đầu ra” có thể mang lại lợi ích lớn cho xã hội để các sinh viên nhắm tới. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng đáng kể chi tiêu của ngân sách nhà nước cho giáo dục.

Với xuất phát điểm là một hệ thống giáo dục Anh “bền vững và công bằng”, thì vấn đề người dân nước này tự ý thức được việc chia sẻ chi phí giáo dục là điều đương nhiên phải thực hiện. Điều này nên được thực hiện cởi mở, dễ tiếp cận với mọi người, từ mọi khía cạnh.

Song song với đó, nền giáo dục Anh cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu về phương pháp giảng dạy đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới dành cho các sinh viên. Và cần có chiến dịch cải cách, đổi mới tích cực hơn nữa về vấn đề việc làm trong lao động để không gây nhiều sức ép, áp lực, cam kết sẽ xóa được khoản nợ cho sinh viên sau khi họ ra trường.

Thanh Tú (theo news.sky)
.
.