1.001 cách chuyển hàng nhái, hàng giả vào Việt Nam
Nghe mà sợ. Vẫn theo lời Trần, nếu không gặp đồng hương thì tôi có thể nhờ một người nào đó, biết tiếng Việt, giới thiệu cho tôi gặp "tai". Gọi là "tai" nhưng chẳng có gì liên quan đến… lỗ tai cả, mà đó thường là người Trung Quốc, nói rành tiếng Việt, am hiểu mọi mặt hàng trong chợ, sẵn sàng hướng dẫn và phiên dịch cho những kẻ chân ướt chân ráo, lớ ngớ như tôi để lấy tiền công, trung bình khoảng 300 tệ/ngày.
Đảo mắt qua hàng loạt những chiếc tủ kính đèn đuốc sáng trưng, trong đó nhan nhản những Rolex, Omega, Longines, Patek Phillip, Constantin, Bulova, Titoni, Tag Heuer, Bacardi, Dunhill, Thomas…, tôi cố ý lắng nghe người ta trao đổi với nhau. Quầy nào "ùa ùa, nì nì" thì tôi bước qua cho lẹ. Quầy nào tiếng Việt rổn rảng là tôi dừng lại nghe ngóng để xem có thể tiếp cận được không.
Đến quầy thứ 6 hay thứ 7 chi đó, tôi thấy hai bà đang cãi nhau rất hăng, nội dung xoay quanh việc hàng giao trước, giao sau khiến khách ở Sài Gòn than phiền quá xá! Nghe hai chữ "Sài Gòn" coi bộ chắc ăn, đợi lúc cả hai vừa ngừng trận khẩu chiến, tôi nở một nụ cười cầu tài: "Chào các chị, tôi đang muốn chuyển một ít hàng về Sài Gòn. Vì mới đi lần đầu nên chưa rành. Chị cho tôi hỏi ở đây có chỗ nào nhận vận chuyển không?".
Bà to béo mặc cái áo bông màu đỏ có những đường may chần hình quả trám giương mắt nhìn tôi, nói dấm dẳng: "Anh muốn chuyển hàng gì?". Tôi đáp: "Đồng hồ, khoảng 200 cái". "Anh mua chưa? Nếu chưa thì lấy ở đây đi, tôi bao luôn về Sài Gòn cho. Còn anh đã có hàng rồi và anh muốn chuyển nhanh thì cước phí cứ mỗi kilôgam là 1 triệu, 3 ngày sau giao tại nhà, chuyển chậm thì mỗi kilôgam 600 nghìn, 7 ngày sau nhận đủ".
Hàng nhái, hàng giả sau khi được đóng thùng ở chợ đồ da Quảng Châu chờ đưa về Việt Nam. |
2. Thông thường, một lô hàng từ Quảng Châu - bất kể nhiều ít, lớn nhỏ, thời gian trung bình đến tay người nhận ở Sài Gòn là từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, có khá nhiều công ty và đầu mối trung gian nhận chuyển hàng chỉ trong 2, 3 ngày. Điện thoại cho một nhân viên của công ty "thai…", tôi được biết họ có 3 hình thức vận chuyển: Một là chuyển nhanh, thời gian từ 1 đến 2 ngày. Hai là chuyển nhanh tiết kiệm, thời gian từ 3 đến 4 ngày và ba là chuyển chậm, thời gian từ 5 đến 7 ngày, chuyển càng nhanh thì cước phí càng tốn.
Vậy họ chuyển nhanh bằng đường nào? Xin thưa: Máy bay! Với những loại hàng nhỏ gọn như đồng hồ, nước hoa, son phấn, hàng được đóng thành từng thùng, mỗi thùng khoảng 15 đến 20kg. Tất cả đều có hóa đơn, chứng từ chứng minh lô hàng ấy của công ty A ở Quảng Châu, bán cho Công ty B ở TP HCM.
Khi làm thủ tục xuất hàng tại sân bay quốc tế Quảng Châu, Hải quan Trung Quốc hầu như không khó dễ gì mặc dù họ thừa biết đó là hàng nhái, hàng giả? Đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, qua máy soi chiếu chỉ biết nó là đồng hồ, nước hoa, son phấn chứ không biết nhãn hiệu của nó có trùng khớp với hóa đơn, chứng từ hay không nếu hàng đi vào "luồng xanh".
Theo một cán bộ chống buôn lậu, ngành Hải quan Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong phân luồng để nhập lậu hàng hóa trốn thuế. Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan, dân buôn lậu sử dụng phương thức "chọn luồng", chẳng hạn cùng một lô hàng nhưng làm nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục.
Nếu máy chọn luồng đỏ (kiểm tra 100%) thì họ hủy tờ khai rồi làm công văn từ chối với lý do "đối tác gửi nhầm", còn nếu máy chọn luồng vàng (kiểm tra 5%), hoặc luồng xanh (miễn kiểm) thì ngay lập tức, họ tiến hành thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lô hàng mà người mua yêu cầu phải chuyển gấp, còn thì phần lớn hàng nhái, hàng giả từ Quảng Châu thẩm lậu vào Việt Nam bằng đường sắt và đường bộ. Anh bạn cộng tác viên của tôi ở Móng Cái, Quảng Ninh - người đã làm giúp tôi "visa biên giới" để tôi đi Quảng Châu cho biết:
"Hàng nhái, hàng giả sau khi đến Đông Hưng sẽ được chủ hàng Trung Quốc thuê người cõng qua những lối mòn biên giới, hoặc lén lút đưa xuống những con thuyền, vượt sông Ka Long cập bờ Việt Nam. Tại đây, chủ hàng người Việt cũng đã chuẩn bị sẵn một đội quân cửu vạn, nhanh chóng bốc lên xe tải về Hà Nội rồi đưa ra ga Yên Viên, Giáp Bát. Vẫn anh bạn cộng tác viên ở Móng Cái cho biết: "Theo nhiều chủ hàng, thì đây là tuyến thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất để đưa hàng vào TP HCM bởi ít khi có cơ quan chức năng nào ra lệnh dừng nguyên cả đoàn tàu để tìm bắt hàng lậu".
Trên toàn tuyến đường sắt xuyên Việt, ga Sóng Thần - tỉnh Bình Dương được xem là ga cuối cùng để bốc dỡ hàng hóa từ Bắc vào Nam. Với tổng diện tích hơn 20 hecta, nhà ga có hai khu vực trước, sau để giải phóng hàng. Ngay trước cửa ra vào ga là một trạm gác luôn có 3 bảo vệ túc trực ngày đêm nhưng người qua lại chẳng mấy ai bị hỏi han.
Những chiếc xe tải chất đầy hàng nhái, hàng giả chuẩn bị lên đường. |
Theo ghi nhận của tôi, hoạt động bốc dỡ diễn ra nhộn nhịp từ 7h đến 21 giờ với hàng trăm xe tải lớn, nhỏ, nhận hàng từ xe lửa rồi chở về các kho chứa. Tiếp theo, hàng được chẻ nhỏ và đưa đến những đại lý trong thành phố hoặc đi các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ ga Sóng Thần đến ngã tư An Sương có hàng chục bến cóc mọc lên để phục vụ cho việc bốc xếp dỡ hàng.
Ngoài ra, một số cây xăng bên đường cũng là điểm giao nhận. Hỏi thăm một tài xế tên Trọng, anh cho biết thường thì xe anh chở 5 tấn, trong đó chừng 40% là hàng nước ngoài - chủ yếu từ Trung Quốc, 60% còn lại là hàng trong nước sản xuất. Anh nói: "Tôi không biết các thùng đó chứa cái gì, chỉ biết là nó khá nhẹ, đâu chừng 10-15kg/thùng. Có lần có mấy thùng bị bung đáy do ướt, mới biết ở trỏng toàn là túi xách phụ nữ".
Vẫn theo anh Trọng, cánh tài xế ở ga Sóng Thần "nhẵn mặt" với những chủ buôn hàng Trung Quốc. Họ có thể chỉ ra vanh vách bà Phương chuyên đánh mặt hàng vải, ông Phong quần áo may sẵn, bà Ly giày dép, bà Bình son phấn nước hoa túi xách, ông Văn hàng điện tử… bởi lẽ mỗi khi hàng về, họ cầm điện thoại trao đổi oang oang với đối tác ở Hà Nội, ở Quảng Châu.
Để qua mặt cơ quan chức năng, họ thường "trộn" hàng lậu chung với hàng trong nước sản xuất hoặc hàng nhập khẩu hợp pháp. Tinh vi hơn, có chủ hàng còn dùng hóa đơn hàng thật để vận chuyển hàng lậu.
Một cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương cho tôi biết, ngày 23/12/2014, Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra toa tàu HN-232131 thuộc đoàn tàu SBN1 tại ga Sóng Thần, đã phát hiện hàng chục thùng phụ tùng, linh kiện xe ba gác máy, đèn led, 500 bộ dụng cụ sửa chữa điện... đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng chủ hàng là ông Tô Khoa Toàn, ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Với ngành đường sắt, mỗi khi bị cơ quan chức năng phát hiện có hàng lậu, trưởng tàu thường khai rằng chủ hàng trực tiếp làm việc với Xí nghiệp Kinh doanh vận tải đường sắt, và khi được giao thì chở chứ không biết đó là hàng gì vì họ không được quyền kiểm tra. Khi đến ga Sóng Thần, hàng bốc dỡ xong là họ hết trách nhiệm.
Làm thủ tục gửi hàng về Việt Nam. |
3. Con đường vận chuyển hàng nhái, hàng lậu thứ ba là đường bộ. Cũng như ga Sóng Thần, Bến xe Ngã tư Ga, quận 12 là điểm dừng cuối cùng của nhiều chiếc xe tải từ các tỉnh phía Bắc vào.
Vẫn với phương thức "trộn" hàng lậu chung với hàng trong nước sản xuất hoặc hàng nhập khẩu hợp pháp, dùng hóa đơn hàng thật để chở hàng lậu, xe tải chở hàng sau khi vào bến sẽ được đội ngũ bốc vác nhanh chóng tẩu tán sang những phương tiện khác như xe tải nhỏ, xe ba gác máy rồi đưa về các kho hoặc đại lý tiêu thụ.
Ở Quảng Châu, tôi đã liên hệ với chủ nhân số điện thoại 186204981… - là nhân viên của dịch vụ "hop…" chuyên đánh hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc, trụ sở tại Hà Nội, văn phòng đại diện tại Quảng Châu.
Trong cuộc nói chuyện, tôi hỏi hàng của tôi là hàng nhái, hàng giả thì có gặp rắc rối gì với hải quan không? Cô nhân viên khẳng định: "Điều này rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, tùy theo từng đợt cao điểm hoặc do tình hình an ninh, y tế, chính trị, quân sự, hàng hóa có thể bị yêu cầu kiểm tra và có thể bị ách tắc".
Vẫn theo cô nhân viên của dịch vụ này, trong trường hợp hàng hóa bị "tắc biên", tôi sẽ được công ty cập nhật tình hình. Xui rủi bị thất thoát (nghĩa là bị tịch thu) và nếu tôi có mua bảo hiểm hàng hóa (10% trên tổng giá trị đơn hàng), "hop…" sẽ bồi thường cho tôi 100% giá trị lô hàng sau 30 ngày kể từ lúc họ nhận hàng của tôi tại văn phòng Quảng Châu.
Trường hợp tôi không mua bảo hiểm hàng hóa, "hop…" sẽ bồi thường 150.000đ/kg nhưng tôi phải đợi hết hạn kiểm định. Như thế, xem ra việc vận chuyển hàng nhái, hàng giả vào Việt Nam đã được "bảo kê", còn bảo kê bằng cách nào, chỉ người trong cuộc mới biết!
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc rẻ hơn so với Việt Nam. Những mặt hàng của họ lại phù hợp với nhu cầu của người Việt, giao thông thì thuận tiện mà văn hóa cũng có nhiều điểm tương đồng. Từ những thuận lợi này, khó mà ngăn được hàng nhái, hàng giả đổ về, chưa kể việc quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, thậm chí còn có tiêu cực.
Ngay cả khi chúng ta phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt nhưng nhiều doanh nghiệp ma mãnh, sang Trung Quốc đặt hàng rồi gắn nhãn "made in Vietnam". Được dăm bữa nửa tháng, áo thì bung chỉ, quạt máy chạy lờ đờ như người hết hơi, giày vẹt gót, há mõm, túi xách thủng trước rách sau thì niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt sẽ bị lung lay, thậm chí họ còn có thể quay lưng với hàng sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, ngay trong tháng 1/2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 500 triệu USD. Bộ Công Thương dự báo năm 2015, Việt Nam có thể nhập siêu từ 6 đến 8 tỉ USD. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng mạnh trong những năm qua đã xóa sạch mọi nỗ lực xuất siêu từ các thị trường khác. Đó là chưa kể một lượng hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo đường biên mậu, buôn lậu.
Năm 2012, Việt Nam công bố con số nhập khẩu từ Trung Quốc là 28,8 tỉ USD nhưng theo cơ quan chức năng Trung Quốc thì nó là 34 tỉ USD. Vậy thì số dư hơn 5 tỉ USD ở đâu ra? Câu trả lời là nó nằm trong những chuyến hàng lậu từ Quảng Châu, Thẩm Quyến, Nam Ninh về Móng Cái, Lạng Sơn, rồi xuất hiện trong các chợ lớn nhỏ từ Cao Bằng đến Phú Quốc.