1001 chuyện... cứu nạn cứu hộ

Thứ Bảy, 14/11/2020, 14:35
Có trường hợp nạn nhân chán nản với cuộc sống hiện tại, muốn tự kết liễu đời mình nên lợi dụng những căn nhà cao tầng để quyên sinh. Cũng có những trường hợp vì mâu thuẫn trong cuộc sống, giận dỗi nhất thời, muốn tìm được sự quan tâm, an ủi từ gia đình nên... dọa tự tử. Các trường hợp giận dỗi nhất thời, khi ngấp nghé bờ vực sống hay chết, người ta do dự.

Đối với những cán bộ chiến sĩ cứu nạn cứu hộ (CNCH), việc nắm bắt tâm lý của nạn nhân luôn được đề cao. Muốn giải cứu người muốn tự sát, cán bộ chiến sĩ cứu nạn phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tình hình và đưa ra những biện pháp kịp thời...

Nam thanh niên cầm kéo nằm vắt vẻo trên độ cao gần 100m với ý định tự tử.

Chiều 4-11, hàng trăm cư dân sống ở chung cư HQC Plaza (phường An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) nín thở đứng dưới sảnh hướng mặt lên độ cao gần 100m theo dõi đội cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh giải cứu nam thanh niên nhậu say, cầm kéo, nằm chán nản trên khung sắt bảng tên của tòa nhà.

Ai cũng hồi hộp lo lắng vì sợ nam thanh niên nghĩ quẫn. Chỉ cần trượt chân là anh ta không toàn thây. Trên đỉnh tòa nhà, người nhà nạn nhân cũng lo lắng, khóc lóc tìm cách khuyên nhủ nhưng bất lực. Không ai dám tiếp cận, bởi nam thanh niên vẫn đang trong cơn kích động tột cùng.

Thông tin được báo về, Trung tâm chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh ngay lập tức điều động Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Bình Chánh đến hiện trường. Nắm thông tin từ người nhà, được biết nam thanh niên có ý định tự tử tên Đỗ Quang Danh (sinh năm 2000, quê quán Châu Đốc, An Giang). Do cãi nhau với gia đình nên đã uống rượu và trèo lên sân thượng, nằm vắt vẻo trên ô chữ HQC của tòa nhà, dọa nhảy xuống tự tử. Trong tay nạn nhân có cầm cây kéo. Mỗi khi có người tới gần, Danh liền lấy kéo tự đâm mình, gây thương tích chảy máu khắp người.

Xác định tính chất phức tạp của vụ việc, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Bình Chánh đã báo cáo tình hình, xin thêm chi viện. Trung tâm chỉ huy 114 đã điều động thêm lực lượng từ Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 1 cùng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận 7 đến hiện trường. Cảnh sát PCCC xác định hiện trường để giải cứu có vị trí so với mặt đất là trên 90m, đứng từ trên nhìn xuống thấy chóng mặt. Địa thế, độ cao rất nguy hiểm cho cả nam thanh niên và lực lượng CNCH nếu sơ sẩy.

Lực lượng cứu nạn đã bàn bạc, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bung nệm hơi phía dưới đề phòng nạn nhân rớt xuống đất, mặt khác thương thuyết, nói chuyện khuyên Danh rời xuống. Tuy nhiên, anh ta không chịu xuống mà còn di chuyển vắt vẻo ra ngoài lan can, nửa người nằm phía ngoài không trung, liên tục đưa kéo đâm vào người mình.

Mỗi khi có người muốn tiếp cận, nam thanh niên kích động, cầm kéo tự đâm vào người mình.

Càng kích động thì nguy cơ nạn nhân làm liều càng cao nên tổ cứu hộ đã tìm cách đưa mẹ Danh tiếp cận con mình khuyên nhủ. Người mẹ được đai nịt an toàn và leo lên vị trí Danh... cố thủ. Tuy nhiên, lời khuyên nhủ của bà mẹ không làm Danh trấn tĩnh mà có phần kích động hơn, tiếp tục dùng kéo tự đâm vào bụng mình. Nguyên nhân nhanh chóng được tìm ra. Người mà Danh đặt niềm tin, hay trò chuyện không phải là mẹ mà là người dì nên phương án thay thế người nhanh chóng được triển khai.

Người dì được đưa lên tiếp cận Danh. Danh cũng bắt đầu khóc và tâm sự với dì mình. Đây là cơ hội tốt để khống chế Danh. Với độ cao này, chỉ cần sơ sẩy một chút thì không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của Danh mà ngay cả đội cứu nạn cũng gặp nguy hiểm. 10 người lính cứu nạn âm thầm tiếp cận Danh từng cm một và bất ngờ tước kéo, khống chế Danh.

anh vùng vẫy giữa khoảng không nguy hiểm, phương án cột chặt Danh vào máng cứu hộ được thực hiện và Danh được đưa xuống đất an toàn trước sự thở phào nhẹ nhõm của đội cứu nạn, người thân cũng như hàng trăm người dân đang theo dõi phía dưới.

Một cán bộ CNCH cho hay, cái khó nhất là nắm bắt được tâm lý của người trong lúc đầu óc không được tỉnh táo, tìm hiểu được nguyên nhân và tìm cách khuyên nhủ và sử dụng biện pháp nghiệp vụ tiếp cận, tránh làm nạn nhân hoang mang, lo lắng và nghĩ quẫn. Cái khó của việc cứu hộ trên độ cao cả trăm mét là chỉ cần một hành động sơ suất thì mọi công tác cứu hộ trở thành công cốc, đôi khi khiến người lính cứu hộ ám ảnh day dứt.

Cũng mới đây, tại một chung cư ở phường 6, quận 8, tại tầng 36, cách mặt đất hơn 130m, đội cứu hộ đã tổ chức giải cứu một cô gái vì buồn chuyện gia đình mà muốn tự tử. Cô tên là Võ Nguyễn Tuyết Th. (sinh năm 1997, quê quán Đông Hòa, Phú Yên). Đứng ở mép tòa nhà nhìn xuống dưới, người có tinh thần bình thường cũng thấy hoa mắt, chóng mặt.

Tổ công tác nhận lệnh phải tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên xác thực khiến Th. suy nghĩ kỹ về hành động cũng như hệ lụy để lại. Cô gái có chút nao núng trong lòng, bật khóc. Tổ cứu hộ đã triển khai 3 cuộn dây 50m, 3 cuộn dây cứu hộ 20m, 1 ròng rọc quay, các đai cứu hộ, móc khóa ròng rọc khóa an toàn tiếp cận và đưa nạn nhân xuống dưới an toàn.

Đội cứu hộ phải tìm nhiều phương án để tiếp cận nạn nhân.

Có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân không còn thiết tha với cuộc sống hiện tại như túng quẫn, bệnh tật, mâu thuẫn gia đình và đặc biệt là mâu thuẫn trong tình cảm. Nguyên nhân mâu thuẫn tình cảm dẫn đến việc muốn tìm đến cái chết dường như phổ biến. Tuy nhiên, hành động của những người này dường như là bị kích động nhất thời, suy nghĩ có phần nông cạn, dễ dãi đối với chính bản thân họ.

Cách suy nghĩ trên cho thấy họ còn chưa yêu chính bản thân của họ, không nghĩ đến gia đình, người thân xung quanh thì khó lòng trọn vẹn trong tình cảm trai gái. Để giải cứu những trường hợp này, cán bộ chiến sĩ đều phải tìm hiểu nguyên nhân trước và đưa ra quyết định trong thời gian ngắn nhất.

Còn có nhiều trường hợp nạn nhân không có ý định tự tử nhưng vị ảnh hưởng bởi các chất kích thích, bị ảo giác khiến tinh thần không tự chủ được gây ra những hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Kể lại vụ giải cứu nam thanh niên sử dụng ma túy trong tình trạng ngáo đá vị mắc kẹt trên tầng 4 của tòa nhà ở đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7, một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận 7 cho biết: “Đây là những ca khó bởi người được cứu dường như không biết được nguy hiểm đang rình rập mình, dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân cũng như những người đang giải cứu. Họ không còn tỉnh táo, hành động vô thức, mọi hành vi đều không tự chủ, bị điều khiển bởi ma túy”.

Với độ cao gần 100m, nguy hiểm không chỉ cho nạn nhân mà với cả những người lính cứu nạn.
Khi giải cứu thành công, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.

Trước khi leo lên tầng 4, nam thanh niên trong tình trạng thiếu tỉnh táo đã cầm 2 viên gạch chạy qua chạy lại trên đường Nguyễn Thị Thập, sau đó mới chạy vào hẻm 147. Đến số nhà 147/3, nam thanh niên bất ngờ chạy vào và leo lên lan can tầng thượng căn nhà nhảy nhót, la hét. Sau khi nắm sơ bộ thông tin, đội CNCH đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng có liên quan nhanh chóng tiếp cận anh ta, trấn an tâm lý và triển khai công tác CNCH người mắc kẹt trên cao. Phải mất 4 giờ thuyết phục trong sự bất hợp tác của nam thanh niên trên, đội cứu hộ mới khống chế được anh ta.

Cứu người dưới nước lại càng khó bởi thời gian trôi qua càng chậm thì sinh mạng của nạn nhân càng khó bảo toàn.  Sáng 18-8, Đội CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin tại cống thoát nước trong khu công nghệ cao thuộc phường Tân Phú, quận 9, một người đàn ông trên 30 tuổi bị mắc kẹt trong cống. Tìm hiểu nguyên nhân ban đầu, được biết người đàn ông này cùng một thanh niên vào trong cống bắt cá, được một lúc thì một người thoát ra ngoài hô hoán, người còn lại bị mất tích bên trong cống. Lúc này nước tại miếng cống dâng cao, nếu bị mắc kẹt bên trong, nạn nhân sẽ bị nước dâng dìm chết.

Kế hoạch tiếp cận, tìm kiếm nhanh chóng được bàn thảo, 16 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng thay bộ đồ lặn và tiến sâu vào lòng cống. Nước tiếp tục dâng, khoảng hở giữa lòng cống và nước càng lúc càng thu hẹp, bên trong cống tối đen, nước bốc mùi hôi thối. Sau 4 giờ tìm kiếm, đội CNCH đã tìm được nạn nhân mắc kẹt sâu bên trong với tinh thần hoảng loạn, nhanh chóng đưa và ngoài, chuyển vào viện kiểm tra.

Cứu nạn dưới nước, cán bộ chiến sĩ phải chạy đua với thời gian.

Khó có thể kể ra hết những trường hợp CNCH mà các cán bộ chiến sĩ phải đối mặt. Trong đó nhiều vụ phải dò dẫm trong đống đổ nát, hiện trường phức tạp, cứu hộ trong đám cháy khói đen tỏa ra nghi ngút. Trong lúc viết bài này, người viết nhận được tin từ chỉ huy đội CNCH khi vừa thực hiện vụ giải cứu 6 người trong đám cháy tại căn nhà ở quận 11 và ngay sau đó, đội lại tiếp tục triển khai quân lặn mò tìm thi thể nạn nhân nhảy cầu Gò Dưa trong khuya 5-11.

Những cuộc gọi liên tục đổ về trung tâm chỉ huy CNCH mà trong đó mỗi cuộc gọi đều là sự mong mỏi, cầu cứu của người dân, bởi vậy, chỉ cần xác định thông tin thì dù trong thời điểm nào, đội CNCH cũng có mặt.

Trung tá Dương Văn Thành - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tai nạn xảy ra với nhiều hình thức khác nhau nên khó có thể thống kê cũng như có phương án cụ thể cho từng trường hợp mà phải tận mặt ở hiện trường xác định được vị trí, con người, tìm hiểu rõ nguyên nhân và nhận định tình hình trong khoảng thời gian ngắn để đưa ra quyết định chính xác, đảm bảo tính an toàn cho nạn nhân.

Hiện trường thì muôn kiểu, nơi có thể ở độ cao vài trăm mét, nơi có lòng nước sâu hay những công trình bị sụp đổ, đám cháy hiện trường phức tạp hay những người có ý định tự tử, tâm lý của mỗi nạn nhân lúc đó khác nhau. Làm người lính CNCH phải nắm rõ những vấn đề này mới có thể đem lại sự an toàn tuyệt đối cho chính bản thân mình cũng như nạn nhân.

“Đối mặt với ánh mắt thất thần, tuyệt vọng của người thân các nạn nhân, mọi hành động của đội CNCH đều được họ tin tưởng, trông chờ nên chúng tôi không muốn những ánh mắt hi vọng đó là nỗi ám ảnh cho riêng mình. Bởi vậy, những vụ CNCH đều được các cán bộ chiến sĩ quyết tâm, cố gắng giành giật lại sự sống dù rất mong manh” - Trung tá Thành chia sẻ.

Anh Thư
.
.