Chuyện tình trên đất Hạ Lang

Thứ Bảy, 18/01/2020, 10:48
Tôi luôn yêu đất Cao Bằng, không chỉ bởi cảnh sắc mà tình người. Người Cao Bằng nhân hậu bao dung và cũng vô cùng kiên cường bất khuất, son sắt thủy chung mà cởi mở chân tình.

Tình cảm ấy đã được tôi luyện trong lửa thiêng cách mạng, trong ác liệt chiến tranh, nó như lửa than hồng nuôi sâu trong lòng, để bất cứ khi nào Tổ quốc cần, sẽ có trăm vạn cánh tay giơ cao, siết chặt đồng lòng vì đất nước.

Mỗi khi lên tới Cao Bằng, trong lòng tôi lại ngân nga mấy câu của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...”. Chả hiểu vì đâu mà tôi cứ nghĩ mấy câu đó nhà thơ viết ra tặng cho người Cao Bằng vậy.

Qua những đèo Bông Lau, Khau Chỉa, Mã Phục, Tài Hồ Sìn, nhiều nơi, dấu tích chiến tranh đã chìm vào lòng đất. Lần đầu tôi đến xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang, nơi duy nhất trong cả nước có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc theo hướng Nam.

Hình ảnh đẹp về mối tình ông bà Chè trước cổng nhà năm 1999.

Nhưng cũng không vì thế mà cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở đây diễn ra kém ác liệt, cho đến năm 1990 người dân vẫn trong tình trạng phải sơ tán chiến tranh. Đến giờ, nhắc lại, nhiều người nói vui: huyện Hạ Lang có một thế hệ được sinh ra trong những thung sâu, hang đá. Mới hay, dấu tích binh lửa có thể phai mờ theo thời gian nhưng tinh thần quật cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ hằn in trong ký ức. Đối với những con người lạc quan và dũng mãnh, đó thường là ký ức vui, là niềm tự hào chiến thắng. 

Ông Nông Văn Anh, sinh năm 1944, nguyên Chủ tịch xã Thị Hoa là một người như thế. Năm 1970, chàng trai người dân tộc Tày hăng hái nhập ngũ những mong sớm được vào chiến trường đánh Mỹ nhưng rút cuộc anh lại được điều về Tiểu đoàn 144 (nay là Lữ đoàn 144, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu).

Trong suốt những năm quân ngũ, anh tham gia các công tác huấn luyện, bảo vệ Bộ Quốc phòng rồi xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở vị trí nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời đó, Tiểu đoàn 144 có một bộ phận huấn luyện đóng quân ở xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây (nay là phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội).

Những cánh đồng trên xã Thị Hoa, Hạ Lang, Cao Bằng.

Vì là “lính ngự lâm giữ thành” nên cũng được nhiều ưu ái, bộ đội “hành quân” ra thao trường bằng cơ giới. Mỗi khi đi ngang qua làng Yên Nghĩa, lính ta lại trông thấy một tốp nữ dân quân, dẫn đầu là một “chị” Trung đội trưởng trông rất nghiêm túc, mệnh lệnh, duy trì hành quân đâu ra đấy.

Sau mới biết tốp dân quân cùng chung thao trường huấn luyện, lính ta cũng dạn dĩ ngó đầu ra trêu, đám dân quân cũng trêu lại. Chỉ thoáng qua vậy thôi mà những trái tim trai trẻ cũng đập rộn ràng.

Sớm đó, cả đơn vị của Tiểu đội trưởng Nông Văn Anh ra thao trường kiểm tra bắn đạn thật. Đoàn xe đi ngang qua đội hình của đám dân quân nữ, vẫn như thường lệ lính ta ngó đầu ra trêu.

Nhưng, khác với những lần trước, “chị trung đội trưởng” nghểnh mặt nguýt: “Bộ đội chính quy mà ăn gian nhé, hành quân bằng ô tô bắn chắc gì đã tốt”.

Cả xe chợt im phắc, mọi người hội ý nhanh, xe rộng nên giúp đỡ nhóm dân quân nữ. Nông Văn Anh đề nghị lái xe cho nhóm dân quân nữ đi nhờ. Anh lái xe vui vẻ đồng ý. Xe ngừng, đám dân quân nữ cười ré lên sung sướng đấm thùm thụp vào lưng “Trung đội trưởng” rồi đùn đẩy nhau lên xe. Trung đội trưởng nữ dân quân hiên ngang ngồi đối diện với Tiểu đội trưởng Nông Văn Anh sau thùng xe.

Anh cười rất tươi hỏi: “Lúc nãy cô chê bộ đội bắn dở phải không? Có dám thi đấu với tôi không?”. Cô nàng mở to mắt nói: “Nếu tôi thắng, lần sau các anh phải cho đi nhờ xe!”. “Đồng ý”. Lần bắn thi đấu đó không hiểu anh có nhường chị không mà thua đúng 1 điểm.

Từ đó, mỗi lần ra thao trường, xe bộ đội lại có thêm những nữ dân quân Yên Nghĩa. Tình yêu giữa Tiểu đội trưởng Nông Văn Anh và nữ Trung đội trưởng có cái tên rất mộc mạc là Nguyễn Thị Chè sớm nảy nở, được gia đình hai bên và tổ chức đoàn thể ủng hộ, đến năm 1975 hai người nên nghĩa vợ chồng.

Năm 1976, ông xuất ngũ, hai vợ chồng và một đứa con bồng bế về quê hương Hạ Lang, Cao Bằng. Tôi hỏi bà Chè cảm nhận thế nào về lần đầu tiên đến quê chồng, bà úi một hơi dài như thói quen biểu cảm của người dân địa phương rồi nói: “Ui, chẳng thấy con đường đâu, phải vừa đi vừa phát đường. Mà toàn đi bộ thôi, ba ngày mới lên đến nơi...”.

Đám lính biên phòng đi cùng chúng tôi đến thăm ông bà Chè cười rộ, một người nói: “Sao bảo ngày xưa bà thích cái nhà tầng của ông nên mới lên đây?”.

Bà Chè vừa vấn lọn tóc mỏng như cái đuôi chuột lên đầu, vừa thủng thẳng nói: “Hồi đó còn chưa có đất ở ấy, bố mẹ chồng chưa cho, anh em chồng chẳng giúp đỡ được gì, ai cũng nghèo khó cả. Hai vợ chồng và một đứa con quây tạm túp lều ở rìa làng nhưng chưa kịp khô đất vách thì chiến tranh xảy ra”.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở xã Thị Hoa có biểu hiện từ rất sớm. Ngay từ năm 1976, phía địch đã có những hành động chống phá khiêu khích như bắt cóc, gây tiếng nổ, di dời cột mốc... khiến cho tình hình rất căng thẳng. Ông chân ướt chân ráo về quê chưa một ngày nghỉ, lập tức được xã điều động phụ trách lực lượng dân quân, liên tục phải huấn luyện, tuần tra canh gác biên giới cùng bộ đội biên phòng.

Đến năm 1978, buộc lòng ông phải đưa bà sơ tán về Hà Nội, lúc đó bà đang có thai người con thứ hai. Bà kể: Năm 1979, nghe bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” là sợ lắm, lo lắm, ngóng tin xa mà bặt tăm hơi, lại nghe chiến trường Cao Bằng rất ác liệt, quân giặc rất tàn ác.

Dịp tết Nhâm Tuất năm 1982 ông về Hà Nội thăm bà được một lần. Chẳng hiểu phấn khởi thế nào, hai người lại có thêm một em bé, vậy là 3 đứa. Ông mang cô con cả lên Cao Bằng, lúc đó mới 5 tuổi, phải vạ vật gửi hết nhà này nhà khác. Bà thì một nách hai con nhỏ mặc dù có mẹ và em chăm sóc nhưng không an tâm hai bố con trên biên giới.

Đến năm 1984, bà quyết định lên bám trụ biên cương cùng với chồng, ông khuyên nhủ thế nào cũng không được. Lúc đó ông đang là Xã đội trưởng. Bà nói: “Dù gì em cũng từng là một Trung đội trưởng dân quân, nếu chúng liều lĩnh tràn qua thì xã sẽ có thêm một tay súng bảo vệ biên cương”.

Vào thời điểm này người dân Thị Hoa vẫn phải sơ tán trong những thung lũng sâu trong núi. Địch chiếm giữ hai điểm cao là Bốt Tưởng và Phù Đoỏng Lầu, thi thoảng vẫn nã pháo vào trung tâm xã. Người dân sợ hãi, bao nhiêu ruộng lúa bỏ hoang hết. Bà Chè tiếc những thửa ruộng đẹp vẫn một mình ra trồng trọt cấy hái.

Bà tâm sự: “Tôi ở quê đã biết cảnh này rồi. Máy bay Mỹ thả bom còn ác liệt thế mà người dân vẫn ra đồng làm ruộng, trên này chúng xâm hấn biên giới của ta thì phải đánh, vừa đánh địch vừa sản xuất. Ngại gì!”.

Người dân khâm phục gan lớn của bà Chè nhưng nỗi sợ vẫn lấn át, chẳng ai dám theo. Họ nói chiến tranh chắc sẽ còn dài, ruộng đất đấy rồi bỏ đi cả, thôi bỏ cái ruộng ta còn có cái nương chứ không may trúng đạn chết là mất tất. Thấy bà Chè chăm chỉ làm, nhiều người tình nguyện hiến tặng bà Chè đất ruộng, bà không nhận, đề nghị mua lại theo “giá thỏa thuận”.

Thời điểm đó ruộng quy ra thịt lợn là 150kg một mảnh, bà xin trả dần. Vậy là qua mấy năm chiến tranh, dưới đạn pháo cầm canh, bà trồng lúa, nuôi lợn, dần dần đã gom được mấy héc ta ruộng đẹp, ngay giữa trung tâm xã.

Đến năm 1992, hòa bình, người dân lục tục trở về quê cũ dọn lại ruộng vườn, nhiều người mới khâm phục sức lao động bền bỉ và sự dũng cảm, kiên cường của người con gái quê lụa. Ông lúc đó được bầu là Bí thư Đảng ủy xã, một phần do mọi người cũng khâm phục tấm gương của bà Chè, một tay xây dựng cơ đồ, chăm con để chồng yên tâm công tác. Đến giờ, câu chuyện về người con gái quê lụa xinh đẹp, giỏi giang có sức ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong xã Thị Hoa.

Dạo quanh thôn xóm, chỗ nào ruộng đẹp, vườn tốt, người dân đều gọi là “ruộng bà Chè”, “vườn bà Chè”.

Vợ chồng ông bà Chè có 4 người con, toàn làm nông dân nhưng là “nông dân triệu phú”, nhà tầng xe hơi đều có cả. Hai ông bà lại ra ở túp nhà xưa, thời ông còn làm bí thư, chủ tịch xã. Ông nói: “Ở vậy quen rồi, gần đường, gần UBND xã để lâu lâu qua uống chén nước chè, đọc tờ báo, hỏi thăm mọi người cho vui”.

Câu chuyện về bà Chè, một người phụ nữ Hà Nội ở miền đất biên viễn xa xôi này làm lũ hậu sinh chúng tôi rất khâm phục, thêm tự hào về những người mẹ, người chị nơi quê nhà. Chờ phút xúc động về câu chuyện lắng đọng, tôi hỏi vui để khuấy động không khí: “Bây giờ bà hãy nói thật đi, hồi trẻ ông rất đẹp trai phải không? Nên bà mới dứt áo rời quê lên biên giới?”.

Bà cười bỏm bẻm nhìn ông đầy yêu thương trìu mến: “Thì chúng mày cứ nhìn ông bây giờ là biết. Cơ mà cũng phải nói hồi đó làng Yên Nghĩa thiếu đàn ông lắm, đi chiến trường hết cả. Nên có ai thương thì mình theo thôi”. Đám lính biên phòng hóng chuyện lại rộ lên: “Đâu có, chúng con nghe ông kể hồi đó cưa tán bà là phải đi gánh nước, lợp nhà, gặt lúa chai tay ra chứ có dễ đâu...”.

Ánh mắt bà xa xăm như hồi tưởng lại trời son trẻ, thủng thẳng nói: “Thời đó “quân dân cá nước” là như thế đấy các cháu ạ, làm anh lính thấy nhà dân có việc là tự giác làm, chẳng chờ ai phải nhờ vả. Nhưng, ông chúng mày được cái cũng nhiệt tình hơn người khác, lao động giúp dân bao giờ cũng đến tận khuya mới về. Bà mẹ tôi cũng thương ông ấy”.

Đám lính trẻ cười tóe, đồng thanh nói: “Chúng con sẽ học tập ông. Giúp dân đến khuya”. Ông cười hiền, mắng: “Mấy thằng quỷ sứ này”.

Ký của Lê Đông Hà
.
.