32 năm tình nguyện ở trại phong

Thứ Sáu, 22/02/2019, 08:15
Đến trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh) vào ngày cuối tuần sau tết Nguyên đán, những dãy nhà cấp bốn lặng lẽ dưới làn mưa xuân buồn bã như chính những mảnh đời trầm lặng nơi đây. Người phụ nữ thoạt nhìn chỉ hơn 50 tuổi, gương mặt phúc hậu nhanh nhẹn dìu cụ bà chỉ còn một chân ngồi xuống chiếc ghế gần bậu cửa.

Không biết họ trò chuyện những gì, chỉ thấy tiếng nói cười ríu rít. 32 năm trôi qua, người phụ nữ ấy không lập gia đình, tình nguyện làm việc tại trại phong, đến tuổi nghỉ hưu nhưng cô vẫn xin ở lại để chăm sóc, bầu bạn với người bệnh. Mọi người gọi cô bằng cái tên trìu mến - sơ Xuân.

Bỏ nghề giáo vào trại phong

Nhiều người, ngay cả người thân cũng bảo sơ Xuân là “điên” khi vào trại phong làm việc tình nguyện. Vài chục năm về trước, bệnh phong hay vẫn gọi là bệnh hủi khiến người ta “tránh không kịp”, thế mà một cô giáo mầm non như sơ Xuân lại từ bỏ sự nghiệp để lao vào trại phong phục vụ các cụ già cụt chân, mất tay. Sơ Xuân tên thật là Nguyễn Thị Xuân (SN 1957 ở làng Xuân Hòa, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Tâm sự với chúng tôi về cơ duyên đưa sơ gắn bó với trại phong Quả Cảm suốt 32 năm qua, người phụ nữ ấy thổn thức. Cách đây hơn 30 năm, cô giáo Xuân là một thiếu nữ trong trẻo, trong một lần đi lễ ở nhà thờ Bắc Ninh, cô nghe người ta nhắc tới người bị bệnh hủi nhưng cô không biết người bị bệnh đó trông thế nào.

Một lần tình cờ, cô đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” viết về một người Công giáo ở Pháp sang Việt Nam lập trại phong Di Linh (Lâm Đồng). Câu chuyện trong cuốn sách ám ảnh cô mỗi đêm. Cô tự hỏi, vì sao một người ở nước Pháp xa xôi còn sang Việt Nam giúp người bệnh phong mà mình là người Việt lại không giúp được chính đồng bào mình. Ý nghĩ đó thôi thúc khiến cô trốn nhà đi tìm trại phong Quả Cảm.

Sơ Xuân chăm sóc cụ Hoàng Thị Cát.

Hôm đó là Chủ nhật, người cô gặp đầu tiên là một cụ ông nằm ở góc nhà, đang đau đớn chờ chết. Chẳng hiểu sao, một thiếu nữ như cô Xuân lại không hề  thấy sợ. Cô tới gần trò chuyện với cụ. Qua tiếng khóc và câu chuyện đứt quãng, cô biết cụ vô cùng cô đơn và thiếu thốn tình cảm. Cụ bị người thân xa lánh, ruồng bỏ, trước lúc chết chỉ có một ước nguyện gặp lại con cháu, anh em lần cuối.

Cả tuần sau đó, cô không tài nào quên được hình ảnh thương cảm đó. Đợi đến Chủ nhật, được nghỉ, cô lại lén lên trại phong. Nhưng ông cụ đã chết, không có con cháu, không một mảnh khăn tang, chỉ có mấy bệnh nhân phong mang thi hài cụ lên núi chôn cất. Cụ ra đi mang theo ước nguyện về miền cực lạc. Hình ảnh đó khắc sâu vào trái tim để cô quyết định bỏ nghề dạy học, đem tình cảm và tình yêu thương của mình xoa dịu nỗi đau của người bệnh phong.

Biết không ngăn cản được quyết định của chị gái, em trai nghĩ cô bị điên. Không chỉ bạn bè, người thân, chòm xóm nói cô bị điên mà lãnh đạo trại phong cũng nghi ngờ, tại sao một cô gái đang tuổi thanh xuân rực rỡ lại tới trại phong xách nước, cõng các cụ già tàn tật? Họ không biết cô có mục đích gì.

Trại phong Quả Cảm lúc bấy giờ có trên 300 bệnh nhân, tứ chi của họ bị ăn mòn, dị dạng. Mọi sinh hoạt của người bệnh đều chật vật, khó khăn. Sau gần một năm lầm lũi giúp các cụ, lãnh đạo trại đã nói với cô, nếu không sợ phong thì đi học y tá, về đây trại nhận làm nhân viên.

Nhưng khi cô học y tá ở trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) trở về, đơn xin vào làm nhân viên trại phong Quả Cảm của cô lại chưa được Sở Y tế Hà Bắc (cũ) chấp thuận. Sở thấy cô là trường hợp kỳ lạ, không dưng lại vào trại làm việc. Cũng như lãnh đạo trại phong trước đây, họ nghi ngờ mục đích của cô. Sau một năm thử thách, ngày 4-3-1992, cô mới chính thức được làm y tá của trại phong.

Y tá Xuân đã trở thành cái tên thân thuộc, là người con, người bạn của những bệnh nhân phong Quả Cảm. Ở cái tuổi đẹp đẽ nhất của đời người, cô đã hy sinh, cống hiến hết mình cho người bệnh. Ngoài làm y tá, cô còn giúp đỡ bệnh nhân từ việc giặt giũ, chăm sóc khi ốm đau, xách nước... Mỗi lần các cụ bò, lê dưới nền nhà để đến lấy thuốc, tim cô thắt lại. Bệnh nhân sáng tạo chân giả bằng những miếng tôn cắt từ chiếc xô nhưng khi di chuyển, nó cọ vào chân làm trầy xước.

Thương họ, cô đề xuất với trại xin đi học làm chân giả. Tháng 10-1992, cô lặn lội vào khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) để học và sau này cô đã mang nghề làm chân giả, làm dày dép và dụng cụ chỉnh hình cho những bàn tay cụt rụt những đôi chân không còn nguyên vẹn về trại phong Quả Cảm. Từ đó trở đi, cô có thêm nhiệm vụ phụ trách Phòng phục hồi chức năng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc chăm sóc bố mẹ.

Bà mối ở trại phong

Cô Xuân dẫn chúng tôi tới khu điều trị cho những bệnh nhân nặng, già yếu, đau yếu không đi lại được. Cả dãy nhà im lìm, lặng như tờ, biệt lập làm chúng tôi thấy nao nao. Cụ ông Đoàn Phú Vinh 92 tuổi bị phong ăn mất một chân, các ngón tay cụt gần hết, thấy chúng tôi đến chỉ khóc. Cụ nói mình nhớ vợ, ai cho quà cụ đều đặt lên bàn thờ vợ rồi khóc. Cụ bà mất đã 6 năm, bỏ lại cụ một mình buồn tẻ trong căn phòng rộng hơn 10m2.

Cô Xuân dìu cụ từ trên giường ra chiếc ghế giữa phòng, cụ nắm tay sơ hỏi: “Ai đến thế?”. Nghe cô giới thiệu, cụ mới nở nụ cười. Quê cụ Vinh ở quận Kiến An (Hải Phòng) nhưng vào trại phong Quả Cảm từ năm 30 tuổi. Gặp cô gái cùng cảnh ở trại, họ nên vợ nên chồng và có với nhau 3 người con trai. Nhưng vì nghèo khổ, bệnh tật không trông nom được các con, hai cụ đành phải cho chúng đi. Cô Xuân kể, thời gian gần đây cụ hay khóc, than thân trách phận, nhớ cụ bà, nhớ các con nhưng không có người thân thăm nom.

Hằng ngày, sinh hoạt cá nhân của các cụ có nhân viên bệnh viện lo liệu, cuộc sống buồn tẻ, lặng lẽ trong căn phòng nhỏ cứ thế trôi qua. Mắc bệnh phong từ khi lên 10, cụ Hoàng Thị Cát (quê ở Bắc Ninh) năm nay đã 84 tuổi. Những đêm dài nằm chờ trời sáng, cụ sáng tác thơ. Những bài thơ nói về thân phận con người, về sự cô đơn, tịch mịch nơi trại phong biệt lập, về buồn vui những ngày tháng bầu bạn với căn nhà trống vắng đã ra đời. Có bài thơ cụ làm rất dài, nói về kiếp người của cụ, về tình người đã sưởi ấm cho họ vượt qua số phận hẩm hiu.

Đặc biệt, cụ làm thơ về sơ Xuân như một sự cảm tạ người phụ nữ nhân hậu đã đến bên cuộc đời cụ, đem nắng ấm, hy vọng sống  cho người bệnh bị người đời xa lánh. Cụ kể, mỗi đêm cụ làm vài câu, sau đó nhẩm thuộc lòng. Cụ rất thích đọc thơ, có khách là lại đọc. “Cụ không có gia đình, không người thân. Tôi thương cụ nên ngày nào cũng phải qua xem cụ có sao không, có thiếu gì không” - cô Xuân nói. Hai tay cụ đã bị ăn mòn hết các ngón, một bên chân bị hỏng, đi lại lập cập, khó cầm nắm được vật gì. Mỗi khi nhìn thấy sơ Xuân, cụ lại cười, bởi cụ xem cô là người thân của mình.

Một cụ già ở trại phong Quả Cảm.

Kể về những năm tháng sống và làm việc ở trại phong, cô Xuân nhớ lại việc mình đi đến các trại phong khác giúp đỡ người bệnh, liên kết người bệnh với nhau, làm mối cho nhiều cặp vợ chồng lên duyên. Cô kể, hiện trại còn hơn 10 cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc, nhiều thế hệ đã ra đời, những đứa trẻ sinh ra ở đây đã trưởng thành, đi làm, lập gia đình riêng, sinh con cái, có nhà có 2 con học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...

Kể về con trai của mình, cụ ông cao tuổi nhất - Lê Văn Cọng (năm nay 95 tuổi) không khỏi tự hào. Cụ khoe con trai mình đang là bác sĩ, giữ chức vụ ở một bệnh viện tuyến Trung ương. Cụ sinh ra ở Hà Nội nhưng không may bị bệnh phong. Năm 1952 cụ vào đây, hai năm sau cụ gặp người con gái cùng cảnh. Họ bén duyên, cưới nhau và nhiều năm sau người con trai duy nhất của họ được sinh ra trên chính mảnh đất này.

Cụ vui vẻ: “Tôi có nhà ở Hà Nội, con cháu tôi ở Hà Nội, chúng rất tốt, tôi và bà ấy không còn mong gì hơn”. Hai cụ hiện sống trong một căn nhà nhỏ, chỉ mong được nhìn thấy nhau, bầu bạn với nhau đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Vào trại từ khi có 300 bệnh nhân, đến giờ chỉ còn 83 người, sơ Xuân chứng kiến nhiều người khỏi bệnh trở về hòa nhập với cộng đồng và cũng đau đớn trước nhiều kiếp người phải rời xa trần thế trong cô quạnh. Cô còn là cầu nối với các nhà từ thiện, nhà hảo tâm, đi vận động xin họ giúp đỡ xây nhà cho người bệnh khi họ trở về cộng đồng.

Ở lại vì tình thương

Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người đặt câu hỏi, sau khi cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc của bản thân vì người bệnh, đến khi nghỉ hưu được hưởng an nhàn của tuổi già, vì sao cô vẫn ở lại chăm sóc người bệnh? Cô nhẹ nhàng nói rằng, đó chỉ vì thương thôi. Xuất phát từ tình thương, cô đã ở lại, tình nguyện chăm sóc người bệnh thêm một lần nữa. “Nếu không thương thì cũng không ở được. Đêm, các cụ rên rỉ mình xót xa lắm. Tình thương và cơ duyên là sức mạnh cho mình ở lại” - cô nói.

Năm 2012 đến tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo bệnh viện hỏi cô có nguyện vọng gì không. Cô nói mình chỉ có nguyện vọng xin ở lại giúp cho bệnh nhân. Sở Y tế Bắc Ninh đã ký hợp đồng cho cô ở lại. 7 năm nay cô làm công việc phục hồi chức năng cho người bệnh tàn tật, tư vấn tâm lý để người bệnh yên tâm sống. Được làm công việc mình yêu thích, cô rất vui. Mỗi khi cõng, bế các cụ, cô có cảm giác như được bế, cõng bố mẹ của mình.

Cô kể, người bệnh phần lớn không được gia đình chấp nhận thì phải ở lại đây. Các cụ ốm gọi con cũng không đến, chết gọi không được, chôn xong không đến, có những người còn vợ, còn con, gọi cũng không đến. “Cũng một kiếp người mà họ phải chịu nhiều xót xa đến vậy” - cô thương cảm nói. Dù quyết định ở lại gặp sự phản đối của người thân, nhưng với cô Xuân có lẽ mình lại “điên” thêm một lần nữa, “điên” trong cái phúc, được làm, được chia sẻ, được giúp đỡ là điều mà cô thấy hạnh phúc.

Hằng ngày, trong căn phòng phục hồi chức năng, sơ Xuân vẫn làm công việc sản xuất giày dép, chân giả cho người bệnh. Sơ truyền nghề lại cho chị Nguyễn Thị Ngọc, con gái của cụ Nguyễn Xuân Phước, người bị cụt hai chân, hai tay bị ăn mòn. Nhắc tới sơ Xuân, cụ Phước kể: “Trước không có chân giả khổ lắm, đi đâu tôi toàn phải lết, có lúc ngã dúi về phía trước. Từ ngày có chân giả do cô Xuân làm, việc đi lại của tôi thuận lợi hơn nhiều, tôi chỉ việc chống nạng là đi đây đi đó được”.

66 năm trước, cụ Phước được đưa tới trại phong Quả Cảm, 11 năm sau kết hôn với cô gái Nguyễn Thị Tịnh ở chính nơi này. Hai người dọn về quê cụ ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh sinh sống. Sau 3 lần sinh nở, lần thứ tư họ mới may mắn có được mụn con. Con gái Nguyễn Thị Ngọc chào đời năm 1977 là niềm hạnh phúc mà ông trời ban tặng cho họ. Sau 27 năm về quê, hai cụ quay lại trại phong sinh sống.

“Khi đó em 13 tuổi. Lúc đầu tới đây cũng sợ nhưng quen dần, cảm thấy nơi đây chính là quê hương của mình” - Ngọc chia sẻ. Ngọc làm hộ lý và kỹ thuật viên ở Phòng phục hồi chức năng, ngoài chăm sóc bố mẹ, cô còn chăm sóc các cụ cao tuổi trong sinh hoạt.

Ở tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất, sơ Xuân đã quyết định không lập gia đình để dành toàn bộ thời gian cho người bệnh. Cô sợ rằng mình có gia đình riêng sẽ không có thời gian và tâm huyết chăm sóc cho họ một cách tốt nhất. 32 năm trôi qua, cô vẫn chưa hối hận với quyết định đó.

Trần Hằng
.
.