Chung cư mới và lối sống mới
- Đà Nẵng hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang
- Xây dựng nếp sống mới trong đồng bào dân tộc Mông
- Văn hóa đọc: Văn hóa của nếp sống văn minh và của một xã hội có nhận thức
1. Bây giờ , việc sở hữu một căn hộ trong tòa nhà chung cư nhiều tầng, kiến trúc hiện đại và tiện nghi không còn là mơ ước xa vời của ai đó như cách đây hai ba chục năm.
Cùng với sự đổi thay và phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới mở cửa và hội nhập quốc tế, đời sống của người dân cũng luôn được cải thiện. Rất nhiều khu nhà ở mới, khu đô thị mới (KĐTM) được xây dựng, đem đến một diện mạo kiến trúc mới cho thành phố.
Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một tổng kết nào của ngành văn hóa ở tầm quốc gia để đánh giá xem việc hình thành lối sống, nếp sống và văn hóa mới ở chung cư mới, KĐTM nó thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để từ đó các nhà quản lý đô thị có những giải pháp, chính sách cụ thể và hữu hiệu.
2. Trong lịch sử phát triển nhà ở của Việt Nam, thì nhà ở cao tầng (từ 9 tầng trở lên) chỉ xuất hiện ở miền Bắc vào đầu thập niên 90. Sự xuất hiện KĐTM mở đầu cho một cuộc cách mạng về lối sống đô thị. Từ ngàn năm nay, người Việt mình vốn là cư dân nông nghiệp, sống ở làng, không có thói quen ở nhà cao tầng, mà chỉ ở nhà thấp tầng, không quen sống theo chiều thẳng đứng mà chỉ quen sống theo chiều ngang.
Lối sống nông thôn với thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, dòng tộc theo kiểu "phép vua thua lệ làng", "trọng tình hơn lý", "tắt lửa tối đèn có nhau"… đầy tính nhân bản, ăm ắp tình người tạo nên văn hóa làng truyền thống.
Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các KĐTM thì cái văn hóa làng ấy đã không còn phù hợp và bắt đầu bị tác động bởi văn minh đô thị, bởi môi trường sống của KĐTM. Đấy là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị, và cho mỗi cư dân.
Nhà ở trong KĐTM thực chất là các "cỗ máy để ở" với rất nhiều trang thiết bị hiện đại, với các quy định sử dụng chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người ở, cho cộng đồng chung cư và sự bền vững của tòa nhà. Sống trong các chung cư cao tầng với hành lang chung, giao thông trong tòa nhà cao vài chục tầng hoàn toàn bằng thang máy (cho dù bên cạnh đó có ít nhất hai cầu thang bộ).
Người ở trong chung cư là người đến từ tứ xứ, nhiều vùng miền khác nhau, với nhiều thành phần, lứa tuổi…tạo nên một cộng đồng cư dân đa dạng về khẩu ngữ, về thói quen, về lối sống.
Sống trong chung cư thì sự riêng-chung được phân định rất rạch ròi, thậm chí đến nghiệt ngã. Không thể tùy tiện coi cái thang máy là của riêng mình để chở đồ đạc, hay chạy lên chạy xuống một cách tùy tiện bất chấp người khác trong tòa nhà cần di chuyển.
Không thể coi hành lang chung là cái sân riêng của nhà mình để đốt vàng mã ngày rằm, mồng một, hay chiếm dụng một góc nào đó, kể cả đó là nơi cửa thoát hiểm phòng khi cháy nổ để chứa mấy đồ tập tàng bỏ đi.
Không thể tùy tiện đập phá, cơi nới, thay đổi công năng căn hộ…Không thể khạc nhổ, vứt rác nơi hành lang, trong buồng thang máy. Người ở tầng trên đi lại phải nhẹ nhàng, không được chạy nhảy làm ảnh hưởng đến người ở tầng dưới. Không được mở nhạc quá to hay làm ồn ảnh hưởng đến gia đình bên cạnh…
Sống ở chung cư, hầu như nhà nào chỉ biết nhà nấy. Có việc ra ngoài mới mở cửa, còn thì cửa đóng im ỉm suốt ngày. Nhà này biết chuyện nhà kia toàn qua "kênh" ô sin.
Khách đến chơi không phải tùy tiện ra vào mà phải trình báo qua bảo vệ tòa nhà ăn mặc đồng phục, mũ mãng lon gù như lính chiến túc trực 24/24 ở sảnh chung cư, thì mới được lên thăm người thân. Nhiều chung cư cao cấp phải được bảo vệ quẹt thẻ thang máy thì mới lên được.
Trẻ con thì suốt ngày đi học, thi thoảng được bố mẹ, ông bà hay ô sin cho xuống chơi ở mảnh sân chung dưới tòa nhà. Sau này, chỗ chơi cho trẻ, cho người già cũng chẳng còn là bao vì chủ đầu tư đã tận dụng làm bãi đỗ xe ô tô, hay cho thuê dịch vụ mở cà phê, làm đẹp…để thu thêm lợi nhuận.
Văn hóa ứng xử, hay lối sống trong các KĐTM không phải tự nhiên mà có. Vậy nó bắt đầu từ đâu? Không phải dễ trả lời. Phải chăng, nó phải được bắt đầu từ chính các đồ án quy hoạch, rồi đến nhà quản lý, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, ban quản lý nhà chung cư cho đến từng hộ dân, từng cư dân.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì, lâu nay, mỗi khi nói đến "văn hóa" thì dường như người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm của ngành văn hóa, của tổ dân phố và các hộ gia đình. Thế nên mới có biển hiệu "Gia đình văn hóa" từng đã có lúc được gắn trước cửa nhà của hộ được vinh danh?!
Ảnh: Đình Nguyễn. |
Khi thiết kế quy hoạch một dự án KĐTM, các kiến trúc sư phải tuân thủ quy định, quy chuẩn của nhà nước như về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, về quy mô dân số, về chiều cao, số tầng nhà, về các công trình dịch vụ và dịch vụ công (như nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại…), về diện tích không gian xanh, không gian công cộng, bãi đỗ xe (ngoài tầng hầm tòa nhà), đường giao thông nội bộ, đường dành cho xe cứu hỏa.v.v…
Kiến trúc các tòa chung cư phải bền vững, an toàn và đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy của Nhà nước đã ban hành. Dù hiện đại, kiểu cách đến đâu, nhưng kiến trúc cũng phải phù hợp với khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam, để người đến ở thấy an toàn, thoải mái và thuận tiện.
Một đồ án quy hoạch kiến trúc tốt sẽ tạo ra một không gian sống tốt, một môi trường sống xanh, thân thiện với con người với thiên nhiên, tạo cho cư dân một sự hứng khởi, một niềm tin bền vững vào cuộc sống nơi họ sẽ đến ở.
Chủ đầu tư là người biến dự án quy hoạch kiến trúc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thành hiện thực. Vì thế, chủ đầu tư phải xây dựng theo đúng thiết kế.
Không được tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng để chạy theo lợi nhuận. Phải tôn trọng và thực hiện các cam kết trong Hợp đồng mua-bán căn hộ một cách minh bạch. Cung cấp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ phục vụ cuộc sống của cư dân tại chung cư và KĐTM. Có trách nhiệm bảo hành tòa nhà, KĐTM theo quy định hiện hành của pháp luật.
Người sống trong chung cư, trong KĐM phải tuân thủ các quy định của Ban Quản lý KĐTM, Ban Quản lý tòa nhà và các cam kết trong Hợp đồng mua-bán nhà với chủ đầu tư. Phải có thái độ bảo vệ tài sản chung, không tự tiện thay đổi kiến trúc, kết cấu căn hộ nếu không được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Phải tôn trọng, không làm phiền đến sinh hoạt của các hộ trong tòa nhà và trong KĐTM. Tham gia tích cực vào bảo trì chung cư, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh khu ở luôn sạch đẹp.
Nhiều năm nay việc quản lý các KĐTM còn nhiều bất cập. KĐTM thuộc địa giới hành chính ở Phường nào thì do UBND Phường đó quản lý. Tuy nhiên có KĐTM dân số tương đương một phường thì quản lý hành chính sẽ ra sao? Người sống trong KĐTM không phải ai cũng có hộ khẩu thường trú.
Rất nhiều người sống ở nơi khác nhưng mua nhà chung cư ở Hà Nội để cho thuê, cho con cái, người thân ở để tiện việc học hành, làm việc. Hoạt động của Ban quản lý nhà chung cư khác với tổ trưởng dân phố. Vì thế quản lý hành chính các KĐTM rất cần được chính quyền địa phương quan tâm. Chính quyền phường không chỉ chăm lo đến chế độ chính sách chung cho mọi người dân thuộc địa bàn quản lý, mà còn phải giải quyết những bức xúc, tồn tại nảy sinh trong quá trình hoạt động của KĐTM giữa cư dân với cư dân, và giữa cư dân với chủ đầu tư để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp về phí bảo trì, phí dịch vụ, điện, nước sạch đảm bảo sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân trên cơ sở pháp luật và Hợp đồng mua-bán nhà ở. Tạo điều kiện tổ chức, động viên các sinh hoạt cộng đồng trong tòa nhà, trong KĐTM để xây dựng môi trường sống thân thiện, gắn kết lẫn nhau, chia sẻ, cảm thông… từ đó tạo thành cộng đồng dân cư kiểu mẫu có văn hóa, nếp sống mới, lối sống mới phù hợp với sự phát triển của một xã hội văn hóa, văn minh và giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.
3.Câu chuyện về lối sống ở KĐTM, chung cư mới còn rất dài, rất nhiều điều cần phải bàn, phải làm. Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chỉ với mục đích cao đẹp là đem đến cho đô thị một nơi chốn bền vững, tràn đầy hạnh phúc cho nhân dân.
Đã có nhiều KĐTM hiện nay đang được coi là hình mẫu cho một không gian sống xanh an toàn, thân thiện, là nơi đáng sống theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó do các nhà đầu tư lớn có uy tín xây dựng tại Hà Nội. Ở đó mối quan hệ giữa nhà đầu tư với cư dân được xây dựng trên sự bình đẳng, tôn trọng và tin cậy. Ở đó, cư dân hầu hết là người có tri thức, biết ứng xử, tạo nên một cộng đồng cư dân có lối sống, nếp sống văn hóa và văn minh.
Người Việt Nam có câu ngạn ngữ rất hay "Đói cho sạch, rách cho thơm". Âu cũng là lời của tiền nhân nhắc nhở chúng ta về một lối sống, nếp sống, cách sống sao cho có văn hóa, từ đó hình thành những con người, lớp người tử tế trong thời kỳ phát triển mới của Đất nước.
Cuối năm cũ,
những ngày trở rét.