Ai lên quán dốc chợ Giầu…

Thứ Ba, 28/11/2017, 15:22
Không đâu sướng như dân làng Giầu. Vùng đất mai rùa này đầy đủ những yếu tố làm ăn phong lưu: “Nhất cận thị - nhị cận giang - tam cận lộ”. Hơn thế nữa, ngay bên làng ngã ba sông Tiêu phình ra thành cái đầm rộng hàng chục mẫu, trở thành “bến cảng” của làng Giầu một thời. Dân khắp nơi đổ về buôn bán xông xênh. Vui đầy con mắt. Chính vì thế mà dân cả làng ở đây chỉ mỗi một nghề chạy chợ.

Phố chợ trong làng

Làng Giầu, nay thuộc phường Phù Lưu, huyện Từ Sơn, bám hai bên quốc lộ xưa, chạy từ kinh thành Thăng Long về Bắc Ninh. Con đường làng sớm mọc lên phố chợ, dân buôn từ nhiều nơi đổ về, hội tụ đông đúc mua bán đủ các mặt hàng. Họ chở hàng bằng tàu thuyền qua sông Đuống, sông Hồng, về cập bến sông Tiêu. Người thì gồng gánh, hoặc đẩy xe hàng qua con lộ chính về chợ. Nơi đây bỗng trở thành chợ giao lưu sản vật, hàng hóa giữa kinh thành Thăng Long với thành Bắc Ninh, tấp nập ngày đêm.

Xưa dân làng chuyên canh cây trầu không, nên chợ có khu chỉ bán lá trầu, vỏ và vôi, nên mọi người quen gọi là chợ Giầu. Làng Giầu cũng trở thành cái tên quen thuộc đã hơn 500 năm nay. Có thể nói đây là phố chợ sớm nhất vùng Kinh Bắc. Gọi là phố, bởi có nhiều cầu hàng xây bằng gạch dọc đường làng, mỗi cầu hàng có tới hai mươi quán chạy ngang vào trong ngõ xóm.

Càng gọi là phố bởi ngay từ đầu, mỗi cầu hàng chỉ bán một thứ hàng giống nhau, dấu ấn của tính chuyên nghiệp, có tổ chức hẳn hoi. Cùng với đó là những ngôi nhà cao, thấp lô nhô với ánh đèn măng sông sáng choang, chiếu dọc con phố để phòng trộm.

Cứ trước phiên, ngày 4 và 9 âm, người ở xa bao giờ cũng về từ đêm hôm trước. Họ ngủ trọ trong xóm, hay các vùng lân cận, hoặc còn xin ngủ nhờ tại sân đình làng để sớm mai vào chợ cất hàng. Có người từ Bắc Giang, hay Yên Bái, hay tít trên Lạng Sơn cũng mang hàng về. Sau đó họ còn cất hàng từ chợ Giầu mang ngược trở lại chợ phiên nơi khác.

Riêng dân chạy chợ làng Giầu thì gom hàng lên thuyền đổ về kinh thành, đánh quả một vốn bốn lời, giầu lên nhanh chóng. Càng nhiều lãi càng ham, không ít các bà các cô còn thuê người nuôi con, để dồn tâm sức lo toan buôn bán. Vì thế hàng trăm năm qua, dân làng Giầu có nhiều con nuôi nhất vùng xung quanh. Lại còn theo duy tâm nữa, làng Giầu nằm đúng vào cái đáy của hình chiếc tay nải của con đầm rộng lớn, nên dân ở đây chỉ có chạy chợ mới mở mày mở mặt với thiên hạ được.

Đình làng.

Theo nhau kiếm cơm, đúng là cả ngàn người dân làng Giầu đều đi buôn bán. Làng còn có đền thờ bà chúa Đầm, người khởi nghiệp chạy chợ cho dân làng Giầu. Từ đó chợ Giầu ngày một sầm uất hơn trước, các sạp chợ, cầu hàng mọc lên san sát. Thậm chí chợ còn thu hút cả những thương gia nước ngoài từ kinh thành cũng đến buôn bán.

Có thời chợ có tới bảy, tám cửa hàng tơ lụa, vải vóc của người Ấn Độ. Nhất là các mặt hàng nông sản và cơ khí nông nghiệp tạo nên màu sắc đặc biệt sôi nổi. Thậm chí ở cuối làng còn có khu đất rộng chuyên bán trâu bò. Hàng trăm mặt hàng từ nhỏ đến lớn đều tụ về chợ Giầu. Nào hẹn hò. Nào ngã giá. Nào nợ nần. Nào cãi vã. Vậy mà sau đó ai ai cũng nhắn nhủ nhau rằng: “Chợ Giầu một tháng sáu phiên. Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giầu”.

Dân buôn khắp mười phương, tứ xứ đến đây đều phải nể phục đàn bà, con gái làng Giầu. Ai nấy đều nhanh nhẹn và đon đả chào mời. Các cô ăn nói khéo, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Nhưng cái hay của họ lại ở chỗ không toan tính hơn thiệt, chín bỏ làm mười, nên dễ bán mà cũng dễ mua. Một nếp sống văn hóa thương nhân sớm hình thành nơi đây, bởi sự ứng xử rộng rãi, chân tình.

Lấy hàng còn thiếu tiền ư? Không sao, phiên sau trả cũng được, chả có ghi chép gì. Lấy chữ tín làm trọng. Các bà các cô làng Giầu để lại nỗi nhớ về tấm lòng cho mọi người, nên trong dân gian có lời ví von: “Gan-Sặt”; “Mặt-Đình Bảng”; “Dáng-chợ Giầu”. Ấy là họ khen gái chợ Giầu đẹp dáng, khéo lời nên mới có câu rằng: “Ai lên quán dốc chợ Giầu. Để thương, để nhớ, để sầu cho khách đường xa”.

Lời truyền xưa còn đọng lại cho đến nay vẫn vậy. Cho dù chợ đã chuyển thành chợ huyện Từ Sơn, từ khi mọc lên đường sắt chạy từ Hà Nội lên Đồng Đăng.

Ngày nay phố chợ Giầu san sát nhà cao tầng, hàng chất ngất, mở rộng con đường lớn vắt ngang về làng Đình Bảng. Nếu tính về con số thì khó ai tin. Dường như hơn 3.000 người trong làng đều làm nghề chạy chợ. Họ còn tỏa đi các tỉnh, thành phố khác làm ăn, dựng nghiệp khắp nơi. Đúng với lời mặc định trong dân gian là: “Ở đâu có chợ là có người làng Giầu”.

Càng làm ăn phát đạt các bà các cô làng Giầu càng giỏi giang, tinh tế trong giao thiệp với khách hàng. Họ tần tảo, chịu khó làm ăn, đêm ngày vất vả. Họ chỉ một lòng giành mọi quyền lợi cho chồng cho con được ăn học nên người. Đã trăm năm nay vẫn thế, trong lòng những người mẹ luôn đau đáu nỗi niềm, dựng nghiệp cho chồng con.

Văn nhân làng Giầu

Đúng như các cụ nói “Phi thương bất phú”, nhưng nếu đến đây ta sẽ thấy những câu đối bên cổng làng Giầu, mới hay người dân vùng này không chỉ coi trọng đồng tiền. Họ lại quan tâm tới văn hóa và trí thức hơn cả. Đúng là người phụ nữ chạy chợ nơi đây đã nuôi chồng con ăn học thành tài. Từ xa xưa, làng đã xuất hiện những người con hiển đạt mang lại tiếng thơm cho dân kẻ chợ.

Cho dù làng Giầu đã đổi tên là Phù Lưu nhưng họ luôn lấy tiêu chí đề trên cổng làng cổ vẫn ghi: “Dĩ dân tâm vi bản” (phải lấy lòng dân làm gốc) và “Đạt trí thức do văn” (Muốn có văn hóa phải học). Ở xứ Phù Lưu này hội tụ cả hai điểm “Đất hun tú khí, đời tạo văn nhân” đều do cái sự học mà nên cả. Có dịp gặp anh Dũng, con trai nhà văn Kim Lân, người Phù Lưu, tôi càng thấy rõ làng không phải chỉ giỏi chạy chợ mà còn là làng khoa bảng và nhiều danh nhân nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ nước nhà.

Nhà lưu niệm Kim Lân.

Anh Dũng kể, không cứ bố anh có những tác phẩm viết về người làng Phù Lưu, mà còn nhiều văn sĩ khác cũng thể hiện tình yêu quê hương tha thiết. Nếu nhà văn Kim Lân có truyện “Làng” nổi tiếng, thì nhà văn Nguyễn Địch Dũng có “Trai làng Quyền”, hay nhạc sĩ Hồ Bắc có nhạc phẩm “Làng tôi”, hoặc họa sĩ Hoàng Tích Chù nổi tiếng có những bức họa về đình làng và cảnh sắc chợ quê...

Xưa kia, còn có các bậc đại khoa như Chu Tam Di, Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Đức Lân đều có những áng thơ đẹp về Phù Lưu. Nhiều người trong làng vẫn nhớ đến thi phẩm “Loa Hồ bách vịnh” của Nguyễn Đức Lân (Phó bảng năm 1842, thời Thiệu Trị). Tác phẩm này gồm những bài thơ, phú lấy cảm hứng từ vẻ đẹp bao la của Loa Hồ (Chính là đầm Phù Lưu).

Ông viết những vần thơ trong bài “Trên hồ nghe tiếng chim quyên” như sau: “...Bến lạnh cỏ thơm khoe sắc thắm. Chiều xuống khe sâu vắng bóng người. Khắc khoải tiếng kêu mày có thấu. Chiêu hồn ai tủi chuyện đầy vơi”. Nay người dân trong làng thường vẫn hát bản nhạc “Làng tôi” của Hồ Bắc, bởi đó là bài ca của quê hương họ. Êm đềm, thiết tha với những giai điệu thân thương: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà. Làng tôi êm ấm bao ngày qua. Những chiều đàn em vui hòa ca...”.

Nhạc sĩ Hồ Bắc còn là tác giả của những ca khúc nổi tiếng khác như: “Ca ngợi Tổ quốc”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Bên kia sông Đuống”...

Nếu kể thêm những văn nghệ sĩ ở Phù Lưu còn có nhà báo Hồ Tiến Nghị, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã; Nhà báo cách mạng Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà thơ Hoàng Hưng, NSND điện ảnh Nguyễn Đăng Bảy. Cùng với đó là các họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền và nhà văn dịch giả Hoàng Thúy Toàn.

Riêng đội ngũ khoa học, quê ở Phù Lưu cũng có những cái tên danh giá như: Giáo sư toán học Hồ Bá Thuần; Giáo sư Ngữ văn Chu Xuân Diên và Giáo sư Sử học Phạm Xuân Nam. Ấy là còn chưa kể Phù Lưu còn  những người có công đóng góp rất đáng ghi nhận đối với xã hội và kinh tế cho đất nước như: Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức, hay Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; hoặc Hồ Huấn Nghiêm, đã từng làm Đại sứ Việt Nam tại Nga...

Sau khi dẫn tôi vào khu văn chỉ Hương Hiền Từ thăm “Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân”, anh Dũng đưa tôi sang thăm “Bảo tàng Văn học Nga” do nhà dịch giả nổi tiếng Hoàng Thúy Toàn sáng lập, ngay trên đường làng Phù Lưu. Đây là một trong những bảo tàng văn hóa được dựng ở làng quê đầu tiên ở nước ta.

Khách đến thăm nhà lưu niệm Kim Lân.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn được coi là nhà thơ bởi ông dịch rất nhiều thơ Nga. Bảo tàng Văn học Nga được ông lưu trữ sưu tầm trong suốt hơn nửa thế kỷ, với hàng trăm tài liệu và văn bản quý hiếm về văn học Nga. Tôi và anh Dũng đi bách bộ trên đường làng Phù Lưu được lát bằng đá xanh nhẵn lì theo thời gian. Có lẽ đây là con đường làng duy nhất trên toàn quốc được lát đá, dài tới vài cây số, tính cả những con đường đi sâu vào ngõ xóm dọc ngang.

Anh Dũng kể con đường làng được lát đá từ năm 1930. Hiện dân làng vẫn gìn giữ bảo tồn chứ không bê tông hóa hay rải nhựa như nhiều nơi. Cho dù khu thương mại chợ Giầu được mở rộng xây dựng khang trang to lớn, nhưng con đường đá và ba chiếc cổng làng cổ vẫn được gìn giữ như báu vật của làng. Đó là những ký ức về một nền văn hóa độc đáo của mảnh đất làng Giầu trên xứ Đông Ngàn cổ kính. Tất cả như những ngọn đuốc ánh xạ những câu chuyện thần tiên mà người Phù Lưu đã dựng nên từ hàng trăm năm qua.

Anh Dũng bồi hồi xúc động kể cho tôi nghe những chuyện về làng quê anh. Nhưng rồi anh cho biết Phù Lưu còn có những điều kỳ thú khác, ngoài chuyện buôn bán mà bấy lâu nay ít ai ngờ tới. Tôi tò mò háo hức lắng nghe

Quan họ vui thú chợ quê

Đúng lúc đó, bên đường làng vang lên một làn điệu chèo từ đình quán, lời nghe ngọt ngào làm sao. Anh Dũng mỉm cười nói, chẳng ai có thể tin rằng những cô gái bán hàng trong chợ kia, khi tối đến lại trở thành những nghệ sĩ hát chèo nghiệp dư. Đó là đội chèo Phù Lưu thường đi hát giao lưu với quan họ bạn bốn phương. Họ tập luyện chuẩn bị vào hội Lim hằng năm.

Lời ca bịn rịn lưu giữ chân khách đường xa: “Anh có về Kinh Bắc quê em. Mà nghe quan họ mà xem làng nghề. Sáu phiên chợ nhớ về quê. Người đi, người ở, người về với ai. Đợi chờ sum họp trúc mai. Duyên tình thêm thắm, thêm nhài thêm hương...”.

Thấy tôi tỏ ra hết sức ngạc nhiên, anh còn kể thêm, xưa làng còn có những nghệ nhân hát tuồng rất nổi tiếng. Họ cũng là những nghệ sĩ lên kinh thành học thành tài để tham gia hát mỗi khi làng vào hội. Anh nhớ, theo sử sách làng ghi lại, đất làng Giầu xưa còn là cái nôi của tuồng Bắc. Làng có những nghệ sĩ sáng giá, nổi danh như Trùm Thiệp, Sáu Đen...

Những người này đã từng mở lớp dạy tuồng cho khắp các vùng lân cận. Nhiều vở tuồng cổ được dàn dựng ở Phù Lưu với những điển cố độc đáo đã trở thành vốn quý cho các nghệ sĩ tuồng Việt Nam về nghiên cứu học hỏi. Họ đã đưa tích tuồng của làng về dàn dựng, phát triển trở thành tiết mục chính biểu diễn cho đoàn. Đó là những di sản quý còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Nhớ câu xưa: “Chợ Giầu bán sáo (mành trúc) bán sành (chum, vại, ang, hũ). Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay. Đình Bảng bán ấm, bán khay. Phù Lưu chợ họp mỗi ngày một đông”. Đến nay, chợ Giầu càng lớn hơn, sầm uất rộn ràng. Bốn ngả đường ô tô nườm nượp vào ra.

Trước mắt tôi là “Trung tâm Thương mại chợ Giầu” thật tráng lệ bên khu chợ Giầu mới được mở rộng. Nhưng có lẽ hình ảnh người phụ nữ Phù Lưu vai đeo tay nải xưa luôn hiện về trong tôi. Ký ức đó không thể nào phai mờ. Những người vợ, người mẹ thức khuya dậy sớm, tần tảo buôn bán. Cả một đời họ tạo dựng cơ đồ và tương lai tươi sáng cho chồng con. Những lời ca còn đó luôn vang vọng với thời gian: “Ngang lưng em có một đồng. Nhưng vẫn nuôi chồng ăn học rảnh rang”...

Vương Tâm
.
.