Phía sau vụ nổ kinh hoàng tại Bắc Ninh:

Ẩn họa từ những điểm thu mua “đồng nát”

Thứ Hai, 08/01/2018, 10:27
Rạng sáng ngày 3-1-2018, tại thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) đã xảy ra một vụ nổ kinh hoàng. gần chục người bị thương vong, nhiều ngôi nhà bị san phẳng, hàng trăm ngôi nhà khác bị ảnh hưởng... Vụ việc này tiếp tục đặt ra yêu cầu bức thiết phải quản lý chặt việc thu mua, tái chế phế liệu, trong đó có vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

1. Chỉ vài giờ sau khi vụ nổ xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại thôn Quan Độ. Trên trục đường chính cũng như đường nhánh dẫn vào thôn, đầu đạn (đa phần đều đã han gỉ) tung tóe khắp nơi, như thể người ta vãi thóc cho gà ăn. Còn người dân thì tụ tập bàn tán xôn xao về vụ việc kinh hoàng nhất trong đời mà họ từng chứng kiến. Con đường chính dẫn vào hiện trường vụ việc đã được lực lượng công an dựng rào chắn, chỉ ai có lý do hợp lý mới được đi vào.

Được Công an tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện, chúng tôi tiếp cận hiện trường ở vị trí cho phép để ghi hình. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng như thể thời chiến tranh. Một diện tích vài trăm mét vuông bị cày xới, ngổn ngang gạch đá, cột nhà. Ở phía trung tâm là một cái “ao” hình nón lật ngửa, đường kính vài chục mét, sâu tới 3 mét. Xung quanh là những bức tường thủng nhiều mảng to, những thân cây cháy đen thui...

Tiếp cận một số căn nhà nằm gần đó, chúng tôi ghi nhận hầu như căn nào cũng bị rụng trần thạch cao, vỡ cửa kính, bay mái tôn hoặc nứt tường. Ngôi nhà kiên cố bậc nhất thôn của ông Nguyễn Văn Căn cách đó hàng trăm mét mà cũng bị bay hết các chốt cửa, trước sân la liệt đầu đạn.

“Tôi đang nằm ngủ thì thấy “ầm” một tiếng, cả ngôi nhà rung chuyển. Sau đó là những tiếng rào rào như mưa. Khoảng vài phút sau tôi mới định thần lại, rồi gọi người nhà lên kiểm tra tầng 3, tầng 4 xem có vấn đề gì không. Rất may vì nhà xa hiện trường nên gần như không bị thiệt hại gì đáng kể. Chỉ có hai chiếc xe ô tô nằm ngoài đường bị thủng kính và móp cửa. Sáng ra, tôi quét sân nhặt được đến nửa bao đầu đạn, nặng đến 20kg. Phải là một quả bom mới có sức công phá kinh khủng đến thế” - ông Căn kể lại, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.

Bà Nguyễn Thị Moan (hơn 80 tuổi, cách hiện trường vụ nổ vài chục mét) run rẩy tường thuật lại sự việc. Lúc ấy hai ông bà đang nằm ngủ trên giường thì thấy một tiếng nổ kinh khủng, rồi căn nhà rung lên bần bật. Chồng bà ôm chặt vợ, bảo: “Chắc là động đất rồi, mau chui vào gầm giường”. Bà Moan định kéo chồng chạy vì sợ nhà sập thì ông chồng giữ lại bảo, “nếu động đất thì nằm trong nhà cũng chết, mà chạy ra ngoài lại càng chết. Thôi tôi đành chết ở đây thôi!”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, nhà khá gần hiện trường vụ nổ kể, nhà chị có 3 phòng, may mắn đêm hôm đó vợ chồng chị cùng đứa con trai 3 tuổi lại ngủ ở phòng cuối, cách xa vụ nổ nhất. Sau tiếng “ầm”, là những tiếng “rắc rắc” vì trần thạch cao ở hai phòng kia rụng xuống. Vợ chồng, con cái vội vàng chạy ra ngoài, sợ sụp nhà. Phía ngoài sân, mái tôn che cũng đã bị thổi bay, các cột kèo gãy hết. “Nhưng thế vẫn còn là may chán các anh ạ. Mấy ngôi nhà nằm sát cạnh hiện trường nhiều người bị thương lắm, còn có người bị tử vong cơ”.

Cơ quan Công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ nổ.

Được biết, tâm điểm của vụ nổ là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn. Đây là ngôi nhà cũ, ông Tạo để không nhiều năm nay nên cho vợ chồng cháu ruột là anh Nguyễn Văn Lợi (29 tuổi) và chị Nghiêm Thị Thắm (23 tuổi) ở nhờ. Anh Lợi và chị Thắm có hai con, một cháu gái 3 tuổi và cháu trai là Nguyễn Tuấn Nam 1 tuổi. Khi vụ nổ xảy ra, cháu Nam đã bị gạch đá đè lên và tử vong.

Tại nhà ông Nguyễn Văn Lê (55 tuổi), ông nội cháu Nam, không khí tang thương bao trùm nơi đây. Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng chật kín người đến chia buồn với gia đình ông. Khuôn mặt vẫn còn thất thần vì không tin nổi sự việc đau lòng đã xảy ra, ông Lê vừa khóc vừa kể. Cháu Nam sinh tháng 7-2016, vừa mới tổ chức lễ tròn một tuổi. Do nhà chật nên con trai ông là anh Nguyễn Văn Lợi cùng con dâu là chị Nguyễn Thị Thắm đã dắt con sang tá túc tại căn nhà của ông Tạo. Chẳng ai ngờ xảy ra vụ việc quá đau đớn.

Hiện anh Lợi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chị Thắm tình trạng nặng hơn nên được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Cả hai người đều chưa biết cháu Nam đã tử vong. “Gia đình tôi vẫn phải giấu chúng nó, không cho hai con biết cháu Nam đã mất. Nếu biết chắc chúng nó không sống nổi nữa”, ông Lê bật khóc.

Nạn nhân tử vong thứ hai là cháu Đặng Thùy Trang (con anh Đặng Đình Tiến và chị Lưu Thị Sen). Theo anh Đỗ Đình Tăng (anh trai của nạn nhân Đặng Đình Tiến), ngôi nhà hai tầng, nằm liền kề với ngôi nhà của ông Tạo là do vợ chồng anh Tiến tích cóp trong nhiều năm mới xây được. Hai vợ chồng cũng thuộc dạng hiếm muộn, lấy nhau mười năm mới có được mụn gái.

Có ai ngờ được rằng buổi sáng hôm đó, vợ chồng anh Tiến vẫn đang ôm bé Trang ngủ say trên giường. Sức ép quá lớn từ vụ nổ khiến bức tường của căn nhà 2 tầng kiên cố đổ sập. Hậu quả cháu Trang tử vong, cha mẹ bị thương nặng, nhập viện cấp cứu.

Thôn Quan Độ còn cả chục người bị thương khác đang được điều trị tại bệnh viện. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an huyện Yên Phong, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ hiện trường, tổ chức khám nghiệm và tiến hành điều tra.

Hiện trường vụ nổ nhìn từ trên cao.

2. Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã có dịp công tác tại Bắc Ninh và có loạt bài “Những làng đồng nát bạc tỷ” phản ánh việc người dân Quan Độ tuy chỉ kinh doanh đồ “đồng nát” song lại giàu lên trông thấy. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy được làng Quan Độ có rất nhiều nhà cao tầng, biệt thự trị giá vài tỷ đồng. Ngoài ra còn khá nhiều xe hơi các loại. Đó là chưa kể nhiều “đại gia” ở Quan Độ còn xuống tiền mua chung cư, biệt thự tại Hà Nội...

Có thể nói nghề đồng nát đã giúp cho người dân Quan Độ khá giả lên trông thấy, song cái giá phải trả nhãn tiền là tình trạng môi trường ở đây bị ô nhiễm khá nặng nề. Trong quá trình tháo dỡ máy móc, dầu mỡ thải xuống kênh mương chảy đen ngòm quanh làng, các ao hồ trong làng cá chết liên tục. Cứ sau vụ gặt, không ít người dân mang phế liệu ra ruộng đốt nhựa lấy đồng, khói bay mù mịt, theo gió ám vào làng, khét lẹt, hôi hám không chịu nổi.

Bên cạnh đó, có một nguy cơ thường trực mà người ở đây cũng phải đối mặt, đó là việc một số người dân vì hám lợi mà thu mua cả những thứ “đồng nát” như cát-tút đạn, hay đầu đạn còn chứa thuốc nổ... về để “rã” thuốc lấy phế liệu.

Theo chị P.T.H. (trú tại thôn Quan Độ) thì cách đây khoảng gần chục năm, cũng tại thôn này đã xảy ra một vụ nổ làm tử vong một người đàn ông. Thời gian qua đi, có lẽ người ta đã quên mất bài học xương máu trên, để rồi vẫn mua đầu đạn về cất giữ trong nhà mà không biết rằng làm như vậy là vô cùng nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Căn, trong 30 năm tham gia thị trường “đồng nát”, nhiều lần được chào mời mua phế liệu có liên quan đến vật liệu nổ, song anh đều từ chối. “Có chăng tôi chỉ mua xác xe tăng, xác máy bay... để rã lấy nhôm, đồng, sắt... Còn những thứ như cát-tút đạn, hay đầu đạn dù được người bán tuyên bố là đã rút hết thuốc nổ, song ai dám chắc được 100%?

Bên cạnh đó, hầu như ai trong nghề này cũng biết rằng, việc tiêu hủy các đầu đạn này là phải do bộ đội làm, chứ người dân không thể có đủ kiến thức hay phương tiện để làm việc này” - anh Căn chia sẻ.

Và một minh chứng cho sự nguy hiểm của những phế liệu là khi chúng tôi đang trao đổi với người dân ở đây xung quanh chuyện mua bán phế liệu thì tại một xưởng gỗ gần đó tiếp tục xảy ra một vụ nổ khiến một người bị thương nặng. Khi đó là khoảng 14 giờ 30 phút, anh Lê Ngọc Hà (43 tuổi,  quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - hiện đang là thợ của xưởng mộc Lan Đàm) trong lúc thu dọn thì nhặt được 1 viên đạn.

Do thiếu hiểu biết, anh này đã đem mài với ý định để làm móc chìa khóa thì bất ngờ viên đạn phát nổ. Hậu quả anh Hà bị thương ở bàn tay trái và đùi phải bị găm 1 mảnh đạn, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 3-1-2018 Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, trú tại thôn Quan Độ) - hiện đang cư trú tại Phố Mới, phường Đình Bảng, TX Từ Sơn, Bắc Ninh, về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Ông Nguyễn Văn Tiến chính là chủ của kho phế liệu bị nổ, trước đó đã thuê đất của ông Nguyễn Văn Tạo để lập cơ sở kinh doanh phế liệu.

Sau vụ nổ, nhiều đầu đạn nằm rải rác khắp thôn Quan Độ.

Tại Cơ quan công an, ban đầu ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận: Vào tháng 12-2016 có thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu; số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và xảy ra vụ nổ. Hiện Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng để xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

3. Còn nhớ năm 2016 tại Hà Đông, Hà Nội, cũng đã xảy ra một vụ nổ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Khoảng 15 giờ ngày 19-3-2016, sau một tiếng nổ lớn, vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông) bị toác rộng, khói lửa bốc cao. Vụ nổ đã khiến 5 người tử vong, 10 người bị thương và khoảng 248 hộ dân xung quanh bị hư hỏng nhà cửa...

Cơ quan chức năng kết luận vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom. Vật liệu nổ này do một trong 5 nạn nhân mua về nhà, rồi dùng đèn khò phá với mục đích lấy sắt vụn bán. Trong quá trình cắt phá bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra vụ nổ lớn.

Được biết theo quy định tại Nghị định số 26/2012/NĐ-CP của Chính phủ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc Cơ quan công an để xử lý theo quy định. Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về chuyên môn quân khí và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.

Đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc các vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành của cơ quan quân sự xử lý, thì Cơ quan công an hoặc UBND nơi tiếp nhận thông tin phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự từ cấp huyện trở lên để thu gom, xử lý. Cơ quan quân sự, công an cấp huyện, cấp trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom được để đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định xử lý theo quy định.

Hai vụ nổ ở Hà Đông và Bắc Ninh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về mối nguy hiểm từ những cửa hàng thu gom phế liệu, những cơ sở tái chế vật liệu nổ để lấy chì, thuốc nổ, sắt, thép... đang tồn tại nhiều nơi trong cả nước. Hơn lúc nào hết chính quyền cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu, nắm rõ các quy định về việc không cất giữ vũ khí, vật liệu nổ. Khi phát hiện những vật liệu nổ cần thông báo đến chính quyền để hạn chế những tai nạn rủi ro có thể xảy ra.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt nhằm nâng cao ý thức của người dân, loại trừ mối nguy hại khôn lường từ việc kinh doanh phế liệu, vật liệu có nguy cơ gây cháy nổ.

Minh Tiến
.
.