Áp lực của lính chữa cháy

Thứ Bảy, 10/06/2017, 17:36
Hầu hết những Cảnh sát chữa cháy khi được hỏi "điều gì tạo áp lực nặng nhất khi đối mặt với đám cháy?" đều có chung câu trả lời: "Áp lực nặng nề nhất là mồm, miệng của người hiếu kỳ".

"Không tiền không xịt nước!"

Đó là câu dè bỉu thường xuất hiện nhất trong đám đông hiếu kỳ bu quanh một đám cháy lớn. Điển hình nhất là vụ cháy ngôi nhà 5 tầng, số 32, phường 13, quận 5 (khu vực chợ Kim Biên), TP Hồ Chí Minh vào ngày 23-3-2017.

Người dân phát hiện tầng 4 ngôi nhà đó có khói và lửa kèm một loạt tiếng nổ nhỏ phát ra lúc 11 giờ 30 phút. 10 người của gia đình chủ hộ đã kịp tháo chạy ra ngoài cầu cứu nhưng 1 cụ ông 70 tuổi còn kẹt lại.

Ngôi nhà nằm trong ô phố thuộc chợ Kim Biên - ngôi chợ kinh doanh hóa chất. Ở khu vực này, các ngôi nhà đều được chủ nhân tận dụng tầng trệt để mua bán lẻ và tận dụng tầng trên làm nơi chứa hàng. Các ngôi nhà mọc san sát nhau nên khả năng cháy lan rất cao.

Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 đã nhanh chóng báo động cho toàn bộ lực lượng PCCC của TP Hồ Chí Minh đồng thời phát lệnh cho lực lượng chữa cháy tại chỗ tiếp cận nhanh hiện trường.

Đồng đội phun nước hỗ trợ trinh sát xông vào gốc lửa.

Lực lượng chữa cháy khu vực chợ Kim Biên không được trang bị thiết bị chữa cháy hiện đại nhưng là đơn vị có quãng đường ngắn nhất để tiếp cận hỏa trường. Trong khi chờ đợi sự chi viện của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp quận 6, lực lượng chữa cháy tại chỗ chỉ có nhiệm vụ phun nước "làm mát nhiệt độ" và hạn chế cháy lan. Trong chiến thuật chữa cháy, "làm mát nhiệt độ" là một thuật ngữ hàm chứa tính chuyên môn cao trong nghệ thuật chữa cháy.

Các nhà chuyên môn cho biết, khi lửa đang bùng phát mạnh, nếu xịt nước thẳng vào trung tâm đám cháy chỉ càng làm lửa cháy mạnh hơn. Cách chữa cháy tối ưu là xịt nước xung quanh để làm mát hỏa trường, đồng thời ngăn chặn cháy lan.

Ít phút sau, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của quận 6 cùng thiết bị chuyên dụng hiện đại xuất hiện. Chỉ sau vài chục phút tấn công, ngọn lửa hung hãn được dập tắt.

Đáng buồn là, trong khi lực lượng chữa cháy đang thực hiện biện pháp cấp thiết đó để giảm cháy lan và "bảo vệ" khu vực nạn nhân còn kẹt trong đám cháy thì những người dân hiếu kỳ xầm xì bàn tán rằng, "lính chữa cháy" không muốn dập đám cháy nên chỉ "xịt nước xìu xìu".

Thậm chí có người quay clip đưa lên mạng xã hội kèm lời bình phẩm độc miệng: "Lính cứu hỏa chờ chủ nhà xì tiền mới chịu chữa cháy".

Những nạn nhân vừa được trinh sát cứu thoát đám cháy khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Những người độc miệng không hiểu rằng, trong thời điểm họ bêu xấu lực lượng chữa cháy thì một tổ trinh sát lửa đã không kể tính mạng xông thẳng vào tâm lửa để giải cứu nạn nhân bị kẹt. Họ cũng không hiểu rằng, nhờ được lực lượng chữa cháy tại chỗ thực hiện đúng nghiệp vụ nên ngọn lửa nhanh chóng bị dập tắt bởi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Với Trung úy Phan Công Hạnh thì ngoài nỗi sợ "người đời độc miệng" thì có một nỗi sợ khác luôn ám ảnh tâm trí người lính chữa cháy. Đó là phát hiện trong đám cháy có người chết.

Hồi năm 2013, nhận tin báo cháy nhà dân ở một con hẻm thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, anh cùng đồng đội lao đến hỏa trường. Khi đến nơi, ngôi nhà 4 tầng đã cháy dữ dội.

Chủ nhà gào khóc cho biết, cả gia đình gần chục người đang ăn cơm ở tầng trệt thì phát hiện tầng 3 bị cháy nên bỏ chạy ra ngoài. Thế nhưng một thành viên trong gia đình lo lắng giấy tờ tùy thân quan trọng bị cháy mất nên chạy thẳng lên tầng 3 và mất hút. Không ai biết tình trạng của người này ra sao.

Phan Công Hạnh được đồng đội hỗ trợ kỹ thuật đã lao thẳng vào nhà tìm nạn nhân. Anh cảm thấy niềm tin của những thân nhân người bị nạn đè nặng lên vai. Họ đã xem anh là vị cứu tinh và trông chờ anh cứu được người kẹt trong đám cháy ra an toàn, nguyên vẹn. Bất chấp cái nóng của hỏa trường, mò mẫm trong khói đặc quánh, trái tim anh như vỡ tung khi phát hiện nạn nhân nằm gục chết giữa ngọn lửa hung hăng. Nạn nhân đã chết vì ngạt khói độc kể từ khi mới lao vào khu vực cháy.

Anh nghĩ, giá như mọi người dân đều biết những điều tối kỵ khi xảy ra cháy để giảm thiểu rủi ro tính mạng.

Nguy hiểm luôn rình rập trong niềm tự hào

Để bảo đảm an toàn trong các phi vụ trinh sát đám cháy, mọi người lính cứu hỏa đều tuân thủ nghiêm những biện pháp nghiệp vụ. Trong đó có biện pháp sử dụng dây ám hiệu.

Khi xông vào đám cháy, người trinh sát cột một sợi dây dài nối với đồng đội bên ngoài. Nếu phát hiện có người trong đám cháy thì người trinh sát giật 2 cái để thông báo cho đồng đội bên ngoài vào hỗ trợ đưa nạn nhân ra ngoài. Nếu gặp nguy hiểm, người trinh sát giật 3 cái liên hồi.

Có lần Trung úy Phan Công Hạnh và vài đồng đội được chỉ huy giao nhiệm vụ trinh sát, tìm gốc lửa dưới tầng hầm một khách sạn lớn đang tỏa ngùn ngụt khói đen. Để xuống tầng hầm, anh và đồng đội phải chia nhau nhiều hướng, len lỏi qua nhiều lối đi hẹp giữa các hàng tủ kệ tối như mực. Tầng hầm rộng, anh đi sâu vào thật lâu vẫn chưa tìm được vị trí phát cháy.

Trinh sát đang thu dọn thiết bị.

Đột ngột đồng hồ báo chỉ số khí thở trong bình oxy sắp cạn. Lúc đó, biết mình đã đi đến cuối đường hầm và sắp tìm được gốc lửa, thay vì quay trở ra, anh cố đi thêm một quãng nữa.

Nhờ vậy, anh đã phát hiện vị trí gốc lửa. Đúng lúc đó, bình oxy cạn. Anh vừa nín thở vừa lần theo dây trở ra vừa giật dây thông báo cho bên ngoài biết mình gặp nguy hiểm. Thế nhưng, sợi dây bị kẹt dưới một chân tủ nào đó. Anh giật mạnh. Chiếc tủ đổ đè lên sợi dây. Anh chỉ còn cách duy nhất là tháo dây khỏi người và chạy thật nhanh ra ngoài bằng trí nhớ trong bóng đêm, khói đen và những lối đi nhiều ngả rẽ.

Điều kinh hoàng nhất đã xảy ra: Anh bị lạc trong khi cơ thể đòi hỏi khí thở. Chỉ cần hít vào một ít khói, anh sẽ ngất và chết. Do thiếu oxy, đầu óc anh bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ. Bản năng sống vẫn bắt anh chạy quáng quàng tìm lối ra.

Đúng lúc tri giác sắp tắt lịm thì đồng đội phát hiện ra anh. Họ dìu anh ra lối thoát. Vừa trông thấy ánh sáng phía trước, anh dùng tất cả sức tàn chạy ào ra ngoài. Thoát khỏi vùng khói, anh ngã vật xuống, lịm đi. Nhờ đồng đội tiếp oxy, mấy phút sau anh mới hồi tỉnh.

Còn Trung úy Nguyễn Thanh Tùng thì nhớ đời vụ "chiến đấu với bom ga" trong vụ chữa cháy một nhà hàng ăn uống ở phường Đa Kao.

Khi xông vào đám cháy, tổ trinh sát do anh dẫn đầu phát hiện gốc lửa ở khu vực chứa ga nhà bếp. Ở đó có một bình ga phát cháy. Xung quanh có gần chục bình ga trong tình trạng van khóa đã mở, hơi ga đang xì ra và tiếp thêm sức cháy. Trong tình trạng đó, mỗi bình ga đều có nguy cơ phát nổ.

Ban chỉ huy tiền phương ra lệnh các chiến sỹ cầm lăng phun nước vào làm mát khu vực cháy, đồng thời yêu cầu tổ trinh sát xông ngược vào trong khóa tất cả các van ga. Khóa xong bình nào, phải di dời ngay ra khỏi khu vực cháy bình đó.

Tổ trinh sát hành động nhanh gọn trong khi trống ngực nhảy đùng đùng. Chỉ cần một bình phát nổ, hậu quả khó lường. Dù đã được trang bị đầy đủ kỹ năng và thiết bị hiện đại để đối diện với những tình huống nguy hiểm nhưng họa vô đơn chí, ai mà không hồi hộp.

Khi chiếc bình ga cuối cùng được khống chế, những người dân chứng kiến đều vỗ tay khen ngợi.

Với Hạnh, với Tùng và tất cả những người lính chữa cháy, những tràng vỗ tay đó tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất nhiều. Có vượt được những trận thập tử nhất sinh mới hiểu được giá trị của những tràng vỗ tay khích lệ của người dân. Và những tràng vỗ tay đó cũng khiến mọi lời dè bỉu của kẻ xấu về Cảnh sát PCCC trở nên vô nghĩa, thậm chí càng khuyến khích anh và đồng đội cố gắng hơn nữa.

"Chữa cháy là trách nhiệm"

Mặc dù có nhiều chương trình tuyên truyền về công tác PCCC nhưng một số người dân vẫn còn mù mờ về lực lượng Cảnh sát PCCC. Có người còn nghĩ rằng, gọi cầu cứu Cảnh sát PCCC khi xảy ra hỏa hoạn sẽ phải thanh toán "phí chữa cháy".

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà xưởng sản xuất tại Việt Nam đều nghĩ như vậy. Đó là lý do nhiều vụ cháy nhỏ không được nạn nhân báo kịp thời đến 114 nên bùng phát thành đám cháy lớn.

Năm 2009, một xưởng gia công hàng thời trang của nước ngoài ở ngoại thành TP Hồ Chí Minh bốc cháy. Hơn nửa giờ sau, thông tin vụ cháy mới được một người dân báo đến lực lượng Cảnh sát PCCC. Sau khi tiếp nhận tin báo, chỉ vài phút sau lực lượng Cảnh sát PCCC đã có mặt nhưng mọi thứ đã cháy sạch.

Một vụ cháy trong hẻm nhỏ ở TP Hồ Chí Minh.

Sau khi điều tra, cơ quan chức năng phát hiện, hỏa hoạn xuất phát từ nguyên nhân chạm mạch điện. Khi ngọn lửa bén vào các nguyên liệu vải, ông chủ là người nước ngoài vừa hô hào công nhân dùng nước dập lửa vừa phát lệnh cấm không ai được gọi điện thoại cầu cứu lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Ít phút sau, ngọn lửa bao trùm khắp xưởng, hàng tỷ đồng hàng hóa biến thành tro bụi.

Hỏi lý do không cho người gọi điện thoại báo cháy, ông chủ người nước ngoài điềm nhiên cho biết: "Tôi nghĩ khoản phí phải trả cho lính chữa cháy cao lắm nên không dám làm phiền". Khi nghe giải thích, ở Việt Nam không ai phải trả phí chữa cháy, ông chủ người nước ngoài rưng rưng nước mắt vì xót của.

Đại tá Nguyễn Văn Hữu - Trưởng phòng Hướng dẫn, Chỉ đạo về chữa cháy, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cách hiệu quả nhất và an toàn nhất, chính là phòng ngừa cháy. Khi đã cháy thì mỗi thời khắc chữa cháy đều quý như vàng. Bởi chỉ cần 2 phút chậm trễ, 1 ngọn lửa nhỏ sẽ biến thành biển lửa. Để phòng cháy và dập lửa hiệu quả nhất, mọi người cần học cách phòng cháy và chữa cháy".

Đại tá Nguyễn Văn Hữu chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất cần cái nhìn cảm thông của mọi người. Khi đang đối mặt với lửa, chúng tôi luôn luôn cần sự động viên của quần chúng nhân dân. Vì đó là nguồn sức mạnh đối với những chiến sỹ đang chiến đấu với lửa".

Nông Huyền Sơn
.
.