Áp lực học tập nhìn từ các vụ tự tử

Chủ Nhật, 13/08/2017, 10:24
Theo một thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm nước ta có đến gần 40 ngàn ca tự sát vì trầm cảm. Đáng lo ngại là bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Mới đây nhất, một nữ sinh 16 tuổi đã gieo mình tự tử từ tầng 25 tòa nhà Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội). Người thân của nữ sinh này cho biết, thời gian gần đây em đã có những biểu hiện bị trầm cảm...

1. Chúng tôi có mặt tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai vào một buổi sáng cuối tuần. Dù đã nhiều lần có mặt tại đây để tác nghiệp, song lần này tôi ít nhiều cảm thấy lo lắng bởi số lượng bệnh nhân và người nhà có mặt tại Viện đông hơn hẳn những lần trước.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng dù rất bận rộn song vẫn dành thời gian dẫn chúng tôi đi tìm hiểu một số ca “nặng” đang điều trị tại đây. Một trong số đó là trường hợp em Hoàng Thị B. (sinh viên một trường đại học lớn ở Hà Nội).

Trên giường bệnh, B. trông gầy gò khắc khổ hơn cái tuổi 18 của em. Lẽ ra vào cái tuổi đẹp nhất, B. sẽ được đi học, đi chơi, thực hiện những ước mơ của mình. Vậy mà giờ đây B. chỉ là một khuôn mặt vô hồn, một cơ thể ốm yếu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần thăm khám cho một nữ sinh bị trầm cảm do áp lực học tập.

Được biết, B. là con gái út trong một gia đình có 4 chị em gái. Từ nhỏ B. đã học rất giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình. Học đến bậc THPT, B. thậm chí còn được tuyển chọn vào vòng thi Olympic quốc tế. Nhưng đột nhiên, sau khi vào đại học được một thời gian, B. có những biểu hiện lạ. Em ăn ít, ngủ ít hơn, thỉnh thoảng còn bỏ học (điều chưa từng xảy ra đối với em suốt hơn chục năm cắp sách tới trường).

Rồi một ngày, B. vẫn đến trường song tối không thấy về. Người nhà cuống lên đi tìm thì thấy em lang thang ở sân trường, miệng lẩm bẩm những điều vô nghĩa. Đưa về nhà, mấy lần B. trèo lên ban công ngồi vắt vẻo ở trên lan can. Thế rồi phụ huynh phải nhờ người vác xuống rồi cắt cử người trông giữ 24/24h.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, trường hợp như B. không phải là hiếm gặp. Tháng trước có cháu Phạm Minh P. (SN 2001, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phải nhập viện trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Thật đáng trách là bố mẹ cháu dù thấy con mình có những biểu hiện bất thường về thần kinh, song lại chủ quan, tự chữa khiến cho bệnh tình cháu ngày một trầm trọng.

Được biết P. cũng có thành tích học tập khá tốt từ bé. Khi vào bậc THPT, P. có biểu hiện mệt mỏi tăng dần, đặc biệt khi sắp đến kỳ thi thì sợ hãi, khóc lóc mỗi khi đi học, vào lớp hoặc cầm sách vở. Dù bố của P. là bác sĩ nhưng gia đình lại đi cúng bái khắp nơi. Thấy con không khỏi thì ông lấy roi dâu đánh con để trừ tà, rồi thậm chí còn đốt bùa để chữa bệnh khiến P. bị bỏng.

“Điều đáng tiếc nhất là, khi cháu P. được các bác sỹ chữa trị, bố mẹ cháu vẫn không tin con mình bị bệnh tâm thần”, bác sĩ Dũng cho biết.

Cháu Trương Quang Đ. (SN 2002, trú tại Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng cứ mơ mơ tỉnh tỉnh. Cháu bảo thỉnh thoảng lại  thấy “những tiếng động chát chúa” trong đầu. Ngày nào cũng một cơn từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Càng ngày, “những tiếng động” tăng dần khiến cho Đ. không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Có lúc cơn bệnh phát đỉnh điểm, Đ. chỉ muốn trèo lên cây cao và nhảy xuống.

Các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý đến sức khỏe tâm thần của con em, tránh để bệnh quá nặng mới đi thăm khám.

Người thân của Đ. chia sẻ, từ nhỏ sức khỏe của Đ. bình thường, tiếp thu bài học tốt. Thậm chí Đ. còn là niềm tự hào của cả gia đình khi học THCS đã đạt nhiều giải trong các cuộc thi học sinh giỏi toán của tỉnh. Đ. thường xuyên được gọi vào đội tuyển thi học sinh giỏi toán của trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây gia đình phát hiện Đ. có những biểu hiện lạ như: ít trò chuyện cởi mở, ngại tiếp xúc, sống thu mình. “Thời gian đầu, chúng tôi chỉ nghĩ do tâm lý con trai đang tuổi lớn, nhưng mức độ ngày càng tăng, kết quả học tập sụt giảm đáng kể. Cháu mất ngủ và gần như không tiếp xúc với mọi người, ngay cả với người thân, cảm xúc thất thường nên chúng tôi đưa cháu đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc, yêu cầu nhập viện điều trị”, mẹ của bệnh nhân Đ., cho biết.

Và một điều bi hài là khi cháu mới nhập viện, phụ huynh của Đ. cứ khăng khăng cho rằng: “Con tôi thông minh lắm, làm sao mà bị bệnh thần kinh được!?”. Họ không biết rằng ai cũng có những nguy cơ về sức khỏe tâm thần. Dù thông minh hay ngu đần thì dưới những áp lực trong học tập, trong gia đình, trong quan hệ với bạn bè, chưa kể những thương tổn có từ trước... đều có khả năng bị rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm.

2. Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, hiện có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Tính riêng trong năm 2016, Viện Sức khỏe tâm thần khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18 nghìn lượt bệnh nhân trầm cảm; điều trị nội trú gần 500 lượt bệnh nhân. Trung bình, mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Đặc biệt, theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, qua cuộc khảo sát tại 3 trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện Sức khỏe tâm thần nhận được những con số báo động. Khảo sát trên 5.000 học sinh thì có đến 18% số học sinh có những biểu hiện cần phải quan tâm về sức khỏe tâm thần, 2% trong số đó phải áp dụng các biện pháp điều trị bắt buộc.

Còn theo thống kê của chúng tôi, thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ học sinh, sinh viên tự tử mà nguyên nhân là do trầm cảm.

Một bệnh nhân bị trầm cảm do áp lực học tập.

Tháng 7-2017, một nam sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông đã nhảy từ tầng cao của ĐH Kiến trúc Hà Nội xuống đất, tử vong tại chỗ.

Sự việc xảy ra khoảng 22 giờ ngày 10-7-2017, nhiều sinh viên nghe thấy một tiếng động lớn phía bên ngoài sân trường. Khi chạy ra, họ nhìn thấy một nam thanh niên nằm bất động. Được biết nam sinh này mới 19 tuổi, quê Thanh Hóa, có tiền sử bị rối loạn cảm xúc.

Nam sinh này cũng có hoàn cảnh khá éo le. Mẹ đã mất cách đây 8 năm, bố thì đang biệt tích. Nam thanh niên sống cùng người thân ở Hà Nội. Qua quá trình khám nghiệm hiện trường và làm việc với gia đình nạn nhân, bước đầu cơ quan chức năng xác định nam thanh niên có dấu hiệu bị trầm cảm và nhảy từ tầng tum của tòa nhà tự tử.

Năm trước, tại Đại học Thăng Long (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), cũng xảy ra vụ việc nữ sinh nhảy từ tầng 9 xuống tự tử. Nạn nhân được làm rõ là N.T.D.L (sinh năm 1991, trú ở phố Kim Mã, Ba Đình), khi đó đang theo học Khoa Kinh tế của trường.

Được biết nguyên nhân của sự việc đau lòng trên là L. bị bệnh trầm cảm. Do lực học yếu nên L. vẫn phải theo học để hoàn thành nốt chương trình còn dở dang. Theo đúng tiến trình, lẽ ra L. đã tốt nghiệp từ năm ngoái.

Mới đây nhất, ngày 1-10-2017, nữ sinh Nguyễn Thu Tr. (SN 2001, hiện đang học tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội) cũng đã tìm đến cái chết.

Khoảng 20 giờ tại tòa nhà CT2A, chung cư Tân Tây Đô (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) Thu Tr. đã leo lên tầng 25 của tòa nhà B và nhảy xuống. Thời điểm này, có người đi xe máy ngang qua chứng kiến, vì quá hoảng sợ cũng ngất luôn trên đường.

Được biết, Tr. cũng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Bố mẹ em đã ly hôn từ lâu, bố lấy vợ, mẹ cũng lập gia đình mới. Tr. được biết là một học sinh giỏi toàn diện, và cũng rất ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô và sống thân thiện với hàng xóm.

Theo bác sỹ Nguyễn Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lứa tuổi vị thành niên dễ bị những sang chấn tâm lý. Đó là với các cháu thiếu niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện dễ mắc các rối loạn cảm xúc lo âu rồi dẫn đến trầm cảm. Ví dụ như áp lực học tập quá lớn, ăn uống không đủ chất, ăn kiêng quá mức. Hoặc cháu trở thành “điểm sáng” quá mức - do gia đình tạo ra như học lực của cháu có thể thuộc loại khá nhưng lại được khen quá, được nuông chiều quá mức. Cũng có thể từ những mâu thuẫn của gia đình như bố mẹ bất hòa, kinh tế kém, bố nghiện rượu... Hoặc cháu bị vướng vào mâu thuẫn với cộng đồng như bị bạn bè trêu chọc, xa lánh.

Hiện trường vụ nữ sinh 16 tuổi tự tử do bị trầm cảm.

Bên cạnh đó cũng có thể do khi mang thai, người mẹ ăn uống không đủ chất, hoặc đời sống tinh thần kém, sống nội tâm... khiến cháu bé cũng có lối sống nội tâm ẩn mình dễ gây nên chứng trầm cảm. Ngoài ra còn có thể do bản thân cháu đã bị bệnh nội sinh, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến bị rối loạn cảm xúc, là cửa ngõ đi vào các bệnh về tâm thần.

Ngoài ra áp lực ở trường, áp lực về học tập cũng là một lý do đáng kể. Ban đầu những cháu này đều có xu hướng chán học, chán nản, ăn uống kém, sụt cân, hay lo âu, rối loạn thần kinh thực vật, run chân tay, vã mồ hôi hoặc ngủ kém, hay có ác mộng, giấc ngủ nông, tỉnh dậy không ngủ lại được... Về lâu về dài nếu không kịp thời được phát hiện, chăm sóc sẽ dẫn đến trầm cảm và những hậu quả rất đáng tiếc.

Cần sớm phát hiện và điều trị những rối loạn cảm xúc cho trẻ vị thành niên

Chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con cái có những dấu hiệu lo lắng, mệt mỏi, cần tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này là gì. Nếu là sang chấn tâm lý do các mâu thuẫn trong gia đình thì cần phải xử lý trước. Sau đó động viên con tự xây dựng một kế hoạch học tập tốt nhất, có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp để giữ sức khỏe...

Bên cạnh đó không được tự đưa con đi uống các loại thuốc Nam, hay tự mua thuốc về uống, hoặc cúng bái... Bố mẹ cần bàn bạc với giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát cháu, có biến cố thì phải có cách xử lý ngay. Đồng thời nên đến các bác sỹ chuyên khoa về tâm lý, tâm thần để tìm ra nguyên nhân chính và xử lý bằng các liệu pháp tâm lý, uống thuốc... Tránh để quá lâu, các cháu bị những rồi loạn tâm thần rồi mới đến bệnh viện.

“Trong giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ (như mẫu giáo, cấp tiểu học, THCS) nên để cho các cháu có cuộc sống vui nhộn, hoạt động chân tay nhiều hơn. Cần hết sức tránh tạo cho các cháu những áp lực quá sớm, đưa cháu vào những mục đích quá lớn... dễ dẫn đến những biến chứng tâm lý hoặc dẫn đến phát bệnh tâm thần” - bác sỹ Dũng khuyến cáo.

Yên Chi
.
.