Australia nhìn gần: Không phải là thiên đường ma túy

Thứ Năm, 01/12/2011, 08:00
Nhiều lưu học sinh "dân chơi", thậm chí cả người Việt đã sống lâu tại Úc, vẫn đồn thổi rằng nước Úc thoáng đến độ đã trở thành "thiên đường" cho người sử dụng cần sa, thuốc lắc, "nước biển" và "đập đá"… Sự thật liệu có phải như vậy?

>>Lừa đảo nhà và khuôn mặt máu ở Sydney

Những tưởng "thiên đường"…

Khi chúng tôi tới bãi đỗ xe của khu Trung tâm Đua thuyền Quốc tế ở Sydney, hàng ngàn chiếc ôtô đã đỗ chật kín những bãi đỗ xe khổng lồ. Tiếng nhạc dance vọng tới từ hòn đảo lớn nằm biệt lập trên mặt hồ Penrith vọng ra dồn dập, cộng với tiếng trực thăng quần đảo trên đầu… tạo ra một không khí cực kỳ phấn khích.

Đại nhạc hội Q-Dance chuyên về dòng nhạc hard dance với quy mô khổng lồ dành cho 15.000 người lần này, diễn ra vào tháng 9/2009, được chuyển về Sydney sau vụ ầm ĩ hồi năm 2008 tại Melbourne với hàng chục "dân chơi" phải lên xe cấp cứu tới bệnh viện vì sốc ma túy.

Báo chí Úc hồi năm 2008 râm ran phẫn nộ với cảnh một đại nhạc hội cho khoảng 2.500 người mà có đến 8 chiếc xe cấp cứu được gọi tới, đồng thời chỉ đích danh thủ phạm là loại ma túy "nước biển" GHB được bán với giá rẻ bèo, 7 đôla cho một lọ 2ml.

Đích thân người phát ngôn của Q-Dance, nhà tổ chức chương trình nhạc dance hàng đầu trên thế giới có trụ sở chính tại Hà Lan với hàng loạt show diễn nổi tiếng khắp các quốc gia như Defqon, Dominator, Q-Base, Q-Dance, Qlimax, Qore, Qountdown, The Qontinent, X-Qlusive…, đã tuyên bố với báo giới là sẽ chuyển địa điểm khỏi Melbourne để tránh bị liên lụy đến danh tiếng. Địa điểm được lựa chọn của năm nay là Trung tâm Đua thuyền Quốc tế Sydney tại Penrith, nằm biệt lập bên ngoài phía tây bắc thành phố sầm uất nhất nước Úc.

Vượt qua cây cầu nối đất liền với hòn đảo, ngay trước cổng vào khu biểu diễn là hàng loạt cảnh sát đứng thành dãy. Án ngữ ngay trên đường vào là những chú chó nghiệp vụ chuyên phát hiện ma túy. Ngay khi phát hiện mùi đáng ngờ trên người khách, việc lục soát sẽ được giao cho đội cảnh sát hỗ trợ đứng túc trực ngay bên cạnh. Tất cả người tham dự Q-Dance đều phải đi qua hệ thống kiểm tra gắt gao này. Thậm chí cho đến khi vào tận cửa soát vé, khách vẫn phải trải qua thêm một lần kiểm tra vật dụng mang theo người để đảm bảo không có vũ khí và ma túy.

Thế nhưng hệ thống kiểm tra ngặt nghèo tầng tầng lớp lớp đến như vậy vẫn không ngăn được đám dân chơi tuồn ma túy vào trong nhạc hội. Bắt đầu từ 10 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ tối, nhưng chỉ đến tầm 3-4  giờ chiều là nhiều dân chơi đã lăn kềnh ra đất và đội cấp cứu phải vào khênh ra. Có người lả đi do mất nước vì nhảy nhiều dưới trời nắng, có người mặt mũi tím ngắt do sử dụng ma túy quá liều. Những nhân viên an ninh mặc thường phục ngay lập tức xuất hiện khi có người bị sốc thuốc và báo cho nhân viên cứu thương khênh ra trong ánh mắt bình thản của những bạn nhảy bên cạnh.

An ninh và cảnh khuyển phát hiện ma túy luôn dày đặc tại các buổi biểu diễn nhạc dance nổi tiếng.

P., một dân chơi người Úc đi cùng nhóm chúng tôi, cho biết tình cảnh này trong những buổi trình diễn nhạc nhảy lớn là bình thường, nhất là tại những buổi biểu diễn ban ngày. Những "thợ pop" (tiếng lóng chỉ người sử dụng thuốc lắc và "nước biển" GHB với số lượng nhiều) do dùng pha lẫn các loại thuốc kích thích cho đủ đô đã bị sốc dưới trời nắng nóng và  tiếng nhạc hard dance "thúc" dồn dập, thuốc "lên" nhanh quá hãm không kịp.

Có nhiều dân chơi tranh thủ trước khi vào cổng đã "tổng hợp" toàn bộ số thuốc mang theo đề phòng bị bắt… mà sốc. Có dân chơi vào đây gặp nhiều nhóm bạn khác nhau, mỗi người chia cho một ít nên lộn thuốc… mà sốc. Còn chuyện mang được chất kích thích vào trong thì có nhiều cách để trốn qua cửa an ninh, và nhiệm vụ đa phần do nữ giới đảm nhiệm. "Cứ để ý một chút thôi, khi trời chiều trở lạnh và "thuốc" xuống, dân chơi sẽ kéo nhau đi mua pill (tiếng lóng chỉ thuốc lắc) nhiều lắm", P. nói.

Khi những cơn gió lạnh từ mặt hồ bắt đầu hắt lên là lúc thuốc bắt đầu "xuống", những gương mặt ngáo ngơ bắt đầu lang thang ngó nghiêng. Một cô gái tóc vàng chỉ mặc trên người chiếc quần naughty girl ngắn đến mức không thể ngắn hơn, phần phía trên chỉ có một chiếc bra vắt bó ngang ngực tiến đến phía tôi xin thuốc lá. Sau mấy câu buôn chuyện dò hỏi, cô gái ghé sát tai tôi hỏi: "Mày còn pill thừa không để lại cho tao mấy viên?". Nhận được cái lắc đầu, cô nhìn tôi một lúc tỏ vẻ không tin, rồi xin thêm một điếu thuốc nữa và lang thang ra chỗ khác tiếp tục dò hỏi. Tôi ngạc nhiên hỏi P. tại sao cô ấy lại ra hỏi pill ở một người châu Á như tôi. P .cười trả lời rằng dân châu Á ở đây chơi pill nhiều lắm, và người đi bán là dân châu Á và dân Liban cũng nhiều, nên bị hỏi là chuyện bình thường.

P. cũng cho biết những đại nhạc hội chuyên về nhạc nhảy như thế này là thời điểm dân buôn bán chất kích thích làm ăn dữ dội, tìm mọi cách đưa hàng vào trong để bán. "Thử để ý mà xem, nói không quá chứ cứ 10 người vào đây phải đến quá nửa là chơi thuốc, nhiều hay ít mà thôi. Tại những buổi nhạc đánh suốt 12 tiếng như thế này, toàn là những DJ nổi tiếng trên thế giới đánh nữa, không chơi thuốc thì phí, không phí thì cũng không chịu nổi", P. cười.

Quả thực, qua những buổi trải nghiệm tại những đêm nhạc dance nổi tiếng trên thế giới được tổ chức tại Úc như Defqon, Stereosonic, White Dance, Godskitchen… với những tên tuổi DJ hàng đầu thế giới như Tiesto, Armin Van Buren…, không khó để nhận thấy số lượng dân chơi "phê thuốc" là không ít.

Đại nhạc hội tầm cỡ Stereosonic với những DJ hàng đầu thế giới và đám đông hàng chục ngàn người hò hét là "thiên đường" cho dân chơi ma túy.

Tại đêm White Dance chơi từ 7 giờ tối ngày 31/12/2009 cho tới 5 giờ sáng ngày 1/1/2010 ở Melbourne, còn có cả những màn "hài kịch" cười đau ruột khi nhiều dân chơi bỏ qua cả những màn trình diễn rực lửa, bỏ qua cả khoảnh khắc đếm ngược đón chào năm mới để loanh quanh đi tìm thuốc bị rơi trong lúc nhảy. Hơn chục gương mặt lúc thì ngáo ngơ, lúc thì buồn thiu cứ lang thang trong sân vận động đầy người, mắt cắm chặt xuống chân mọi người, hễ cứ thấy miếng nylon nào là cúi xuống nhặt… đã vẽ lên một bức tranh khác về những cuộc chơi hào nhoáng trên đất Úc.

Ma túy không chỉ được dùng nhiều trong các cuộc chơi tầm cỡ mà giá vé tham dự luôn từ 100 đô-la trở lên mà còn phổ biến ở các sàn nhảy, thậm chí trong những cuộc chơi tại gia. Không khó để mua ma túy ở Úc. Đó là sự thực. Bất kể thứ gì, từ cần sa, thuốc kích thích dành cho các buổi tiệc tùng như Estacy, "nước biển", cho đến loại ma túy dành cho các buổi rủ rỉ tâm sự "đập đá"… miễn là người dùng có nhu cầu, có tiền và có quan hệ.

Người lạm dụng ma túy, tùy theo nhu cầu và túi tiền của bản thân, có thể lựa chọn đủ loại: cần sa (khoảng 50 đô một túi ở Sydney và 25-30 đô ở Melbourne; thông dụng hơn là speed (hỗn hợp trộn lẫn của amphetamine và "đá", từ loại tinh chất cho tới bột hoặc tinh thể, nén dạng viên, trong con nhộng hoặc nước đặc) với giá 50 đô; thông dụng nhất trong các buổi tiệc tùng là thuốc lắc (giá từ 22-25 đô nếu mua qua mối quen hoặc 35 đô nếu mua bên trong club); đắt nhất trên thị trường phi pháp, sành điệu nhất và mạnh nhất là ice và coke (tùy thuộc vào cấp độ A hay B mà giá dao động từ 300-400 đô/gram)…

Sang Úc từ khi còn nhỏ, T. được chính dân chơi ở Sydney gán cho cái biệt danh "real party-goer" (dân chơi thực sự). Nắm biểu giá "hàng" rành rọt, quen thuộc từng ngõ ngách, quan điểm của T. là hễ chơi thì cứ loanh quanh trên mạn trung tâm, không dại gì mò xuống những khu đông người Việt, dễ va chạm mà lại không an toàn.

Theo T., lịch của một dân chơi châu Á mỗi tối cuối tuần phải kéo dài tầm 18 tiếng mới gọi là phê. Thông thường, cuộc chơi bắt đầu theo một chu trình cố định: chiều ngồi nhà làm một chai Tequila lấy khí thế, tối tầm 9h bắt đầu mò lên Golden Palace hoặc Supply ở khu China Town, chơi chán đến tầm 4h sáng thì đi ăn đêm, và tăng cuối cùng là từ 6h sáng cho tới 11 giờ sáng ở Hunter bar. "Với lịch chơi kín mít như thế, không chơi thuốc vào thì sức đâu chịu nổi", T. giải thích.

Được T. giới thiệu, tôi được "gửi" đi cùng một dân chơi gốc Việt xuống Melbourne để khám phá "2 đầu cầu ăn chơi của nước Úc". Tối thứ 6, P. dẫn tôi bước vào Bubble club. Theo lời P giới thiệu, đây là "lãnh địa riêng", chỉ đánh toàn nhạc trance để phục vụ dân châu Á vào tối thứ 6 hàng tuần. "Trance mới bay lắc được, chứ các pub khác chủ yếu chỉ đánh R&B. Ngay đến dân Úc mà muốn chơi thuốc cũng phải tụ về đây", P. cho biết.

Sau khi làm nóng người bằng vài shot Tequila, nhóm của P. chụm đầu vào thì thầm rồi một người đi về phía góc cầu thang khu dành cho người hút thuốc. Khi người đó quay lại, kín đáo đưa bàn tay về phía sau rồi chìa ra, ở giữa những ngón tay đang kẹp lại là những viên thuốc lắc. "Bán thuốc ở đây thì dân Việt cũng có mà dân nhọ cũng có. Ngày trước thì còn công khai hơn nữa, bảo vệ phát hiện ra ngăn cản thậm chí còn bị đánh. Có một thời Bubble đúng là dân Việt lên làm vua, thậm chí đi vào không phải xếp hàng vì bảo vệ bị đánh nhớ đến nhẵn mặt. Nhưng bây giờ thì khác rồi, làm gì cũng phải kín đáo, còn cảnh sát thì chỉ bắt những bọn buôn bán lớn thôi, chứ dân dùng thì họ không để ý đâu", P. tiết lộ.

"Nếu anh dùng kín đáo không để nhân viên bảo vệ phát hiện thì thoải mái. Ở nhiều sàn nhảy, nếu phát hiện ra mình mang theo thuốc thì họ chỉ không cho  mình vào thôi, chứ không có chuyện bắt giữ. Tôi không biết nếu bị cảnh sát phát hiện và khám xét thì sẽ như thế nào vì chưa bao giờ bị bắt cả", T. cũng khẳng định như vậy khi tôi hỏi liệu dùng ma túy ở đây mà bị bắt thì hậu quả sẽ như thế nào.

Tôi đã có câu trả lời cho những phân vân của mình, có điều nó khác hẳn với những gì P. và T. nói, khi chứng kiến phiên tòa xét xử người dùng ma túy trái phép tại Penrith.

Hệ lụy đắng chát

Một đồng nghiệp thực tập tại tờ Sydney Morning Herald, khi biết tôi đang tìm hiểu về đề tài sử dụng ma túy, đã đưa tôi xuống tham dự một phiên tòa tại Penrith, xét xử những người sử dụng ma túy trái phép trong Đại nhạc hội Defqon lần thứ 2 tại Sydney. Lần thứ 2 tham dự Defqon, tôi đã chứng kiến cảnh sát làm ngặt nghèo hơn hẳn so với đợt 1: số lượng cảnh sát và chó phát hiện ma túy nhiều hơn, cảnh sát ngầm và đặc tình được bố trí từ tận ga Penrith cho tới bãi gửi xe và cả bên trong khu biểu diễn.

Đồng thời, giống như đợt 1, xe đo nồng độ cồn và xét nghiệm nhanh ma túy trong máu án ngữ luôn con đường độc đạo dẫn vào Trung tâm Đua thuyền Quốc tế Sydney. Kết quả của việc kiểm tra nghiêm ngặt này là thông báo của cảnh sát sau buổi trình diễn: 355 người bị khám xét, 75 người bị buộc tội, trong đó có 4 người bị buộc tội cung cấp trái phép ma túy và 63 người bị buộc tội sử dụng ma túy.

Hành lang khu tòa án Penrith tràn ngập "dân chơi" bị buộc tội, luật sư và người nhà đi cùng. Những khuôn mặt căng thẳng, lo lắng, thậm chí tuyệt vọng tràn ngập trên các hàng ghế chờ đợi xung quanh phòng xử án, thay thế cho những khuôn mặt hớn hở. Những bộ cánh nghiêm túc đã thay thế cho những bộ quần áo đầy màu sắc. Những mái tóc được cắt chải và nhuộm màu nghiêm túc thay thế cho những mái đầu đủ kiểu đủ màu mới đây. Những chiếc khuyên tai, khuyên mũi, khuyên môi đã được tháo bỏ. Họ đến đây, phập phồng chờ đợi sự phán xét của luật pháp. Nếu bị tuyên bố là có tội, tương lai của họ gần như đã bị khép lại: tù tội, án treo, lý lịch tư pháp có vết đen, bị buộc phải trình diện thường xuyên…

Giọng nói sang sảng pha lẫn phẫn nộ của vị thẩm phán đứng tuổi bác bỏ những lý do biện minh của bị cáo, thậm chí lớn tiếng mắng mỏ những hành vi sai trái. Những tiếng trả lời lý nhí lẫn lời ăn năn thống thiết của bị cáo. Những tiếng mềm mỏng thanh minh của luật sư bào chữa… khiến cho không khí trong phòng xử cực kỳ căng thẳng. Một thanh niên tóc vàng gần như khóc nấc lên trong phòng xử với cái án 6 tháng tù treo và 5.000 đô tiền phạt. Một thanh niên tóc đen chỉ thiếu nước nhảy cẫng lên khi biết mình chỉ phải chịu 1 năm thử thách kèm theo một vài giờ lao động công ích…

Ai trong số 63 người bọn họ sẽ phải chịu mức án cao nhất theo luật pháp của bang New South Wales lên tới 2 năm tù cho tội danh sử dụng trái phép chất ma túy? Những mảng miếng số phận ấy rồi sẽ được định đoạt bởi luật pháp. Sự trả giá đắt đỏ cho những hành vi vi phạm luật pháp ấy, sẽ không xảy ra, nếu như họ, cũng như T. và P., biết được rằng, hoặc không quên rằng, đây không hề là thiên đường để sử dụng ma túy, như họ vẫn nghĩ

Việt Đông
.
.