Bà “hiệp sĩ” cứu hộ giao thông đường 5

Thứ Năm, 27/10/2016, 11:30
Chẳng ai bảo ai mướn, hơn 40 năm qua, bà Đào Thị Liên (68 tuổi, ở xóm 3, thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, Hải Dương) không ngại khó, ngại khổ tự nguyện cứu giúp những người bị tai nạn giao thông (TNGT) trên quốc lộ 5. Hành động của bà đã góp phần cứu sống hàng trăm người bị tai nạn thoát khỏi vòng tay “tử thần”. Với những hành động nghĩa hiệp, bà Liên đã được phong tặng danh hiệu “hiệp sỹ” giao thông.

Nhiệt tình trong việc cứu người

Đến ngã 4, xã Phúc Thành, hỏi địa chỉ nhà bà Liên cứu hộ giao thông, tôi được một người bán hàng nước chè ven quốc lộ 5 chỉ dẫn: “Nhà bà Liên “hiệp sỹ” cứu hộ TNGT ở bên kia đường, chỗ quán cơm phở ấy. Quán cơm phở đó là do vợ chồng người con trai bà ấy bán đấy. Không chỉ bà Liên tham gia cứu hộ đâu mà mấy người con, cháu cũng tích cực cứu người lắm. Không có mấy mẹ con, bà cháu bà Liên, chắc nhiều người đã chết rồi. Ở đây ai cũng quý trọng bà ấy”.

Đến đúng quán cơm phở bên cạnh đường 5, nghe tôi hỏi về bà Liên, một người đàn ông quay sang tôi vừa nói vừa chỉ tay vào nhà bên: “Bà Liên đang khám cho bệnh nhân đấy”. Vào trong nhà, tôi thấy bà Liên đang tìm ven để chọc đầu dẫn dây truyền nước cho một người bệnh đang nằm trên giường. Bà có mái tóc bạc, dáng đậm, to béo, khỏe mạnh và phúc hậu. Nghe tôi giới thiệu, bà Liên quay ra bảo: “Chú cứ ngồi đợi tôi một chút nhé. Để tôi truyền nước cho bà ấy xong sẽ tiếp chuyện chú”.

Trong khi đợi bà, tôi nhìn ngắm gian phòng khách khoảng hơn chục mét vuông, thấy căn gian phòng được bài trí khá sơ sài, một cái ti vi cũ đặt góc phòng, một cái bàn uống nước đã cũ kỹ, một tủ thuốc đặt ngay cạnh cầu thang lên gác.

Trên tường của gian phòng khách và gian bên cạnh cho con trai làm chỗ bán hàng, tôi thấy rất nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu, kỷ niệm chương... do các cấp, bộ, ngành trao tặng. Trong đó, tôi thấy có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Kỷ niệm chương của Bộ Giao thông - Vận tải; danh hiệu “Hiệp sỹ Giao thông” do chương trình Total Hiệp sỹ Giao thông trao tặng cho bà Liên... vì những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam.

Ngoài cứu nạn những người bị TNGT, bà Liên còn khám chữa bệnh cho người dân trong làng.

Sau khi đặt chai nước truyền cho bệnh nhân lên cái móc trên cây cọc inox cắm ở đầu giường, bà Liên quay sang tiếp chuyện tôi. Bà xởi lởi, rôm rả trò chuyện khiến tôi có cảm giác thân quen, gần gũi, xóa tan khoảng cách chủ - khách. Nghe bà Liên kể, tôi được biết, thời trẻ bà từng đi dân công hỏa tuyến, cứu tải thương binh, từ đó bà đã mong ước được học ngành y để cứu người. Bà Liên tâm sự: “Trong khi các bạn tôi ai cũng chọn ngành thương nghiệp, kế toán, tài chính để làm được nhiều tiền, còn tôi chỉ thích học ngành y để cứu người”.

Cầu được ước thấy, năm 1968 bà được huyện cử đi học ngành y. Hai năm sau, học xong bà định xung phong vào chiến trường làm bác sỹ quân y để cứu chữa bộ đội bị thương. Sau gia đình có việc, bà không đi chiến trường nữa và ở lại công tác tại bệnh viện quê nhà, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái.

Do làm công việc bác sỹ, cộng với nhà ở gần QL5 nên ngay những năm 70 của thế kỷ trước bà Liên đã giúp đỡ người TNGT rồi. Ai đi đường ngã, hay bị xe đâm phải là bà chạy ra giúp. Ai bị thương nhẹ, bà lau rửa băng bó vết thương. Những trường hợp nặng hơn, bà sơ cứu, băng bó rồi đưa đi bệnh viện. Từ đó, bà Liên bắt đầu cuộc hành trình của người “hiệp sĩ” cứu giúp người bị TNGT ở QL5.

Bà Liên kể cho tôi nghe một số vụ TNGT tại ngã tư này: “Năm ngoái, hôm đó vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng, chị Nguyễn Thị Thúy 35 tuổi, người ở xóm 1, thôn Thái Dương Nam, chở con gái là cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh đi học. Khi qua đường, xe của mẹ con chị Thúy bị một ô tô khách đi ngang qua đâm phải. Xe máy văng ra, chị Thúy nằm ngất lịm, còn cháu Ánh nằm trên xe máy cũng trong tình trạng bất tỉnh. Lúc này xe máy đang bốc cháy.

Thấy mẹ con tôi lao vào để cứu, ai cũng gàn bảo, chết rồi cứu làm gì nữa. Mặc mọi người nói, mẹ con tôi vẫn làm công việc mà mình thấy nên làm. Dập lửa xong, mẹ con tôi đưa cháu bé ra khỏi xe máy, rồi làm hô hấp nhân tạo cho cháu bé. Sau khi băng bó vết thương cho cả hai mẹ con chị Thúy, tôi cùng một số người dân nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện. Sau đó, mẹ con chị Thúy được người nhà đưa lên Bệnh viện Việt Đức chữa trị. Hiện nay, mẹ con chị Thúy đã khỏe mạnh”. 

Bà Liên tiếp tục kể: “Còn vụ TNGT gần nhất xảy ra ngày 12-9 vừa qua, tại ngã tư này, trong thời gian cách nhau 10 phút xảy ra liền 2 vụ TNGT. Vụ đầu xảy ra vào lúc 18 giờ 10 phút, vụ tai nạn xảy ra giữa một người đi xe máy va vào một người đi xe đạp. Lúc này, trời đã nhá nhem tối, tôi cùng con trai mang theo túi y tế chạy ra hiện trường. Rất may, nạn nhân chỉ xây xát nhẹ. Tôi lau vết thương, rồi băng lại. Sau đó, nạn nhân có thể tự đứng dậy đi về.

Về nhà được ít phút lại nghe có tiếng người ồn ào về một vụ tai nạn khác. Vụ này, cũng do xe máy va chạm với xe đạp nhưng nạn nhân vụ này bị nặng hơn. Nạn nhân là ông Trần Văn Soát (58 tuổi), người trong làng. Khi va chạm, ông Soát bị ngã, đầu đập xuống đường. Tôi nghi với tác động va chạm như thế, nhiều khả năng bị chấn thương sọ não. Mẹ con tôi liền sơ cứu, băng đầu rồi đưa ông lên cáng đưa vào bệnh viện huyện. Sau đó gọi cho người nhà đến để làm thủ tục đưa lên Bệnh viện Việt Đức trên Hà Nội. Đến giờ, ông Soát đã về điều trị, tĩnh dưỡng tại nhà rồi.

Đang kể bất chợt gương mặt bà Liên chùng xuống xót xa, tiếc nuối. Bà kể tiếp: “Hôm sau, vào lúc 1 giờ đêm, cũng tại đoạn đường này lại xảy ra một vụ TNGT khác. Nạn nhân là một người trong làng, do trời tối đã đâm vào lan can đường. Lúc đó đêm khuya, mọi người đã ngủ say, không ai biết. Sáng dậy, mọi người mới phát hiện ra thì nạn nhân đã chết rồi. Tiếc quá, nếu mọi người biết, phát hiện kịp thời sẽ cứu được thanh niên đó!”.

Nghe bà Liên kể đến những cảnh tượng kinh hoàng của các vụ TNGT, bà bệnh nhân đang nằm truyền nước trên giường quay ra nói: “Bà Liên bạo lắm. Chứ như chúng tôi cứ nhìn thấy máu me đã rụng rời chân tay rồi. Còn bà ấy cứ lao vào cứu người, chẳng sá gì cả”.

Làm ơn mắc... rắc rối

Nhờ được mẹ con bà Liên sơ, cấp cứu, đưa đến bệnh viên kịp thời nên các bác sỹ đã cứu sống được hàng trăm bệnh nhân. Nhiều người sau khi khỏe mạnh đã trở lại thăm hỏi, cảm ơn tấm lòng nhân đức của mẹ con bà đã cứu mạng họ. Mẹ con bà cũng vui khi cứu giúp được các nạn nhân thoát khỏi nguy kịch.

Tuy nhiên cũng có một số vụ việc, sau khi sơ cứu, đưa nạn nhân đi viện, mẹ con bà lại gặp chuyện rắc rối, bởi người nhà nạn nhân nghi ngờ, đổ oan cho mẹ con bà lấy tiền, tài sản của người thân họ, thậm chí có người còn đổ oan cho mẹ con bà chính là người gây ra tai nạn.

Bà Liên nhớ lại vụ việc “làm ơn mắc oán” với bao nhiêu rắc rối kèm theo: “Đó là năm 2010, một thanh niên ở xã Kim Lương, cũng trong huyện Kim Thành bị tai nạn. Sơ cứu, băng bó vết thương xong, mẹ con tôi đưa cháu vào bệnh viện. Sau khi tỉnh dậy, cháu bảo lúc đi có mang trong người 30 triệu đồng để lo công việc.

Bà Liên bên cuốn sổ ghi chép lại thông tin những vụ TNGT trong 10 năm qua mà bà đã cứu hộ, giúp đỡ người TNGT.

Khi sơ cứu cho cháu, mẹ con tôi không thấy trong người cháu ấy có tiền. Người nhà nạn nhân cứ nằng nặc đổ cho mẹ con tôi lấy tiền của con cháu họ. Thằng con tôi bực quá vặc lại với họ rằng: “Mẹ con tôi chẳng quản cứu người không kể công, chúng tôi lấy tiền làm gì cho phải tội mà lại đổ oan cho mẹ con tôi”.

Vụ việc lùm xùm đến cả công an vào cuộc điều tra chú ạ! Khi công an hỏi một số người chứng kiến vụ tai nạn xảy ra đều khai và làm chứng là mẹ con tôi không lấy tiền của nạn nhân. Trong đó một người khai, trước khi mẹ con tôi vào cứu nạn nhân, anh ấy đã nhìn thấy một thanh niên vào “hôi của” của nạn nhân rồi bỏ đi. Một thời gian sau, Công an bắt được người thanh niên lấy tiền của nạn nhân kia. Khi bị bắt, thanh niên đó khai đã lấy tiền của nạn nhân và đã tiêu hết rồi. Lúc đó, mẹ con tôi mới được giải oan”.

Tôi hỏi: “Những lúc bị đổ oan, bị hiểu lầm như vậy, có khi nào bác nản lòng trong việc cứu người bị TNGT không?”. “Con tôi lúc đầu cũng bực mình và chán nản lắm. Vì mình làm ơn, vừa mất thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc để cứu người mà không những không được lời cảm ơn lại còn mắc oán, gặp bao nhiêu rắc rối. Còn tôi không thấy nản. Tôi chỉ nghĩ và thường bảo với các con rằng: “Mình cứu người xuất phát từ cái tâm, chứ không ai bắt mình phải làm cả. Nhiều người được cứu họ vẫn biết ơn, người dân xung quanh cũng biết đến mình làm vì tấm lòng nhân đạo. Còn chẳng phải vì một số người vu oan, hiểu lầm mà mình từ bỏ việc làm nghĩa tình cao quý đó các con ạ!”. Sau đó, các con tôi cũng nghe ra và vẫn đồng hành cùng tôi cứu giúp người bị TNGT đến giờ”, bà Liên đáp.

Mong sao... không còn TNGT

Nhà bà Liên là một điểm cứu hộ TNGT, có giường cho nạn nhân nằm, trong nhà được trang bị đầy đủ tủ thuốc, dụng cụ y tế, sổ, bút ghi chép vụ việc do một dự án “Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu TNGT QL5 tỉnh Hải Dương” do Tổ chức Liên hiệp Đoàn Y tế Tây Bắc quốc tế tài trợ năm 2006. Đến năm 2009, dự án kết thúc, từ đó đến nay, bà Liên phải dùng những đồng lương hưu ít ỏi để mua sắm vật dụng, đồ dùng phục vụ cho việc cứu người, trong đó có một số trang thiết bị khá đắt tiền như: một áo nẹp cột sống trị giá 500 nghìn đồng, một nẹp chân giá 350 nghìn đồng...

Tôi hỏi: “Sau khi sơ cứu nạn nhân TNGT có ai trả tiền công hoặc trang thiết bị vật tư y tế mà bác bỏ tiền ra mua không?”. Bà Liên cho biết: “Ai trả tiền, tôi chỉ tính tiền dụng cụ y tế bông, băng, gạc thôi, chứ không lấy tiền công sơ, cấp cứu, đưa đi viện. Thậm chí ai không có tiền, cũng thôi, chứ tính làm gì”.

Trong hành trình trở thành người cứu hộ đường 5 của bà Liên cũng lắm chuyện bàn ra tán vào lắm. Người thì bảo bà hâm, gàn, ôm việc vào thân. Người bảo hay chắc bà này có mục đích gì đây, chứ người ta tránh còn chẳng được còn bà này cứ sấn vào như việc nhà mình... Bà Liên chẳng để ý đến những lời bàn tán đó mà chỉ tập trung cứu người. Sau đó, người dân xung quanh thấy bà Liên cứu người vô điều kiện, không tư lợi nên từ nghi ngờ, đàm tiếu chuyển sang tin tưởng, yêu mến, có vụ tai nạn nào cũng gọi bà Liên ra cứu hộ và nhiều người tham gia cùng cứu hộ với bà.

“Bây giờ, tôi không còn đơn độc trong việc cứu hộ TNGT nữa rồi. Hai con trai tôi là Đoàn Ngọc Quyến, Đoàn Ngọc Quý, cùng 2 người cháu đều tham gia cứu hộ cùng tôi. Rồi làng xóm, những người hành nghề xe ôm cũng tham gia. Hiện nay, có hơn chục gia đình ở ven QL5 cùng một đội xe ôm cũng sẵn sàng hỗ trợ mẹ con tôi cứu hộ người TNGT”, bà Liên cho biết.

Đến bây giờ, bà Liên cũng chẳng nhớ hết trong suốt hơn 40 năm qua đã cứu giúp bao nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, từ khi được dự án cấp cho sổ ghi chép số vụ việc tai nạn, bà Liên đã ghi chép tỷ mỉ ngày giờ xảy ra vụ việc, tên tuổi nạn nhân, quê quán, đơn vị công tác, bị làm sao, sơ cứu thế nào... Theo đó, bà Liên cứu hộ khoảng 500 vụ TNGT, với hơn 500 nạn nhân, trong đó rất nhiều vụ, nạn nhân là người trong làng, trong xã và nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành khác.

Trước khi chia tay bà Liên, tôi hỏi: “Bây giờ bác đã cao tuổi rồi, không còn khỏe và nhanh nhẹn như xưa nữa, bác đã nghĩ đến lúc mình cần nghỉ ngơi chưa?”. Bà Liên nói: “Tôi còn nhớ hồi năm 2012, bác Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi đó cũng có hỏi tôi: “Bác tuổi cao rồi đã tính chuyện nghỉ làm cứu hộ chưa?”.

Tôi bảo: “Em còn làm đến khi nào không đi được nữa mới thôi. Chứ còn sức khỏe và TNGT còn xảy ra thì em còn làm công việc cứu người bác ạ! Khi nào không làm được em sẽ truyền lại cho các con, các cháu tiếp tục công việc cứu hộ giao thông bác ạ! Đấy tôi trả lời bác Doan như vậy”.

Nói xong, tôi thấy gương mặt nữ “hiệp sĩ” già chợt ưu tư: “Tôi cũng chỉ mong sao không còn TNGT. Lúc đó không còn cảnh máu chảy, không còn cảnh tang thương, bố mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha mẹ... vì TNGT”.

Việt Cường
.
.