Bác Kim

Thứ Sáu, 03/08/2007, 10:00

Tôi không nhớ tôi được làm quen rồi thân với ông như thế nào, chỉ nhớ hồi ấy là những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông đang ở tuổi 60. Với một “nhà văn trẻ” như bọn tôi – tôi nói “bọn tôi” ấy là kể cả nhà văn Nguyễn Trọng Tín từ Đất Mũi ra – chúng tôi được “chơi” với ông quả là may mắn và tốt duyên.

Có lần ba cha con đi nhậu, ông bảo, tớ thích lên Tây Nguyên với lại đi miền Tây một chuyến. Cả hai đứa tôi đều bốc đồng hứa rằng, chuyện dễ, để đấy chúng con lo. May mà chuyến đi Tây Nguyên năm ấy với tôi diễn ra khá “ngọt”. Ấy là cũng may tôi dựa được vào ông Giám đốc Sở Văn hóa Gia Lai - Kon Tum Trịnh Kim Sung mở cho tỉnh nhà một cái trại viết.

Trại viết mời ba ông thầy to kếch sù, ấy là nhà văn Kim Lân, nhà văn Mạc Phi và nhà văn Nguyễn Kiên. Ông bảo tôi đi thì đi nhưng chớ có phiền lụy ai, chớ có quan trọng hóa và chớ có đao to búa lớn thầy bà. Tôi hứa nhất định không. Con hứa với bố là con thực hiện đúng lời hứa “ba không”: không phiền lụy; không quan trọng hóa; không đao to búa lớn thầy bà...

Ba yêu cầu ấy đối với ai thì khó, nhưng đối với cánh anh em văn nghệ thì quả là được lời như cởi tấm lòng. Ông Giám đốc Sở Văn hóa Trinh Kim Sung cũng là bạn vong niên của tôi rất có cảm tình với cả ba ông nhà văn “lớn thế mà dễ tính thế”. Nhất là “bố già Kim Lân” – hồi ấy tôi hay láo lếu gọi ông như thế -  xuề xòa, đơn giản, thích ở nhà khách sở hơn ở khách sạn có đủ tiện nghi.

Ở nhà khách sở thì được gần với anh chị em trại viên hơn. Được ăn chung, ở chung với nhau nó mới ra cái anh cán bộ cách mạng - ông hóm hỉnh và cũng rất thật tình nói với chúng tôi thế.

Không cái chuyện gì qua được con mắt nhìn của ông, ông không quy ra cách diễn giải hóm hỉnh, đùa bỡn, khôi hài được. Có mấy thầy cô giáo đến thăm ông, nhờ tôi “làm mối”. Họ ngưỡng mộ ông quá đến mức khi gặp ông cứ lúng túng không biết trò chuyện sao cho tự nhiên. Ông bảo, các thầy, cô cứ coi tôi như thằng Đỉnh đây này, cũng nhố nhăng thôi mà. Có khi lại còn nhố nhăng hơn ấy chứ lị. Thế là tất cả cùng cười vang, phá đi cái không khí nghiêm trang “kiểu của các nhà sư phạm”. Các thầy, cô mời ông đến trường nói chuyện, ông từ chối một cách rất chân thành và... kiên quyết: Nói thật với các thầy cô, ngồi chơi, nói chơi giữa cánh mình với nhau thì được chứ cứ hễ lên bục nghiêm chỉnh là “người anh em” như gà mắc tóc, chả đâu vào đâu.

Nhà văn Kim Lân cùng con trai - họa sĩ Thành Chương.

Khi cánh giáo viên ra về rồi, ông thở dài bảo tôi: Khổ, có mấy cái truyện ngắn in trên sách giáo khoa nên người ta mới biết, người ta lại cứ tưởng mình là quan trọng, chết chửa!  Đấy, ông Kim Lân là thế. Ông không như một vài người khi thấy người ta ngưỡng mộ mình lại có những động thái “long trọng viên” để “giải quyết khâu oai”.

Mấy chục năm qua đi, tôi vẫn chưa bao giờ thấy ông già hơn. “Chơi” được với ông là vì tôi mê tính khí khoan hòa nhưng cũng rất rạch ròi cứng cỏi, yêu thì yêu chí thiết, đã yêu thì dù có lỡ sai hẹn hay vì mải mê chuyện này chuyện kia không ghé thăm được vẫn không giận, không trách. Mà đã ghét thì ghét ra trò, không để bụng, không thù vặt nhưng phải rạch ròi, có lần ông bảo tôi vậy.

Rồi ông nói thêm, như nói với thằng con: “Ăn tùy nơi chơi tùy chốn” các cụ đã dạy thế. Có thế nó mới ra cái thằng người hẳn hoi tử tế. Ít khi ông lên lớp, nói giọng bề trên, nhưng có lẽ vì ông quý, ông yêu nên ông cũng đôi lần... nhắc nhở. Vâng, tôi cũng bị “lây” cái tính yêu ghét rạch ròi đôi khi cũng “hơi bị khó chịu” của ông, nên càng mê ông hơn.

Bản tính ông thì từ trước đến giờ vẫn thế, vẫn hóm hỉnh, chân tình, tuế tóa, dễ gần. Ông vẫn sống giản dị, thanh nhàn và cả cực đoan nữa. Hồi tôi mới “chơi” với ông, thỉnh thoảng đèo ông bằng xe đạp đến quán đánh chén – Từ “đánh chén” là của ông đấy.

Có lần đến giữa đường, gặp một người ông vốn không ưa, thế là ông đập liên hồi vào lưng tôi bắt tôi rẽ ngay lối khác - để khỏi nom thấy “của nợ” ấy. Lại có lần đi uống bia hơi, vào tới cửa quán, thấy một người ông vốn không thích, thế là ông lôi tuột  tôi ra ngoài. Ông là người như thế, không phải như thế là hay, nhưng tôi rất mê lối sống “thẳng thừng” của ông.

Có tới cả năm trời nay ông “bận” vì  cứ dăm bữa nửa tháng lại vào viện, vài hôm kha khá lại ra viện. Tôi bảo ông, cái "thằng hen" nó láo lắm, nó quần cho ông mệt hơi đuối sức, nhưng nó không ngờ gặp phải ông là “bậc cao thủ” hay coi thường nó, trêu chọc nó bởi cái tính hiếu động, nghịch ngợm của ông, cho nên nó mới cứ hay dở trò đấy thôi. Ông cười hóm hỉnh mà rằng, ấy là vì “người anh em” cũng chán nhau quá rồi. Ở đời không cái gì chán bằng cái anh già yếu. Đã già lại còn yếu nữa, thế có chết không kia chứ!

Nói rồi ông phá lên cười, tất nhiên không “phá” lên được như dăm ba năm trước. Ông bảo,  cũng là do mình làm cái nghề cứ hay để ý người ta... thế thôi. Chứ người ta thì chỉ có mỗi cái việc là phấn đấu... Ông liếc sang mấy người bạn bệnh đang vươn vai thể dục. 

Tôi nhớ có lần tôi ta thán với ông, đại ý rằng, lao động nhà văn, nhất là nhà văn viết tiểu thuyết, không thể gọi khác được, ấy là lao động “khổ sai”, một kiểu  “khổ sai tự nguyện”. Vậy mà tương lai về kết quả của công cuộc lao động ấy là hết sức mù mờ. Người lao động lại chỉ có thể vịn vào niềm tin và năng lực của mình, cùng những ảo tưởng về người đọc nhiều hay ít,  rất khác nhau, theo cái cách ảo tưởng của từng người. Kẻ có tài ít thì kết quả được ít người đọc. Người có tài hơn thì có nhiều người đọc hơn, đấy là theo cách đánh giá thông thường.

Trong lịch sử văn học, có không ít nhà văn đương thời bị bỏ rơi, bị quên lãng, khi chết đi mới được đánh giá cao, đánh giá đúng. Nghiệt ngã là vậy nhưng các nhà văn đâu có ngán! Thời nào cũng có những cây bút thường xuyên cho ra mắt bạn đọc những cuốn dày cồm cộp, lại cũng có những ông cứ lùi mãi, lùi mãi, lùi cho đến khi phải thốt lên rằng: “Lạy thánh mớ bái, “người anh em” chịu, không viết được nữa!”.

Câu ấy là của ông, nhà văn Kim Lân, bậc thầy truyện ngắn một thời. --PageBreak--

Tôi nghe câu ấy mấy chục năm nay rồi mà vẫn cứ hy vọng ông già nói vậy mà không phải vậy.  Nhưng rồi thời gian thì cứ năm nọ sang năm kia, bảo không viết được nữa thì quyết không phải. Nhưng bảo là có viết, đang viết thì nghe cũng đã hơi bị... sốt ruột. “Sốt cái con tiều”, ông già bảo tôi. “Viết ngắn viết dài, viết nhanh viết chậm là do cái tạng của mỗi người, ép cũng chả được”.

- Con không tin thế, đó chỉ là cách nói. Tôi phản ứng.

- Anh không tin là việc của anh, ông già nói. Thằng nhà văn nào cũng thích viết được nhiều tác phẩm hay. Nhưng cái món ấy cố gắng làm sao được? Càng cố gắng càng hỏng chứ chả chơi. Chuyện được mất là của giời cho, chả thằng nào chớp được của thằng nào đâu!

Rồi ông cười phá lên, tiếp.

-   Nhưng mà cái nhà ông giời ông ấy kẹo lắm! Ông ấy chỉ thí cho mỗi anh một tí thôi, anh nào lao động cật lực mà có thực tài thì ông ấy mới để mắt đến. Thế cho nên mới có nhiều anh tưởng bở ngon ăn, cứ hùng hục đào bới, chẳng chịu học hỏi gì, kết cục sách chồng cao hơn người mà vẫn trắng tay. Lại có anh viết được đôi cái kha khá rồi, lấy làm thỏa mãn ngồi vuốt đến mòn đùi, xác râu, mãi rồi thành ra thói quen, không viết được nữa. Anh ta mới là người có nhiều lý do “chính đáng”.

Mấy anh nhà văn có lương, cũng dễ có lý do để mà biện hộ. Tiền nong không giàu nhưng phần cứng lương cũng đủ cho vợ đi chợ, không quá bức xúc. Cứ nghiệm từ mình  ra, ông già  hạ giọng. Nhiều khi cũng trăn trở, cũng thức trắng đêm, cũng chò chõ ngồi vào bàn, cũng gọi được thằng cha cảm hứng hẳn hoi, nhưng lại vấp phải “ông bạn vấn đề!”. Chẳng ai ép mình mà không hiểu sao chính mình lại cứ dương “ông ấy lên” thành ra trọng đại, thế là “người anh em” tự thu mình lại, tự nhủ mình rằng: vấn đề này cần nghĩ cho chín cái đã, và lý do buông bút như vậy đúng quá  rồi còn gì (?!).

Ông già lại khoái trá phá lên cười rất to khiến tôi cũng cười hùa theo vang nhà.

- Vâng. Con chỉ khác bác ở chỗ là sao  khó tìm được cảm hứng quá!

- Anh lại mắc bệnh nghiêm trọng rồi! Cảm hứng đúng là phải đi tìm nó thật. Nhưng mà cũng chớ nên quan trọng nó quá. Viết văn đâu phải chỉ có mỗi thằng cảm hứng mới giúp ta viết được? Còn nhiều chuyện khác nữa chứ?

- Con cho rằng đã làm nghệ thuật thì đều phải cần có cảm hứng! Tôi tiếp. Mà cảm hứng thì cũng phải có vấn đề gì gây kích thích cho ta nữa chứ, tôi phụ thêm.

- Đúng! Nhưng văn chương nghệ thuật đâu phải chỉ có mỗi cái “ông vấn đề ” mới gây kích thích cho ta cảm hứng? Anh nên nhớ rằng, ở đời có cả linh tinh bậy bạ lẫn nghiêm trang. Có đẹp, có xấu. Có cao thượng, có hèn mạt. Có anh đóng bộ complê, lại cũng có anh xộc xệch. Có thằng là ma, lại cũng có thằng là thằng người hẳn hoi. Thằng nhà văn là thằng biết gom các chuyện linh tinh ấy lại, và cả biết phóng to hay thu nhỏ nó lại, “chế” nó  thành món ăn tinh thần, gây cảm xúc, gây kích thích cho người ta sống, thế là “ăn”. Món giải trí cũng là một món ăn ngon với mọi tầng lớp người, vậy mà chúng ta rất hay quên, đấy mới là lỗi.

- Đúng thế. Con thấy người Việt mình cũng lắm trò thông minh hóm hỉnh, nhưng   mà trong văn học đương đại lại ít cái món này thật.

- Phàm phải thông minh mới hóm hỉnh được, ông già nói giản dị...

Mấy tháng nay gặp thời tiết nặng nên cái thằng cha mệt nó tấn công ông mạnh hơn. Nhằm chơi khăm nó, ông bảo tôi, ta chơi mẹo bỏ thuốc, bỏ rượu, bỏ trà, chỉ uống nước nhạt...

Mệt thì mệt thế, nhưng hễ lần nào đến thăm, ông cũng bảo tôi, khá rồi, nhưng nó chơi đểu mình, nó kéo dài quá... Ông nói đến cái sự sống chết nhanh chậm cũng giống nhưng nói chuyện văn chương ở đời. Cái cách ông già thể hiện hóm mà giản dị khiến ta yên lòng. Có lần ông hỏi tôi cái quyển sách tôi đang viết dở đã xong chưa. Tôi bảo con cũng viết chậm lắm. Ông cười:

- Viết nhanh mà hay như cụ Đốt (Đốttxtôiépxki) thì cũng nên viết.

Tôi thú nhận:

-  Con cũng có nhiều “lý do chính đáng” cho cái sự chậm của mình lắm. Một là ham chơi. Đang viết bạn rủ đi chơi, thế là tếch. Mà đi chơi hàng tháng, thậm chí hàng năm trời chứ có ít đâu. Lại có khi đang viết, bạn rủ đi viết kịch bản phim truyền hình, kiếm chút đồng mọn, thế là nhất trí ngay. Rồi gì nữa? Viết báo, viết kiếm ăn theo đơn đặt hàng với lý do “lấy ngắn nuôi dài”, thực ra tuyền lấy ngắn nuôi ngắn! Mà khổ nỗi, làm gì cũng thấy đơn giản và ít nặng nề hơn viết văn. May là cũng có lúc “điên” lên, quên hết,  cắm mặt cắm mày vào “phang”; “phang” xong mới biết mình cũng là tay chịu khó!  Cách “giải quyết” ấy thực ra là vẫn mang nặng tính tài tử, nghiệp dư, khó có thể khá lên được!

-  Anh còn trẻ, còn sức khỏe mới “chơi” kiểu ấy được. Chứ già rồi “chơi” thế nguy lắm! Mà xem anh vẫn chưa thoát khỏi vòng cương tỏa của cái lối nghĩ “vấn đề”  “nghiêm trọng” đấy nhỉ? Nhà văn Kim Lân nói và nhìn tôi vẻ giễu cợt.

- Vâng. Có lẽ tuổi con cũng hết hồn nhiên rồi! Thức trắng một đêm là biết nhau ngay. Hồi ba bốn mươi, thức vài đêm liền là chuyện cơm bữa.

Ông nhìn tôi âu yếm, tâm sự:

- Già hay trẻ, hồn nhiên hay không hồn nhiên, thức nhiều hay thức ít, tất nhiên tuổi tác có ảnh hưởng, nhưng phải nói thật, đến chết cái nết không chừa, các cụ đã dạy thế, cấm có sai. Cái nết đây là nói cái tính nết, cái bản tính của anh chứ còn thời gian và sự từng trải cũng giúp cho ta đằm lại, sâu  sắc hơn, nhưng không phải vì thế mà nó chi phối hết cả mọi điều đâu.

Cứ đọc lại Nam Cao và Vũ Trọng Phụng mà xem, hai ông ấy viết mỗi người một kiểu, nhưng đều viết trẻ mà chín chắn sâu sắc, hóm hỉnh thông minh nữa đấy? Trong khi đó hồn nhiên, có thể nói tự nhiên như Nguyên Hồng thì từ thời trẻ cho đến khi già vẫn thế, nếu không hồn nhiên làm sao Nguyên Hồng viết được những bộ tiểu thuyết dài như vậy?

Về tôi nghĩ, ở đời thật khó lắm thay! Viết ngắn, viết dài, viết nhanh, viết chậm, rốt cục chẳng có ý nghĩa bao lăm. Cái chính là sự chân thành. Yêu nghề thì phải say mê lao động. Lao động cho có hiệu quả hết cái “tạng” của mình, cũng là một cách. Im lặng, không viết nữa, leo qua cái dốc mà mình đã leo, người ta đã leo, thì leo làm gì cho nhọc, cũng là một cách...

Đêm qua, nhà tôi mơ thấy ông về ăn cơm với chúng tôi, sáng ra kể cho tôi nghe giấc mơ rồi nhắc tôi đi thăm ông, thế mà đến chiều có tin ông mất. Ông đã ra đi thanh thản và mẫu mực như chính cuộc đời bình dị của ông vậy

Trung Trung Đỉnh
.
.