Bác sĩ trại tạm giam, chuyện chưa kể…

Chủ Nhật, 15/12/2019, 10:50
Đã 15 năm gắn bó với nghề khám chữa bệnh cho can phạm nhân, Đại úy, bác sĩ Kiều Văn Hưng (Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình) cảm nhận rõ sự vất vả, khó khăn khi đối mặt với những người từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho xã hội.

Người chiến sĩ, bác sĩ ấy luôn tâm niệm rằng, người mắc bệnh thì dù là phạm nhân hay người bình thường đều phải được chăm sóc tận tình chu đáo. Tâm huyết, trách nhiệm với nghề chính là động lực để bác sĩ Kiều Văn Hưng và đồng đội gieo mầm thiện, giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời.

Bác sĩ ở nơi đặc biệt

Kiều Văn Hưng sinh ra và lớn lên ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trong gia đình thuần nông. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kiều Văn Hưng được cử đi học lớp đào tạo ngắn hạn về y tế, sau đó, anh được tuyển dụng làm y sĩ tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hòa Bình.

Ở môi trường công tác mới, Kiều Văn Hưng nhanh chóng bắt nhịp với công việc, trau dồi kinh nghiệm, tiếp cận với kiến thức y khoa mới, phương pháp điều trị hiện đại vận dụng vào thực tiễn công tác. Với tính cách khiêm nhường, nội tâm sâu sắc, anh dễ dàng nắm bắt tâm lý cũng như tình trạng bệnh của cán bộ, chiến sĩ. Từ đó tư vấn về bệnh lý, phương án điều trị giúp đồng đội nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở lại công tác, chiến đấu.

Bác sĩ Hưng động viên phạm nhân yên tâm điều trị bệnh.

Sau thời gian ngắn công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Kiều Văn Hưng được điều động về Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh. Mặc dù được nghe nhiều câu chuyện phức tạp, nguy hiểm của trại tạm giam, song anh cũng không nghĩ rằng thực tế lại khó khăn, vất vả đến thế. Khu giam giữ là thế giới hoàn toàn khác xa bên ngoài, nơi có nhiều thành phần trong xã hội, từ những người nông dân, đến thạc sĩ, tiến sĩ, những người có địa vị cao trong xã hội, giàu có, đối tượng lưu manh, côn đồ, mại dâm, cờ bạc...

Nguy hiểm hơn, số đối tượng mắc các căn bệnh truyền nhiễm, thậm chí mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS không phải hiếm. Là bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với can phạm nhân, chỉ một sơ suất nhỏ có thể sẽ lây bệnh. Trong thực tế không ít trường hợp, y, bác sĩ vô tình bị lây nhiễm HIV/AIDS, sau đó lây truyền sang vợ, con.

“Có lúc chúng tôi hoang mang, lo lắng trước áp lực công việc, song không vì thế mà lùi bước. Đó còn là động lực thôi thúc chúng tôi nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Bởi luôn được Ban Giám thị và đồng đội động viên, chia sẻ; gia đình, người thân ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ” - bác sĩ Hưng chia sẻ. 

Can phạm nhân là những người vi phạm pháp luật, có người từng gieo rắc tai họa cho biết bao người, song với các bác sĩ Trại tạm giam, đó là người bệnh. Thậm chí, cả tử tù, những người đếm ngược đến cái chết, các bác sĩ vẫn quan tâm, tận tình cứu chữa.

“Nếu vượt quá khả năng của Bệnh xá, chúng tôi kiến nghị Ban giám thị đưa tử tù đi chữa trị ở các cơ sở y tế ngoài xã hội. Mỗi con người dù xấu xa vẫn mang trong người tính bản thiện. Bên cạnh việc trị bệnh, chúng tôi gần gũi, động viên, giúp can phạm nhân có niềm tin vào cuộc sống, khơi gợi cái thiện trong con người họ, giúp họ nhận ra lỗi lầm và sửa chữa để trở thành người có ích cho xã hội” - bác sĩ Hưng chia sẻ.

Chữa tâm bệnh cho tử tù

Với những phạm nhân lĩnh án tử, họ thường có tư tưởng tiêu cực, bất cần, chống đối, la hét. Đây là nhóm đối tượng mà các anh phải đặc biệt lưu tâm và đảm bảo sức khỏe cho đến khi thi hành án. Các anh phải hạn chế tối đa việc xảy ra tình trạng phạm nhân chết hoặc tự sát trong quá trình giam giữ. Nắm bắt được tâm lý các tử tù, bác sĩ Hưng và cán bộ quản giáo thường xuyên động viên, khuyên giải để tử tù chấp hành các quy định tại tạm giam, không có biểu hiện tiêu cực, bỏ bữa, giả bệnh để chống đối cán bộ quản giáo.

Đối với những tử tù bị bệnh, các anh tổ chức thăm khám định kỳ, kịp thời phát hiện và trị bệnh cho họ, cấp thuốc cho họ uống. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc của các anh cũng thuận lợi. Nhiều tử tù biết trước cái chết nên sẵn sàng chống đối quyết liệt, khiến các anh đau đầu, mệt mỏi.

Mỗi lần nhắc đến tử tù Tráng A Pha (47 tuổi, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) các y, bác sĩ ở Bệnh xá lại thở dài. Đây là đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép nên hắn vô cùng lỳ lợm. Quá trình thụ án, hắn thường gào thét, giả câm, hỏi không nói, gọi không thưa, ra hiệu bằng tay, không hợp tác với cơ quan điều tra và cán bộ quản giáo. Lần đầu hắn giả bệnh, kêu đau đớn, yêu cầu được đưa lên tuyến trên điều trị.

Một buổi giao ban tại Bệnh xá Trại tạm giam.

Sau khi trao đổi, thống nhất, các bác sĩ đồng ý theo yêu cầu đối tượng để hắn được toại nguyện. Quá trình áp giải đối tượng đến bệnh viện tỉnh, các anh bố trí lực lượng bảo vệ đông đảo, không để đối tượng lợi dụng bỏ trốn. Những lần sau đó, tử tù Tráng A Pha tiếp tục giả bệnh, các anh có biện pháp cứng rắn, kiên quyết, vừa răn đe, giáo dục, vừa động viên, khuyên giải để đối tượng chấp hành các nội quy của Trại. “Những trường hợp như vậy khiến chúng tôi khá vất vả, tốn nhiều công sức” - bác sĩ Hưng cho biết.

Có những tử tù dù biết trước cái chết vẫn giữ được vẻ mặt lạnh lùng, bình thản. Đó là Dương Ngô Duy (SN 1973, ở thôn Đồng Gai, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), một trùm ma túy khét tiếng, kẻ từng đích thân lái xe từ Bắc Giang lên Sơn La mua 100 bánh heroin đưa về xuôi tiêu thụ. Khi tòa tuyên án, hắn bình tĩnh đón nhận kết cục, thậm chí hắn viết đơn xin được thi hành án sớm.

Trái ngược với vẻ lạnh lùng bên ngoài, Dương Ngô Duy sống khá nội tâm, thường nhắc về gia đình, người thân. Khi cha mất, hắn không thể về chịu tang, nỗi đau giằng xé tâm can, hắn buồn bã, chán nản không thiết ăn uống. Lần đầu tiên, bác sĩ Hưng thấy hắn khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen. Tính bản thiện trong con người hắn thức tỉnh.

Có lần, do cùm quá lâu, hắn bị tê cơ, đau khắp mình mẩy. Lúc đó là ban đêm, không chịu được, hắn la hét, gọi cán bộ quản giáo. Ngay trong đêm, bác sĩ Hưng cùng cán bộ quản giáo có mặt tại buồng biệt giam, tiêm thuốc giảm đau, xoa bóp, không lâu sau hắn khỏi bệnh.

Không chỉ là cán bộ y tế có trách nhiệm, bác sĩ Hưng còn kiêm chức “cán bộ quản giáo”. Mỗi khi thăm khám bệnh, anh thường động viên, giáo dục để tử tù không bỏ bữa, chấp hành nghiêm các quy định của Trại. Chia sẻ buồn vui với tử tù, gợi lại những kỷ niệm tốt đẹp để tử tù thấy được giá trị cuộc sống. Khi biết tin người con gái đầu đỗ đại học ở Hà Nội, Duy vui lắm. Gặp cán bộ quản giáo, hắn chuyện trò rôm rả, kể về con mà lòng tự hào, nét mặt rạng ngời. Người em trai của hắn làm nghề lái xe, 1 tháng đôi lần thăm gặp, hỏi han, động viên, thông báo tình hình, động viên để hắn yên tâm.

“Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công” - bác sĩ Hưng chia sẻ.

Cuộc hội ngộ trong nước mắt

Nhắc lại kỷ niệm sâu sắc về nghề, các anh kể cho chúng tôi câu chuyện về cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau gần 40 năm xa cách. Cuộc gặp đặc biệt ấy xảy đến vào thời điểm tháng 4 năm 2015, phạm nhân Đỗ Xuân Rộng (SN 1948, ở xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, bị bệnh tâm thần), trong quá trình thụ lý tại trại tạm giam, đột nhiên bị cơn đau quặn ruột, mặt tím tái. Ngay trong đêm, các y, bác sĩ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, lấy ý kiến từ phía đại diện gia đình là chị Nguyễn Thị Thơ ở phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình (là cháu vợ của ông Rộng), các bác sĩ quyết định mổ. Đúng thời điểm này, một sự việc bất ngờ xảy đến làm thay đổi cuộc đời ông. Tối 23-4 (trước ngày mổ), khi biết tin sẽ phải mổ, ông Rộng đột nhiên nhớ lại những gì xảy ra trước kia.

Bác sĩ Hưng luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc; Động viên bệnh nhân là công việc thường ngày, không kém phần quan trọng của bác sĩ Hưng.

Quê ông ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, gia đình có 7 anh chị em. Ông nhớ có người em trai tên là Đỗ Ngọc Tơ và một người chị gái tên Tằm. Những thông tin trên được chị Nguyễn Thị Thơ ghi lại tỉ mỉ. Đây có thể là thông tin hé lộ về thân phận của phạm nhân Đỗ Xuân Rộng.

Sáng hôm sau, chị Thơ ra bưu điện Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình điện khẩn về địa chỉ người tên là Đỗ Ngọc Tơ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội). Thật bất ngờ, ngay ngày hôm sau, có một người đàn ông trạc 60 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tìm gặp ông Đỗ Xuân Rộng. Người đàn ông đó chính là ông Đỗ Ngọc Tơ.

Ông Tơ cho biết: ngay sau khi nhận được điện, ông và gia đình bàng hoàng, không tin vào những gì xảy ra. Ông Rộng từng là lính đặc công ở mặt trận Tây Nguyên. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng do bom đạn kẻ thù. Trở về từ chiến trường, gia đình đã đưa ông đi điều trị bệnh thần kinh, song bệnh tình ngày càng xấu hơn.

Từ năm 1977 đến nay, sau khi ông Rộng bị thất lạc, gia đình đã đi tìm khắp nơi, thậm chí đưa tin trên chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” song không có kết quả. Gặp lại người anh trai sau gần 40 năm xa cách, ông Tơ không giấu nổi xúc động,  nghẹn ngào.

Sáng 29-4, một đoàn xe gồm khoảng 30 người là gia đình, bạn bè từ quê nhà đến gặp lại người đàn ông bị thất lạc sau gần 40 năm xa cách. Gặp lại ông, mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa, thương ông phải chịu cảnh khổ cực. Trong con mắt gia đình, ông Rộng vẫn là người chiến sĩ quả cảm, kiên cường. Tất cả kỷ vật thời chiến, ông vẫn còn lưu giữ cẩn thận.

Gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban giám thị và các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh đã tận tình cứu chữa, quan tâm, động viên và giúp có được ngày vui hôm nay. Chứng kiến hình ảnh đó, mọi người xung quanh đều xúc động, chia sẻ niềm vui với gia đình ông. “Đó có lẽ là kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời công tác của tôi” - bác sĩ Kiều Văn Hưng chia sẻ.

Làm việc trong lĩnh vực đầy gian nan, vất vả, các anh may mắn có những đồng đội đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng sẻ chia công việc. Trong cuộc sống đời thường, các anh gần gũi bên gia đình, là điểm tựa để yên tâm công tác. Các anh tìm thấy niềm vui trong công việc, hạnh phúc khi thấy phạm nhân do mình trị bệnh mạnh khỏe, trở thành người tốt cho xã hội.

Mỗi dịp đặc xá tha tù, những phạm nhân sụt sùi, nắm chặt tay, chào từ biệt người bác sĩ trại giam để về với gia đình, anh luôn dành cho họ những lời chúc tốt đẹp nhất!

Như Hùng
.
.