Hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:

Bài toán văn hoá tượng đài

Thứ Năm, 01/01/2009, 10:00
Chưa đầy chục năm mà đã có hàng trăm công trình tượng đài ra đời trên cả nước. Nhưng chỉ đến khi tượng đài Chiến thắng Điện Biên bị sụt lún ngay hôm khai mạc trở thành một sự kiện kinh hoàng trong ngành văn hóa, người ta mới ngớ ra và nhìn nhận lại về các tượng đài ở ta trong thời gian qua.

Cách đây chưa lâu, bùng nổ một phong trào dựng tượng đài, hàng loạt  các công trình đã ồ ạt ra đời trên địa bàn cả nước. Vậy mà, cho đến thời điểm hiện nay, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì một số dự án xây dựng tượng đài của Hà Nội đã bị gác lại.

Công trình xây dựng tượng đài để chào mừng Đại lễ kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi chỉ còn lại 3 dự án: Tượng Bác Hồ và Bác Tôn đặt tại công viên Thống Nhất do UBND TP HCM mang tặng Hà Nội. Tượng đài Thánh Gióng sẽ do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra làm chủ đầu tư và xây dựng. Sự ngần ngại này là do đâu?

Có nên xây dựng cho lắm tượng đài?

Chưa đầy chục năm mà đã có hàng trăm công trình tượng đài ra đời trên cả nước. Nhưng chỉ đến khi tượng đài Chiến thắng Điện Biên bị sụt lún ngay hôm khai mạc trở thành một sự kiện kinh hoàng trong ngành văn hóa, người ta mới ngớ ra và nhìn nhận lại về các tượng đài ở ta trong thời gian qua.

Thực ra, nó vẫn đứng đó tồn tại qua bao năm tháng, nhưng khi “đồng nghiệp” bị đánh “trọng thương” thì chúng bất ngờ bị mang ra mổ xẻ. Chẳng bao lâu sau, liên tiếp các cuộc hội thảo xoay quanh câu chuyện “xây dựng tượng đài” diễn ra. Và nơi đây trở thành chỗ “khẩu chiến” của những vị giáo sư - tiến sĩ đầu ngành về chuyên ngành điêu khắc, cùng với những nhà lý luận phê bình mỹ thuật, kiến trúc sư thiết kế mặt bằng...

Các nhà quản lý và các nhà chuyên môn bất đồng quan điểm... cuộc tranh luận không đi đến hồi kết đã gây nên dư âm “bút chiến” trên các diễn đàn. Chung quy lại cũng chỉ là một câu hỏi lớn: “Có nên ngừng việc xây dựng các tượng đài?”.

Tại sao lại có câu hỏi này, bởi khi nhìn vào “các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời” của ta, đại đa số ai cũng phải nhận ra chúng đa phần quá kém, cả về thẩm mỹ lẫn độ bền. Hoặc nạn sao chép, copy, na ná... Và tất cả đều đi đến thống nhất: Tượng đài Việt Nam đang loay hoay, chưa tìm ra được một hình thái nào để được gọi là có phong cách.

“Lịch sử làm tượng đài của nước ta có từ bao giờ?”. Câu hỏi ấy đã từng rộ lên trong dư luận, và câu trả lời là: “Nước ta không có truyền thống xây dựng tượng đài”.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân không giấu nổi thất vọng khi chiêm ngưỡng  những công trình tượng đài được gọi là “hoành tráng” và “quy mô”. Đó là  khoảng vài trăm khối đúc đá, đúc đồng có cùng chung một thứ ngôn ngữ nghèo nàn và lạc hậu đang lừng lững choáng ngợp ở đâu đó trên những cửa ô nhỏ hẹp...

Quá bức xúc, ông kiên định nêu ra chính kiến của mình: “Chúng ta nên dừng việc xây dựng tượng đài đến năm 2020, vì chắc đến quãng thời gian đó thì chúng ta mới có được một thế hệ điêu khắc được học hành tử tế, mới có thể tính chuyện làm tượng đài”. Ngay lập tức ông đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và cả không ít ý kiến phản đối.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) bác bỏ: “Nếu chưa làm đã sợ, chưa làm đã ngại, thì chúng ta sẽ làm được gì? Chúng ta có quyền tiếp nhận cái mới, dân tộc Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu chứ sao lại bảo việc như thế chỉ có “người Tây” mới dám làm còn Việt Nam thì không?”.

Quả thực nếu cứ nhìn vào những công trình tượng đài thì sẽ biết rằng “chúng ta có quyền ngẩng cao đầu” đến đâu? Trong hàng trăm công trình tượng đài, chỉ có một số ít là được hoàn chỉnh một cách tương đối còn đa số thì ít nhiều có dư luận không tốt.

Chẳng có sự phân định rạch ròi nào cho các danh nhân nên trông tượng Quang Trung mà bảo là tượng Trần Hưng Đạo hay tượng Ngô Quyền cũng được. Tượng đài Hoàng Quốc Việt ở thành phố Bắc Ninh lại y chang tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên - An Giang. Rồi chuyện tượng đài Công nhân Việt Nam và tượng đài Công nhân Trung Quốc giống nhau đến kỳ lạ về hình khối và bố cục.

Tiếp theo, hai tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh và Hà Nội, nếu giống nhau được thì quá tốt. Nhưng khốn nỗi cái cần giống thì lại không giống đó là chân dung. Chân dung tượng Vua Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh mặt hơi đầy và tròn, còn tượng ở Hà Nội thì mặt dài.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh (bên phải) và tượng đài Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh.

Thế rồi, mới đây GS sử học Phan Huy Lê nhận được bức thư của một cậu sinh viên gửi đến nói “nước Việt Nam có 15 ông Trần Hưng Đạo” bởi vì cậu này đi khắp ba miền Bắc - Trung - Nam thì quá đỗi ngạc nhiên thấy Đức Thánh Trần với 15 vóc dáng, diện mạo chẳng ăn nhập gì với nhau. Hồn quốc túy của dân tộc ở đâu khi nói về tượng vua của nước Đại Việt được dựng lên mà nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương: “Một vị vua Việt mà cứ nhang nhác như hoàng đế Trung Hoa thời phong kiến hay hoàng đế Nhật Bản”.

Hình dáng đã vậy, chất lượng còn thảm hơn. Tượng đài xây xong chưa được bao lâu lại phải đi “bảo dưỡng” vì bị xuống cấp nghiêm trọng, nứt, lún gỉ xanh, tượng đài Lê Chân ở Hải Phòng, tượng đài Lý Thái Tổ, Bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 46, tượng đài Công nhân Việt Nam, tượng đài Liệt sĩ vô danh Bắc Sơn ở Hà Nội, tượng đài Chiến thắng Điện Biên...

Có cả trăm tượng đài được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước với một nguồn kinh phí không hề nhỏ chút nào. Tượng đài Dũng sĩ Lắc Liêng nằm giữa trung tâm thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc (Đắk Lắk), được đầu tư 300 triệu đồng; 10 tỉ đồng xây dựng tượng đài Công nhân Việt Nam, 50 tỉ đồng xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên...

Hàng trăm triệu và hàng tỉ đồng Nhà nước được đổ vào cho mỗi công trình kiến trúc ngoài trời. Nhiều tượng đài đến nỗi như ông Trần Khánh Chương nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phải thốt lên: “Không đếm xuể, không xem xuể”. Vậy mà, chẳng mấy ai trầm trồ, thán phục trước những công trình hoành tráng, sừng sững ấy. --PageBreak--

Mọi người đa phần đều có cảm giác đó là những hình khối cứng ngắc, đứng lặng lẽ và trơ khấc, thậm chí nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Tượng đài không có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nó rất xa lạ với tâm hồn người Việt. Hơn 1.000 năm  từ thời ông Lý Bí tới hết triều Nguyễn chẳng có tượng đài thờ anh hùng, thánh thần hay sự kiện nào trên đất nước ta cả mặc dù dân ta ai cũng tự hào biết ơn những Vua Hùng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...

Người Việt có những cách tưởng niệm suy tôn anh hùng khác! 3/4 thế kỷ cách mạng, 50 năm cầm quyền chúng ta biết dùng bao nhiêu hình thức tuyên truyền cổ động hiệu quả khác. Sao cứ phải làm tượng đài thế này. Nhân mãi cái xấu, cái lãng phí... ra làm gì!”.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, điêu khắc gia Đào Châu Hải người đã từng là thành viên của nhiều Hội đồng Nghệ thuật của các công trình xây dựng tượng đài cho biết: “Tác giả cũng có nhiều người trình độ chuyên môn tốt, cái khó là chúng ta tổ chức triển khai như thế nào. Việc xây dựng tượng đài có nằm trong dự án mang tính chất khoa học hay không? Tổ chức xây dựng và quy hoạch một công trình tượng đài phải nằm trong dự án lâu dài, và có một tổ chức khoa học chứ nếu đơn thuần chỉ để kỷ niệm ngày Đại lễ mà làm mấy cái tượng đài “nhồi” thêm, cho chóng xong sẽ dẫn đến thất bại...”. 

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Tượng đài hỏng và xấu, lỗi tại ai? 

Bị hàng loạt họa sĩ mỉa mai, các nhà phê bình cười chê, công chúng chẳng hào hứng, mặn mà gì cho lắm cái gọi là “nghệ thuật tượng đài hoành tráng”, nhà điêu khắc cứ than trời vì cho rằng tượng đài hỏng, xuống cấp, mình là vô can.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Bộ VH-TT&DL nói với giọng đầy bức xúc: “Tượng bị nứt là do ông đúc đồng chứ, tại sao lại đổ lên đầu ông điêu khắc. Bây giờ tôi cũng đang làm tượng đây, cả một nhóm người mới cấu thành nên một sản phẩm, bao gồm nhà điêu khắc, kiến trúc sư, và thợ đúc đồng, cùng với ông chủ đầu tư. Mấy ông này mỗi người một ý. Chủ đầu tư bảo tôi muốn thế này, nhà điêu khắc bảo “không nó phải thế này”, ông kiến trúc bảo “không, nó phải thế này mới đúng”. Không ông nào dám quyết định hết”.

Đúng là oan, các nhà điêu khắc chỉ có quyền sáng tác mẫu, chứ không có quyền chọn địa điểm. So với các thành phần khác, tiếng nói của họ là nhỏ bé nhất. Việc bức tượng đặt không phù hợp với cảnh quan là do kiến trúc sư và ngành xây dựng chịu trách nhiệm về thiết kế mặt bằng không gian tổng thể, quyết định chọn vị trí đặt tượng ở môi trường. Còn hiện tượng tượng bị nứt, gỉ xanh là do thợ thể hiện chuyển chất liệu.

Nhưng xem ra chẳng mấy ai chịu hiểu điều đó, mọi sai phạm cứ bị dư luận đánh đồng, người này gánh cho người kia một tí như bữa cơm dở, chia nhau ra cố ăn thì rồi cuối cùng cũng hết.

Ngoài lỗ hổng ở khâu đào tạo, còn phải nâng cao trình độ về luật pháp, luật hành nghề. Ông Cường nhấn mạnh: “Mỹ thuật phức tạp hơn xây dựng, vậy mà Luật Xây dựng hai cuốn dày mấy trăm trang, trong khi đó ngành Mỹ thuật quy chế có mấy chục điều, mấy tờ giấy mỏng mà không “ông nào” chịu thuộc bài. Không thuộc mới dẫn đến làm sai luật thì chất lượng mới kém. Luật pháp điều chỉnh xã hội, ai cũng phải làm theo luật pháp. Thế nhưng có ông theo, ông không, nên mới dẫn đến sai, hỏng như thế”.

Còn đối với những bức tượng đúc bằng đồng mới chỉ khánh thành vài năm đã phải sửa lên sửa xuống, vì bị gỉ xanh, trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, mỗi nhà quản lý, mỗi người làm công tác chuyên môn và các nhà nghiên cứu khoa học lý giải một kiểu:

Lý giải của ông Nguyễn Phú Cường: “Tượng được đúc bằng đồng, đương nhiên phải bị gỉ, làm gì có tượng nào không gỉ. Ngay cả trên thế giới những bức tượng nổi tiếng được đúc bằng đồng cũng gỉ xanh. Chưa ở đâu chế được đồng không gỉ. Nhưng nếu để lâu ngày, tượng bị gỉ cũng có cái đẹp chứ, chắc chắn là không bao giờ nó thủng”.

Theo ông Cường, tượng đài được đúc bằng đồng trong những năm vừa qua, chưa ai chê xấu. Bây giờ, buổi tối ở Hà Nội không nơi nào đẹp bằng ra vườn hoa Chí Linh  nơi có tượng danh nhân Lý Thái Tổ quá đẹp, mà tượng được đúc bằng đồng phải gỉ chứ...

Trái ngược với ý kiến của ông Cường, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, thì cứ lắc đầu kêu trời: “Tôi xem chất đồng ở tượng đài Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh thì cảm giác không phải là đồng đẹp. Nó gây vào thị giác có một cái gì đấy không được phẳng phiu, bề mặt đồng trông rất khó chịu. Chất lượng đồng cho người ta thấy rằng đồng kém, cho nên trông như tượng thạch cao giả đồng”. Theo quan điểm của họa sĩ Đoàn đã là đồng thì phải khúc chiết, phải nét và bản thân những khối đồng phải đẫy căng.

 Quả thực, vấn đề công nghệ, khi đúc gia công chế tác một pho tượng đồng, đá, kim loại... để ra được sản phẩm cụ thể là việc không hề đơn giản. Nếu chỉ hiểu theo nghĩa thô sơ, đồng là đồng, đá là đá, có lẽ chất lượng tượng đài sẽ còn kém nhiều. Điều đó đất nước ta xưa nay chưa ý thức được, kể cả những người sử dụng, các nhà quản lý, nghệ sĩ không được trang bị kiến thức mang tính khoa học. Nghĩa là thiếu đi cái sự học đến nơi đến chốn nên hậu quả như vậy cũng là dễ hiểu.

Không có gì khổ bằng cùng chung sống với cái xấu, với  những thứ được gọi là văn hóa nhưng không có giá trị về thẩm mỹ. Cũng như xây dựng tượng đài nếu tiếp tục làm to, làm mới, làm cho có, cho nhiều công trình khác mà không có giá trị về ngôn ngữ điêu khắc ngoài trời, thì ngôn ngữ của tượng đài sẽ không có sức thuyết phục. Nó mãi mãi sẽ chỉ là một cái gì đấy to lớn, chất ngất và xa lạ ở trên cao. Tất cả các vấn đề về văn hóa tượng đài sẽ là bài toán dài dài cho các nhà khoa học và các nhà quản lý.

(Còn nữa)

Trần Mỹ Hiền
.
.