Ban nhạc khiếm thị “Nắng mai”: Những ước mơ dẫn lối...

Thứ Năm, 29/03/2018, 13:17
Ven con ngõ nhỏ ngoằn nghèo trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) có một quán nước của bà cụ tóc bạc phơ. Con ngõ chỉ đủ để xe máy qua lại thưa thớt. Bên cạnh quán nước giữa trưa có 3 cô bé, cậu bé ngồi cạnh nhau uống nước và nói cười hồn nhiên. Họ nói thầm thì chỉ đủ người bên cạnh nghe thấy.

Bất giác, khi nhìn sang, tôi nhận ra 3 bạn trẻ đều bị khiếm thị. Sau một lúc hỏi han, tôi biết rằng các bạn trẻ vừa tốt nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu và về đầu quân cho ban nhạc "Nắng mai", một địa chỉ lập nghiệp cho người khiếm thị do "tay” sáo Trần Bình Minh, cũng là một thầy giáo khiếm thị làm bầu sô.

Rồi, 3 em đi trước, dẫn đường cho chúng tôi vào căn nhà trong con ngõ nhỏ, nơi các em đang sinh sống và tập nhạc với nhau hằng ngày. Căn nhà 3 tầng ủ đột và thiếu sáng. Thực ra, ánh sáng có hay không dường như chỉ quan trọng đối với cậu bé sáng mắt duy nhất trong ngôi nhà này (là người quen của ông chủ Trần Bình Minh) sống ở gần đây, ngày ba bữa đến nhà giúp nấu cơm cho mọi người ăn. Còn các em bị khiếm thị sống tại khu nhà này thì dù tối hay sáng, đẹp hay xấu không phải là vấn đề vì tất cả họ đều làm việc theo thói quen, theo đôi tai, theo cảm giác và linh cảm mách bảo.

Họ đều mười tám đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường, được thầy giáo Trần Binh Minh, người cũng đã tham gia giảng dạy tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, quy tụ lại sau khi các em ra trường. Vì trường chỉ nhận dạy học đến hết cấp hai, nên các em thi vào Học viện Âm nhạc Việt Nam. Hiện nay, trong nhóm của thầy Trần Bình Minh có 15 người. Ngoài thầy đã tốt nghiệp nhạc viện, hầu hết các em đều là sinh viên các chuyên ngành âm nhạc của Học viện Âm nhạc Việt Nam.

Các thành viên ban nhạc “Nắng mai” đang tập đàn.

Minh chia sẻ, anh khiếm thị từ khi lọt lòng và là người may mắn học nhạc khi vào trường Nguyễn Đình Chiểu, đã được tiếp xúc và đam mê với bộ môn sáo trúc. Học xong trường Nguyễn Đình Chiểu, anh được giới thiệu thi vào Học viện Âm nhạc và tốt nghiệp loại giỏi năm 2014.

Tuy nhiên, có một điều khiến Minh lo lắng là dù đam mê và cống hiến hết mình cho âm nhạc nhưng cũng như nhiều sinh viên ra trường khác, Minh phải làm việc trái ngành nghề vì chưa có cơ hội tìm cho mình một chỗ đứng là điều đương nhiên. Thường thì họ đi làm nghề tẩm quất, mát xa hoặc nương tựa vào gia đình. Để thành đạt, có tên tuổi như bác Kim Sinh hay Vãn Vượng thì rất hiếm.

Minh ra trường nhưng vẫn là cộng tác viên của trường Nguyễn Đình Chiểu nên có dịp tiếp xúc gần gũi và hiểu các em. Ngoài việc dạy các em học năng khiếu, học các môn văn hóa trên lớp, Minh đã mường tượng ra việc sẽ cùng các em làm được điều gì đó cho những người khiếm thị và để các em không cảm thấy cuộc đời mình vô nghĩa, bị phụ thuộc người khác.

Minh tập hợp các em lại đào tạo, tập luyện trở thành ban nhạc với cái tên rất mĩ miều "Nắng mai" với ước vọng cuộc sống của họ sẽ như những tia nắng ban mai, khát khao để tìm thấy nhỏ thôi một tia sáng của cuộc đời. Nhìn những gương mặt non tơ dễ thương của các em, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động bởi những gì các em đã phấn đấu trong học tập, trong cuộc sống, trong âm nhạc để có được ngày hôm nay, tự tin giao tiếp, đi biểu diễn tại các tụ điểm vãn hóa ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Thảo Xuân, cô gái 17 tuổi có gương mặt bầu bĩnh và nụ cười tươi tắn trên môi, người chơi đàn tranh trong nhóm nhạc "Nắng mai" chia sẻ rằng, Xuân đến từ Hà Nam, bị khiếm thị bẩm sinh. Những tưởng mọi thứ đều khép lại trước mắt vì ở quê Xuân, bị khiếm thị có nghĩa là sẽ phải chịu một cuộc đời tàn tật vĩnh viễn. Xuân có một người em gái sinh đôi hoàn toàn bình thường. Nhưng số phận may mắn khi Xuân được học trường Nguyễn Đình Chiểu và cho em năng khiếu chơi đàn tranh để góp mặt vào ban nhạc "Nắng mai".

Hai bạn Huy và Thảo Xuân trong giờ luyện nhạc.

Xuân cùng mọi người đi biểu diễn ở các đơn vị, đến các tụ điểm văn hóa, cùng tham gia biểu diễn trong các chương trình từ thiện đường phố. Đi làm thì sẽ có tiền, chính vì thế, hằng tháng Xuân còn tiết kiệm được chút tiền để gửi về cho gia đình và tiết kiệm cho cuộc sống mai này.

Cũng như Xuân, Huy đã tham gia chương trình "Việt Nam Gots Talent 2016" khi vừa đàn vừa hát. Dù sau đó, Huy không được vào vòng trong nhưng rõ ràng, từ một cậu bé nhút nhát và hay bẽn lẽn, Huy đã trở thành một người mạnh dạn và đầy nội lực tham gia các chương trình âm nhạc và bắt đầu có ý tưởng sẽ học thật tốt cơ sở lý luận âm nhạc để theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc. Biết đâu Huy sẽ trở thành một nhạc sĩ khiếm thị trong tương lai.

Trong nhóm "Nắng mai", mỗi người có một ưu thế riêng biệt mà khi tập hợp lại, họ bổ sung, hỗ trợ nhau để cùng tỏa sáng. Vì cùng ăn, cùng ở, cùng học tập và cùng luyện nhạc mỗi ngày, họ dù không có đôi mắt sáng để nhìn nhau nhưng lại có một khả năng cảm nhận nhau rõ ràng từ tính cách đến phong thái chơi nhạc. Họ có sự phiêu du trong từng tiếng nhạc, tiếng đàn.

Thiện, một người khá nổi tiếng trong bộ môn sáo trúc tại Nhạc viện đã tâm sự rằng, ngày còn nhỏ, khi mẹ bảo rằng, em bị thế này là lỗi của mẹ, khi mang bầu, mẹ bị trượt chân ngã tại nền giếng. Em sinh non và theo cách nghĩ của mẹ thì do vậy nên em mới bị khiếm thị. Quả thật, sống với một cuộc đời toàn màu đen phía trước thì khổ thật, cũng có lúc em thấy cuộc đời thật sự bế tắc nhưng để mẹ không phải tự dằn vặt mình, để gia đình vui vẻ, đầm ấm, em đã quyết tâm học tập thật tốt tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Em nhận ra rằng, không có điều gì khiến mình không thể, dù mình có bị khiếm thị hay không vì có sự quyết tâm và niềm đam mê là đã thành công một nửa rồi.

Thầy giáo khiếm thị Trần Bình Minh.

Hoàng Trung, người được xác định "già" nhất nhì đội, năm nay 26 tuổi, chuyên chơi trống, thì lạc quan bảo rằng, âm nhạc sẽ xua tan mọi ranh giới và chúng em may mắn vì vẫn được chơi nhạc hằng ngày... Nói xong, Trung đùa một câu khá hài hước khiến mọi người cười nghiêng ngả.

Trong cãn nhà khá vắng lặng và tối hơn mức bình thường, vang lên tiếng cười giòn tan của các em. Trần Bình Minh bảo, luôn động viên các em trong nhóm vừa học, vừa làm để trước hết nâng cao trình độ và thứ hai là có đồng ra đồng vào, đỡ trở thành gánh nặng cho gia đình. Tàn nhưng không phế.

Bản thân Minh, ngay từ nhỏ, khi bị khiếm thị, bố mẹ em đã nghĩ sinh thêm một người con nữa để mai này bố mẹ mất đi còn có người trông nom Minh. Nhưng với khả năng hòa nhập và ngoại giao của mình, hiện nay, Minh không chỉ sắm được đủ nhạc cụ cho mọi người trong nhóm mà còn sắm được một chiếc xe tải nhỏ để thuê người chuyên chở đồ đạc, chở cả nhân viên đi diễn lưu động tại các địa điểm được phép hoạt động.

Minh đã làm việc với Sở Văn hóa thông tin Hà Nội để được biểu diễn ở Bờ Hồ hoặc phố đi bộ, nhưng hiện tại do nhiều thủ tục nên nhóm "Nắng mai" vẫn chưa được phép hoạt động tại đó. Dù vậy, ở một vài địa điểm như ngã ba Trung Vãn - Lương Thế Vinh thì là một địa chỉ quen thuộc của nhóm "Nắng mai" mỗi tối Thứ tư hằng tuần.

Minh bảo, có thể mình bị khuyết tật đôi mắt nhưng nhất định, trái tim không được tật nguyền. Minh cũng luôn là tấm gương của các em trong ban nhạc về nhiều mặt. Bản thân Minh dù khiếm thị nhưng hiện tại, ở tuổi 34, đã có một gia đình hạnh phúc với vợ kém anh 5 tuổi, là công nhân tại nhà máy Samsung và là một "cô láng giềng" mê tài thổi sáo của anh chàng khiếm thị.

Ban nhạc "Nắng mai" biểu diễn trên đường Tố Hữu.

Họ đã có 2 đứa con xinh xắn. Minh đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình và luôn nỗ lực để vợ con tự hào về mình. Anh muốn các con sau này lớn lên sẽ biết được rằng, bố dù không được ông trời cho đôi mắt sáng nhưng có một trái tim lương thiện và yêu âm nhạc, yêu cuộc sống để đưa các con tới bến bờ hạnh phúc...

Trần Bình Minh bảo rằng, ban nhạc của anh và các bạn khiếm thị chưa nổi tiếng, nhưng họ đã làm được việc kết nối những trái tim yêu thương về bên nhau. Họ đã nỗ lực gấp nhiều lần sức lực bản thân để có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình. Đó chính là nghị lực và sự cống hiến mà ngày ngày họ vẫn nói với nhau. Bởi vì xét cho cùng, những người khuyết tật không thể dựa vào ai mãi, ngoài việc tự nương tựa vào nhau để có thể có một cộng đồng lớn mạnh. Khi đã đủ sức bật rồi, thì họ sẽ có những bàn tay nâng mình dậy, dẫn mình đi bằng chính đôi chân của mình. Có như thế mới lâu bền và hạnh phúc được...

Khi chúng tôi ra về, họ đang chuẩn bị đồ đạc, nhạc cụ đưa lên xe tải. Ai nấy đều làm tăm tắp việc của mình vì tất cả đã thành thói quen và cái gì, ở đâu thì luôn để đúng vị trí đó. Nhìn chiếc xe tải của họ bé nhỏ, chật chội, đủ để khin khít nhạc cụ và người ngồi, trong lòng chúng tôi trào dâng những nỗi niềm không nói nên lời. Họ sẽ đến một góc đường để hát và chơi nhạc, không phải để ngửa tay xin những tình thương, mà trước hết, họ hát cho họ, để mang đến cho mọi người một thông điệp, họ hát cho những trái tim không bao giờ bị tật nguyền và có những ước mơ dẫn lối...

Thiên Kim
.
.