“Bàn tay vàng” ở Trại phong Quả Cảm

Thứ Hai, 29/11/2010, 16:55
Đã hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Xuân (y tá của trại phong Quả Cảm) đảm nhận cái công việc lẽ ra là dành cho phái mạnh: sản xuất tay giả, chân giả, các dụng cụ sinh hoạt... cho hơn 100 bệnh nhân phong ở đây. Các bệnh nhân gọi bà là “người có bàn tay vàng".

"Khu xưởng" đặc biệt

Cách thành phố Bắc Ninh chừng 5km, trại phong Quả Cảm, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh nằm khuất nẻo dưới chân mấy ngọn đồi thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh).

Có cảm giác không gian như lắng lại, khi bước chân vào khu an dưỡng của các bệnh nhân phong. Vẻ u tịch càng tăng lên, khi chỉ có vài dãy nhà cấp bốn nằm lọt thỏm giữa một "rừng" cây, hoa, lá.

Thế nhưng ở trong đó, một góc của làng phong lại vang lên những tiếng búa cao su, tiếng kim loại va chạm loảng xoảng. Đó chính là "xưởng" sản xuất các loại tay giả, chân giả, của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân.

Căn phòng rộng chừng vài chục mét vuông, đây đó la liệt những cùi chân bằng thạch cao trắng toát - là những mẫu để sản xuất giày, dép cho bệnh nhân phong. Một góc, nhiều thanh thép thanh nhôm được uốn thành hình đang chờ hoàn thiện. Ở giữa phòng là chiếc bàn khá rộng, có đặt máy may, kéo, búa cao su và rất nhiều mảnh da, mảnh nhựa. Một người đàn bà trạc ngoài 50 tuổi ngồi cặm cụi cắt cắt, may may, ướm ướm.

Và ở đây mọi người thường hay nhắc tới bà Xuân với vẻ trìu mến: "Người có bàn tay vàng". Quả thật, nhờ bà mà hàng trăm bệnh nhân ở đây ai cũng cảm thấy mình được trở lại thành người bình thường. Ai khuyết ngón tay, bà Xuân làm cho một bàn tay giả vừa in, có thể cầm bát, cầm bàn chải đánh răng, cầm bút... ngon lành. Rồi bà lại làm một cái vòng da, có đính thìa, dĩa để người bệnh có thể tự xúc cơm. Người khuyết ngón chân thì bà làm cho đôi dép đế to bản, những miếng da ôm khít vào bàn chân khiến họ có thể đi lại vững chãi.

Ông Trần Văn Cót năm nay đã ngoài 70 tuổi tỏ ra rất hào hứng. Hồi mười chín, đôi mươi biến chứng của bệnh phong đã lấy đi của ông nửa bàn chân và cả phần gót. Mọi sự di chuyển đều rất khó khăn, vì những loại giày, dép thông thường sẽ khiến ông đau đến tận óc. Bà Xuân làm cho ông đôi dép da có ba quai hậu, ôm chặt lấy cùi chân, mặt trên của dép làm bằng da mềm, mặt dưới bằng cao su be vòng quanh, quai dép cũng được làm to, để dễ thao tác. Từ đó ông Cót đã tự tin đi lại bình thường.

Hơn thế, sẵn có nghề rèn gia truyền, ông Cót xin mở luôn một lò rèn tại khoảnh đất trống của làng phong. Hàng chục năm, người dân trong vùng muốn rèn con dao, cái cuốc hay làm lại cái liềm, cái xẻng cho sắc lại vào đây nhờ ông Cót rèn lại cho. Thời gian gần đây do sức khỏe yếu, và các loại hàng hóa cũng sẵn hơn nên lò rèn của ông Cót tạm nghỉ hoạt động.

Khi lò rèn nghỉ, ông Cót buồn lắm vì ông quen làm việc rồi, giờ ngồi không, chân tay nó cứ bứt rứt. Một lần, bà Xuân đi ngang qua phòng thì thấy ông Cót đang dùng hai cùi tay quặp chặt cái bút để vẽ, viết gì đó. Thì ra ông đang làm thơ. Thế là bà Xuân về xưởng, nghĩ cách chế ra một cái giá gắn bút bằng nhôm rồi đeo vào tay. Từ đó ông Cót tha hồ làm thơ, viết văn...

Hiện tại, 105 người bệnh ở làng phong, tùy theo mức độ di chứng đều được bà Xuân thiết kế riêng tay chân giả, các loại dụng cụ hỗ trợ bàn tay cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Xuân bên sản phẩm của mình là những chiếc chân giả, giày dép cho bệnh nhân phong.

Tầm sư học... nghề

Sinh năm 1957 tại một gia đình nông dân nghèo ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) Nguyễn Thị Xuân sớm phải chịu nhiều thiệt thòi. Là chị cả của một gia đình có 5 chị em, cha mẹ lại mất sớm nên Xuân phải bỏ học đi làm để nuôi em. Ban ngày Xuân làm đồng cho hợp tác, tối về lại nhận đan lát kiếm thêm thu nhập.

Mải chăm lo cho các em ăn học, tuổi xuân vụt qua lúc nào cũng chẳng hay. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Xuân xin vào làm cô nuôi dạy trẻ của một trường mầm non trong xã.

Trong thời gian này, tình cờ Xuân được đọc một cuốn sách, kể về một người Pháp đã từ bỏ cuộc sống xa hoa, hưởng lạc để lên Di Linh (Lâm Đồng) chăm sóc những người dân tộc bị bệnh phong. Đọc xong cuốn sách, ở Xuân đọng lại bao nhiêu suy tư trăn trở: "Họ là người nước ngoài mà còn có tấm lòng với người Việt, còn mình đã làm được gì cho đồng bào chưa?".

Năm 1987, sau khi đi thăm một người thân ở Trại phong Di Linh, Lâm Đồng, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người bị căn bệnh quái ác hành hạ khổ sở, tàn phế, đến mức nhiều người thân trong gia đình còn phải lánh xa, khiến Xuân không khỏi xúc động.

Lúc này, các em cũng đã trưởng thành, và đều có gia đình riêng. Sau một thời gian trăn trở, Xuân quyết định tìm đường đến Trại phong Quả Cảm để xin được vào chăm sóc các bệnh nhân tại đây. Biết tin Xuân xin vào trại phong làm việc, không ít người thân, bạn bè bảo Xuân  là gàn dở. Thời điểm đó, do nhận thức kém, người bệnh phong còn chịu rất nhiều kỳ thị của cộng đồng. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của dư luận, Xuân ngày vẫn một mình xách túi vào đây. Năm 1988, Xuân chính thức trở thành hộ lý của trại.

Một năm sau, ban lãnh đạo của trại tạo điều kiện cho bà đi học tại Trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định). Khi trở lại Bắc Ninh, công việc chủ yếu của bà là cấp phát thuốc cho các bệnh nhân. Nhận thấy đây là một công việc tốt nhưng không trực tiếp giúp đỡ được nhiều cho các bệnh nhân nên bà Xuân một mực đề nghị cho trở lại vị trí hộ lý.

Thời điểm ấy, việc đi lại sinh hoạt của người bệnh gặp muôn vàn khó khăn. Con vi khuẩn Hansen quái ác đã ăn mòn từng bộ phận cơ thể họ. Từ các ngón tay, ngón chân cho đến bàn tay, bàn chân ăn lên cùi tay, cẳng chân... Khổ nhất là những người bị mất chân đến đầu gối. Có người bị ăn một chân, có người bị cả hai. Chuyện đi lại, sinh hoạt đối với họ trở nên vô cùng khó khăn, khổ sở.

Không chịu cảnh ngồi không, những bệnh nhân cụt chân nghĩ ra cách gò lại miếng tôn thành hình trụ, rồi độn lớp giẻ lên trên, lắp vào chân để di chuyển. Tuy có nhúc nhắc đi lại được, song bệnh nhân đau đớn vô cùng, và chỗ tiếp xúc giữa chân với ống kim loại cứ bị toét ra.

Nhìn những cảnh ấy, bà Xuân cứ ứa nước mắt. Tuy gắn bó với bệnh nhân chưa lâu, song bà Xuân đã coi họ như những người thân trong gia đình mình. Họ đau bà cũng đau chẳng kém. Bà tự nhủ, mình phải làm gì để giảm bớt nỗi đau cho họ. Qua một người bạn, bà được biết ở một trại phong trong Nam người ta có thể tự sản xuất được dụng cụ sinh hoạt cho người bệnh rất tốt. Thế là năm 1992, bà Xuân xin bệnh viện tìm đến để học nghề làm tay chân giả cho bệnh nhân phong.

Tháng 10 năm ấy, một thân một mình bà bắt xe xuống Hà Nội tìm ra bến xe Gia Lâm rồi mua vé ôtô vào TP HCM. Trước đó, bà đã chuẩn bị sẵn chục gói cơm nắm, rang một túi ngô mang đi ăn dọc đường. Sau bốn ngày trời ăn cơm nắm, ngô rang và uống nước xin của người ta bà vào đến được trại phong đặt tại Tân Khánh (Tân Uyên, Bình Dương).

Bà Xuân được nhận vào học việc từ những người thợ ở đây. Bà học gò nhôm, uốn thép, thuộc da, khâu giày... Là phụ nữ chân yếu tay mềm, vậy mà bây giờ phải học uốn những thanh nhôm dày tới 2mm; nhiều bạn thợ ái ngại: "Sao ngoải (ngoài ấy) không cử anh nào mà lại cử chị vô đây học làm chi cho tội". Bà chỉ mỉm cười.

Học việc thành thạo, bà Xuân lại cơm đùm cơm nắm trở ra Bắc. Một xưởng nho nhỏ được mở tại Trại phong Quả Cảm để bà Xuân hiện thực hóa mong ước của mình. Bà bảo, để uốn được một thanh nhôm vừa với chân người bệnh thì phải dồn tất cả tâm huyết vào đó, coi làm cho người cũng như làm cho mình. Lúc đầu, bà cũng phải nếm trải nhiều thất bại. Chân giả làm xong tới lúc thử thì không vừa chân người bệnh. Vậy là bà phải mày mò suy nghĩ, cải tiến...

Ông Trần Đình Bội (quê Hải Phòng) kể với chúng tôi. Một đêm đông giá rét, ông chợt tỉnh giấc vì thấy tiếng lục cục phía xưởng (căn phòng của ông ở rất gần đó). Tưởng có trộm đột nhập, ông liền dò dẫm đi sang. Té ra là bà “kỹ sư” đang làm việc. "Bất cứ khi nào ý tưởng vụt lóe trong óc, thì tôi phải chạy lên xưởng thực hành ngay, không thì sợ lúc sau quên mất" - bà Xuân cười bảo.

Ông Trần Văn Cót tuy bị cụt chân, mất hết các ngón tay song vẫn nuôi được gà chọi.

Sự sống nảy sinh từ "miền đất chết"

Mấy chục năm rồi, bà "kỹ sư" của làng phong ban ngày thì hết lo chăm sóc, phát thuốc, đo chân, tay để tạo ra những dụng cụ cho bệnh nhân bị tàn phế; hàng đêm lại vò võ một mình trong căn phòng nhỏ.

Bà Xuân kể, hồi mới về Trại phong Quả Cảm nhiều lúc bà cảm thấy có đôi chút buồn tủi. Chỉ có mấy ngôi nhà lợp lá, chỗ ăn chỗ nghỉ cho bệnh nhân vô cùng bẩn thỉu, nhếch nhác. Cũng chính vì lý do đó mà bệnh càng thêm nặng. Hơn thế, sự kỳ thị của người dân chung quanh cũng khiến cho không chỉ người bệnh mà cả các bác sĩ, y tá ở đây đắng lòng.

Chính vì thế, ngoài việc chăm lo về thuốc thang, công cụ hỗ trợ cho người bệnh, bà Xuân vận động các nhà tài trợ, các Mạnh Thường Quân giúp đỡ để cải thiện cơ sở vật chất cho làng phong. Những căn nhà tranh vách đất dần dần được thay thế bằng nhà gạch, lợp ngói. Khu vệ sinh, bếp cũng được đưa ra riêng một chỗ.

Trước đây, những con đường đi lại từ khu ở của bệnh nhân ra các khu khám bệnh, phát thuốc, nhà văn hóa... hầu như chỉ được rải sỏi. Trong khi đó các bệnh nhân phong hầu hết bị di chứng ở chân, phải đi chân giả nên việc di chuyển hết sức khó khăn. Chuyện "vồ ếch", sây sước da thường xuyên tái diễn. Bà Xuân lại chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin tài trợ, trải lại con đường bằng bê tông, giúp các bệnh nhân có thể đi lại dễ dàng hơn.

Nhờ có sự quan tâm của xã hội, cộng đồng, những khó khăn về vật chất ở Trại phong Quả Cảm dần dần cũng đã vơi bớt. Bên cạnh đó với nghị lực vượt khó, những con người tuy bị bệnh tật dày vò song đều rất cố gắng chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện. Thế nhưng, đời sống tinh thần của họ thì lại cực kỳ thiếu thốn.

Vậy là, bà Xuân tập hợp những người có năng khiếu ca hát, thổi sáo vào một đội để tập luyện, biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt, bà còn nổi tiếng là "bà mối" mát tay.

Anh Trần Đình Chất (Gia Bình, Bắc Ninh) kể. Cách đây khoảng chục năm, anh được lãnh đạo Trại phong Quả Cảm cho phép cùng với một đoàn đi giao lưu với trại phong ở Sóc Sơn (Hà Nội). Vốn quê ở miền quan họ, anh tự tin lên sân khấu biểu diễn nhiều điệu hát dân ca. Anh cũng không ngờ là cô gái Dương Thị Đoàn (người dân tộc Mường, quê Phú Thọ) nghe xong thì cảm mến. Biết được chuyện này, bà Xuân đã làm cầu nối, tạo điều kiện để cho hai người tìm hiểu nhau. Thế rồi một đám cưới tuy nhỏ song rất đầm ấm đã diễn ra.

Bà Xuân lại xin đất của trại, xin quyên góp từ các nhà hảo tâm để dựng cho anh Chất, chị Hường một căn nhà nho nhỏ tại Trại phong Quả Cảm. Ít lâu sau thì cậu con trai đầu lòng ra đời. Cái Trại phong Quả Cảm ấy càng trở nên ấm áp bởi tiếng nói cười của con trẻ.

Qua tay bà mối Xuân hàng chục gia đình đã hình thành tại cái nơi mà từng được mệnh danh là "miền đất chết" này. Dẫu còn vô vàn khó khăn, song Quả Cảm đang trở thành một đại gia đình đầm ấm. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của bà "kỹ sư" Xuân.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trại phong Quả Cảm nói:

“Cô Nguyễn Thị Xuân là một trong số những người công tác ở đây lâu nhất, được nhiều bệnh nhân quý mến nhất. Trong công việc hàng ngày, cô luôn gương mẫu, luôn tìm tòi khắc phục mọi khó khăn để phục vụ người bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, cô còn là người có tấm lòng vị tha. Cô thường xuyên chạy vạy, xin tài trợ từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ các bệnh nhân; xin học bổng cho con em họ...”

Minh Tiến
.
.