Bâng khuâng sơn mài Chuyên Mỹ

Thứ Tư, 18/12/2019, 21:17
Cuối tháng 10, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội công nhận thêm 2 làng du lịch nằm trong quần thể “Tinh hoa làng nghề Việt”, trong đó có làng nghề sơn mài Chuyên Mỹ. Cùng với gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, làng hoa Tây Tựu, đồ gỗ Đồng Kị, đồ thờ cúng Sơn Đồng,... sơn mài Chuyên Mỹ và làng may Vân Từ trở thành điểm nhấn thú vị trên bản đồ làng nghề Việt Nam.

Ở đâu đó đằng sau những nếp nhà cũ kĩ, những rặng xây xanh rì rào, những mái đình giếng nước, gốc đa, bờ tre, ruộng mật, làng quê Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ còn giàu có, trù phú lên bởi giữ nguyên được nếp nghề truyền thống kế tiếp từ thời ông bà tổ tiên. Trải qua biến thiên thời gian, đã có thời kì làng nghề đứng trước nguy cơ bị xóa sổ nhưng rồi sức sống mãnh liệt, làng nghề lại vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời đại hiện đại hóa, công nghiệp hóa, làng nghề giờ đây cũng có nhiều điểm khác biệt với làng nghề xưa.

Làng nghề đã chuyển từ làm thủ công sang làm máy.

Những nghệ nhân kinh thành Huế

Làng nghề Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây nằm không cách quá xa trung tâm thành phố Hà Nội. Đi theo quốc lộ 1A về hướng Nam, khoảng 45 km là đến làng. Phàm người làng sơn mài Chuyên Mỹ ngày nay đều biết nghề này có từ lâu đời, khi họ sinh ra đã quá quen thuộc với hình ảnh ông bà cha mẹ ngồi hàng giờ cưa đẽo gõ đục... rồi khảm những con ốc xinh xinh vào sản phẩm. Kí ức đầu đời, tuổi ấu thơ ấy ăn vào máu những người con dân của Chuyên Mỹ nên giờ đây gần như cả làng đều kế thừa nghề tổ làm sơn mài.

Trong cuốn sách gia phả của làng, ông tổ nghề có từ xa xưa lại là cụ Trương Công Thành người làng Mõ. Sau này, vào những năm triều đình nhà Nguyễn đóng đô, xây dựng cung điện tại Huế, trai tráng, thợ thuyền, những người có nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ đều được tuyển vào kinh thành Huế để trổ tài nghệ khảm xà cừ, tranh ảnh, các bức trướng... Khi nhiệm vụ xong xuôi, họ lại quay về quê hương bản quán và phát triển nghề hướng nghiệp cho con cháu. Từ những năm thập niên 60 của thế kỉ trước đã xuất hiện những nghệ nhân như cụ Vũ Tá Pe, Vũ Văn Bình.

Chưa vào đến làng mà ở các thôn khác gần đấy đã thấy các xưởng gỗ nằm rải rác ở hai bên đường. Ngay từ đầu làng là những cửa hàng lớn nhỏ của từng hộ gia đình có tranh sơn mài. Nhà tủ kính trưng bày đồ gỗ, đồ lưu niệm mi ni như hộp đựng kẹo, hộp đựng giấy, trà, bút, đũa... Nhà mở cửa hàng khang trang, bề thế với những tranh bức tranh sơn mài tùng, cúc, trúc, mai trên các chất liệu gỗ khác nhau. Nhà ai cũng có những người thợ đang chăm chú đẽo gọt, tỉa, nắn. Tiếng máy khoan, máy đục, máy cưa vang lên chan chát, re re, nếu không quen thì ắt sẽ nhức đầu.

Thấy chúng tôi ngó nghiêng gian hàng, anh Hoàng Hiệp, chủ một cửa hàng gỗ, mời vào xem sản phẩm. Cạnh phòng khách của gia đình là mấy nhân công đang đẽo gọt. Chủ cửa hàng cho biết: Bố mẹ anh xưa kia cũng là nghệ nhân có tiếng trong làng sơn mài nhưng giờ thì cụ ông đã mất còn cụ bà bước vào tuổi 90, việc cửa hàng từ lâu giao cho vợ chồng anh chăm nom..

Trong căn phòng của anh, chăng kín bốn bức tường là những sản phẩm sơn mài, trên các chất liệu gỗ khác nhau và khảm màu khác nhau, giá tiền chênh nhau cũng khá lớn. Bức tranh tùng, cúc, trúc, mai (tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông) được làm theo kích cỡ 40,1cm x 1,2m. Một chủ đề nhưng được khảm ở trên hai chất liệu gỗ khác nhau gỗ gụ và gỗ trắc.

Bộ tranh bốn hoa bốn mùa được khảm ốc trên gỗ gụ trông đã bắt mắt nhưng làm trên chất liệu gỗ trắc còn quyến rũ hơn nhiều. Bức trên chất liệu gỗ gụ có giá 20 triệu đồng, còn khảm trai trên gỗ trắc là 125 triệu đồng. Trong nghề khảm trai, gỗ trắc được coi là vua của các loại gỗ, vừa xuống màu đen bóng lại chắc chắn, lâu bền, có niên đại hàng thế kỉ.

Anh Hoàng Hiệp, chủ một cửa hàng tại làng nghề Chuyên Mỹ.

Ông chủ cửa hàng chia sẻ, làm nghề này chiều khách là chính, có khách đến tham quan, ngắm nghía mãi, đi lại đến cả chục lần vẫn chưa quyết được. Lại có khách đến, roẹt cái đã quyết cái rầm: “Chú làm cho anh cái đắt nhất, phải đảm bảo 3 tiêu chí đẹp, độc, lạ. Nhất định không được đụng hàng với ai”.

“Làm nghề này, không phải cứ nhất quyết theo ý mình, khách hàng là thượng đế. Có thượng đế đến, giơ cục tiền nói: “Cả nhà cả cửa, anh chỉ có 7 triệu, chú làm cho anh thế nào trông đừng “bô nhếch” quá”.

Cũng tùy vào giá tiền của khách mà chọn lựa gỗ và chọn ốc” - anh Hiệp kể. Từ nhiều năm nay, người Chuyên Mỹ nhập ốc xanh, ốc đỏ từ Singapore, Indonesia về để lấy chất liệu khảm. Ốc đỏ đắt hơn ốc xanh chục lần. Để ra một sản phẩm mất nhiều khâu nhưng khó nhất lại là khâu đi chọn gỗ. Chọn gỗ phải có nghề, nói như người ta hay dùng là có “con mắt xanh”.

Nhìn đâu trúng đấy. Chọn đâu đúng đấy. Thời tiết Việt Nam, nhiều khi không tránh được nứt gỗ. Theo anh, việc khắc phục hậu quả cũng không khó. Nhiều hộ gia đình bán tranh sơn mài phải làm cam kết bảo hành trọn đời thì khách mới dám yên tâm bỏ tiền mua.

Công nghệ thời hiện đại

Suốt dọc con đường trong làng nghề ta đều bắt gặp những biển hiệu cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong từng hộ gia đình. Từ tượng tâm linh bằng gỗ: Hưng Đạo Đại vương Trần Triều, phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Quan Âm Bồ tát, ba ông Phúc - Lộc - Thọ, thần tài, thổ địa, Quan Vân Trường cầm đao... Đến cả trăm sản phẩm mi ni gia đình như hộp tăm, hộp giấy, hộp kẹo, hộp đựng gạt tàn, hộp đựng đũa, hộp đựng thuốc, đựng giấy, đựng bút, đựng vòng, đựng con dấu... mẫu mã kích cỡ phong phú.

Chúng tôi ngó thấy tượng mấy ông thần tài, 3-4 tượng Quan Âm Bồ tát giống nhau như hệt. Chị Xung Miên, chủ một cửa hàng làng nghề cho biết: Trước đây thường làm thủ công bằng tay từ đẽo, gọt, đục, chạm trổ, có khi hàng chục ngày mới ra một mẻ hàng. Nhưng, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa khoảng chục năm trở lại đây người ta chuyển từ thủ công sang làm máy, chỉ hai ngày ra một mẻ hàng.

Chị bảo: Giờ đây đất chật người đông, nhu cầu sản phẩm cũng tăng lên nhiều, đợi làm thủ công thì mất nhiều thời gian mới ra được một sản phẩm, còn làm máy nhanh và chính xác, cứ rập khuôn theo mẫu, hạn chế hỏng nhưng cũng kìm hãm sự sáng tạo.

Một công nhân lau sản phẩm tại xưởng.

Các sản phẩm mini nhỏ gọn, mẫu mã chủng loại phong phú khảm trai, khảm ốc được làm từ chất liệu gỗ hương, trắc, mun, cẩm, bách xanh, đỏ... thông dụng nhất là gỗ hương vì ít bị nứt, hỏng. Chị Miên còn cho biết, những ốc nguyên con nhập rất đắt, chính vì thế nên người sản xuất phải biết tận dụng từ những mảnh vụn của sản phẩm lớn. Các hàng mi ni mẫu mã phong phú khảm ốc, xà cừ lại có giá dao động từ  70.000 - 100.000 đồng/sản phẩm, còn với các sản phẩm mộc không khảm có giá 30.000 đồng/sản phẩm.

Khách nước ngoài đến làng nghề ngắm nghía các sản phẩm tỏ ra rất thích thú. Sản phẩm mẫu mã phong phú được trưng bày vào các mùa du lịch trong năm như dịp đầu xuân năm mới ở các lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, Yên Tử..., vào mùa hè ở vùng biển, các gian hàng triển lãm của các kì hội chợ, giới thiệu hàng tiêu dùng Việt chất lượng cao.   

Chị Miên kể: Vì nằm cách xa trung tâm, lại không được quảng cáo nên không nhiều người biết đến làng nghề sơn mài Chuyên Mỹ nhưng những sản phẩm thông dụng của làng nghề lại rất được ưa chuộng. Điển hình, là các cửa hàng đồ lưu niệm ở khu phố cổ Hà Nội nhập về bán mỗi sản phẩm đắt gấp đôi.

Một góc xưởng làm việc của làng nghề.

Có một điểm nhấn trong làng nghề

Ông Vũ Mạnh Dũng, trưởng thôn Chuyên Mỹ cho biết: Cả thôn Chuyên Mỹ có 260 hộ gia đình với khoảng trên dưới 1.000 người. 80% hộ gia đình sản xuất kinh doanh mặt hàng mỹ nghệ. 20% dịch vụ nông nghiệp. Hiện nay trong thôn vẫn diễn ra tình trạng từng hộ gia đình sản xuất nên góc nhà này bụi mù mịt, góc nhà kia ầm ĩ tiếng máy kêu. Khách từ xa đến tham quan phải ghé nhà này một ít, nhà kia một lát.

Khi đi qua xưởng sản xuất của các nhà, khách lại bịt mặt, che mũi vì sợ bụi. Làng nghề cũng thiết tha có được một tuyến phố đi bộ đúng nghĩa để khách đến thưởng lãm sản phẩm của làng nghề. Việc này ở làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng đã có từ lâu.

Những năm vừa qua, UBND huyện chủ trương tạo ra một tuyến du lịch Phú Xuyên kết nối các làng nghề như mây tre đan Phú Túc, mộc Tân Dân, khảm trai Chuyên Mỹ và may mặc Vân Từ. Nhân dân xã Chuyên Mỹ nói chung và thôn nói riêng vô cùng phấn khởi, vì nếu tạo ra con đường du lịch kết nối giữa các làng nghề truyền thống thì người dân cả nước sẽ biết nhiều hơn về làng nghề.

Anh Vũ Mạnh Dũng, Trưởng thôn làng nghề Chuyên Mỹ giới thiệu sản phẩm.

Khách tham quan về làng nghề sẽ tận mắt chứng kiến sản phẩm sản xuất ra từ những khâu nào thì giá trị của mỗi sản phẩm sẽ được tôn cao hơn. Như chỉ đơn thuần làm một hộp tăm hình hồ lô, người ta đã phải qua khâu chọn gỗ, đẽo, mộc, nung, đánh bóng.

Trưởng thôn Vũ Mạnh Dũng cho hay tháng 5 vừa qua, sau khi kết thúc xây dựng mô hình nông thôn mới, điểm du lịch làng nghề lại một lần nữa được đưa ra bàn luận. Hiện nay, Huyện ủy đã về kiểm tra và có đề cương xây dựng giao thông trong xã Chuyên Mỹ, con đường kết nối tới làng nghề sơn mài Chuyên Mỹ. Điểm nhấn ở xã chính là trong thôn có làng nghề. Tại thôn sẽ có một điểm nhấn đó là có một không gian đủ rộng và thoáng để giới thiệu, trưng bày sản phẩm, những tinh hoa nhất của làng nghề và cũng là nơi để người ta giao lưu vui chơi, các dịch vụ mua sắm thiết thực với cuộc sống đồng thời được thỏa thích ngắm những đồ mỹ nghệ nổi bật của làng nghề.

Ở đây sẽ trưng bày hàng trăm sản phẩm và sẽ có những mặt hàng mỹ nghệ hoàn toàn không đụng hàng với các làng nghề khác trong cả nước. Khách tham quan đến có thể sẽ check in, chụp ảnh thì đây cũng là một hình thức quảng bá, giới thiệu làng nghề đến với công chúng trong cả nước.

Hiện nay số lượng làng nghề của Hà Nội chiếm 1/3  làng nghề của cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề: trong đó 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Thành phố cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Trần Mỹ Hiền
.
.