Bập bềnh đò ngang sông Ba

Thứ Hai, 18/07/2011, 08:35

Sau những trận mưa đầu mùa, dòng nước sông Ba vốn hiền hòa trong mùa khô đã trở nên đục ngầu, chảy xiết. Con nước sông Ba mùa này càng sâu và rộng hơn. Vậy mà hàng ngàn người dân sống hai bên bờ sông này vẫn hàng ngày đổ xô về bến đò để mạo hiểm sang sông trên những chuyến đò ngang chông chênh không một phao cứu sinh.

Dòng sông Ba chảy qua địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã gây nên nhiều cách trở cho người dân sống hai bên bờ. Bốn xã bờ nam của huyện là Chư Mố, Ia Tul, Ia Broái và Ia K'Dăm với hơn 5.000 hộ dân người đồng bào dân tộc Jơ Rai đã hoàn toàn bị chia cắt với trung tâm huyện. Con đường độc đạo để qua lại của người dân hai bên bờ sông là phải đi vòng đến 40km, thay vì chỉ vượt dòng sông Ba. Xa xôi, tốn kém… mỗi khi qua lại nên nhiều năm qua, hàng ngàn người  dân ở đây đã mạo hiểm vượt sông trên những chuyến đò chông chênh ngay cả trong mùa mưa lũ, qua con sông hung hãn vô lường.

Ông Hai "chèo" không còn nhớ mình bắt đầu công việc chèo đò từ lúc nào. Trong tâm trí của ông bây giờ chỉ biết, thấy người dân mạo hiểm lội qua dòng nước chảy siết rất nguy hiểm nên mới nảy ra ý tưởng làm đò để đưa người qua lại. "Lúc đầu, mình chỉ dùng một chiếc ghe nan nhỏ để chở khách qua sông trong mùa nước cạn. Những lúc ít khách thì mình ngồi trên ghe rồi dùng sào chèo lái; khi khách đông, mình lại lội bộ để dìu kéo con đò cập bến cho an toàn" - ông Hai Chèo nhớ lại.

 Vào mùa khô, khúc sông này chỉ rộng chừng 60m, nhưng vào mùa mưa lũ, nước từ các nhánh sông nhỏ ở thượng nguồn tràn về, làm cho mặt sông rộng đến hơn 500m. Nếu không có đò thì người dân rất dễ bị kiệt sức  mỗi khi lội bộ qua sông. Mà thật ra  cũng không mấy ai đủ  cả sức khỏe  lẫn  can đảm để  bơi qua sông trong mùa mưa  lũ.  Từ ngày ông Hai Chèo bắt đầu hành nghề lái đò trên bến sông này, người dân ở đây cũng đỡ vất vả và yên tâm hơn mỗi khi qua sông. Có lẽ, vì sự mến phục và biết ơn người chèo đò trên bến sông này, người dân ở đây đã gắn cho ông một cái tên rất thân thiện - Hai Chèo.

Hai Chèo tên thật là Siu Then, người dân tộc Jrai ở xã Amarơn, huyện Ia Pa. Ở tuổi gần 50 với làn da ngăm đen của một người đã từng hàng chục năm gắn với sông nước, Hai Chèo luôn trăn trở với công việc là làm thế nào để nâng cấp con đò để mỗi ngày đưa khách sang sông được an toàn hơn. Từ sự trăn trở đó, Hai Chèo bắt đầu "thắt lưng buộc bụng" để tích góp số tiền từ việc thu phí của khách qua đò trong suốt nhiều năm liền, rồi vay mượn thêm của bà con, họ hàng…

Lâm tặc cũng đưa gỗ qua sông bằng đò, hiểm nguy rình rập.

Năm 2005, Hai Chèo mua một con đò có gắn máy nổ và chân vịt với giá gần 20 triệu đồng. Mùa nước lũ, con sông trở nên sâu và rộng hơn nên rất nguy hiểm, đò của ông được gắn máy nổ để chạy. Qua mưa lũ, ông lại tháo máy nổ và dùng sào chèo chống để tiết kiệm tiền dầu, nhớt. Cũng để đảm bảo an toàn cho khách qua sông, vào mỗi đầu mùa khô, khi dòng sông hiền hòa thơ mộng, con nước không còn hung dữ, Hai Chèo lại huy động nhân công trong gia đình dựng cầu tạm bắt qua sông để người dân qua lại thay vì phải đi đò.

"Cơn bão hung dữ số 11 năm 2009 khiến lũ về rất lớn, nước sông dâng cao và chảy siết đã cuốn trôi cả chiếc đò máy của mình khi để trên bờ. Cả gia đình bỏ công đi tìm nhiều ngày nhưng vẫn không thể tìm lại được. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được đã trả lại cho sông nước rồi! Không còn đò chở khách, bà con lại khó khăn, nguy hiểm mỗi khi qua sông. Vậy là mình lại một lần nữa phải gom góp, vay mượn hơn 20 triệu đồng để làm lại đò mới. Khi con đò này vừa đem về thì cây cầu tạm cũng bị nước cuốn trôi. May mà lúc đó không có người đi qua" - Ông Hai Chèo than thở.

Đã nhiều năm mạo hiểm với thủy thần để đưa khách sang sông, nhưng đò của ông Hai Chèo vẫn chưa một lần gặp sự cố trên hàng ngàn chuyến đò ngang do chính ông cầm lái. Tuy nhiên, ông Hai vẫn luôn đề cao cảnh giác với những rủi ro đang hàng ngày "treo" mũi đò. Ông bộc bạch: "Mình có học lái đò ngày nào đâu. Lái nhiều rồi cũng thành quen thôi. Những khi con nước hung dữ và gió mạnh thì mình sẽ ngừng công việc, chờ cho sóng yên, gió lặng mới tiếp tục cho đò ra khơi. Mình đã nhìn thấy áo phao trên tivi nhưng không biết phải mua ở đâu. Đi lùng khắp các cửa hàng ở thành phố Pleiku mà cũng không thấy chỗ nào bán. Nếu có thì dù giá cao đến mấy mình cũng mua để cho khách qua đò mặc phòng khi có sự cố. Nghề này, tới đời con mình còn phải làm kia mà"!

Lượng khách qua đò ở đây mỗi ngày càng đông hơn, những chuyến đò ngang do Hai Chèo cầm lái nhiều năm nay lúc nào cũng chật nêm người, xe… khiến cho mức độ nguy hiểm càng cao hơn… Không kham hết được nhu cầu khách đi đò, mới đây, ông Hai lại đánh liều vắt hết số vốn "lận lưng" của gia đình để hạ thủy thêm một con đò mới. Có thêm con đò này, hai chiếc đò của Hai Chèo cứ liên tục chở khách qua lại hai bên bờ sông được nhanh hơn và giảm đi rất nhiều áp lực rủi ro do quá tải trên mỗi chuyến đò.

Được biết, dự án xây dựng một cây cầu nối hai bờ sông thuộc địa bàn huyện Ia Pa đang trong giai đoạn xây dựng và đến năm 2012 sẽ hoàn thành. Trong thời gian thi công cây cầu, người dân hai bên bờ sông vẫn phải tiếp tục đối mặt với nguy hiểm trên những chuyến đò ngang. Mặt khác, cây cầu được xây dựng ở một địa điểm vẫn còn xa khu dân cư, chưa hoàn toàn thuận tiện cho người dân trong việc đi lại thì việc mạo hiểm qua sông bằng những chuyến đò ngang trong mùa mưa lũ của người dân nơi đây vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Sông Ba mùa này bắt đầu cuộc sống sau những trận mưa như báo hiệu mùa lũ đầy hiểm nguy. Dòng nước đục ngầu và cuộn xoáy. Lòng sông đã rộng và càng sâu hơn những tháng ngày mùa khô. Cây cầu tạm bắt qua sông do Hai Chèo tự làm để thu phí mưu sinh mỗi khi mùa khô đến cũng đã bị trận mưa lũ cuốn trôi hồi đầu tháng 6. Những cây cọc gỗ, những thanh ván lát sàn cầu… bị trôi dạt nằm chỏng chơ ở mép sông về phía hạ lưu. Như thường lệ, cầu bị nước cuốn trôi cũng là khi bắt đầu cho một mùa lũ mới. Những chuyến đò ngang của Hai Chèo lại bắt đầu chông chênh trên dòng nước cuộn xoáy để đưa khách sang sông. Hôm chúng tôi đến bến đò này, ông Hai Chèo không còn ra bến để chèo lái đò vì tuổi già sức yếu. Ông đã giao việc quản lý, chống chèo 2 chiếc đò cho cậu con rể A Chuyên.

Mới 5 giờ sáng, A Chuyên cùng 3 "cậu nhóc" khoảng chừng 12 tuổi đã có mặt tại bến sông. Khi mặt trời vừa nhô lên từ phía đằng đông, dòng người từ khắp các ngã đường ở hai bên bờ sông đỗ xô về lối mòn độc đạo giữa mênh mông cát để ra bến lên đò. Tiếng xe máy rồ ga ì ạch băng qua bãi cát, những tiếng chân người bước đi vội vã để kịp sang sông. Chuyến đò đầu tiên trong ngày do A Chuyên cầm lái cùng một "nhóc" phụ đò sang bên bờ Nam sông Ba có không dưới 10 người khách cùng nhiều xe máy và hàng hóa. Con đò còn lại được giao cho hai "nhóc" nhỏ tự vận hành để đưa khách qua lại.

Hai chiếc đò có gắn máy nổ và chân vịt rộng chừng 2m, dài 6m cứ liên tục đưa khách bên này qua rồi chở khách bên kia lại. Mỗi chuyến đò qua sông đều nặng trĩu. Để đò sang sông được cập bến an toàn, cậu bé phụ lái đò phải ngâm mình trong nước, vừa bơi vừa cầm sợi dây ở hai đầu mũi đò kéo vào bờ rồi buộc chặt vào cọc. Sau khi đò cập bến an toàn, cậu bé phụ lái đò dùng một tấm ván nhỏ gác lên vành đò để cho người và xe máy lên xuống được dễ dàng.

Trò chuyện với A Chuyên, chúng tôi được biết, anh theo bố vợ học nghề lái đò từ mùa lũ năm ngoái. Được bố vợ “truyền nghề” và giao lại cho 2 chiếc đò, A Chuyên đã gọi thêm 3 cậu em trai để cùng phụ, lái đò làm kế mưu sinh. "Bố vợ mình mới là chủ những chiếc đò này. Mỗi ngày, 2 chiếc đò phải chở hơn 100 chuyến qua lại. Mỗi khách qua đò chỉ thu 2.000 đồng, xe máy 3.000 đồng. Người dân tộc thiểu số đưa bao nhiêu tiền cũng được, có người không đưa đồng nào. Ngày thường, người dân qua lại không nhiều. Mỗi ngày thu được khoảng 300.000-400.000 đồng sau khi trừ hết chi phí. Chủ nhật và ngày lễ thì thu được nhiều hơn, khoảng trên 500.000 đồng. Số tiền thu được mình phải đưa lại cho bố vợ để trang trải việc gia đình" - A Chuyên cho biết.

Sắp khách, phụ lái đò là 2 em nhỏ mới 12 tuổi gầy như que củi...
... và những chuyến đò thót tim.

Đã có hàng ngàn chuyến đò với hàng triệu lượt khách vượt sông Ba bằng con đò do Hai Chèo cầm lái trong hàng chục năm qua. Bất kể những tháng ngày dòng nước sông Ba hiền hòa hay cuồn cuộn hung dữ, Hai Chèo vẫn đều đặn mưu sinh bằng việc đưa khách vượt sông từ 5 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Bây giờ, việc chèo đò trên bến sông này đều do A Chuyên quán xuyến. Tuy nhiên, điều cực kỳ nguy hiểm trên những chuyến đò ngang này là con đò không hề được trang bị một chiếc áo phao nào. A Chuyên cũng như những cậu bé lái đò ở đây vẫn chưa một ngày được đào tạo cầm lái.

Trong thời gian chúng tôi tác nghiệp tại đây, hàng chục chuyến đò do A Chuyên và những cậu bé chưa đến tuổi lao động cầm lái vẫn đầy ắp người và xe máy, hàng hóa. Con nước lúc nào cũng mấp mé khung đò và như sẵn sàng nuốt chửng con đò bất cứ lúc nào dù chỉ là một sơ suất nhỏ. Thế nhưng, những người khách qua đò vẫn mạo hiểm với thủy thần để được sang sông cho nhanh. Thời gian gần đây, việc khai thác gỗ lậu từ những cánh rừng thuộc các xã bờ nam sông Ba đang "sốt". Lâm tặc đã dùng xe máy vận chuyển gỗ từ trong rừng ra để sang đò đưa về trung tâm huyện. Vậy là những chuyến đò ngang trên bến sông này lại càng thêm chông chênh khi đưa cả người, xe và cả những khối gỗ nặng trĩu vượt qua cửa ải thủy thần nguy hiểm.

Theo nhiều người dân ở đây cho biết, cũng trên khúc sông này, cách bến đò ông Hai chừng 5km về phía hạ lưu, một bến đò tương tự do ông Ama T'Gơng, xã Ia K'Dăm cũng đã hoạt động trong nhiều năm qua. Sự nguy hiểm trên những chuyến đò ở đây cũng “rõ rệt” không thua kém gì những chuyến đò trên bến Hai Chèo.

Bến đò Hai Chèo nằm ở hạ nguồn thủy điện An Khê-Kanat. Mùa khô vừa qua, dòng nước tại bến sông này đã cạn đi rất nhiều so với mọi năm do thủy điện tích nước để phát điện. Tuy nhiên, đến mùa lũ, dòng nước ở đây có thể dâng cao tức khắc khi thủy điện xả lũ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho những chuyến đò ngang nằm ở hạ lưu thủy điện này.

Chắc chắn rằng, nhiều người vẫn còn nhớ những vụ đắm đò trong những năm gần đây ở bến Cà Tang, làng Nông Sơn, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam năm 2003; trên bến Chôm Lôm, xã Lãng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An năm 2006; rồi vụ đắm đò Quảng Hải (Quảng Trạch Quảng Bình) sáng 30 tết năm 2009. Gần đây nhất là vụ đắm đò vào trưa ngày 12/1/2011 tại bến đò Đất trên sông Lô, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã cướp đi sinh mạng của 9 con người sau khi đi dự lễ ăn hỏi của người nhà về. Dù  không muốn, nhưng mỗi lần có việc phải đi ngang đôi bờ sông Ba  trong mùa mưa lũ, tôi lại rùng mình nghĩ về những chuyến  đò định mệnh  đó. Và hồi hộp, âu lo, thắt cả tim mỗi lúc có cơn gió chợt thốc lên khua  nước sông ràn rạt. Ở  đâu  đó trong những vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nghèo, phận người vẫn mong manh quá, vẫn bập bềnh trôi cùng bất trắc trên những dòng sông trong mưa  bão vô thường!

Tiến Thành
.
.