Batu, vùng đất thiêng của giới pháp sư Đông Nam Á

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:00
Trong khi các dân tộc khu vực Châu Á chuẩn bị đón chào tết cổ truyền thì hầu như tất cả các pháp sư ở Malaysia đều bước vào giai đoạn "rửa sạch tinh thần" để chuẩn bị cho một lễ hội vong nhập, hành xác rùng rợn. Đó là lễ hội Thay Busam - nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của Malaysia trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Dù nhiều người vẫn còn hoài nghi về tính xác thực của hiện tượng vong nhập nhưng hàng năm, Maylaysia đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch quốc tế đến chứng kiến lễ hội Thay Busam.

1. Kumar - công dân Malaysia, gốc Ấn Độ, 27 tuổi, tín đồ Hindu - tình nguyện đưa chúng tôi đi tìm những chiếc "hang huyền bí" ở rải rác khắp ngọn núi đá vôi Batu. Đó là một ngọn núi đá vôi nằm trên địa bàn quận Gombak cách trung tâm thủ phủ Kuala Lumpur khoảng 13 km về hướng bắc. Kumar cho biết, ngọn núi này có một hang động nổi tiếng, đó là Batu Caves (động Batu). Ngoài 3 hang chính đang được khai thác du lịch, núi Batu còn có rất nhiều "hang huyền bí" được các pháp sư ở Malaysia và các nước trong khu vực chọn làm nơi tu thiền từ nhiều thế kỷ qua.

Một pháp sư ở động Batu.

Hầu hết các "hang huyền bí" đều nằm ở cánh phía tây của ngọn núi. Để đến đó, chúng tôi không đi vào con đường chính dẫn vào khu du lịch Batu mà đi vòng vào một con đường mòn rồi men theo các khe đá leo lên núi. Chưa kịp vượt khe đá đầu tiên, chúng tôi đã nghe có ai đó quát bằng tiếng Anh: "Trở ra mau". Thì ra, đó là một toán cảnh sát tuần tra.

Mặc cho Kumar giải thích, những viên cảnh sát vẫn kiểm tra giấy tùy thân của chúng tôi rồi xua ra khỏi khu vực chân núi. Kumar đành đưa chúng tôi trở lại khu vực du lịch động Batu.

Kumar bảo: "Không có lệnh cấm tu sĩ vào các hang huyền bí tu luyện, nhưng nếu phát hiện, cảnh sát đều tìm cách mời họ về đồn rồi đưa về nguyên quán. Cảnh sát e ngại những tu sĩ đó sẽ chết đói trong các hang động. Chỉ cần leo lên lưng chừng núi anh sẽ gặp một tu sĩ tên Tataobuni đã tu luyện ở đó hơn 3 năm. Ông ta không mặc áo, chỉ vấn một tấm vải nhỏ trên người. Cái hang ông ta ở chỉ sâu khoảng 2 mét, cửa hang rộng vừa đủ một người chui vào. Ông ta không ra khỏi hang. Ba tháng một lần, người nhà đem thức ăn khô đến cho ông ta. Tôi thường thấy ông ta luyện yoga ở đó. Trên núi có rất nhiều người tu luyện như ông Tataobuni nhưng tôi gặp chỉ mỗi ông ta".

Kumar cho biết thêm, tất cả những người vào hang núi tu luyện đều không thuộc tôn giáo nào cả bởi họ luyện ma thuật. Chính phủ Malaysia không cấm luyện ma thuật nhưng nếu dùng bùa trị bệnh sẽ bị phạt tiền vì vi phạm đạo luật bảo vệ sức khỏe. Tại trung tâm Kuala Lumpur chúng tôi trông thấy hơn 5 cửa hiệu trương bảng hiệu "pháp sư" và bày biện bùa ngải bán công khai. 

Trước kia không ai quan tâm đến những pháp sư vào núi ẩn tu. Vào năm 2001, những người thợ rừng đã tìm thấy một số người chết rũ trong các hang động nhỏ rải rác trên núi. Từ đó, cảnh sát luôn tìm cách xua đuổi những người có vẻ là pháp sư lân la vào núi.

2. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành khám phá động du lịch Batu. Nơi trước cửa động Batu, những tín đồ Hindu đã xây dựng một ngôi tượng thần Murugan cao nhất thế giới (cao 42,7m) vào năm 2006. Để đến được cửa động, du khách và người hành hương phải vượt 272 bậc thang được xây dựng vào năm 1920. Hiện nay, hàng năm, Chính phủ Malaysia và những tín đồ Hindu vẫn tổ chức lễ hội Thay Busam - Hành xác lớn nhất thế giới để thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến thưởng ngoạn.

Một thầy tế đang thực hiện nghi lễ tắm sữa trong ngôi đền giữa động Batu.

Cách nay khoảng 50 năm, ngọn núi vẫn còn hoang vu trơ trọi giữa một vùng rừng hoang vu ít người lui tới. Dù vậy, cứ đến ngày Thay Busam, khu vực động Batu trở nên nhộn nhịp tấp nập bởi các pháp sư từ khắp mọi tiểu bang của Malaysia và pháp sư của một số quốc gia lân cận tề tựu về tổ chức lễ hành xác. Từ đó, khu vực chân núi phía động Batu ngày càng sung túc và trở thành một điểm du lịch tâm linh đặc trưng của Malaysia. Hầu như du khách nào đến Malaysia cũng tìm đến động Batu để chiêm ngưỡng kiệt tác thiên nhiên và chiêm ngưỡng nét văn hóa tâm linh đặc biệt ở đây.

Chúng tôi gặp một trợ tế tên Sarkan, 42 tuổi, dân tộc Melayu (người Malaysia chính gốc), cư ngụ tại đền Sri Shiva dưới chân núi Batu. Ông khẳng định: "Nhiều người đã viết nhầm tên lễ hội này là Thai Pusam. Thay Busam mới là cách gọi đúng. Trong ngôn ngữ cổ của tộc người Melayu, Thay Busam có nghĩa là "thầy tu huyền bí trong trạng thái vô thức do thánh thần nhập xác".

Một giai thoại khác cho rằng đầu thế kỷ XIX, người đầu tiên vào động Batu ẩn tu, luyện phép xuất thần là Thambusami - một pháp sư người Ấn Độ. Do cách phát âm, người xưa đã trại tên Thambusami thành Thay Busam.

Sarkan cho biết: "Trong lễ hội Thay Busam có một nghi thức hành lễ đặc dị được gọi là Membosankan mà người ta gọi là hành xác. Những người ngoại đạo thấy chúng tôi thực hiện nghi thức Membosankan nên gọi chung chung là lễ hội hành xác. Nói cách khác, lễ Thay Busam là đại hội các pháp sư. Trước khi bước vào ngôi đền linh thiêng, tất cả các pháp sư đều phải thực hiện  nghi thức hành xác Membosankan".

Không ai biết được nguồn gốc thật sự của lễ hội Thay Busam xuất phát từ đâu. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về xuất xứ của lễ hội này. Mỗi hệ phái tôn giáo ở Malaysia đều nhận rằng, lễ hội đó là của mình. Và họ đều có một câu chuyện truyền khẩu riêng biệt kể về xuất xứ Thay Busam.

Sarakan giải thích, theo lệ, mỗi năm một lần, vào ngày giao thừa giữa năm cũ và năm mới, những "thầy tu huyền bí đi lang thang bắt ma", tức pháp sư đều tập trung về động Batu để hiến thân xác mình cho thánh thần. Ngày giao thừa được tính theo lịch riêng của giới pháp sư, thường rơi vào khoảng thời gian giữa tháng 10 đến tháng 2 dương lịch.

Theo Sarkan, nghi thức hành xác Membosankan có nhiều ý nghĩa đối với lễ hội Thay Busam. Ý nghĩa tối thượng của việc hành xác tập trung vào mục đích không để người "lạ" trà trộn vào đội ngũ pháp sư. Theo đó thì vào ngày Thay Busam, thần linh quy tựu các pháp sư về động Batu để nhận sức mạnh siêu nhiên. Để tránh những thế lực đen tối, tránh những kẻ xấu trà trộn vào đội ngũ lấy cắp sức mạnh siêu nhiên, các pháp sư phải xuất thần ra khỏi cơ thể trước khi vào động. Để kiểm tra, những người hành lễ dùng dao nhọn đâm hoặc chém vào thân thể những pháp sư tại cửa động. Nếu người nào còn nhận thức được sự đau đớn của thể xác, kẻ ấy không phải pháp sư và sẽ bị chặn lại.

Với những người Hoa có nguồn gốc "phản Thanh phục Minh" ở Malaysia thì Thay Busam xuất xứ từ hình thức lễ hội "Thánh Vũ nhập xác" của họ. "Thánh Vũ" chính là nhân vật Quan Vân Trường đời Tam Quốc ở Trung Hoa mà người Hoa ở Việt Nam gọi là Quan Công hoặc Quan Thánh Đế Quân.

Họ cho rằng, thời "phản Thanh phục Minh", để che giấu hoạt động bí mật, những người Thiên Địa hội đi đến đâu đều xây cất một miếu Quan Công để làm nơi tụ họp. Mỗi một ngôi miếu là một địa chỉ của trưởng tràng (hội trưởng). Họ quy định, hàng năm đến ngày rằm tháng Giêng (lịch Trung Hoa), các hội viên từ các nơi tề tựu về miếu Quan Công hội họp. Để tránh sự theo dõi của người ngoài hội, họ thường tổ chức buổi lên đồng, để truyền mật ngữ (qua những câu chú) và những mật lệnh (gói trong các lá bùa) cho các hội viên.

Ngày nay khắp Malaysia, những ngôi miếu Thánh Vũ và tục lệ lên đồng, nhập xác vẫn còn tồn tại.

Do đồng hóa tín ngưỡng với người bản địa, dần dà những ngôi miếu đó không còn thờ phụng duy nhất Thánh Vũ mà có thêm những vị thánh của tộc người Melayu. Và động Batu cũng là một trong những địa chỉ tâm linh bị đồng hóa giữa hai luồng tín ngưỡng Melayu và người Hoa nhà Minh.

3.Trước khi trở thành thầy trợ tế, Sarkan tốt nghiệp cử nhân lịch sử chuyên ngành Melayu. Sarkan cho biết, nhiều học giả Malaysia cũng nhận định, lễ hội Thay Busam là hệ quả giao thoa của nhiều dòng chảy tín ngưỡng đổ dồn vào Kuala Lumpur tạo thành một dòng xoáy. Kết tinh của dòng xoáy pha trộn tín ngưỡng này bao gồm Hindu giáo, Ấn Độ giáo, Bà La Môn giáo, Hồi giáo Islam, Phật giáo Myanmar, Phật giáo Trung Quốc. Đó là một chương lịch sử của Malaysia.

Các loại bùa được bán công khai ở Kuala Lumpur.

Theo các tài liệu chính sử của Malaysia thì động Batu hình thành từ 400 triệu năm trước. Trước thế kỷ XVIII, động Batu là nơi trú ẩn của tộc người thiểu số Temuan thuộc bộ lạc Orang Ashli.

Từ trước năm 1860, khi những người Hoa nhà Minh bị nhà Thanh truy sát đã chạy đến trú ẩn ở khắp Malaysia, trong đó có khu vực Batu. Những người Hoa này đã phát hiện ra những hang núi chứa đầy phân dơi - một nguồn lợi dồi dào.

Vào năm 1870, viên sĩ quan Syers của quân đội thực dân Anh chỉ huy một toán lính tiến vào cánh rừng rậm phía bắc Kuala Lumpur để truy lùng những người thu hoạch phân dơi nhưng trốn thuế. Syers đã phát hiện hàng trăm người ẩn náu trong một hang động hoang sơ đầy những thạch nhũ đẹp. Những người trốn thuế bị bắt, hang động hoang sơ đó bị quên lãng giữa rừng già suốt 8 năm sau.

Năm 1878, một nhà khoa học người Mỹ tên William Hornaday (người Malaysia viết tên nhà khoa học này là Whornarry) chuyên nghiên cứu thiên nhiên đã đọc được bản báo cáo của Syers về "hang động chứa người trốn thuế". Ngay lập tức, William Hornaday đến Kuala Lumpur nhờ Syers đưa đi tìm.

Từ phát hiện của William Hornaday, chính quyền thực dân Anh đã mở một con đường nối liền Kaula Lumpur vào Batu để mở khu nghỉ dưỡng. Vì nhiều lý do, kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng bị phá sản. Động Batu tiếp tục rơi vào lãng quên giữa vùng hoang vu.

Trong những năm tháng bị lãng quên đó, động Batu vẫn thường xuyên tiếp đón những vị khách bí ẩn tìm đến để nhập môn tu luyện bí pháp xuất thần, nhập hồn của Thambusami. Và hàng năm, họ tổ chức buổi lễ xuất thần, nhập hồn như là cách thi... tốt nghiệp. Sau khi tiếp nhận sức mạnh siêu nhiên từ buổi lễ Thay Busam, các pháp sư tỏa đi khắp thế giới để bắt ma trị bệnh bằng bí thuật.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, những người Ấn Độ theo Hindu giáo mới tìm đến Batu xây dựng nhà thờ. Dù động Batu trở thành vùng linh sơn của Hindu giáo nhưng hàng năm các pháp sư ngoại giáo ở khắp nơi vẫn tìm đến để tổ chức lễ Thay Busam. Dần dà, lễ hội đặc trưng này biến thành một lễ hội của Hindu giáo.

Những truyền nhân nhiều đời của Thambusami đã mang lễ Thay Busam đến đảo Phukhet của Thái Lan; Đền Sri Srinivasa Perumal ở Singapore; Kochi, Ấn Độ; Sri Lanka. Từ Thái Lan, những pháp sư truyền nhân Thambusami sang Nam Lào, Đông Campuchia và Tây Nam Việt Nam đã biến thể thành phái Năm Ông, Trà Kha, Lục Lèo, bùa Chà.

Đó là lý do những chữ phù, lời chú, hình xâm của những trường phái này đều giống tiếng Melayu của trường phái pháp sư Thambusami mà ta thường gọi là tiếng Phạn.

Nông Huyền Sơn
.
.