Bẫy đầu tư tiền ảo

Thứ Hai, 12/08/2019, 16:09
"Trăm cái dại, tại cái tham" - Câu xưa các cụ đã gói gọn lý do khiến con người ta bị lừa. Khi lòng tham trỗi dậy cũng là lúc lý trí bị che mờ. Lừa đảo đầu tư đa cấp "tiền ảo" gây ra những thiệt hại kinh hoàng đã không còn là chuyện mới ở nước ta.

Những tưởng sau đổ bể ở Công ty VNCOIN, Câu lạc bộ AOC Việt Nam, Modern Tech, Skymining… với bộ sậu lãnh đạo xộ khám, hay nhanh chân ôm hàng nghìn tỷ của nhà đầu tư chuồn ra nước ngoài, người ta cũng phải rút ra được điều gì đó cho mình.

Nhưng không, một "cái bẫy" mới lại được giăng ra, báo hiệu có thêm một "đại án đa cấp", khi mà nhiều người dân đã nhắm mắt "thả" vào đó những khoản tiền lớn vì mờ mắt bởi lãi suất khủng mà công ty này hứa hẹn.

"Cái chết được báo trước"

Sự việc được phát giác vào 10h45 ngày 28-3-2019, khi Công an TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) từ nguồn tin quần chúng cung cấp, bất ngờ kiểm tra hành chính một nhà hàng ở đường Hoàng Hoa Thám, TP. Yên Bái và phát hiện một nhóm đối tượng, đang tổ chức thuyết trình cho khoảng 50 người dân nghe về đồng tiền chung châu Á.

Tại cơ quan điều tra, xác định các đối tượng Nguyễn Văn Mạnh (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Đỗ Văn Tuấn (ở Kim Thành, Hải Dương), việc tổ chức buổi thuyết trình chưa xin phép và cũng chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái cấp phép. 

Đối tượng Nguyễn Văn Mạnh không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến Công ty Pay Asian, bản thân anh ta cũng xác nhận không phải là Giám đốc điều hành của công ty này, mà do người dân tự suy tôn lên.

Nạn nhân vụ lừa đảo đa cấp "tiền ảo" xảy ra tại công ty Modern Tech.

Theo lời khai nhân chứng, nội dung Mạnh chia sẻ là về App ứng dụng có tên Pay Asian, sử dụng đồng tiền thanh toán là Payer, giới thiệu những lợi ích khi đầu tư, sử dụng ví thanh toán điện tử và đồng tiền "ảo" Payer.

Sau khi tuyên truyền về lợi ích khi đầu tư, nhóm người này khuyến khích người dân phát triển mạng lưới, lôi kéo người khác tham gia để được hưởng hoa hồng, tiền thưởng như trong mô hình đa cấp. Cụ thể, mỗi thành viên khi lôi kéo được người tham gia nộp số tiền 100 USD vào ứng dụng, sẽ trực tiếp nhận được 2% trong tổng số tiền này, người thứ hai sau người trực tiếp được mời tham gia sẽ được hưởng 1%.

Cứ như vậy, người kêu gọi, giới thiệu và lôi kéo càng được nhiều  người tham gia sẽ càng được hưởng nhiều lợi ích… Mạnh giới thiệu hiện tại 1 đồng Payer = 0,05 USD, nhưng sau 6 tháng nữa sẽ tăng lên gấp 10 lần, thậm chí 20 lần, nhưng chẳng có gì minh chứng hay bảo đảm cho tuyên bố này.

Cũng theo anh ta, sau ngày 30-4-2019, App Pay Asian sẽ được cấp phép chính thức tại Việt Nam, đồng Payer mới có giá trị để giao dịch. Để App Pay Asian này hoạt động, trong tài khoản tên người dùng phải có 100 USD tương đương hơn 2,3 triệu đồng Việt Nam. Vì ham lợi nhuận cao, nhiều người dân ở thành phố Yên Bái và các huyện lân cận đã nộp tiền tham gia App Pay Asian, nhưng khi thu tiền của người dân nhóm Mạnh không có bất kỳ phiếu thu hay chứng từ chứng minh việc thu tiền...

Một biểu hiện bất minh khác, đó là thông tin về Công ty Pay Asian tại Việt Nam vô cùng mập mờ. Trên website Payasian.co được cho là của công ty này không hề có địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mà chỉ có thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách đầu tư, các chế độ ưu đãi "cực khủng" để "hút" người chơi đầu tư tiền qua mạng vào đồng Payer.

Bình luận về sự kiện này, Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: "Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận "tiền ảo" là tiền tệ. Ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước có Công văn 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ về việc không công nhận đồng Bitcoin cũng như các đồng tiền "ảo" khác.

Việc sử dụng các loại "tiền ảo" làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại "tiền ảo" như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Do đó, đồng tiền "ảo" Payer không được phép giao dịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên các đối tượng này lại công khai tổ chức tụ tập đông người để thuyết trình, thực chất là tuyên truyền gian dối về lợi ích khi tham gia và lôi kéo được người khác bỏ tiền đầu tư vào đồng tiền "ảo" này. Đó là biểu hiện liền trước của hành vi lừa đảo đa cấp điện tử vốn đã hoành hành, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam trong mấy năm gần đây.

Chúng tôi khuyến cáo những ai chưa tham gia thì đừng dại dột bỏ tiền đầu tư vì độ rủi ro rất lớn. Khi gom được số tiền lớn, các đối tượng có thể đánh sập website hoặc ôm tiền bỏ trốn. Còn với người đã trót nộp tiền tham gia App Pay Asian thì nên dừng ngay lại kẻo quá muộn.

Các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh, xem xét xử lý hành vi của các đối tượng để kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để hậu quả thiệt hại không thể khắc phục được xảy ra mới vào cuộc kiểm tra".

Gương "tày liếp"

Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không sử dụng tiền mặt, quy định "tiền ảo" là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, sử dụng "tiền ảo" là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-10-2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Một hội thảo của Công ty Pay Asian.

Tuy nhiên trong thời gian qua, những hoạt động thu hút đầu tư vào "tiền ảo", "máy đào "tiền ảo" theo mô hình đa cấp, diễn ra công khai nhưng không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tháng 4-2018, hàng chục người dân đã căng băng rôn tố cáo Công ty CP Modern Tech (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư. Theo tố cáo, công ty này mời chào mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin, với cam kết lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, cao gấp 50-80 lần lãi suất gửi ngân hàng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu mời được người mới mua tiền ảo sẽ được hưởng thêm 8%.

Để gây dựng lòng tin, đồng iFan hay Pincoin được gắn mác là tiền quốc tế, thành lập tại Singapore, Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là "tiền ảo" sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz. Tuy nhiên, sau 4 tháng ra đời, iFan đã sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%. Nạn nhân ước tính có khoảng 32.000 người. 

Đến tháng 7-2018, Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu trời công nghệ) là trường hợp tiếp theo bị tố lừa đảo. Ngày 23-7, nhiều nhà đầu tư tố cáo không thể liên lạc được với ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc. Một số xưởng đào "tiền ảo" bị dọn sạch máy trong đêm. Có tới 300 đơn tố cáo đã được gửi đến cơ quan công an.

Kết quả điều tra xác định Sky Mining quảng bá là công ty "đào tiền ảo lớn nhất Việt Nam", bán các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để nhà đầu tư mua máy đào. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư.

Đóng tiền xong, công ty xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào "tiền ảo". Khi ông Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining lừa đảo vì đã đóng từ 5 đến 10 tỷ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày mà chưa kịp thu hồi vốn. 

Cũng trong tháng 7-2018, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với các bị can trong vụ án lừa đảo 6.000 nhà đầu tư thông qua sàn "tiền ảo" VNCOINS dạng đa cấp. Dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì, nhưng Nguyễn Hữu Tiến (Chủ tịch HĐQT Công ty CP OTCMAX) cùng đồng bọn vẫn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tìm cách khuếch trương thương hiệu nhằm kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn thực hiện các dự án không có thật với giá bán các mã code (mã đầu tư) từ 2,5 triệu đến 250 triệu đồng.

Để mở rộng mạng lưới đầu tư, Tiến áp dụng mô hình đa cấp, có chính sách thưởng "khủng" cho người tham gia lôi kéo được người khác đầu tư vào hệ thống, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước với mức lãi lên đến 1,8% mỗi ngày.

Khi không thể xoay tiền trả lãi, công ty tạo ra "tiền ảo" VNCOINS, tự định giá và đưa ra mức lợi nhuận 2,5% mỗi ngày để lôi kéo nhà đầu tư chuyển tiền sang sàn "tiền ảo". Sự thật, đây cũng là đồng tiền "rác", vô giá trị. Kết quả điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11-2016, công ty này đã ký kết với hơn 6.000 nhà đầu tư, thu tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Hãy nghĩ đến rủi ro

Phân tích về thủ đoạn phạm tội trong các vụ lừa đảo "tiền ảo", Thượng tá Ngô Minh An (Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội) nói: "Những năm gần đây, mô hình kinh doanh "tiền ảo" xuất hiện tại Việt Nam với sự có mặt của các đồng "tiền ảo" như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa….

Từ năm 2017, thủ đoạn lừa đảo huy động vốn đa cấp dưới hình thức kinh doanh tiền "ảo" đang diễn ra nhức nhối, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Số lượng các vụ lừa đảo tiền "ảo" ngày càng tăng, có nguyên nhân do tội phạm thực hiện khá dễ dàng vì "đánh" trực tiếp vào tâm lý hám lợi, mong muốn làm giàu nhanh chóng nhưng thiếu kiến thức về đầu tư tài chính và công nghệ của người dân".

Vẫn theo Thượng tá An, lừa đảo đa cấp "tiền ảo" thực chất là việc dùng đồng "tiền ảo" để che đậy việc huy động tài chính trái phép. 

"Ăn theo" sự thành công của đồng tiền Bitcoin đã được một số nước trên thế giới chấp nhận trong thanh toán, đánh vào tâm lý hám lợi và sùng bái những thứ mang tính thời thượng, các mô hình đầu tư "tiên tiến", nhưng lại "mù tịt" về công nghệ thông tin, các đối tượng dễ dàng dẫn dụ người dân bỏ vốn ra đầu tư vào những đồng tiền "ảo" vô giá trị.

Lừa đảo "tiền ảo" tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người vào sau trả lãi cho người tham gia trước. 

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi. Trước tiên, đồng "tiền ảo" và các sàn giao dịch thực chất do chúng tự "phát hành", tự định giá. Các website này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, không nằm trong hệ thống quản lý tên miền của Việt Nam, nên không thể xác định được máy chủ và đối tượng quản trị.

Để che giấu hành vi huy động tài chính trái phép, chúng yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số có giá trị giao dịch ở một số nước trên thế giới, chẳng hạn như đồng Bitcoin, sau đó dùng đồng tiền này đổi tiếp thành đồng "tiền ảo" trên sàn giao dịch của chúng. Việc zích zắc hóa dòng tiền gây khó khăn cho việc chứng minh thiệt hại.

Ngoài ra, việc giao dịch từ tiền mặt sang "tiền ảo" chủ yếu bằng hình thức trao tay tại địa điểm là các quán cà phê, không hề có giấy tờ biên nhận. Sau khi chuyển tiền mặt thì nhà đầu tư nhận lại bằng ví tiền điện tử.

"Mồi nhử lãi suất cao đến không tưởng, gấp vài chục lần so với lãi suất ngân hàng, luôn khiến nhiều người bị mờ mắt để rồi sập bẫy. Vì vậy hãy tỉnh táo, đừng chỉ nghĩ đến cơ hội, hãy nghĩ đến rủi ro phía sau lời mời chào hấp dẫn, những phần quà tặng giá trị lớn. Chỉ cần có tư duy phản biện, biết đặt câu hỏi ngược rằng doanh nghiệp sẽ sử dụng số tiền đầu tư đó vào việc gì, mà cho lãi suất "trên trời" như thế, sẽ nhận ra sự dối trá trong đó. Cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về lĩnh vực muốn tham gia, trước khi rút ví ra, đó là cách tự bảo vệ mình tốt nhất" - Thượng tá An tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.