Bí ẩn “làng ma” mắng-lung

Thứ Tư, 25/05/2016, 07:25
Làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, lọt thỏm giữa núi rừng thâm u, ẩn dưới những tầng đại thụ cội rễ buông thõng, uốn éo, quấn chặt nhau như ngàn đôi mãng xà đang vào mùa ân ái.

Làng là thế giới của "Vua cửa túi" mà tiếng thổ ngữ là pơ-tao mắng-lung. Ở ngôi làng lạ kỳ này, người chết được người thân cho ăn ngày 2 bữa, cho uống rượu, đốt lửa sưởi ấm, kể chuyện buồn vui...!

Theo cách hiểu của người Bahnar, mắng-lung là cánh cửa cuối cùng mà một người khi hồn lìa khỏi xác phải bước qua, tựa như cửa chuyển tiếp trong tín ngưỡng của nhà Phật. Làng ma mắng-lung kỳ lạ kia tọa lạc ở đầu lối vào làng Lợt, thuộc xã Lơ Ku (huyện K'bang, tỉnh Gia Lai).

1. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đến Lơ Ku - miền đất bí ẩn với tộc người Bahnar bản địa vốn dĩ là chủ nhân của nhiều luật tục rừng hoang rất đỗi ly kỳ. 6 năm trước (2010), theo chân những nhóm sơn tràng chuyên ngậm ngải tìm trầm, tôi đã đến Lơ Ku, tìm đến làng Tăng, nhằm tìm hiểu hành trình trúng kỳ nam bán được số tiền gần 30 tỷ đồng của mấy nhóm người chuyên... ngậm ngải. Bây giờ trở lại Lơ Ku, điểm dừng chân của tôi là rừng ma mắng-lung ở làng Lợt.

Trong tín ngưỡng của người bản xứ, thế giới ở mắng-lung ngày là đêm, mọi thứ đều đảo ngược với không gian, cuộc sống thực tại. Già làng Đinh Roi, ngoài 70 mùa rẫy, khuôn mặt sạm đen nắng gió bắt đầu câu chuyện mắng-lung rằng trong tâm khảm những người già như ông, ở mắng-lung, con người, con thú đều đi ngược với "đầu xuống đất, chân lên trời", cây cối cũng mọc ngược như thế... Cũng theo già Roi, vì tin rằng chốn ma mắng-lung trái ngược với thực tại nên khi chia của cho người quá cố làm sinh kế, người bản xứ bao giờ cũng đập đít các ché rượu cùng những vật dụng mà thường ngày người chết sử dụng!

Cổng làng Lợt cách làng ma mắng-lung khoảng 500 bước chân, và cách trung tâm huyện K'Bang khoảng 20km, trên con đường độc đạo càng đi càng lọt thỏm giữa hun hun rừng sâu. Trong quá khứ, làng Lợt nói riêng, và xã Lơ Ku nói chung là miền đất hứa của những đội quân chuyên ngậm ngải tìm trầm ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa. Sau vô số cuộc "càn quét" âm thầm, bây giờ những cây gió bầu đại thụ ở đây chỉ còn là bóng hình của một thời quá vãng.

Trong cái nắng gay gắt, oi nồng, mang theo hình ảnh ngày nào của cơn lốc trầm kỳ lởn vởn, chúng tôi theo chân già làng Đinh Roi tiến ra rừng ma mắng-lung. Trên đường đi, già Roi như trôi giạt về một thuở hồng hoang, nói nhiều về tín ngưỡng của tộc người mình quanh chuyện linh hồn-thể xác. Theo chia sẻ của già, từ thuở ngàn xưa, tổ tiên người Bahnar đã quan niệm, sự sống của một thân xác là nhờ ở linh hồn: "Hồn còn ở với xác, thì còn sống. Hồn đi rồi, từ từ... xác chết".

Đi qua nhiều buôn làng của người Bahnar ở 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum, qua trò chuyện với những người già, mới thấy câu chuyện về linh hồn-thể xác trong ký ức của họ vốn được các thế hệ cha ông truyền miệng bên bếp lửa trong những đêm hoang lạnh, không khác gì chia sẻ của già Đinh Roi. Những người già Bahnar đều tin rằng, chết không phải là dấu chấm hết của một đời người, mà là hình thức đổi lốt để sống ở thế giới khác. Thế giới ấy được gọi là... mắng-lung.

"Một người chết, hồn lìa khỏi xác. Cái xác được chôn ở đâu, hồn đi theo đó. Cái xác được đưa ra nghĩa địa chôn, hồn cũng đi theo...". Già Đinh Roi tiết lộ: "Người bình thường không nhìn thấy hồn. Thầy cúng, phù thủy mới thấy được linh hồn".

Nhà ma được hình thành cũng là lúc mà người bản xứ tin linh hồn người chết đã bước sang thế giới bên kia (mắng-lung).

Về chuyện triết lý tín ngưỡng linh hồn-thể xác của người Bahnar, tiến sĩ Nguyễn Thành Đức (Hội Dân tộc học TP Hồ Chí Minh), cho biết, người Bahar tin một người có đến 3 linh hồn, gồm 1 hồn chính và 2 hồn phụ. Những linh hồn ấy tuy vô hình với người bình thường nhưng các thầy cúng, các thầy phù thủy có thể nhìn thấy qua hình ảnh hồn hiện thân là những giống côn trùng như dế, nhện, châu chấu... trên đỉnh đầu mỗi người. Hỏi già Đinh Roi về điều này, già bật mí, hồn chính nằm trên đỉnh đầu, hồn này nếu lìa xa thì ai đó sẽ chết, hay đau bệnh rồi chết: "Hai hồn phụ, một nằm ở trán, một nằm trong người" - già Roi, khẳng định.

Nếu xem lại những hình ảnh chụp người Bahnar thuở thuộc Pháp, mới thấy bất kể đàn ông hay đàn bà đều "đầu bù tóc rối". Người phương Tây cho đó là man di, quê mùa. Họ nào biết từ trong tín ngưỡng sâu thẳm của những người "đầu bù tóc rối" kia, họ rất ngại khi phải cắt tóc vì sợ làm ảnh hưởng đến hồn chính: "Ngày xưa, có việc cắt tóc phải cẩn thận lắm. Cắt chạm vào chỗ xoáy tóc, hồn bỏ đi, là đau bệnh, là chết" - già Đinh Ré, lúc đang trên đường ra chốn ma mắng-lung góp chuyện!

2. Bây giờ gần 8h sáng. Băng qua con đường đất nhỏ rồi dấn vài bước chân lên doi đất cao, ập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hoang sơ huyền hoặc. Dưới núi non trùng điệp, giữa đại ngàn thâm u, có doi đất trống trải lố nhố những nhà ma, và nhung nhúc những bóng người già trẻ, đàn ông, đàn bà..., có cả trẻ con. Già Đinh Ré cho biết, hôm nay gần như toàn bộ dân làng đều đổ về chốn ma này để đắp mộ, làm nhà ma, cúng tế cho người quá cố là  Đinh Choi, ngoài 60 tuổi, dọn đường cho ông về chốn ma mắng-lung.

Lại gần đám đông, mới rõ trong lúc đám thanh niên cưa chặt cây dựng nhà mả (hay nhà ma - PV) thì những người già dùng dao vót lồ ô để đan, lợp mái, làm tường rào che chắn... Cạnh đó, các bà các chị thì đang xúc đất, đổ nước đắp mộ cho ông Choi. Mộ hình chữ nhật, được đắp nhô hơn mặt đất khoảng 0,5m. Trên mộ có 2 ché rượu vốn dĩ là vật dụng thường ngày của người quá cố.

Hỏi chuyện mới biết ông Choi chết vì bệnh. Cái chết như thế, theo các già làng Bahnar là... chết tốt, chết như thế sẽ được gia đình chia của cải và dễ dàng đến mắng-lung. Những người chết xấu thì không có đặc ân đó!

Trong lúc những người đàn ông đan vót lồ ô làm nhà cho ma, các bà các chị vun đất đắp mộ cho người quá cố.

Được người bản xứ gọi bằng thành ngữ loc-gơgleng, chết tốt được mặc định là những người chết vì ốm yếu, đau bệnh, chết theo kiểu đèn hết dầu thì tắt: "Chết xấu làng gọi là loc-mế. Mấy người này chết nhanh, chết bất ngờ (dạng như bất đắc kỳ tử - PV). Tự tử, cọp vồ, rắn cắn, lũ cuốn, đá đè, chết do đẻ, chết do bị người ta đâm chém... là chết xấu. Ai chết xấu đều bị thần ác bắt giam, không cho vào mắng-lung" - trong đám đông ồn ào, một người già, giải thích.

Nếu chết tốt, được vào mắng-lung đồng nghĩa với việc linh hồn của người quá cố sẽ có cuộc sống mới trong ngôi làng mới - một nhân gian của cõi âm, nơi mà những người chết tốt như ông Choi từ đây sống như lúc còn sống: Cũng đi rừng đi rẫy, cũng hái măng, săn thú, rồi dựng vợ gả chồng.. Các già làng còn lời rằng, địa vị của người chết lúc sinh thời ra sao, thì khi chết, khi chính thức đặt chân vào mắng lung, địa vị ấy không có gì khác biệt. Ai khó khăn, nghèo khổ lúc ở trần thế thì xuống mắng-lung cũng khó khổ như vậy. Ai sinh thời giàu có, quyền thế thì địa vị ấy vẫn nguyên vẹn khi chính thức là cư dân của chốn ma mắng-lung.

Với triết lý tín ngưỡng "cái chết bắt đầu sự sống" như thế nên từ ngàn đời qua, người Bahnar rất sợ chết xấu. Vì như thế sẽ không được gia đình chôn cất theo lễ nghi, không được chia của, không được vào chốn mắng-lung để bắt đầu sự sống mới. Trong tâm khảm của người Bahnar, chết xấu cũng là lúc mà họ đời đời kiếp kiếp sẽ là nô lệ, là tôi tớ của ác thần...

Trở lại chuyện cái chết của ông Choi. Dân làng và người nhà tin cái chết vì đau bệnh của ông, theo luật tục là chết tốt, nên đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng lộ trình về chốn mắng-lung cho ông với mả mồ được đắp dựng đàng hoàng. Sau đó, người nhà cũng tiến hành thủ tục chia của là những vật dụng thường ngày cho ông sử dụng ở cuộc sống mới chốn mắng-lung như xà gạc, gùi, dao đi rừng, bầu hồ lô đựng nước, ly uống rượu... Cũng với tục này, người Jrai ở vùng cao Chư Pảh (tỉnh Gia Lai) mà tôi từng nhiều lần đến tham dự các lễ bỏ ma (bỏ mả - PV) còn chia của cho người chết những vật dụng đắt tiền như tivi, đầu máy, quạt, giường tủ... chất đầy ở nhà mồ!

3. Câu chuyện về chốn mắng-lung của người được luật tục cho là "chết tốt" như ông Choi tưởng sẽ khép lại, sẽ rộng thênh thang nhưng không, các già làng bật mí, để chính thức có "vé" vào chốn này, ông Choi phải đi qua cửa gác của "Bà Vú Dài"  vốn là người giúp việc cho pơ-tao (vua - PV) mắng-lung: "Cha ông gọi bà là Dui-Dài Tài Toh" - già Đinh Roi, hé mở.

Truyền thuyết của người Bahnar kể rằng, với vai trò gác cửa chốn mắng-lung, Bà Vú Dài soi rất kỹ những người chết tốt, trước khi cho họ qua cửa. Ai phạm nhiều tội lỗi, bà đày xuống làng ma xương bắt sống trong tình trạng chỉ là bộ xương, buộc phải tự sinh tồn với sỏi đá trong cực khổ trăm bề. Ai chưa xỏ lỗ tai theo luật tục, Bà Vú Dài cho ở chung với loài chim khỉ (tổ tiên người Bahnar xem những ai không xỏ lỗ tai chẳng khác gì thú vật - PV)... Sau khi đày những người như thế một thời gian dài ngắn khác nhau tùy vào mức độ "phạm tội", sau cùng Bà Vú Dài mới cho họ đi qua cửa mắng-lung để bắt đầu cuộc sống mới.

Những đồ tùy táng người sống chia cho người chết để làm của cải ở thế giới mắng-lung.

Nhưng tại sao người giúp việc cho pơ-tao cai quản chốn mắng-lung lại là Bà Vú Dài, mà không phải là ai khác? Lần tìm cội nguồn "bà Vú Dài" gác cửa chốn mắng-lung, mới biết ẩn trong truyền thuyết khá là hoang đường kia là câu chuyện tình người rất đỗi dung dị, đậm tính nhân văn, chan chứa tình yêu thương con trẻ của tổ tiên người Bahnar ngàn năm trước: "Trong những người chết tốt, có người già, người trẻ, có người lớn, trẻ con... Nếu đứa trẻ chết lúc 1-2 tuần, 1-2 tháng tuổi, chết lúc chưa biết ăn, chưa biết nói..., nó không thể vào chốn mắng-lung sống như người. Lúc đó, đứa trẻ sẽ được Bà Vú Dài giữ lại. Bà cho nó bú, cho nó ăn, nuôi đến lúc nó biết ăn biết nói, biết đi biết chạy rồi bà mới "thả" cho nó vào mắng lung"...

Trong tiếng chiêng huyền hoặc hòa cùng tiếng khóc thương của thân nhân người quá cố, già làng Đinh Roi chìm trong ký ức rừng hoang... Trong giải thích của già về Bà Vú Dài gác cửa chốn mắng-lung, tôi thấy từ ngàn xưa, có thể là từ cái thời mà nhiều người quen gọi "ăn lông ở lỗ", thấy trong họ là tình yêu con trẻ đến lạ kỳ, đến độ trong cái chết, trong cái cõi ma, tình yêu ấy vẫn nguyên vẹn, hiện thực bằng hình ảnh Bà Vú Dài chăm trẻ.

Bây giờ là 2h chiều, nhà mồ cho người quá cố đang dần nên hình hài bởi công sức đóng góp của mọi người. Lúc này người nhà đang tiến hành chia của để hồn người chết làm của cải đặng sinh sống ở chốn ma mắng-lung. Trong không gian huyền hoặc, các già làng đoán định lúc này ông Choi có thể đã được Bà Vú Dài cho đi qua cửa vào mắng-lung. Nếu ông qua cửa được rồi, từ nhà Bà Vú Dài, ông sẽ đi trên một đoạn đường tăm tối ghê sợ đầy những hiểm nguy mà nếu muốn đến mắng-lung an toàn, ông phải mua lửa của Bà Vú Dài. Chi phí mua lửa không phải tiền vàng, mà chỉ là sợi dây cườm đeo cổ mà ông được người thân lúc mai táng bỏ vào hòm...

Đi qua con đường ấy, ông Choi chính thức là cư dân chốn ma mắng-lung, đời đời kiếp kiếp sống ở chốn ấy với thân phận dương sao âm vậy, sống trong sự lãng quên của người thân sau lễ bỏ ma, nghi lễ cuối cùng mà người sống dành cho người chết.

N.T.Dũng
.
.