Bí ẩn rừng Ma-sát

Thứ Năm, 30/07/2015, 08:15
Ma-sát hay Msát là thế giới của các atâu (hồn ma). Nhắc đến Msát là nhắc đến chốn linh thiêng bất khả xâm phạm của người Ê-đê ẩn giữa rừng già, dưới những tán cây đại thụ trăm năm. Bên trong các Msát có nhiều tạo vật thiêng linh với muôn hình vạn trạng được hiện thân từ những thân cây độc mộc.

Từ vô tri vô giác, các tạo vật ấy có sức sống, có “hồn” từ đôi tay tài hoa của những nghệ nhân núi rừng. Đến huyện vùng cao Khánh Vĩnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi may mắn lọt vào thế giới Msát bí ẩn giữa mênh mông rừng già như thế!

Người đưa chúng tôi đi khám phá thế giới linh thiêng bí ẩn của người Ê-đê là già làng Y Nhôn, nguyên Trưởng ban Mặt trận xã Khánh Hiệp. Là chủ nhân của nhiều chiêng ché và đặc biệt là ngôi nhà dài nhất núi rừng nơi này, ngôi nhà dài của già Y Nhôn nằm ở giữa làng Y Nhôn.

Sở dĩ tên già được đặt tên làng vì già là người đã có công khai mở, phát hoang bụi rậm, đối mặt với muôn vàn thú dữ để lập làng hơn 30 năm trước. Nhà dài toàn gỗ quý của già Y Nhôn, có người ở thành phố Nha Trang trả giá bạc tỉ nhưng ông không đoái hoài. Ông nói cố gìn giữ cho thế hệ mai sau. Ngôi nhà là niềm tự hào của không chỉ chủ nhân mà của cả buôn làng: "Bán nhà, mất nhà là mất tất cả".

1. Sáng tinh khôi giữa buôn làng của người Ê-đê thật thuần khiết. Gió mơn man, tiếng gà gáy sáng, khói bảng lảng từ những nóc nhà dài, tiếng lửa nổ tí tách, không gian êm đềm, thơ mộng vô ngần. Từ ngôi nhà dài của già Y Nhôn, để đến được "cấm địa" Msát - nơi vốn ẩn chứa nhiều bí mật đại ngàn tồn lưu nhiều tạo tác mỹ thuật trên gỗ công phu, chúng tôi rảo bước qua những mỏm núi thâm u tràn đầy sức sống và ruộng lúa nước xanh mơn mởn, một hình ảnh trái ngược với vẻ khô khốc, hoang tàn tại nhiều buôn làng khác ở quanh vùng.

Hỏi ra mới biết sức sống ngoài sức tưởng tượng kia nên hình hài từ dòng chảy bất tận của những mạch nước ngầm được người bản xứ quen gọi bằng tiếng Kinh "suối nước nóng".

Trên đường đến Msát, già Y Nhôn "trang bị" cho tôi nhiều kiến thức về quan niệm sự sống và cái chết của người Ê-đê. Ông nói Người Ê-đê quan niệm một người có 3 linh hồn, gồm hồn Mngat, hồn Tlang hêa và hồn Mngah. Từ bao đời qua, bất kỳ người Ê-đê lớn tuổi nào cũng rõ rành khi một sinh linh được thụ thai, nó đã được linh hồn Mngat nhập vào trong suốt thời kỳ mang thai của người mẹ. Linh hồn này sẽ trở thành Yang atao (thần chết) nếu chẳng may người mẹ bị sẩy thai.

Linh hồn Mngah thì khác, hồn này tượng trưng cho người sống và cả người chết. Ở thể sống, hồn Mngah thúc đẩy đứa trẻ khóc khi lọt lòng mẹ và khi người nào đó chết đi, Mngah sẽ tách ra khỏi thể xác, hòa vào không trung, nếu gặp thai phụ nào sắp trở dạ thì nhập vào(?!).

Thú vị nhất là linh hồn Tlang hêa. Linh hồn này là biểu tượng của con diều hâu và chỉ hiện diện vào thời khắc lâm chung của ai đó. Gần 10 năm trước, khi đến thăm buôn làng của người Ê-đê (làng Ako Đhông, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), tôi đã được già làng Ama H'rin (1931-2012) cho biết lúc làm quan tài bao giờ tang chủ cũng cho khắc hình con chim diều hâu (Muh), xem đó là biểu tượng linh hồn của người quá cố.

Già làng Y Nhôn bên cột klao và nhà nuôi ma với những tấm bùa huyền hoặc.

Cũng theo già Ama H'rin, người Ê-đê tin khi một người sắp chết, chim diều hâu sẽ lượn quanh nhà người đấy. Lúc này, linh hồn sẽ lìa khỏi xác, phóng ra một thứ sương. Các già làng Ê-đê ở làng Ako Đhông giải thích sương đọng trên cỏ cây hoa lá đều do chim diều hâu tạo nên. Giọt sương này không thể thiếu trong nghi thức đặt tên cho một đứa trẻ, bà đỡ sẽ lấy chiếc lá nhỏ giọt sương vào miệng đứa bé, căn cứ nó khóc cười mà đặt tên.

Quanh sự ra đi vĩnh viễn của một đời người Ê-đê ở Khánh Hiệp (Khánh Hòa) tương tự người Ê-đê sống tại Đắk Lắk. Với họ, một cái chết của người già nua, chết theo kiểu đèn hết dầu thì tắt là cái chết viên mãn, ai cũng toại ý, từ người sắp chết đến người thân, họ hàng, dân làng. Điều này đồng nghĩa với việc tộc người Ê-đê rất sợ chết xấu.

Già Y Nhôn cho biết, người Ê-đê gọi chết xấu là "Djiê mdriêng". Tôi hỏi già Y Nhôn chết xấu là chết như thế nào, già tặc lưỡi cho biết, đó là những cái chết ngoài ngôi nhà đang ở: "Như là chết ngoài đường, chết ở sông suối, nương rẫy, chết trong rừng do leo cây leo núi trượt chân. Hay chết do cây đổ, đá đè, do hổ vồ, rắn cắn, trăn siết…".

2. Sau hơn nửa giờ lội bộ, đang đi bỗng già Y Nhôn khoát tay ra hiệu đã đến chốn ma Msát. Nơi này nằm dưới chân núi, đó đây các nhà mồ nằm lúp xúp dưới rừng cỏ lau cao quá đầu người. Sau khi khấn xin phép các hồn ma, chúng tôi theo chân già Y Nhôn vào trong.

Trên đường đi, để phòng trừ rắn độc, già Y Nhôn vừa đi vừa dùng một đoạn lồ ô dài hơn 1m quơ quạt về phía trước. Qua vạt cỏ dại um tùm, ngay lập tức chúng tôi lọt thỏm vào bãi đất trống với nhiều dấu hiệu kỳ lạ. Chúng tôi thấy có nhà đãi cơm cho ma với các bùa chú treo tòng teng có phần ma quái. Thấy có cả các cột klao bí hiểm được tạc từ độc mộc để làm vui lòng người chết.

Dừng lại ngôi mộ của người quá cố là anh Niê Y Rin (1965-2013), tôi thấy có nhiều dấu hiệu lạ. Tuy mộ được xây nổi bằng xi-măng, nghĩa là đã được hiện đại hóa nhưng những đường nét của táng tục qua bao đời vẫn còn đây. Đó là cây cột klao cao hơn 2m được tạc từ cây rừng, thân cắm vào lòng đất, phần đỉnh được nghệ nhân tạc một hình người khỉ có thế ngồi xổm, gương mặt u uất.

Quanh cây cột kalo này, thấy có những hoa văn phai mờ chỉ hiện diện ở chốn mồ mả được vẽ từ máu của những con vật hiến sinh. Cạnh cột cao khoảng 2 bước chân, ở phía chân người chết, có một nhà minh khí cao khoảng 2m mà theo giải thích của già Y Nhôn là nhà để cơm. Trên ngôi nhà đặc biệt này, như đã nói, tôi thấy có nhiều bùa chú.

Rừng ma của người Ê-đê với linh vật chim công huyền bí.

Tại làng ma Msát, tôi gặp bà Nie H'rin, có người thân được an táng ở đây. Bà Nie cho biết, theo tín ngưỡng dân gian của người Ê-đê qua bao đời, mọi vật, từ con người đến muông thú, cỏ cây, sông núi, chiêng ché… đều có hồn thiêng, được gọi là "Yang", là những linh thần không phải xa xôi mà rất gần gũi. Vì muôn vật có Yang nên thế giới Yang được nhìn nhận ở nhiều cấp dạng và góc độ.

Có Yang tốt hay giúp người và có những Yang xấu rình rập hại người. Ngoài ra còn có Yang mạnh, có Yang yếu. Sau bật mí trên, bà Nie lưu ý, trong cây klao, nhà để cơm nuôi ma kia có Yang trú, nên phải kính trọng, không được xem thường, ồn ào làm Yang phật lòng sẽ quở phạt...

Trong gió mai lồng lộng, già Y Nhôn và bà Nie đưa tôi chìm trong thế giới tang chế Ê-đê. Bây giờ và ngày trước vẫn vậy, người Ê-đê có tục khi biết nhà ai trong làng có người chết qua tiếng trống, tiếng ching (chiêng) báo tang, vậy là cả làng nhanh chóng đến giúp tang chủ lo việc ma chay. Tùy điều kiện mà dân làng mang đến "tặng" người chết và tang chủ nào là trứng luộc, cơm, ché rượu, con gà, con heo… Đây kỳ thực là hình thức phúng điếu mang tính hỗ trợ cộng đồng rất cao.

Theo chia sẻ của già Y Nhôn, trước khi được đưa vào áo quan, thi thể người đã khuất sẽ được lau chùi sạch sẽ bằng nước lá thuốc, được mặc quần áo đại lễ, nhà có điều kiện thì người chết còn được đeo các đồ trang sức quý giá và được bỏ vào áo quan những vật dụng cỡ nhỏ mà lúc sinh thời người chết thường sử dụng như điếu thuốc, nhạc cụ, những đồ trang sức đeo tay, cổ…

Nhân nói về chuyện áo quan mới thấy quanh "chiếc áo" này có sự khác lạ giữa người Jrai ở tỉnh Gia Lai và người Ê-đê. Trong khi người Jrai ở huyện vùng cao Chư Pảh (tỉnh Gia Lai) mà tôi đã có nhiều lần tham dự các lễ tang, lễ cúng bỏ mả (còn gọi bỏ ma, hay pơthi - lễ nghi cuối cùng từ đây người sống sẽ không đoái hoài gì đến người nằm dưới mộ, sẽ không ngày ngày ra bón cơm cho ma, hay tâm sự, kể chuyện vui buồn cho ma nghe - PV) có tục làm sẵn áo quan bằng cây độc mộc, thì người Ê-đê kiêng cữ điều này, xem việc làm sẵn áo quan là hiện thân của điềm gở.

Già Y Nhôn cho biết hình dáng quan tài của người Ê-đê như dáng sàn nhà, phần đầu bao giờ cũng to hơn phần cuối, trên nóc có hình con diều hâu - biểu tượng của linh hồn người chết.

3. Nhiều năm qua, tôi đã từng đặt chân đến những khu nhà mồ của các tộc người vùng cao trên đất Tây Nguyên và cứ mỗi lần bước chân vào nơi cấm địa ấy, bao giờ tôi cũng ghi nhận được những hiện tượng dân sinh kỳ lạ, đặc biệt là "cấm địa" của người Ê-đê ở xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Tại từng nấm mộ của người Ê-đê bản xứ, tôi thấy hầu như nhà mồ nào cũng có biểu tượng loài chim công đứng trên cặp ngà voi được tạc bằng gỗ độc mộc.

Già làng Y nhôn cho biết, nhà ma của người Ê-đê tại Khánh Hiệp cũng có biểu tượng linh thú, vấn đề ở chỗ con chim thường hiện diện ở chốn atâu tại đây có sự khác biệt những nơi khác, ngoài chim diều dâu, trước đây còn nó dáng dấp của chim đại bàng.

Tài liệu điền dã của một số nhà dân tộc học trước năm 1980 cho biết trên từng mộ phần trong làng ma Msát của người Ê-đê bao giờ cũng có Pưh Msát (nhà mồ - PV), là ngôi nhà trệt hai mái, với đòn nóc nằm theo hướng đông - tây (hướng này ngược với hướng dựng nhà dài là hướng bắc - nam). Ở 2 đầu đòn nóc được tạc hình mây trời và con chim đại bàng. Sau này hỏi nhiều người già Ê-đê về ý nghĩa của hình tượng đại bàng trên đòn nóc, tôi chỉ nhận được những nụ cười hiền, không rõ, không biết…

Có một điều lạ quanh các nhà ma ở rừng ma Msát, tôi thấy có một số cây lương thực như đậu săng, lúa rẫy… Hỏi ra mới biết gắn với tang lễ của một đời người Ê-đê có tập tục là tục gieo trồng ngũ cốc và một cây chuối quanh nhà mồ sau khi hạ huyệt, xem đó là nguồn lương thực chuẩn bị cho người chết ở thế giới bên kia. Lúc làm lễ bỏ ma, tang chủ cũng làm như thế. Ba Nie cho biết, trong lễ nghi cuối cùng đoạn tuyệt với người đã khuất, kết thúc buổi lễ, các bà các cô sẽ gieo bên mộ người quá cố các hạt ngũ cốc…

Hỏi rằng nếu những cây ấy lớn, có trái có hạt thì có được sử dụng? Già Y Nhôn nói rằng những gì thuộc về người chết thì không ai được xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào, đó là điều cấm kị. Nếu ai đó cố tình vi phạm,  họ sẽ bị các hồn ma, ác thần bắt bệnh, gây hại… 

Bất ngờ nhất là khi tôi được biết, lúc đưa ma, tang chủ có tục mang ra nơi chôn cất người thân 2 con gà, một gà mái, một gà con. Lúc hạ huyệt, con gà mái mẹ cũng được thả xuống với ý nghĩa làm tài sản cho người chết ở thế giới bên kia. Con gà nhỏ thì được thả sau khi chôn cất. Lễ nghi này được gọi là Bikllah, xem con gà được thả vào rừng như là sự giải thoát cho linh hồn.

Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi, một lần theo chân già làng Y Nhôn thám hiểm chốn ma thiêng, tôi thấy vùng đất bất khả xâm phạm Msát ở nơi cư trú của người Ê-đê ở xã vùng cao Khánh Hiệp, là một nơi như vậy!

 

N.Thành Dũng
.
.