Bi hài kiến thức sinh viên

Chủ Nhật, 27/05/2007, 09:36

Sinh viên được đánh giá là những người tuổi trẻ, tài cao, luôn mang trong mình tri thức và phẩm chất tốt đẹp nhất của thanh niên. Tuyệt đại đa số sinh viên hôm nay có giữ được hình ảnh ấy và có thể trở thành "mũi nhọn" quyết định vận mệnh đất nước trong tương lai như người ta hằng kỳ vọng?

Muốn biết kiến thức của sinh viên hôm nay như thế nào, xem “Rung chuông vàng”, một chương trình giải trí nhưng thực chất là một sân đấu về tri thức dành cho sinh viên. Ở đây quy tụ sinh viên của hầu hết các trường đại học trong cả nước. Và để tham dự phải là 100 sinh viên xuất sắc nhất của trường. Thế mà câu trả lời của sinh viên nhiều khi lại mâu thuẫn với tố chất “xuất sắc” mà họ được chọn, dù câu hỏi chỉ là kiến thức phổ thông.

Vua Hùng, Trần Quốc Toản là ai?

Một lần, “Rung chuông vàng” đưa ra câu hỏi: “Quốc hiệu đầu tiên của nước ta thời các Vua Hùng là gì?”. Cả 100 sinh viên tham dự không trả lời được, mặc dù đáp án là kiến thức lịch sử cơ bản và phổ thông (Văn Lang). Trớ trêu hơn trả lời sai câu hỏi đó lại đúng là sinh viên Trường ĐH Văn Lang tham dự!

Lần khác, có câu hỏi đại ý đâu là nơi đã đọc bài thơ "Nam Quốc sơn hà"? Có sinh viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng thay vì trả lời sông Như Nguyệt đã đưa ra đáp án sông Nhật Lệ (Quảng Bình).

Tuy nhiên, đáng giật mình hơn cả, trước câu hỏi Hùng Vương là ai? 30% số sinh viên được khảo sát trong một cuộc điều tra của Hội nghị Khoa học tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã không trả lời được. Còn với câu Trần Quốc Toản là ai? 49% sinh viên đã ngơ ngác khi nghe câu hỏi.

Cùng với lịch sử thì văn học cũng là lĩnh vực sinh viên hổng kiến thức đến khủng khiếp. Trong đêm ghi hình vào tháng 3, “Rung chuông vàng” “đố” sinh viên điền vào vế sau của câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen...”. Tưởng rằng, sau thách đố ấy, 100% sinh viên tham dự sẽ không ai phải rút khỏi cuộc chơi do bị loại.  Vậy mà 14 sinh viên đã “nockout” vì điền sai. Người thì điền: “Việt Nam đẹp nhất mang tên Bác Hồ” vào chỗ trống, người thì sáng tác “Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ” vào vế sau của câu thơ trong khi đáp án đúng là: “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

“Lọt sàng xuống nia” là câu tục ngữ dường như hiếm người không biết ngay cả học sinh phổ thông, những người so với sinh viên thua xa về kiến thức. Nhưng 22 sinh viên đã thất bại khi đưa ra đáp án: “Thóc rơi”, “mắc nong”... cho vế trống!

Sinh viên tham gia "Rung chuông vàng" đã hẳn xuất sắc?

Kiến thức phổ thông không nhớ đã là điều khó chấp nhận. Với kiến thức đang học hằng ngày, hằng giờ trên lớp không nhớ càng khó chấp nhận hơn. Ba sinh viên trụ được lâu nhất trong “Rung chuông vàng” được tổ chức ở Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội dù “trúng tủ” câu hỏi đúng chuyên ngành: “Tên viết tắt của quy chế về Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn mà Mỹ trao cho Việt Nam cuối năm 2006”, vậy mà không thể viết tắt cụm từ đó bằng chữ PNTR.

Hay sinh viên được coi là giỏi nhất trong số 100 sinh viên của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã không trả lời được câu hỏi: “Chỉ số chứng khoán Việt Nam được gọi là gì?”.

Chưa nực cười bằng chuyện 70% trong số 100 sinh viên xuất sắc của ĐH Mỹ thuật không thể biết “họa sĩ Trần Văn Cẩn nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa nào”. Hoặc một sinh viên khoa Văn đã xin ngừng cuộc chơi trong một chương trình giải trí cũng trên VTV3 chỉ vì không chắc chắn ai là tác giả của tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" v.v...

Không chỉ lịch sử, văn học... cả những kiến thức xã hội, những sự kiện đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống cũng không được nhiều sinh viên quan tâm đến, bất chấp đó là sự kiện “nước sôi lửa bỏng” khiến “rung chuyển” cả dư luận.

Thế nên mới có chuyện một nữ sinh viên đại học năm thứ 4 hồn nhiên nói: “Khi nghe nói PMU 18, em lại nghĩ đó là gỗ pơmu. Khi đi qua bến xe khách Mỹ Đình, có tòa nhà cao đề PMU 18 em vẫn tưởng đó là cơ sở sản xuất gỗ pơmu số 18”.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cùng với việc xây dựng trạm xá mang chính tên tác giả ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi chị chiến đấu và hy sinh đã trở thành “sự kiện trong xã hội và gây xôn xao dư luận".

Thế mà, 15 sinh viên Học viện Ngân hàng cũng đã không thể nhớ ra tên liệt sĩ được lấy làm tên cho trạm xá này. Lý giải vấn đề này, có sinh viên nói: “Chúng em xem tivi thường lướt, gọi là có xem thôi. Chuyện thời sự chúng em không quan tâm lắm. Còn nhiều việc cần hơn”.

Cuộc điều tra mới đây của Vụ Văn hóa - Ban Tuyên giáo Trung ương  cho biết gần 60% sinh viên hiện nay không chịu học hành, chỉ xin điểm, quay cóp trong các kỳ thi, kiểm tra. Giáo sư Văn Như Cương, Giáo sư Lưu Đức Trung, những người đã và đang trực tiếp giảng dạy nhiều sinh viên cũng cho rằng: “Bên cạnh một số sinh viên xuất sắc, nhìn chung bây giờ sinh viên lười đọc, lười học, lười suy nghĩ... Tóm lại là lười đủ thứ!”.

Một nữ sinh viên cho biết: “Một người bạn của em không biết “mặt mũi”  thư viện trường thế nào. Nhưng lại thường xuyên “thăm nom” mấy tiệm truyện tranh gần nhà. Cũng bởi những Phong vân, Thủy hử, Harry Porter.... vừa ngắn gọn lại vui mắt chứ có thiếu sắc màu như sách học đâu. Vì vậy đến thư viện làm gì!”.

Ở đâu có sinh viên, ở đó có “sống thử” trước hôn nhân

Học tập chuệch choạc nên lối sống cũng dẫn đến chuệch choạc. Như hiện nay, chuyện sống thử trước hôn nhân giữa sinh viên với sinh viên là chuyện... “thường ngày ở huyện”! Với số tiền còm cõi trầy trật bố mẹ mới kiếm được để gửi lên cho con trang trải học hành, sinh hoạt... thì một số sinh viên lại dùng vào việc “góp gạo thổi cơm chung”. Vì cùng yêu thương nhau mà mỗi người ở một nơi, ăn một nơi thì tốn kém quá nên chi bằng hai người chung một phòng, chung một niêu cho đỡ tốn kém, hơn nữa lại có nhiều thời gian để tìm hiểu và yêu thương nhau hơn. Gia giáo, nề nếp của cha ông từ trước đến nay quan trọng gì! Phải sống theo phương châm tận dụng tối đa và “một công đôi việc” trong mọi trường hợp. Thế mới là sinh viên hiện đại (!?). Vì vậy có đúc kết vui rằng: ở đâu có sinh viên ở đó có “sống thử” vợ chồng.

 Giải trí cũng là lĩnh vực mà sinh viên thể hiện cái lối “sống gấp” của nhiều người trẻ hôm nay. Điển hình như việc sử dụng Internet. Cứ ngỡ phương tiện “kết nối” toàn thế giới này sinh viên sẽ sử dụng tối đa hữu ích tìm kiếm thông tin phục vụ nghiên cứu, học tập. Hóa ra nhiều sinh viên chỉ sử dụng nó như một “hữu ích” “load” những chương trình “sex” hay thực hiện những trò phù phiếm như “chat”, game online...--PageBreak--

Theo điều tra của Vụ Văn hóa - Ban Tuyên giáo Trung ương, có tới 82% sinh viên sử dụng Internet để tra cứu học tập (sau đó để “chat” chiếm 55%, để gửi thư là 44% và để chơi game là 35,5%...). Tuy nhiên, thực tế quán Internet nào có chương trình phục vụ sinh viên tra cứu thông tin học tập? Ra bất kể quán “net” nào điều này sẽ được chứng minh ngay. Người ta chỉ có thể thấy cảnh sinh viên chơi game, “chat”, xem phim... trên mạng chứ làm gì có ai sưu tầm thông tin, kiến thức.

Thực mục sở thị các quán Internet nằm chằng chịt trong ngõ Tự Do sát Trường ĐH Kinh  tế quốc dân Hà Nội hay Tạ Quang Bửu, một con phố nổi tiếng với những quán “net” lúc nào cũng ăm ắp chương trình mới chẳng hạn. Vào giờ học hẳn hoi mà các quán “net” tấp nập người. Chủ các quán giới thiệu “rặt sinh viên đấy". “Nhẵn hết mặt ở đây rồi”. Mấy chục cái máy tính mờ hết bàn phím do quá nhiều người sử dụng và sử dụng với tần suất quá cao trong các cửa hàng đã không còn trống cái nào.

Chỗ nào cũng thấy toàn cô cử, cậu cử tương lai gác cặp  sang một bên rồi dán mắt vào màn hình máy tính. Người thì thoăn thoắt 10 đầu ngón tay để điều khiển nhân vật trong trò chơi Audition, Võ Lâm truyền kỳ... Hiếm thấy sinh viên nào đang mở một trang báo điện tử để đọc chứ đừng nói đến chuyện mở website cung cấp thông tin phục vụ học tập...

Với lối sống ấy, hệ lụy tất yếu phải xảy ra trong giới sinh viên. Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ VH-TT đã thống kê cơ cấu, tỉ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm 70%. Riêng năm 2002, qua phân tích thành phần của 48.000 người bị khởi tố, điều tra đã có 450 sinh viên trong số này.

Cách đây chưa lâu, hẳn mọi người còn nhớ cú lừa đảo ngoạn mục của Triệu Vĩnh Thắng, một sinh viên xuất sắc  của ngành toán - tin. Chỉ vì tham vọng thích làm giám đốc mà Thắng trễ nải việc học hành để thành lập một công ty có cái tên rất oách: Công ty TNHH Thương mại Hoàng Tùng. Thế nhưng cái quy luật nghiệt ngã “thương trường là chiến trường” đã không tạo điều kiện cho một người tay trắng cả về kinh nghiệm lẫn tiền vốn như Thắng làm nên sự nghiệp. Thắng rơi vào cảnh nợ đầm đìa với khoản tiền ước tính lên đến vài trăm triệu đồng.

Thất bại ấy đáng tiếc lại không là bài học giúp Thắng tỉnh ngộ. Thắng vẫn hy vọng “thất bại là mẹ của thành công” cho nên sau khi cha mẹ Thắng trang trải nợ nần để cứu con trai thoát khỏi vòng lao lý bằng tiền bán nhà, Thắng tiếp tục vay mượn để thành lập công ty khác. Lần này nhằm dành hết tâm huyết cho công ty, Thắng bỏ học hẳn.

Cùng làm với Thắng lúc này, có cả vợ mới cưới của Thắng. Và lần này cũng lại thất bại, mặc dù đã dùng đến các mánh khóe mua đắt, bán rẻ. Tiền nợ của Thắng lên đến 30.000 USD. Vợ chồng Thắng phải ẵm đứa con gái còn bế ngửa bỏ trốn. Lúc này, để có tiền tiêu xài, vợ chồng Thắng đã nghĩ ra quái chiêu lừa có một không hai.

Trong vai giám đốc, vợ là kế toán trưởng, Thắng đã thuê một ngôi nhà mặt tiền ở phố Đà Nẵng, Hải Phòng lập nên một doanh nghiệp “ma” mang cái tên: “Trung tâm Tư vấn xây dựng và thiết kế công trình”. Với cái doanh nghiệp đó, Thắng và vợ đã đến một số công ty khác vờ hợp đồng lắp đặt các thiết bị văn phòng như máy điều hòa, máy tính, bàn ghế... Thế nhưng khi các thiết bị vừa lắp đặt xong, vợ chồng Thắng lại tháo dỡ toàn bộ để chở về Hà Nội gán nợ đồng thời “cao chạy xa bay” luôn. Sau khi lừa đảo trót lọt ở Hải Phòng, vẫn với thủ đoạn ấy, vợ chồng Thắng lại tiếp tục vào Vinh, Nha Trang lặp lại hành vi của mình.

Kết quả là, vợ chồng Thắng chiếm đoạt thêm được vài trăm triệu đồng nữa. Tuy nhiên, không thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”, vợ chồng Thắng đã bị công an bắt giữ tại TP HCM.

Cùng với Thắng, còn có sinh viên khác như: Trần Văn Minh, sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội đã bị sa lưới pháp luật vừa mới đây về tội giết mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Lụa, ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, Ninh Bình  để cướp của. Hay sinh viên hệ tại chức đẹp như trong “mộng” của Học viện Ngân hàng là Dương Ngọc Hoa, để có tiền ăn chơi đã trở thành môi giới và gái mại dâm bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa gần đây... Nói chung tội danh mà sinh viên mắc phải ngày càng đa dạng, phức tạp hơn như lừa đảo, giết người, cướp của, mại dâm...

Lỗi không chỉ ở sinh viên

Hình ảnh đẹp về người sinh viên truyền thống ham học, giàu nghị lực vươn lên dường như đang dần mất đi bởi lối sống suy đồi cả về tài năng lẫn đạo đức của một số sinh viên hôm nay. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết xuất phát từ nhận thức của sinh viên. Nhưng bên cạnh đó không thể không nói đến trách nhiệm của những nhà giáo dục.

Thứ nhất về đào tạo, theo Tiến sĩ Trần Nhu, Viện Nghiên cứu Xã hội TP HCM, sở dĩ chất lượng giảng dạy ở đại học còn yếu là do: phương pháp giảng dạy trong chương trình đại học chưa đổi mới quyết liệt và tiến bộ. Cụ thể cách giảng dạy vẫn cố hữu theo lối đọc và chép; giáo trình nhiều nội dung bất cập, mà ngay khâu đầu tiên đã bất cập đó là tổ chức soạn thảo. Theo điều tra, 80% các nhà soạn thảo sách giáo khoa chưa từng làm công tác giảng dạy; trình độ của giảng viên còn thấp...

Về lối sống, văn hóa của sinh viên, Thạc sĩ Nguyễn Đình Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng yếu kém bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay tại các trường đại học chưa triệt để chú trọng. Bên cạnh đó cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa của sinh viên còn thiếu cũng như các phong trào khơi dậy cuộc sống lành mạnh trong sinh viên chưa mạnh mẽ, nếu có mới chỉ dừng ở hình thức.

Để khắc phục tình trạng này, phải thay đổi đồng bộ tất cả những yếu kém đang tồn tại. Đặc biệt quan tâm phát triển những hoạt động thiết thực để có thể đẩy mạnh việc giáo dục học tập, lối sống văn hóa cho sinh viên.

Sinh viên hôm nay, đất nước ngày mai. Tương lai của đất nước và cả sự nghiệp của sinh viên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng học tập của sinh viên hôm nay. Sinh viên không nên và không thể vì lối sống buông thả, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, học tập mà từ bỏ trọng trách ấy cùng quãng đời giàu ước mơ, hoài bão nhất trong đời người

Tú Anh
.
.