Bi kịch hôn nhân sau những đám cưới vội: Đừng âm thầm chịu đựng

Thứ Ba, 09/08/2016, 09:45
Tiếp xúc với những nạn nhân của bạo lực gia đình, chúng tôi nhận thấy hầu hết trong số họ đều thuộc Típ phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó và đặc biệt là vô cùng nhẫn nại, cam chịu. Đức tính ấy đã giúp họ vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng dường như khiến cho không ít chị em phải chịu những bi kịch đau xót.

“Đừng vì định kiến mà loại trừ đi những điều kiện tốt đẹp có thể” - đó là ý kiến của một chuyên gia tâm lý, và cũng là của chúng tôi khi kết thúc loạt bài này.

1. Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và WHO thực hiện cho thấy có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên 60% phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất.

 Chị Dương Thị Hồng (Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Bên cạnh những trường hợp bị chồng bạo hành bằng hung khí, bị chồng tưới xăng đốt như chị Dân, chị Dung như đã đề cập trong các bài viết trước thì chúng tôi còn thống kê được không ít những trường hợp khác. Tháng 2-2016 vừa qua, chị Dương Thị Hiền (SN 1994, quê ở Thái Nguyên, trú tại Lục Nam, Bắc Giang) đã phải đi viện cấp cứu vì bị chồng là Bàn Văn Cường bạo hành. Chỉ nghe chị Hiền tả lại những hành động của Cường dành cho vợ mà chúng tôi cũng sởn hết da gà.

“Tối hôm đó, anh ấy về nhà trong tình trạng nồng nặc mùi bia rượu. Biết tính anh ấy, em không dám nói gì mà chỉ khẽ bảo anh ấy đi ngủ. Chẳng ngờ anh ấy xông vào đấm đá em, trong khi người em rất yếu vì mới sinh con chưa đầy 2 tháng. Đánh đấm chán chê vẫn chưa hả, anh ấy lấy trong góc nhà một thanh kiếm Nhật chém một nhát vào người em. Trong cơn hoảng loạn cùng cực, em giật được cửa chạy ra đường”.

Ấy thế nhưng cơn điên của gã chồng vẫn chưa qua. Hắn ta cầm kiếm tiếp tục đuổi theo chị Hiền. Đuổi kịp vợ, hắn giật tóc chị. Hiền bị ngã ngửa, nằm sõng soài giữa đường. Gã lấy chân đạp lên cổ Hiền. Thế rồi gã tiếp tục dùng kiếm chém vào đôi chân của người vợ tội nghiệp.

Đối tượng Nguyễn Văn Thành (kẻ đã bạo hành chị Nguyễn Thùy Dung) đã bị khởi tố bắt giam về hành vi giết người.

Được biết Bàn Văn Cường và chị Dương Thị Hiền kết hôn với nhau từ cuối năm 2014. Họ quen nhau thông qua một người bạn chung. Chỉ qua những cuộc nói chuyện qua điện thoại, chị Hiền đã đồng ý rời quê hương để kết hôn với Cường, người hơn cô cả chục tuổi.

Cũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tháng 8-2015 đã xảy ra một vụ bạo hành gây xôn xao dư luận. Đối tượng Chu Quang Đạo (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã dùng dao chọc tiết lợn chém nhiều nhát, rồi cắt gân chân chị Dương Thị Hồng (vợ Đạo) khiến chị tổn hại 34% sức khỏe.

Được biết, Đạo chỉ học đến hết lớp 7 rồi nghỉ để lo việc đồng áng phụ giúp gia đình. Lớn lên chút nữa, Đạo nhập ngũ. Năm 1993, vừa mới xuất ngũ được một thời gian, Đạo dính vòng lao lý. Sau gần 10 năm cải tạo, Đạo được trả tự do. 

Về quê một thời gian, Đạo đã kết hôn với một phụ nữ cùng huyện và có với chị này hai người con chung. Nhưng cái tính ngang tàng, hung bạo lại khiến cho Đạo vi phạm pháp luật và đó cũng là dấu chấm hết cho cuộc sống vợ chồng với người vợ đầu. Thụ án thêm gần chục năm tù nữa, trở về thôn Chớp (Lương Phong, Hiệp Hòa) Đạo không còn gia đình, không có bất cứ một nghề nghiệp gì để trang trải cho cuộc sống. Đúng lúc bí bách và thiếu thốn nhất thì Đạo đã gặp chị Hồng - một thôn nữ “quá lứa” có nghề thổi kèn đám ma. Buồn thay, bi kịch hôn nhân đã xảy ra với người phụ nữ được xem là hay lam hay làm này.

2. Tiếp cận những hồ sơ vụ án bạo hành gia đình, đặc biệt là khi tiếp xúc với những “người trong cuộc”, chúng tôi nhận thấy một hiện thực cũng đau đớn không kém những cuộc bạo hành. Đó là người phụ nữ - những người vốn đã là phái yếu trong xã hội - lại càng yếu thế hơn trong những mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Họ không biết chia sẻ với ai về nỗi đau ấy. Họ thường chỉ biết cam chịu khi bị chồng đánh đập, hành hạ, thậm chí là phụ bạc. Chỉ cho tới khi bị chính người chồng vẫn đầu gối tay ấp bạo hành đến mức “thừa sống thiếu chết” thì họ mới nhờ đến pháp luật can thiệp. Mà khi sự việc đã xảy ra rồi, lại có những người vẫn tiếp tục xin cho chồng thoát tội.

Một số nạn nhân của bạo hành gia đình: Nguyễn Thùy Dung (Thạch Thất, Hà Nội), Dương Thị Hiền (Lục Nam, Bắc Giang).

Trong phiên tòa xét xử Trương Văn Đức (SN 1984, trú tại xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa) mà chúng tôi đã đề cập đến ở bài viết trước, chị Nguyễn Thị Dân (SN 1980, trú tại Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội) - là vợ của Đức và cũng là bị hại - đã ra sức xin cho chồng. Dù chính tay anh ta đã xả những nhát dao chí mạng vào chị, khiến chị và đứa con trong bụng phải qua cơn sinh tử. Chị Dân thậm chí còn không đi giám định thương tích, để mong chồng không bị khởi tố, bắt giam. Dù rằng, chúng tôi rất cảm kích với tấm lòng vị tha của chị, nhưng để ngăn chặn vấn nạn bạo hành gia đình - thì chúng tôi không thể đồng tình.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) cho chúng tôi biết, trong gần 20 năm làm tư vấn phòng chống bạo lực gia đình bà đã chứng kiến không ít những câu chuyện đau lòng. Đã có nhiều phụ nữ chết dưới tay chồng, người may mắn sống sót như chị Hồng ở Bắc Giang thì bị cắt gân chân tay. Có bà lão 70 tuổi, 40 năm bị chồng đánh và cuối cùng cũng là cắt gân chân tay. Có trường hợp bị chồng đánh giập lá lách, hay có chị bị xẻo cả hai đầu vú, chồng bỏ ngâm rượu...

Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực. Trên thực tế, đã có rất nhiều bà vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết mà vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần. Phụ nữ nông thôn lại càng không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm, sợ bị mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng” và “xấu chàng hổ ai”...

Một thẩm phán thuộc TAND TP Hà Nội cho chúng tôi biết, hiện nay rất nhiều phụ nữ ở nông thôn sau khi ly hôn rời khỏi nhà chồng phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ kết hôn được bố mẹ cho mảnh đất làm nhà ở mà không làm thủ tục sang tên cho hai vợ chồng, vì vậy khi ly hôn, bố mẹ chồng lấy lại đất. Lúc ra tòa, người vợ không có giấy tờ căn cứ pháp lý nên họ phải ra đi tay trắng. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người không dám ly hôn, đành phải cam chịu bị chồng bạo hành”.

3. Theo luật sư Nguyễn Thị Huệ (Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự) hành vi dùng xăng đốt vợ (là chị Nguyễn Thùy Dung) của Nguyễn Văn Thành (mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ 1 của loạt bài) là hành vi vô cùng dã man, phi nhân tính. Việc khởi tố điều tra bị can sẽ đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Luật sư Huệ cũng lo ngại với bản tính côn đồ và việc sử dụng ma túy thường xuyên rất có thể Thành tiếp tục có hành vi gây tổn hại cho tính mạng, sức khỏe đối với mẹ con chị Dung. Về căn cứ pháp lý, bà Huệ cho rằng với hành vi đổ xăng vào mặt, vào người chị Dung rồi châm lửa đốt, đối tượng Thành có dấu hiệu cấu thành tội giết người. Bên cạnh đó, kết quả giám định chị Dung bị tổn hại đến hơn 80% sức khỏe, đã có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Bởi vậy Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Thành.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm Csaga.

Cũng theo bà Vân Anh theo số liệu từ “Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình” (BLGĐ) có tới 87% phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn chưa bao giờ dám tìm kiếm sự trợ giúp. Nguyên nhân là do họ chưa tìm thấy sự tin cậy từ hệ thống hỗ trợ của chính quyền”. Báo cáo đánh giá thực thi Luật Phòng chống BLGĐ của Csaga tại 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam cũng cho thấy, nhiều phụ nữ phải tìm kiếm sự giúp đỡ chỉ khi không thể chịu đựng thêm được nữa, muốn chia sẻ, bị đuổi khỏi nhà, bị thương tích quá nặng hoặc bị dọa giết. Tuy nhiên, khi phải cầu cứu thì chỉ có 5% tìm đến Hội Phụ nữ và 2,6% tìm đến trưởng thôn.

Khi chúng tôi viết đến những dòng này, thì nhận được thông tin từ chị Dung (đang chờ phẫu thuật tại bệnh viện) thông báo Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Văn Thành để điều tra về hành vi giết người. Chúng tôi cũng rất hy vọng ca phẫu thuật sẽ thành công, để chị Dung sớm được trở về với gia đình, với cuộc sống bình thường.

Một số nguyên tắc khi sống chung với người gây bạo lực:

- “Nghe nhạc hiệu đoán chương trình” để thoát khỏi hiểm nguy. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các chị đều biết khi nào cơn nổi giận của kẻ bạo hành chuẩn bị bùng nổ. Đừng có kích thích bằng hành động/lời lẽ không phù hợp. Nên tránh cho nhanh, chờ cơn giận lắng xuống rồi về.

-  Đừng để hung khí gây bạo hành trong tầm tay: Hầu hết hung khí gây bạo hành của chồng với vợ là đồ dùng gia đình. Đừng đứng gần những hung khí đó khi phát hiện cơn nóng giận của “kẻ kia” đang có nguy cơ nổ ra. Nên cất kỹ những vật dụng có thể làm hung khí gây nguy hiểm cho bản thân như: dao, kéo, chổi, điếu cày...

-  Có kế hoạch thoát thân: Để thoát khỏi kẻ bạo hành (ly thân, ly hôn, tạm rời xa) phải chuẩn bị sẵn quần áo, giấy tờ, tiền bạc, tài sản mang theo được để không bị rơi vào thiếu thốn hoặc bị động. Kế hoạch phải làm âm thầm đừng để lộ. Cần có sự trợ giúp của người thân, người có uy quyền, uy tín, trách nhiệm, sức khỏe khi có quyết định, báo cáo hoặc chạy trốn.

- Tìm ra “điểm yếu”: Kẻ nào dù hung bạo đến đâu cũng có những điểm yếu. Hãy tìm ra điểm yếu của hắn để có phương án đối phó với bạo hành. Ví dụ nhiều nam giới đánh vợ rất dữ dằn nhưng lại sợ công an vô cùng. Có kẻ thì sợ con, có người thì sợ mẹ buồn...

- Tranh thủ tìm sự trợ giúp từ các đoàn thể, hội ở địa phương: Công an địa phương, cán bộ hội phụ nữ, tư pháp, y tế, cán bộ chính quyền là người có nghĩa vụ hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, cần tranh thủ sự trợ giúp từ họ. Nạn nhân cũng có thể gọi 113 yêu cầu trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp. Hãy tận dụng tất cả, đừng vì định kiến mà loại trừ đi những điều kiện tốt đẹp có thể.

(Khuyến cáo của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Csaga)

Minh Tiến
.
.