“Bóng cười” - hiểm họa trong giới trẻ

Thứ Tư, 24/07/2019, 08:09
Vài năm trở lại đây, việc sử dụng “bóng cười” trong các cuộc vui của giới trẻ dường như đã trở thành một trào lưu. Và, trong nhiều trường hợp, bóng cười đã trở thành... bóng khóc khi gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người sử dụng.

Đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn với loại khí chết người này.

BÀI 1: KẾT CỤC ĐÁNG SỢ SAU NHỮNG CUỘC CHƠI

Tử vong giữa cuộc chơi

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2019 có thể là thời khắc đau buồn nhất của gia đình, bạn bè em Đào Trung N. (SN 2001, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tối 29-4, N. xin phép gia đình cùng một nhóm bạn đi uống nước, nói chuyện tại quán cà phê “Ch’ coffee” trên phố Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Rạng sáng hôm sau, người thân của em bàng hoàng khi nhận được thông tin N. đã tử vong.

Cái chết quá đột ngột của người bạn vừa tròn 18 tuổi khiến cho nhiều bạn bè của N. sửng sốt. Họ lên trang Facebook của em thả những trái tim, nói những lời nguyện cầu cho người bạn xấu số. Và, rất nhiều người cùng chung một câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết đột ngột của N.?

Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc. Quá trình điều tra cho thấy tối hôm đó N. và nhóm bạn đã sử dụng hàng chục quả bóng cười. Cho đến khoảng 2 giờ sáng, một số người bạn phát hiện thấy N. ngồi im một chỗ thì ngỡ cậu ta đang “phê” bóng nên họ về trước, còn lại khoảng 5 người.

Khoảng 30 phút sau, nhóm này cũng muốn chia tay song vẫn thấy N. nằm im, mắt trợn ngược thì hoảng hồn chạy lại. Sau một hồi lay gọi không được, nhóm bạn vội gọi cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức có mặt và xác định N. đã tử vong.

Cơ quan chức năng phát hiện một địa điểm bán khí cười “chui”.

Mặc dù kết quả giám định chưa tìm ra độc chất trong máu của N., song gia đình nghiêng về kết luận N. tử vong do hút bóng cười (N. có tiền sử bị bệnh tim). Cơ quan chức năng cũng thu tại quán cà phê này một bình khí N2O và hàng trăm quả bóng các loại. Được biết, chủ quán cà phê này đã nhiều lần bị xử phạt hành chính về các hành vi không có hồ sơ phòng cháy chữa cháy, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh... Chủ quán cũng không chấp hành nộp phạt mà đóng cửa, biến mất ngay sau sự việc.

Khoảng 1 tháng trước đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng xảy ra một vụ dân chơi tử vong do sử dụng bóng cười. Đó là anh Mills Ben (SN 1984, quốc tịch Úc). Anh Mills cùng gia đình nhập cảnh vào Việt Nam theo dạng du lịch. Ngày 10-3 anh Mills thuê phòng tại khách sạn trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lúc 17h cùng ngày, anh Mills và vợ đến quán cà phê “Smiles 2” (phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) uống bia và hút bóng cười. Sau đó họ về nhà nghỉ ngơi, ăn tối.

Khoảng 20 giờ, Mills cùng vợ con quay lại quán Smiles tiếp tục uống bia và hút bóng cười. Đến 21 giờ, vợ và con ra về trước, Mills ở lại tiếp tục gọi 2 quả bóng cười và sử dụng. Hút xong thì Mills ngồi bất động trên ghế. Nhân viên của quán vội gọi cấp cứu. Các bác sĩ nhanh chóng có mặt tổ chức sơ cứu song anh ta đã tử vong trước đó.

Qua khám nghiệm, xác định anh Mills tử vong do suy tuần hoàn và hô hấp, nạn nhân phù phổi cấp. Trước đó anh ta đã sử dụng đồ uống có cồn, đồng thời uống một số loại thuốc Tây y. Việc kết hợp giữa bia rượu và khí N2O đã tác động vào tim, phổi khiến nạn nhân tử vong.

Lần ngược trở lại một chút, có lẽ nhiều dân chơi vẫn còn chưa quên cái đêm chết chóc “Trip to the moon” (Du hành lên mặt trăng) ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) diễn ra vào đêm 16-9-2018. Đã có tới 7 thanh niên tử vong và nhiều nạn nhân hôn mê sau khi tham dự sự kiện âm nhạc đình đám này. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được rất nhiều vỏ bóng cười đã qua sử dụng, cùng với rượu, ma túy...

Nam thanh nữ tú sử dụng “bóng cười” tại một quán bar trên địa bàn quận Đống Đa.

Món hàng siêu lợi nhuận

Có thể nói, khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, tình trạng một bộ phận giới trẻ sử dụng bóng cười để giải trí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Đầu tháng 7-2019, vào một buổi tối “mát trời”, chúng tôi đi khảo sát tại một số tuyến phố ở Hà Nội như khu vực “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến... và có thể dễ dàng gặp trong các bar, quán cà phê, thậm chí cả ở những quán nước vỉa hè luôn khá sẵn bóng cười để bán cho khách sử dụng. Vòng sang khu vực Xã Đàn cũng có, xuống khu Mỹ Đình, Hà Đông cũng không thiếu.

Có 3 lý do khiến cho bóng cười ngày một lan nhanh như những con virus, đó là việc sử dụng nó có tác động lên hệ thần kinh, gây ảo giác và khiến cho người ta cảm thấy phấn khích trong một khoảng thời gian nhất định. “Hút một quả bóng là thấy tâm hồn lâng lâng phơi phới, quên hết mọi ưu phiền” - một dân chơi tường thuật. Thứ hai, giá thành của nó ngày một hạ, khá phù hợp với túi tiền của phần lớn giới trẻ. Cuối cùng, việc sử dụng bóng cười không bị ngăn cấm như sử dụng các loại ma túy, cần sa...

Theo một dân chơi kiêm đầu nậu chuyên bán sỉ/lẻ bóng cười thì mặt hàng này ngày một phổ biến trong giới trẻ còn do việc kinh doanh thứ hàng này là siêu lợi nhuận. Giá một bình khí nén N2O công nghiệp loại 20kg chỉ trong vài năm tăng giá tới 3 lần. Giá bán mỗi quả bóng cười trong quán bar khu vực trung tâm dao động từ 50 ngàn tới 200 ngàn đồng/quả. Những quán đông khách như trong khu vực phố đi bộ Hàng Buồm, Tạ Hiện mỗi tối cuối tuần tiêu thụ khoảng 5 tới 10 bình nén cỡ lớn.

Đã có kỷ lục từng “xác lập” được đăng tải tại diễn đàn “Bea...” trên mạng xã hội Facebook thuộc về một “hot girl” sinh năm 1999, sử dụng cả trăm quả bóng cười chỉ trong một buổi tối. Trung bình mỗi bình khí mang lại lợi nhuận cho chủ quán hàng chục triệu đồng, con số lợi nhuận vô cùng hấp dẫn với mức đầu tư rẻ mạt. Thậm chí, nếu là khách quen thì có thể mua hàng không cần trả tiền trước.

Trên thế giới, việc sử dụng khí N2O bơm vào quả bóng bay để sử dụng đã có từ lâu. Còn tại Việt Nam, khoảng những năm 2010-2011 “bóng cười” bắt đầu được du nhập. Buổi ban đầu, thứ khí giải trí lạ lùng này chủ yếu xuất hiện tại các bar dành cho người nước ngoài, với giá bán khá “chát” là 200-300 ngàn đồng/quả. Nó cũng khiến không ít dân chơi Việt “mắt tròn mắt dẹt”.

Nhưng chỉ vài năm sau, bóng cười vụt trở thành “ngôi sao” khi việc mua bán sử dụng trở nên rộng rãi thoải mái hơn bao giờ hết. Với đám dân chơi, hay nhiều cô cậu học sinh, sinh viên xuất hiện quan niệm “lên phố” mà không hút bóng cười thì còn... “quê hơn cả nhà quê”!

Chủ một quán karaoke trên phố thuộc quận Hai Bà Trưng cho biết, vào đầu năm 2013 có ngày các phòng hát của anh đều ở tình trạng “full” và bill thanh toán không bao giờ dưới chục triệu nhờ bóng. Cho tới năm 2015, bóng cười đã thực sự trở nên vô cùng phổ biến. Ít ai tin được trò chơi thổi bóng “vèo phát” từ quán karaoke, quán bar “tràn” ra cả những quán cà phê vỉa hè.

Bóng cười bây giờ không chỉ là cơn sốt dành cho dân chơi như hồi đầu mới xuất hiện, cũng không chỉ đơn điệu một màu trắng như năm 2012 mà đã thực sự trở thành thứ quá quen thuộc, một dạng giải trí mà một số người trẻ khẳng định là “không-thể-thiếu”...

Dân chơi (thậm chí nhiều học sinh, sinh viên) hút bóng cười ở mọi nơi mọi lúc. Lên bar uống rượu phải làm vài quả bóng “kích rượu” thì mới vui. Ra quán cà phê “chanh sả” (sang chảnh) cũng không thể ngồi im, phải “làm tí” bóng để câu chuyện “xôm” hơn. Rồi tới cà phê vỉa hè, cảnh phê bóng cười, ngất, ngã cả ra đường chẳng hề hiếm gặp.

Nam công dân Úc tử vong do hút nhiều bóng cười tại quán cà phê.

Thậm chí, Hà Nội còn xuất hiện một chuỗi bar, pub đặt tên có đuôi là “ball” - chuyên tâm phục vụ khách hàng “thổi bóng” với cam kết “không phê không lấy tiền”! Và hiển nhiên, khách hàng lên đây không chỉ để uống bia rượu mà còn để thưởng thức độ phê của bóng.

Sự “bùng nổ” của bóng cười trong thời gian qua thực sự đã gây ra những hệ lụy...

Những hậu quả đáng sợ từ bóng cười

Theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm (Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) nhiều năm trở lại đây, để có đông khách hàng, nhất là thanh, thiếu niên đến với các cơ sở vui chơi, giải trí, nhiều chủ vũ trường, quán bar, quán karaoke... đã sử dụng nhiều cách thức, chiêu trò để lôi kéo. Một trong số đó là bán và tổ chức cho khách sử dụng bóng cười.

Bóng cười thực chất là một loại bóng bay được bơm khí N2O (Dinitơ monoxit hay Nitrous oxide). Loại khí này khi hút vào cơ thể có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một vài điểm của hệ thần kinh. Nó tạo cảm giác lâng lâng, gây tiếng cười sảng khoái cho người sử dụng trong vài chục giây đến một phút.

Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiếu máu lên não...

Còn theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc bóng cười. Các bệnh nhân này chủ yếu là thanh niên, sử dụng bóng cười trong thời gian dài, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê bì, liệt chân tay và thậm chí cơ hô hấp có biểu hiện bị ảnh hưởng. Để điều trị cho các trường hợp này, y, bác sĩ phải tiêm thuốc giải độc nhưng với điều kiện khi về bệnh nhân phải ngừng sử dụng bóng cười thì thuốc mới có tác dụng.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, người sử dụng bóng cười ban đầu gây phấn khích, hưng phấn tạm thời, sau sẽ nhanh chóng ức chế thần kinh, ức chế tim mạch, loạn nhịp tim, ngừng thở, thở yếu, hôn mê, co giật; dùng quá nhiều có thể dẫn tới tử vong. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là những người trẻ, chỉ loanh quanh tuổi hai mươi. Và bệnh nhân thường nằm theo 2 dạng, một ngộ độc cấp tính và hai là do dùng nhiều lần gây tổn thương thần kinh não, tủy sống, có biểu hiện trầm cảm, mất trí nhớ, tê yếu cơ, liệt, tổn thương máu...

“Khí N2O dùng từ 2 lần trở lên là có hại cho sức khỏe, gây yếu, liệt thần kinh, suy tủy, giảm khả năng sinh sản... Cơ chế ảnh hưởng tác động của N2O vào hệ thần kinh của người giống hệt như ma túy” - bác sĩ Nguyên khẳng định.

Đặc biệt, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải điều trị nhiều trường hợp ngộ độc khí N2O mạn tính trên cơ thể như tổn thương dây thần kinh, tổn thương tủy sống, tổn thương não. Điển hình là bệnh nhân Hoàng Văn H. (26 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) do lạm dụng hút bóng cười trong thời gian dài đã bị rối loạn cảm giác và vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay, đi lại không vững.

Qua khám sàng lọc và xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống, thực sự là rất đáng lo ngại cho tương lai sau này.

Bóng cười nguy hiểm là như vậy, song việc quản lý khí cười, bóng cười lại đang có rất nhiều vấn đề...

(Còn tiếp)

Minh Tiến - Minh Trí
.
.