“Bông hoa đỏ” của An ninh miền Đông…

Thứ Năm, 29/12/2016, 15:15
Bà là nữ Anh hùng, Đại tá Trần Thị Hường, làng xóm và con cháu quen gọi là má Hai Hường, từng là cán bộ an ninh thời chống Mỹ... Một người cán bộ an ninh đã khiến cho cả bộ máy tình báo chính quyền VNCH và CIA Mỹ từng treo giải thưởng với tiêu đề: “Nữ Việt cộng cực kỳ nguy hiểm, nếu ai phát hiện, bắt được, sẽ thưởng 200.000 đồng...”. Một số tiền VNCH giá trị cực lớn vào những năm 1963-1968.

...Vạt nắng cuối chiều đã tắt ngấm sau những dãy nhà phố cao tầng trong khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, một chiều cuối năm dương lịch. Người phụ nữ dáng thấp đậm, đang đứng một mình trong sân nhà ngắm nghía và phun nước tưới tắm cho mấy chậu lan treo lủng lẳng, nở hoa tím, vàng cực đẹp. Thinh âm của buổi chiều giữa lòng phố sao bỗng nhiên yên tĩnh lạ thường trong căn nhà nhỏ không có một tầng cao, không có tiếng trẻ con, không chuông bấm, không kín cổng tường rào như nhiều căn nhà liền dãy...

Bà là nữ Anh hùng, Đại tá Trần Thị Hường, làng xóm và con cháu quen gọi là má Hai Hường, từng là cán bộ an ninh thời chống Mỹ... Một người cán bộ an ninh đã khiến cho cả bộ máy tình báo chính quyền VNCH và CIA Mỹ từng treo giải thưởng với tiêu đề: “Nữ Việt cộng cực kỳ nguy hiểm, nếu ai phát hiện, bắt được, sẽ thưởng 200.000 đồng...”. Một số tiền VNCH giá trị cực lớn vào những năm 1963-1968.

Anh hùng, Đại tá Trần Thị Hường với cuộc sống đời thường.

“Bông hoa đỏ” của lực lượng An ninh miền Đông

Anh hùng, Đại tá Trần Thị Hường sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 7 chị em, sớm có truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng ở quê hương xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé cũ nay là tỉnh Bình Dương. Cha mẹ ruột của cô là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng, từng bị địch bắt tù đày, tra tấn.

Thời chống Mỹ, xã Tân Bình là cửa ngõ quan trọng ra vào chiến khu D cách mạng miền Đông và Trung ương Cục miền Nam nên từ năm 1955, địch đã đưa những đoàn công dân vụ 319-322 bí mật về đây lập “sổ bìa đen” từng người, từng nhà mà chúng nghi vấn có liên quan đến cộng sản. Những năm đầu thập niên 60, địch tung hàng trăm mật vụ, mật thám, tình báo, biệt kích tìm mọi cách trà trộn, len lỏi vào khu vực này để truy tìm, bắt bớ, tiêu diệt cán bộ cách mạng nằm vùng, nên mọi hoạt động bí mật và phong trào của cách mạng tại Tân Uyên luôn phải được bảo vệ, cảnh giác cao độ mọi lúc, mọi nơi.

Tháng 2/1958, mới bước sang tuổi 17, Hai Hường đã tham gia cách mạng, được chính đồng chí Phạm Thị Nhàn (Năm Nhàn) - Bí thư Chi bộ xã Tân Bình xây dựng làm cơ sở giao liên thông báo tin hoạt động bí mật của lực lượng an ninh xã Tân Bình, huyện Tân Uyên. Không lâu sau, Hai Hường được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ cùng đồng đội tìm cách bí mật tiêu diệt tên ác ôn khát máu Trần Văn Thôi, là người địa phương từng gieo rắc bao cảnh tang thương cho đồng chí, đồng bào Tân Uyên, Phú Giáo.

Sau nhiều lần trinh sát, nắm chắc quy luật đi về của tên ác ôn này, Hai Hường cùng đồng đội bí mật mai phục cách cửa nhà tên Thôi chừng 200m. Màn đêm buông xuống bên cánh rừng cao su rất lạnh, từng nhịp tim đập vang trong lồng ngực các chiến sĩ khi nhìn thấy từ xa ánh đèn xe Jeep rọi sáng chạy về hướng căn nhà. Có tiếng trẻ con mừng reo đón tên ác ôn, cả nhóm đặt tay lên cò súng ngắm chính diện mục tiêu nhưng... phải nín thở chờ đến khi đám trẻ vào nhà, tổ trinh sát mới ra tay tiêu diệt tên ác ôn. Tin vui lan truyền khắp huyện khiến nhân dân và chiến sỹ vui mừng khi hay tin tên ác ôn Thôi bị tiêu diệt, nhưng kẻ thù thì điên tiết, lồng lộn tìm mọi cách trả thù.

Không lâu sau, cũng tại cánh rừng cao su Tân Uyên, một tên có nợ máu với nhân dân tên Be chuyên nghề chó săn, chỉ điểm cũng đã bị tổ an ninh của Hai Hường trừng trị. Lúc này, địch rất hoang mang, nhiều tên ác ôn, chỉ điểm phải lần lượt rời bỏ khu vực Tân Bình, Tân Uyên đi nơi khác vì sợ lực lượng an ninh cách mạng tiêu diệt.

Để đập tan âm mưu dồn dân, lập ấp chiến lược của địch trong Chiến tranh đặc biệt của Mỹ, Hai Hường được giao nhiệm vụ xây dựng hàng chục tổ phụ nữ hoạt động bí mật tại Tân Bình từ 1961 đến 1964. Đến tháng 11-1964, Hai Hường được trên giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban An ninh xã Tân Bình, là phụ nữ đầu tiên của tỉnh được giao nhiệm vụ đặc biệt này. Cũng vì thế mà địch liên tục treo giải thưởng trị giá 200.000 đồng VNCH để bắt cho bằng được “nữ Việt cộng cực kỳ nguy hiểm Hai Hường” khắp mọi nơi.

Mặc cho kẻ thù lùng sục suốt đêm ngày, Hai Hường vẫn chỉ huy hoạt động an ninh, liên tục đột nhập vào ấp chiến lược trừng trị, cảnh cáo, giáo dục những người lầm đường, lạc lối làm tay sai cho giặc và tìm cách móc nối các hoạt động cơ sở, vô hiệu hóa âm mưu của kẻ thù, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc, an toàn. Đến tháng 11-1968, cấp trên điều động Hai Hường về làm Phó Ban An ninh huyện Tân Uyên, có thể nói lúc này cô là nữ Phó, Trưởng Ban An ninh, Công an hai huyện Tân Uyên, Phú Giáo tách nhập và là nữ cán bộ an ninh, công an cấp trưởng, phó huyện duy nhất tại miền Nam vào thời điểm đó cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cuộc đời binh nghiệp của cô có thể viết thành những tập sách dày, vậy mà rất ít khi cô kể về mình. Phảng phất đâu đó trong từng khoảng lặng của cuộc đời mình, cô vẫn còn khiêm nhường cho rằng mình đã là người may mắn, còn được sống cho đến ngày độc lập. Còn biết bao người thân, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại với đất lành quê hương, với mùa xuân vĩnh hằng tuổi 20...

Những khoảng lặng trong đời nữ Anh hùng, Đại tá Hai Hường

Ngồi trên bộ ghế đá trước sân nhà, cô Hai Hường chỉ tay vào đầu gối than thở: mấy năm nay nó đau nhức liên tục nên cô bớt đi đó đây. Hơn nữa, sau ngày ổng mất, cô buồn nhiều nên sanh bịnh... Rồi cô lặng lẽ đến bên bàn thờ chồng để thắp nén hương cho ông và những người thân trong gia đình, cô nói: di ảnh giữa là thờ mẹ, hai bên là chồng và đồng chí Năm Nhàn - Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, cũng là chị ruột chồng cô...

Dòng thời gian quá khứ trôi về một này cuối thu năm 1968 tại ấp chiến lược Chánh Lưu, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát. Hôm đó, lính Sư đoàn 5 VNCH đóng tại Lai Khê được lính Mỹ hỗ trợ bao bọc vòng ngoài bố ráp, khám xét từng nhà trong ấp chiến lược. Do có tên chỉ điểm, nên nhà ông Trần Văn Nữa, cha cô bị địch bắt đánh đập dã man và dùng cây nhọn xăm đất quanh vườn nhà để tìm hầm bí mật.

Miệng của hầm bí mật nằm ngay dưới hầm tránh bom trong nhà, thông ra 3 hướng góc vườn là nơi chứa thuốc men y tế, hậu cần và chứa 3 cán bộ cách mạng mới vào ấp đêm trước. Đó là đồng chí Phạm Thị Nhàn (Năm Nhàn) Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Sông Bé; đồng chí Nguyễn Thị Huệ (người thay thế Hai Hường lên Phó Ban An ninh huyện), Trưởng Công an xã Tân Bình và đồng chí Hai Bi, quê ở miền Tây, là cán bộ hậu cần quân khu vào ấp liên hệ mua lương thực.

Khi xăm phát hiện hầm bí mật, bọn địch kêu gọi đầu hàng, nhưng không một chút động tĩnh gì, khiến chúng điên cuồng ném lựu đạn xuống làm 3 đồng chí hy sinh. Bọn giặc chỉ tìm thấy 3 thi thể, còn toàn bộ tài liệu đã bị tiêu hủy không để lại chút manh mối gì.

Chiến tranh dù là chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều rất nhiều đau thương mất mát. Có những mất mát vô hình, có những nỗi đau không thể lấy gì bù đắp được. Nhưng theo cách nói của cô Hai Hường, những ai còn sống đến ngày độc lập đã là một điều kỳ diệu nhất, hạnh phúc nhất. Đã có biết bao đồng đội, chiến sĩ của cô từ thời làm An ninh, Công an xã Tân Bình và huyện Phú Giáo, Tân Uyên suốt 15 năm đằng đẵng với cuộc chiến đấu ác liệt giành từng tấc đất, từng mái nhà dân, chiến đấu với kẻ thù hung bạo, vũ lực mạnh nhất... nhiều người đã hy sinh khi còn rất trẻ, nhiều người thương tật nặng nề.

Ngày đó, cô lớn lên cùng xóm làng với chàng trai Phạm Văn Liêm, cùng có bao kỷ niệm tuổi thơ vui buồn với nhau trên quê hương Tân Bình. Hai người đã để ý thương thầm nhớ trộm nhau. Khi cô lớn lên, đã theo chị ruột của Sáu Liêm là đồng chí Năm Nhàn làm cơ sở an ninh bí mật, thì ông Liêm cũng đã gia nhập bộ đội Tiểu đoàn Phú Lợi.

Sáu Liêm mải miết theo những đợt hành quân, những trận công đồn, những trận đánh ác liệt ghi vào lịch sử như trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ mùa khô 1966 và những trận đánh dữ dội trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968, từ cầu Bình Lợi, Sài Gòn rút lui về Bình Nhâm, Lái Thiêu đã bị thương rất nặng, phải đưa về điều trị ở tuyến sau.

Đến khoảng năm 1971, Hai Hường mới biết tin anh còn sống, được đưa ra miền Bắc theo đường Trường Sơn để điều trị, an dưỡng nhưng cô không thể nào đi thăm được do công tác an ninh bí mật và chiến trường nóng bỏng từng giờ đang cần đến cô. Cũng từ đó, hai trái tim nghèn nghẹn những nỗi đau, nhớ nhung và cháy lên ngọn lửa hy vọng, chờ đợi ngày hòa bình đoàn viên.

Những ai từng trải qua chiến tranh sẽ biết một điều rất khắc nghiệt, đôi khi hai người ở gần sát bên nhau nhưng không hay biết cứ ngỡ là cách biệt, xa xôi ngàn dặm. Nhưng đôi khi ở cách xa ngàn dặm, mà vẫn canh cánh, khắc khoải vọng về nhau từng phút, từng giây. Chiến tranh, hòa bình, tình yêu và hy sinh quyện kết vào nhau với tất cả đau thương, hạnh phúc và hy vọng.

Ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, cô Trưởng Công an huyện Phú Giáo cùng đồng đội tiếp quản quê hương, giữ gìn an ninh trật tự, lo công tác cải tạo và bắt tay phục hồi lại những đổ nát chiến tranh để lại. Trong vai trò “tả xung hữu đột” của nữ cán bộ công an năng động Hai Hường, có người đã thấy long lanh những giọt nước mắt chảy tràn trên đôi má những đêm thức trắng nhìn về phương Bắc xa xôi...

Anh hùng, Đại tá Trần Thị Hường với cuộc sống đời thường.

Cho đến tháng 3-1976, Hai Hường được chọn trong số 4 cán bộ Công an Sông Bé cử ra Đại học An ninh (C500) của Bộ Công an để học nghiệp vụ. Đây là những ngày tháng mà cô phải đấu tranh vật vã với bản thân, với gia đình, với tình yêu khi quyết định thành vợ chồng với người bạn đời là thương binh nặng Phạm Văn Liêm.

Sau một năm học tập tại Hà Nội, cô trở lại Sông Bé, tiếp tục công tác tại Công an tỉnh. Quyết định khó khăn và đầy táo bạo với cô lúc này là kết hôn. Ông Liêm mang mặc cảm tàn phế, dù rất thương cô nhưng không muốn làm chướng ngại, gánh nặng cho cuộc đời cô. Gia đình, bạn bè, người thân đều khuyên can xa gần về khả năng không có con, về vai trò làm vợ nuôi chồng là thương binh nặng tàn phế một đời...

Nhớ lại chuyện xưa, cô cười rất nhẹ nhàng: Hồi đó cô nghĩ, nếu là mình bị tàn phế thì sao? Nếu chiến tranh làm mình hy sinh thì sao? Có con hay không đâu quan trọng, lấy chồng thương binh là người mình từng nhớ thương, chờ đợi suốt những năm chiến tranh, vượt qua bao nhiêu trận đánh ác liệt sinh tử mà vẫn còn gặp lại nhau thì quá xứng đáng và hạnh phúc còn gì bằng. Suy nghĩ và nghị lực thép của một cán bộ an ninh được trui rèn trong lửa đỏ chiến tranh và chiến thắng đã thuộc về cô.

Hiện, cô đang sống cùng vợ chồng con trai là luật sư Phạm Minh Tuấn, 35 tuổi, đã có một cháu nội trai 4 tuổi và con gái Phạm Minh Hiền, 30 tuổi là cán bộ Công ty VNPT, chưa lập gia đình. Ông Liêm chồng cô mất năm 2013, thọ 74 tuổi. Cô rất hạnh phúc khi nói rằng: Có lẽ cô là người được trời cho nhiều hạnh phúc nhất, là nữ Đại tá CAND, là vợ thương binh nặng 91%, nhưng là mẹ của hai con và được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2014.

Hoàng Châu
.
.