Bước chân không mỏi của người chiến sĩ an ninh

Thứ Sáu, 15/03/2019, 11:18
Trong sương sớm, đoàn người lặng lẽ lên đường. Rừng núi quanh co, những con dốc dựng đứng buộc họ phải để xe lại. Đôi chân trần leo núi không biết mỏi đưa họ đến với đồng bào dân tộc trên núi cao. Đã nhiều năm như vậy, các lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ của Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Cao Bằng không được đón tết ở nhà. Họ trở về khi cái tết Nguyên đán đã trôi qua hơn nửa tháng.

Quên tết sum vầy để làm nhiệm vụ

Một mùa xuân mới lại về nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ  Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Cao Bằng vẫn còn ở lại trên vùng núi cao. Họ đã tạm biệt vợ con, tạm biệt cái tết sum vầy đầm ấm với gia đình để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp mà tổ chức Dương Văn Mình lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tổ chức “Tết chung”, gây phức tạp an ninh trật tự. Những ngày tết không nghỉ đã trở thành chuyện thường niên của các chiến sĩ trong đơn vị.    

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Phương Văn Côn, Trưởng Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, 2 cái tết trước, một số người Mông ở huyện Bảo Lâm bị tổ chức Dương Văn Mình lôi kéo đi theo. Đặc biệt, từ mùng 1 tết đến rằm tháng Giêng, người Mông tổ chức “Tết chung”, đây là thời điểm mà tổ chức Dương Văn Mình lợi dụng tụ tập đông người, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp, ngoài nhiệm vụ “bốn cùng” với bà con, cán bộ, chiến sĩ của Phòng An ninh đối nội trực tiếp “cắm bản” nhiều ngày tại các điểm nóng. Từ 25 tết, các tổ công tác đã lên đường làm nhiệm vụ kéo dài tới rằm tháng Giêng.

Một buổi họp của Phòng An ninh đối nội triển khai bảo vệ an ninh trật tự Tết Nguyên đán.

Tết Kỷ Hợi 2019, để phòng ngừa tổ chức Dương Văn Mình lôi kéo người ở 4 huyện trong tỉnh Cao Bằng và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn tổ chức “Tết chung”, Phòng An ninh đối nội đã tham mưu cho Công an tỉnh Cao Bằng đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo 4 huyện có tổ chức Dương Văn Mình hoạt động, chủ động phương án đảm bảo an ninh trật tự cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Trước đó, lãnh đạo Phòng An ninh đối nội cùng cán bộ chiến sĩ của Đội An ninh dân tộc đã “cắm bản” ở điểm nóng Bảo Lâm để làm công tác phòng ngừa, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc giúp lực lượng công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều quần chúng đã giác ngộ, không bị lôi kéo, tụ tập tổ chức “Tết chung”.

Từ 25 tết, các tổ công tác của Công an tỉnh Cao Bằng lên đường nhận nhiệm vụ vào huyện Bảo Lâm, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, các đối tượng đã nhanh chóng tan rã, không tiến hành tổ chức “Tết chung” như mọi năm.

Đây được coi là thành công lớn trong công tác phòng ngừa, vận động quần chúng. Nhưng không vì thế mà cán bộ chiến sĩ của Công an tỉnh Cao Bằng nói chung và Phòng An ninh đối nội nói riêng được nghỉ ngơi sau tết mà các tổ công tác luân phiên “cắm bản” đến rằm tháng Giêng mới chính thức được nghỉ tết.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Hà Ngọc Huấn, Đội trưởng Đội An ninh dân tộc cho biết, đây là cái tết thứ ba cán bộ, chiến sĩ của đội không được nghỉ tết. Anh nhớ tết năm ngoái, từ ngày 25 tháng Chạp kéo dài đến 15 tháng Giêng, cán bộ, chiến sĩ của đội thay nhau cắm bản để làm nhiệm vụ. Dương Văn Mình tập hợp một số người Mông ở tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) tổ chức “Tết chung” ở xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Từ trước tết, Phòng An ninh đối nội đã cử nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ vào các bản vùng sâu, vùng xa làm nhiệm vụ vận động quần chúng.

Trong thời gian diễn ra “Tết chung”, đơn vị cử nhiều lượt cán bộ gồm các đồng chí Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng, Đội trưởng Đội An ninh dân tộc đi theo các đoàn công tác của Ban Giám đốc Công an tỉnh đến huyện Bảo Lâm và khu vực tổ chức “Tết chung” để nắm và xử lý tình hình. Đồng thời cử 4 tổ công tác thường xuyên có mặt tại địa bàn, phối hợp cùng các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương giám sát, tác động, răn đe các đối tượng không để gây phức tạp tình hình ANTT. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa và vận động quần chúng, tình hình ANTT đã được giữ vững.

Cán bộ An ninh tặng quà cho đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

Cắm bản ở điểm nóng

Cao Bằng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên các rẻo núi cao, lợi dụng vào sự hiểu biết hạn chế về chính sách, pháp luật, đối tượng xấu đã đến lôi kéo đồng bào đi theo. Có thời điểm, nhiều xã của huyện Bảo Lâm đều có người Mông đi theo tổ chức của Dương Văn Mình.

Ở một số địa bàn khác, kẻ xấu cũng không ngừng lợi dụng, lôi kéo người dân. Chính vì thế mà nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ của Phòng An ninh đối nội vô cùng nặng nề. Đội An ninh dân tộc có 12 cán bộ, chiến sĩ đều quanh năm “bám bản” ở vùng núi cao của Bảo Lâm và Hà Quảng. Theo như chia sẻ của Đại úy Hà Ngọc Huấn, đợt bám bản lâu nhất là 3 tháng, nhanh thì cũng phải nửa tháng.

Đại úy Nông Thanh Hóa, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc về nhận công tác tại Phòng An ninh đối nội từ năm 2015 cũng là ngần ấy năm anh “bám bản” trên vùng cao. Anh kể rằng, đã nhiều cái tết anh không ở nhà. 2 cái tết gần nhất anh nhận nhiệm vụ tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Kinh nghiệm nắm tình hình cho thấy, tổ chức Dương Văn Mình thường chọn ngày mùng 1 tết để tổ chức “Tết chung”.

Nhiệm vụ của các chiến sỹ an ninh là ngăn chặn “Tết chung” gây phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn. Mặc dù đường sá đi lại khó khăn, chỗ ăn, ở thiếu thốn nhưng anh em trong tổ công tác cố gắng khắc phục để nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Những nỗ lực, vất vả của các cán bộ chiến sĩ không thể đong đếm khi họ đã ngăn chặn được việc tổ chức “Tết chung” diễn ra. Họ trở về gia đình khi cái tết đã lùi xa nửa tháng.

Chia sẻ về những lần cắm bản ở “điểm nóng” Bảo Lâm, Đại úy Nông Thanh Hóa cho biết, điều đầu tiên mà anh em tới bản là phải tiếp xúc được với đồng bào. Ở Bảo Lâm, để nói chuyện được với đồng bào Mông đã khó, để vận động họ quay về thì khó khăn gấp bội. Anh kể, trong một lần anh và đồng đội vào nhà tiếp xúc đối tượng Mã Văn Páo - người cầm đầu tích cực trong tổ chức Dương Văn Mình ở huyện Bảo Lâm đã gặp ngay sự cản trở của vợ Páo. Nhà Páo nằm trên đỉnh núi, đi bộ nửa tiếng mới tới nơi. Páo không có nhà, đang đi chăn bò ở đồi bên kia, anh em lại đi bộ sang đó.

Các chiến sĩ An ninh “bốn cùng” với đồng bào Mông ở Cao Bằng.

Gặp cán bộ, Páo trò chuyện bình thường. Bỗng nhiên, vợ Páo từ nhà chạy tới, gặp cán bộ Công an tỏ ngay thái độ bất hợp tác, có những lời lẽ gay gắt để phản đối cán bộ tới nhà mình. Phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, Páo mới hứa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Kể về những chuyến “cắm bản” dài ngày, Thượng úy Hà Dương Ái, cán bộ Đội An ninh dân tộc cho chúng tôi biết, trước khi đi, anh em trong tổ đều chuẩn bị thực phẩm khô đem theo bởi trên đó mua thức ăn rất khó. Có những chuyến vượt rừng với chiếc ba lô nặng trĩu, đường lên bản dốc dựng ngược, mồ hôi nhễ nhại. Có những lần gặp mưa rừng, lội qua suối vắt bu đầy chân.

Đơn vị nhất quán chủ trương, mỗi cán bộ, chiến sĩ đi “cắm bản” phải “bốn cùng” với dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, thế nên mỗi người phải học tiếng Mông, chữ viết Mông để khi đồng bào nói, mình hiểu được. Trong tổ công tác “cắm bản” đều có cán bộ công an huyện biết tiếng dân tộc, vì thế việc vận động quần chúng cũng thuận lợi hơn.

Lần cắm bản lâu nhất của Thượng úy Hà Dương Ái là 3 tháng ở xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn huyện Bảo Lâm. Khuổi Vin nằm tít trên núi cao, cách thị trấn 30km, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Muốn có nước nấu cơm, phải lên khe núi cách chỗ ở vài cây số dẫn ống nước về. Nước rửa rau xong phải tận dụng dùng để rửa bát. Anh em thay nhau một tuần ra thị trấn mua lương thực, giặt quần áo. Khuổi Vin không có điện lưới, chỉ dùng điện nước, sinh hoạt hết sức khó khăn.

Số bà con đi theo tổ chức Dương Văn Minh chiếm tỷ lệ lớn, nhìn thấy cán bộ tới nhà họ đều thoái thác bận hoặc đi vắng để không tiếp. Có người đồng ý cho cán bộ tiếp cận nhưng khi nghe cán bộ vận động họ không nghe tuyên truyền của tổ chức Dương Văn Mình, lập tức họ phản ứng, đứng dậy bỏ đi hoặc nói những câu khó nghe bằng cả hai thứ tiếng.

Trước tình hình đó, tổ công tác phải vận dụng linh hoạt nghiệp vụ cơ bản cùng với phát động phong trào quần chúng, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc giúp đỡ. Đặc biệt phát huy tối đa công tác “bốn cùng” với dân như làm đường giúp dân, bẻ ngô, gặt lúa, làm nương rẫy cùng dân. Trong quá trình lao động thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật.

Chỉ sau một thời gian, các chiến sỹ an ninh đã vận động được 3 hộ gia đình với 18 nhân khẩu không nghe theo hoạt động tuyên truyền của tổ chức Dương Văn Mình, một số người không có các hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, ở Khuổi Vin có nhiều hộ dân đã từ bỏ đi theo tổ chức này.

Cho bản làng bình yên

Nếu không có nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, cán bộ, chiến sĩ của Phòng An ninh đối nội không thể vượt qua được hết thảy những gian khổ, khó khăn để giữ vững an ninh chính trị, trât tự an toàn xã hội ở vùng cao Cao Bằng. Họ chấp nhận hy sinh thời gian bên gia đình, giây phút đầm ấm với người thân để nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khổ và khắc nghiệt nhất.

Đại tá Phương Văn Côn cho chúng tôi biết, năm 2018 Công an tỉnh Cao Bằng đã tranh thủ được 317 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần lớn vào công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp lực lượng công an tuyên truyền tới đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền của đối tượng xấu.

Do chủ động trong công tác chuyên môn, nắm vững tình hình các lĩnh vực phụ trách, Phòng An ninh đối nội đã tăng cường tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai thực hiện các mặt công tác, cử cán bộ bám địa bàn, quản lý và đấu tranh hiệu quả với các đối tượng cực đoan, quá khích, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc và các vấn đề xã hội khác gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tình hình an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều được giữ vững.

Một năm lại đến, những chiến sĩ của Phòng An ninh đối nội lại thêm nhiệm vụ bộn bề với những chuyến đi “cắm bản” để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Gian khổ, vất vả là thế nhưng họ vẫn vững bước, hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm tròn nhiệm vụ, giữ cho bình yên trở về trên mỗi bản làng vùng cao.

Trần Hằng
.
.