Buôn “nô lệ cà phê”: Sống trong địa ngục

Thứ Sáu, 07/02/2014, 17:25

450 ngày đã trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng về quãng thời gian bị nhốt và đày đọa trong những "công xưởng cà phê" tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của người dân buôn Duôn Chách (xã EaBia, huyện Sông Hinh, Phú Yên). Sau quãng thời gian dài đủ để bình tâm, và cảm thấy an toàn trong sự bảo vệ của lực lượng công an, họ đã kể lại những ngày tháng khủng khiếp ấy với PV Chuyên đề ANTG, hé ra những tình tiết mới về việc manh nha xuất hiện một "ngành công nghiệp" bóc lột sức lao động tàn khốc…

1. Vẫn không giấu được sự kinh hoàng khi nhớ về quãng thời gian bị đày đọa tại xưởng chế biến cà phê ở huyện Lâm Hà, ông Đặng Tiến Cường thần người ra một lúc mới sắp xếp mạch lạc, và dùng tiếng Kinh kể lại đầy đủ câu chuyện đã xảy ra.

Lúc cười, lúc rơm rớm nước mắt, lúc xiết chặt tay chân căm phẫn, người đàn ông 45 tuổi mạnh dạn kể lại hết những ngày "cha làm như nô lệ, con bị đánh như nô lệ".

Quê ở tận mãi huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, ông Cường đưa gia đình theo họ hàng vào xã EaBia lập nghiệp năm 2011. Gần 3 năm chăm chỉ làm việc, gia đình người dân tộc Dao Đỏ này đã gây dựng lên một cơ ngơi tạm gọi là khang trang trong buôn Duôn Chách với nhà gạch, máy cày, xe máy…

Tháng 10/2012, cũng là thời điểm huyện miền núi của tỉnh Phú Yên bước vào mùa mưa. Mùa mưa, cũng có nghĩa là công việc trên rẫy đình trệ, chỉ biết ngồi không. Đang lo lắng không biết từ giờ đến Tết có gì để làm, ông Cường hân hoan khi thấy hàng xóm là bà Đỗ Thị Xuân Thao thông báo có công việc hái cà phê trên Lâm Đồng, lương tháng 3,6 triệu đồng, bao ăn ở, bao tiền đi lại.

Tin tưởng có người trong thôn giới thiệu, ông Cường kêu luôn con gái là Đặng Thị Phượng và con rể đi cùng. 3 cha con tâm niệm làm độ 2-3 tháng là đủ tiền về quê ăn Tết. Ngày 28/9/2012, chuyến xe 16 chỗ do những "cò lao động" thuê, đưa 3 cha con ông Cường cùng 23 người nữa, chủ yếu là người buôn Duôn Chách và các thôn lân cận trong xã EaBia… lăn bánh rời huyện Sông Hinh.

Xuống đến địa phận Phú Lâm, chiếc xe 16 chỗ sang lại khách cho một chiếc xe khách 36 chỗ màu đỏ. Sau một hành trình dài, chiếc xe màu đỏ thả những người dân xã EaBia xuống trước cửa Công ty TNHH Dịch vụ Giới thiệu việc làm Đức Hoàng.

Từ đây, những tháng ngày như sống trong địa ngục của cha con ông Cường bắt đầu, cho đến khi họ được "giải cứu"…

2. Ngay sau khi được người của Công ty Đức Hoàng đón, 3 cha con ông Cường và những người đi cùng bị tống vào một căn nhà cấp 4, sau đó cửa nhà được khóa lại. Toàn bộ giấy tờ tùy thân của mọi người đều bị thu lại. Trong nhà cũng đã có rất nhiều người làm công như cha con ông Cường, đang ngồi chờ người đến thuê.

Đến lúc này, cha con ông Cường và mọi người mới té ngửa khi được thông báo là giá tiền công họ nhận được nếu có công việc chỉ là 2, 5 triệu đồng/tháng cho nam giới và 2,2 triệu đồng/tháng cho nữ giới, không phải là 3,6 triệu đồng/tháng như đã được hứa hẹn.

Không những thế, những lao động được đưa đến đây phải ghi nhận một khoản "nợ" là 1,1 triệu đồng, được coi là tiền chi phí đi đường do công ty môi giới dịch vụ bỏ ra. 500 nghìn đồng là khoản tiền "hoa hồng" Công ty Đức Hoàng  trả cho những người môi giới đưa người đến cũng bị cộng dồn vào đầu những người lao động.

Không chỉ suýt chết vì kiệt sức khi trở thành “nô lệ cà phê”, ông Đặng Tiến Cường và những người thân còn mang theo nợ nần vì phải bỏ tiền ra “chuộc thân”.

Những ai không đồng ý với điều khoản của Công ty Đức Hoàng, muốn ra về hoặc tự đi tìm việc thì phải đền bù lại toàn bộ chi phí cho công ty. Nếu lao động đồng ý với điều khoản "cướp bóc" trên, họ được ngồi chờ cho đến khi có người thuê. Khi có việc làm, tháng đầu tiên họ cũng không được nhận lương, mà phải làm không công để trả số tiền mà người thuê đã phải trả cho Công ty Đức Hoàng để "mua người". Từ tháng thứ 2 trở đi, họ mới được nhận lương.

Bức xúc, Phượng, con gái ông Cường la lên "như thế là lừa đảo" rồi còn gì. Ngay lập tức, từ trên nhà trên, một người phụ nữ nói giọng Bắc cùng 3-4 thanh niên mặt mũi dữ dằn mở cửa bước xuống, hất hàm hỏi "mày nói ai lừa ai".

Phượng cứng cỏi trả lời là được hứa đi làm lương 3,6 triệu đồng/tháng, bây giờ lương thấp như thế thì là lừa đảo chứ còn gì. Người đàn bà dáng nhỏ thó nói "mày không chịu thì trả 1,8 triệu đồng rồi đi về". Phượng trần tình khi đi chỉ mang theo mấy trăm ngàn phòng thân, lấy đâu ra tiền để trả. Bà chủ nói thế thì phải làm cho người ta, lấy tiền trả rồi mới về được. Và đi làm phải làm đến Tết mới được về, không được về giữa chừng.

Đặng Tiến Thông, con trai ông Cường, kể lại khi chuộc cha ra khỏi xưởng cà phê, ông giống như chui từ trong đống bùn ra, sụt mất 6kg.

Phượng nghe vậy đành rút điện thoại ra gọi điện về cho người thân ở Lâm Đồng đem tiền đến chuộc cô trở về. Cuộc gọi chưa dứt, những thanh niên đứng cạnh bà chủ giật lấy điện thoại. Phượng giật lại giải thích cô gọi điện thoại cho người thân đến chuộc về, rồi nói: "Thu cái gì, điện thoại của tôi chứ đâu phải của bà".

Một cú sút như trời giáng vào giữa bụng cô gái sinh năm 1990 khiến cô quị xuống. Tất cả mọi người xung quanh, bao gồm cả cha và chồng cô đều im thin thít trước sự hung tợn của đám cô hồn. Ông Cường sợ hãi chỉ biết động viên con rằng thôi đi, không nó lại đánh cho thì khổ.

Bi kịch của cô gái 23 tuổi không dừng ở đó. Từ lúc bước vào căn nhà, cô còn bị trêu chọc đủ đường. Những kẻ bảo kê thấy cô "cứng đầu" liên tục trêu cô là "Mồm to, nói chuyện bậy bạ". Cô gái người Dao nói lại: "Tôi không biết các người là ai cả, các bà các ông trêu chọc cái gì, nói thế thì tôi chửi cho còn gì". Lại một cú tát như trời giáng vào mặt Phượng.--PageBreak--

… Kể đến đây, mặt ông Cường cứng lại, rơm rớm nước mắt. Lúc đó, ông chỉ biết ôm con động viên thôi cố gắng chịu đựng, cố gắng nhẫn nhục cho đến khi được chuộc ra. Cả cuộc đời người đàn ông hiền lành ấy, từ tuổi thơ lớn lên ở Bắc Kạn, cho đến khi lập nghiệp ở Phú Yên, chưa bao giờ cảm thấy nhục nhã, đau đớn và bất lực, như cái đêm hôm đó.

3. Gần 3h sáng, tiếng đấm đá huỳnh huỵch vang lên từ căn nhà bên cạnh. Một người lao động, nói giọng Nam, đã được một chủ rẫy cà phê "mua" về làm công hái trái. 2 tháng trời làm việc quần quật không được một đồng tiền cầm trong tay, anh muốn xin ít tiền để mua đồ, nhưng chủ từ chối. Anh này xin được về quê, chủ cũng không cho. Chủ thông báo đến ngày nào xong tất cả công việc mới tính lương cho anh.

Quẫn quá hóa liều, anh lấy trộm một bao cà phê và chiếc xe máy DH cà tàng chỉ có khung sắt và máy của chủ đem bán được mấy trăm ngàn, lấy tiền lên xe khách trốn. Bị phát hiện và bắt lại, anh bị chủ trả lại cho Công ty môi giới Đức Hoàng.

Một người lớn tuổi, sống trong Công ty Đức Hoàng, theo lời ông Cường  kể lại là chỉ loanh quanh trong nhà đánh cờ bạc, trực tiếp xuống hỏi chuyện và đánh người.

Nạn nhân van xin khóc lóc giải thích không phải là con ăn cắp đâu, con chỉ muốn có đủ tiền về, người ta cứ giữ miết không cho về. Bán cả bao cà phê tươi chỉ được hơn 100 nghìn, cái xe cà tàng được hơn 300, tổng cộng chỉ hơn 400 nghìn, vừa đủ tiền xe về… Lời giải thích cứ ngắt quãng bởi tiếng khóc, tiếng tát tai bôm bốp, tiếng đánh người ục ục…

Sự khủng bố về tinh thần và vật chất không chỉ dừng ở đó. Đêm trong "trại người". Một thùng mỳ tôm được ném vào phòng, được giải thích là bữa tối. Mọi người chưa biết được điều gì sẽ xảy ra, vô tư chia sẻ nhau từng gói mỳ. Những người lớn tuổi chấp nhận nhịn đói, dành phần cho những thanh niên với sức ăn một gói mỳ không đủ lót dạ.

Sáng sớm hôm sau, một thùng mỳ nữa được ném vào. Nhưng lúc này, ai cũng nghẹn trong miệng không nuốt nổi khi được thông báo đơn giá khủng khiếp: 50.000đ/gói. Ai cũng phải trả tiền, chia đầu người ra mà thanh toán.

Những phận người cơ cực cắm cúi nuốt. Điều duy nhất trong tâm trí họ hiện nay là phải sống, để có người thuê, để có tiền rồi thoát ra khỏi địa ngục này. Riêng ông Cường không dám ăn, vì tiếc tiền. "Nghe họ nói giá như thế, tôi thấy no luôn, không dám ăn nữa".

Chị Mi Chi, “nhân vật đặc biệt” trong chuyến giải cứu của lực lượng Công an huyện Sông Hinh.

4. Sáng sớm hôm sau, người thân của Đặng Thị Phượng nghe cuộc gọi cấp báo trong đêm hôm trước, đã có mặt tại Công ty Đức Hoàng để chuộc người. Trong tay chỉ có 3 triệu, người họ hàng chỉ có thể chuộc được 2 vợ chồng chị Phượng ra trước.

Ba bố con ngậm ngùi chia tay. Chị Phượng hẹn bố sẽ gọi cho anh trai vay tiền ở quê chuộc bố ra sớm nhất. Ông Cường dặn con yên tâm, bố cố gắng đi làm, đủ để bù cho số tiền bỏ ra để chuộc 3 bố con rồi về. Ông tin rằng chỉ còn một mình mình thì chịu khổ một chút cũng không sao. Nhưng ông đã nhầm, vì lại tiếp tục rơi vào một "địa ngục" khác.

Được một người chủ "mua" về, ông Đặng Tiến Cường được chuyển đến một xưởng chế biến cà phê ở ngã ba Cửa Rừng (còn gọi là ngã ba ĐaMe), huyện Lâm Hà. Công việc ông được giao là vác cà phê xuống để đảo, sấy khô, xay hạt, đóng bao, vác lên xe cho khách.

Không hề như hình dung ban đầu, ông Cường bị buộc phải cuốn vào vòng xoáy y hệt một nô lệ, theo đúng nghĩa của từ này. Công việc bắt đầu quần quật từ sáng, kéo dài cho đến tận sáng hôm sau, không có thời gian nghỉ. Đói thì dừng lại ăn cơm, khát thì uống nước, rồi lại bị thúc làm việc ngay. Ai mệt quá lăn ra ngủ thì chừng 30 phút sau là có người gọi dậy làm tiếp.

Ở đây không có đòn roi như ở trạm trung chuyển Đức Hoàng, nhưng người chủ lại có một thứ luật khác đánh thẳng vào túi tiền những "nô lệ cà phê". Ai ngủ quá 30 phút, gọi không dậy là bị trừ thẳng vào lương. Những người làm công cứ phải luân phiên nhau nghỉ ngơi và gọi nhau dậy. Không ai dám làm trái, vì tất cả tiền lương đều do chủ giữ, đến cuối vụ thu hoạch mới tính công.

Hơn 10 ngày trôi qua, công việc đã vắt kiệt sức lực của ông Cường. Ông sút tới 6-7kg. Bụi cà phê bốc lên, trộn lẫn với mồ hôi toát ra khi đứng cạnh lò sấy, bám quanh người ông như một lớp bùn đen. Nhìn ông Cường và 2 người cùng làm trong xưởng cà phê không khác gì người rừng.

"Tôi tưởng đã chết gục ở đó rồi", ông Đặng Tiến Cường tâm sự. Tuyệt đối không còn hy vọng vào viễn cảnh cố gắng kiếm tiền để bù vào số tiền đã trả cho việc "chuộc thân" của 3 cha con nữa, ông chỉ biết trông ngóng từng giờ, từng ngày người thân ở nhà biết tin rồi lên chuộc mình ra khỏi địa ngục trần gian lúc nào cũng thơm nồng mùi cà phê…

Việt Đông
.
.