Buồn vui nghề thầy thuốc

Thứ Bảy, 08/08/2009, 23:35
Có thể thấy rằng ngành y tế nói riêng, đang đau đầu với chuyện lương bổng. Mặc dù chủ trương cải cách tiền lương đã có, nhưng việc tăng lương thực chất không theo kịp với đà gia tăng của vật giá. Ngoại trừ số ít bác sĩ thuộc loại "siêu sao" về thu nhập kiếm chục triệu mỗi tháng, còn đại đa số những bác sĩ khác đói thì chẳng đói - nhưng giàu lại không giàu…

Từ áp lực công việc đến áp lực tâm lý

Nói đến hai chữ "thầy thuốc", thì một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất, là trên các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng  lại thấy những ý kiến than phiền về thái độ làm việc của bác sĩ này, bác sĩ kia.

Ông Trần Văn Lâm, nhà ở quận 6, TP HCM, gửi thư đến Chuyên đề ANTG phản ảnh: "... Khi vào khám bệnh, bác sĩ mang bảng tên là Khanh chỉ hỏi tôi vỏn vẹn một câu: Đau chỗ nào, đau lâu chưa? Tôi vừa trả lời xong, bác sĩ Khanh lập tức ký giấy, đưa tay ra ngoài: Đi nội soi rồi cầm kết quả về đây". Thư viết tiếp: "Tôi đến khám - ngoài việc mong muốn được chẩn đoán đúng, điều trị tốt, tôi còn cần bác sĩ giải thích rõ về căn bệnh của mình nhưng qua cách hành xử của bác sĩ Khanh, tôi thật sự thất vọng...".

Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bác sĩ kiệm lời? Hồi đoàn phẫu thuật nội soi khớp vai của Mỹ sang chuyển giao công nghệ cho Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP HCM, qua sự giới thiệu của bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc, tôi đã hỏi bác sĩ Wilson - là thành viên trong đoàn.

Bác sĩ Wilson cho biết: "Ở Mỹ, một bác sĩ mỗi ngày chỉ khám tối đa cho 10 bệnh nhân. Riêng tôi, 5 bệnh là đã nhiều" nên vì thế, họ có thời gian tìm hiểu về tiền sử bệnh, về triệu chứng, về đời sống, công việc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi... bởi lẽ tất cả những cái ấy, ít nhiều đều có liên quan đến bệnh lý. Còn tại Việt Nam - mà cụ thể là tại TP HCM, một bác sĩ ngồi phòng khám mỗi ngày khám cho 40, 50 bệnh nhân là... chuyện nhỏ! Ở phòng khám của một bệnh viện được coi là "top ten" hiện nay, ngày nào cũng thế, bệnh nhân chờ đợi từ 5, 6 giờ sáng và người bệnh nhận tấm thẻ mang số thứ tự 150 hoặc 200 là việc bình thường.

Bác sĩ Huỳnh, nói: "Bình quân buổi sáng từ 7h30 đến 11h30,  tôi khám cho 30 bệnh nhân. Nếu tính chi ly thì mỗi bệnh nhân chỉ có... 8 phút để khai bệnh và để tôi chẩn đoán nhưng thực tế, trừ thời gian bệnh nhân đi ra, đi vào, đứng lên ngồi xuống thì chỉ còn khoảng 5 phút". Có lẽ vì thế nên đã xảy ra tình trạng một số bác sĩ thay vì hỏi han bệnh sử kỹ lưỡng nhằm có đánh giá ban đầu, rồi cho bệnh nhân làm xét nghiệm tương ứng, thì họ lại dựa vào các kỹ thuật cận lâm sàng như X-quang, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp..., và yêu cầu bệnh nhân... làm đủ thứ cho chắc ăn!

Trước đây, Chuyên đề ANTG từng nhận đơn phản ảnh của một độc giả tên Thảo, trong đó chị kể về việc chị bị viêm xoang và khi đến BV đa khoa H., chị đã "bị" cho chụp cắt lớp sọ não, chụp X-quang phổi, đo điện tim và... siêu âm tổng quát. Chị nói: "Trước khi đến BV H., tôi đã đi khám ở mấy nơi và những nơi đó chỉ yêu cầu tôi chụp Hirtz, Blondo (xoang bướm, xoang trán, xoang sàng đáy sọ)...". Tổng chi phí mà chị phải bỏ ra để làm một số xét nghiệm không cần thiết, là gần 3 triệu đồng!

Một vấn đề nữa - là vấn đề tâm lý. Bác sĩ xét cho cùng cũng vẫn chỉ là một con người bình thường như bao nhiêu con người khác - nghĩa là có đủ hỉ, nộ, ái, ố... Đêm trước ngày đi làm - thậm chí lúc đang làm mà gặp phải một chuyện gì đó, thì giữ được bình tĩnh, giữ được thái độ ân cần, niềm nở với bệnh nhân không phải là điều đơn giản.

Có lần, tôi vào BV Từ Dũ gặp bác sĩ Phương, thấy cô mặt mày bí xị, hỏi câu nào trả lời nhát gừng câu nấy - trái hẳn với thái độ vui vẻ, nhiệt tình hàng ngày. Tìm hiểu ra mới biết con trai cô dạo này mê trò chơi điện tử trực tuyến. Cứ hễ cô đi trực, thì cu cậu thức đến 2, 3h sáng trong lúc chồng cô cũng rất vất vả với công việc, và về đến nhà cơm nước xong, là lăn ra ngủ sau khi hỏi thăm chuyện học hành của con vài câu chiếu lệ. Phương thở dài: "Trong đầu em bây giờ như có hòn đá tảng". Dĩ nhiên khi thăm khám cho thai phụ, Phương vẫn làm bằng hết khả năng chuyên môn của mình nhưng mấy ai hiểu được sự nặng nề trong cô.

Bác sĩ Võ cũng thế, đêm trước hôm đi trực, anh bị vợ cằn nhằn cả tiếng đồng hồ, vì: "Mái nhà có mấy chỗ dột, nhờ anh leo lên trét lại cả tháng nay rồi mà anh cứ hẹn lần hẹn lữa. Bây giờ hễ trời mưa, em lại phải lấy thau, lấy xô ra hứng nước, anh coi có được không?".

Trong một buổi tối, ngồi nói chuyện với bác sĩ Nguyễn - khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy chỉ khoảng 2 tiếng, tôi thấy anh nhận được 6 cuộc điện thoại -  có những cuộc ở tận Trà Vinh, Long Xuyên, tất cả đều nhờ... gửi bệnh. Thế rồi sau khi nghe xong, anh gọi vào BV: "Hiệp hả, có bệnh nhân tên này, tuổi này, bị thế này, đang nằm cấp cứu, em coi kỹ giúp anh", hoặc: "Dũng, bệnh nhân vừa mổ cắt túi mật hồi chiều thế nào? Ông kiểm tra rồi cho tôi biết nhé". Dĩ nhiên những cuộc gửi bệnh ấy, tiền điện thoại cuối tháng bác sĩ Nguyễn móc túi ra trả.

Bác sĩ Trương, mất một đứa con do tai nạn - mà lẽ ra không đáng có trong một chuyến nghỉ hè chỉ vì sự tắc trách của nhân viên khách sạn nơi gia đình anh thuê phòng nghỉ. Nhắc lại chuyện cũ, anh nói: "Tôi đau đớn gần ba năm trời...", và ít nhiều, sự đau đớn ấy cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp xúc với người bệnh của anh. Bác sĩ Phùng, BV Bình Dân, nói: "Thế nên, khi đề cập đến y đức, cũng nên nhìn người thầy thuốc qua khía cạnh tâm lý này".

Cải thiện đời sống bác sĩ bằng cách nào?

Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện TP HCM có gần 5 nghìn bác sĩ - nghĩa là cứ 10 nghìn dân thì có 5 bác sĩ. Nếu muốn đạt đến con số quy định: 10 bác sĩ/10 nghìn dân thì thành phố cần phải có thêm 5 nghìn bác sĩ nữa trong lúc Trường đại học Y Dược TP HCM, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mỗi năm chỉ cho ra lò khoảng 240 bác sĩ mà không phải tất cả đều sẽ vào làm trong các bệnh viện, hoặc các tuyến y tế quận, huyện, xã, phường. Khi chủ trương xã hội hóa ngành y tế ra đời, thì sau lưng nó là những đợt "thiên di" của một số bác sĩ từ BV công sang BV tư.

Vẫn theo thống kê, tính đến cuối năm 2007, chỉ riêng BV Thống Nhất đã có khoảng 60 bác sĩ đi làm chỗ khác còn nếu tính cả thành phố, thì con số này chừng 200 người. Ở một tỉnh nhỏ như Phú Yên, cũng có cả chục bác sĩ xin thôi việc Nhà nước để chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh, hoặc vào TP HCM cùng một vài tỉnh, thành khác với mức thu nhập cao hơn, trong lúc 109 trạm y tế xã, phường, thị trấn, chỉ 61 trạm là có bác sĩ. Vấn đề ở đây không phải là bác sĩ ấy làm ở đâu vì dù BV công hay tư, người bác sĩ trước hết vẫn phải giữ uy tín cho mình, cho BV nơi mình công tác - mà ở BV tư, người nghèo sẽ rất khó lòng tiếp cận.

Lấy thí dụ một ca mổ nội soi ruột thừa ở BV Trưng Vương chẳng hạn, tính cả tiền xét nghiệm, phẫu thuật, thuốc men, giường nằm..., người bệnh phải trả khoảng 4 triệu đồng nhưng cũng ca ruột thừa ấy, nếu mổ ở BV tư - sẽ không dưới 8 triệu. Thậm chí có BV tư, chỉ riêng tiền giường một ngày đã là... 600 nghìn đồng!

Bác sĩ Phúc, Trường đại học Y Dược TP HCM nhận xét: "Nhiều bệnh nhân đến BV tư  vì họ sẽ được bác sĩ A, bác sĩ B, là giảng viên của trường, làm việc tại BV Chợ Rẫy, BV Từ Dũ... khám, chữa, cho họ và trường hợp này, tên tuổi,  thương hiệu của trường Y, của Chợ Rẫy, Từ Dũ..., vô hình trung đã làm lợi cho BV tư!".

Lương thấp, chế độ thấp là do cơ chế, đó là sự thật hiển nhiên. Bác sĩ Trần, BV Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, nói: "Anh em tụi tôi theo dõi rất kỹ về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận sửa đổi một số điều khoản trong Luật Khám, chữa bệnh, nhưng không nghe có chỗ nào nói đến tiền mổ, tiền trực đêm...". Chưa kể nếu quyết định cấp chứng chỉ hành nghề y, dược 5 năm một lần trong Luật Khám, chữa bệnh đi vào hiện thực, thì ưu điểm của nó là thông qua quyết định này, ngành y sẽ từng bước chuẩn hóa đội ngũ y, bác sĩ về chuyên môn, y đức. Nhưng, nhược điểm của nó là sẽ có những y, bác sĩ, bằng cách này hay cách khác, "chạy" cho được chứng chỉ, đồng thời còn gây tốn kém và phiền phức cho cả người cấp lẫn người được cấp.

Bác sĩ Hải, BV Nguyễn Tri Phương đặt vấn đề: "Khi kiểm tra năng lực chuyên môn để cấp chứng chỉ, chẳng lẽ lại sát hạch bác sĩ như hỏi thi sinh viên y khoa, đại để như: Anh (hay chị) hãy mô tả đường đi vào hậu cung mạc nối và cách giải quyết khối u trong đó hay sao?". Bác sĩ Đỗ,  nói thêm: "Nếu dựa vào đánh giá, nhận xét của khoa, phòng, của BV để chứng nhận năng lực chuyên môn, thì có gì bảo đảm là có người sẽ không... chạy?".

Phát thuốc cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Có thể thấy rằng ngành y tế nói riêng, đang đau đầu với chuyện lương bổng. Mặc dù chủ trương cải cách tiền lương đã có, nhưng việc tăng lương thực chất không theo kịp với đà gia tăng của vật giá.

Ngoại trừ số ít bác sĩ thuộc loại "siêu sao" về thu nhập như bác sĩ  Phạm, mỗi ngày khám bệnh ngoài giờ cộng thêm việc bán thuốc, kiếm không dưới 20 triệu đồng, hay bác sĩ Lê, năm 2006 đã đóng 2,8 tỉ  tiền thuế trong tổng thu nhập khoảng 7,6 tỉ đồng, hoặc bác sĩ Thái, vừa có cổ phần trong một BV chuyên khoa, lại vừa có cổ phần trong hai công ty, tính ra tài sản không dưới vài chục tỉ, hay như bác sĩ Huỳnh, chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, tháng nào cũng kiếm trên chục triệu chỉ riêng về cái khoản "hàng mẫu" của các công ty dược phẩm trong, ngoài nước gửi biếu để quảng cáo, còn đại đa số những bác sĩ khác đói thì chẳng đói - nhưng giàu lại không giàu. 

Đã có ý kiến đề xuất các BV nên xem xét lại biên chế vì nếu không giảm biên chế, sẽ không có lương cao. Bác sĩ Phan, giám đốc một bệnh viện ở TP HCM, nói: "Muốn vậy, bên cạnh nguồn thu của BV, ngân sách Nhà nước chi tiền cho BV và BV tự mình ấn định chỉ tiêu nhân lực. Khoa, phòng A, B, C...  cần chừng này người thì sẽ chỉ tuyển chừng này vì nếu vẫn áp dụng cơ chế xin - cho biên chế để có quỹ lương thì chắc chắn là lương sẽ thấp". Bên cạnh đó, hiện nay theo chế độ thì cứ 2, 3 năm, BV lại xét lên lương một lần nên dẫn đến việc có người chẳng cần làm tốt, làm giỏi hơn ai, miễn là đừng để bị kỷ luật.

Một thực tế nữa cũng cần phải nói, đó là chuyện "phong bì" lót tay cho bác sĩ. Trong phiên thảo luận về Luật Khám, chữa bệnh, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hương - tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị cần phải có quy định xử lý trong luật đối với những hành vi tiêu cực của thầy thuốc như gợi ý đưa quà, hay nhận tiền hoa hồng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, một hiện tượng đang diễn ra hàng ngày tại các BV: Đó là mỗi khi chẳng may trong nhà có người phải vào các cơ sở y tế - nhất là y tế công,  thì tâm lý thân nhân bao giờ cũng muốn được chăm sóc tốt nhất. Để được quan tâm, chăm sóc tốt nhất, nhiều gia đình nghĩ đến cách "chạy thầy chạy thuốc", hoặc "người đi trước mách người đi sau". Đêm trước khi lên bàn mổ, họ xin địa chỉ rồi tìm đến nhà riêng của bác sĩ mà ngày  mai, sẽ là phẫu thuật viên chính trong ca mổ cho thân nhân họ cùng với một "món quà", thường là "phong bì" để nhờ "bác sĩ giúp cho". Mổ xong, lại còn "phong bì" cảm ơn đồng thời cũng để bác sĩ đừng quên coi ngó mặc dù chẳng bác sĩ nào yêu cầu hay đề nghị gia đình bệnh nhân phải làm những việc này.

Ông Trần Bình, nhà ở Đồng Tháp, kể: "Tôi đưa con tôi lên thành phố mổ u não. Trước khi mổ, tôi gặp bác sĩ sẽ mổ cho con tôi, gởi ổng 1 triệu đồng. Mổ xong, tới chiều thấy thằng nhỏ đau quá, tôi hỏi mấy cô y tá thì mấy cổ nói bác sĩ mổ cho con tui ra trực, về rồi. Vậy là phải nhờ mấy cổ cho gặp bác sĩ  trực bữa nay và lại "phong bì" thêm 500 nghìn đồng nữa". Hỏi có ai gợi ý hay ép buộc ông không? Ông trả lời: "Không, cái này tui tự nguyện vì thương con, vì muốn con mình được bác sĩ  lo cho đến nơi đến chốn".

Chuyện đưa "phong bì" bồi dưỡng cho bác sĩ, thì tất cả những bác sĩ mà tôi đã tiếp xúc, đều có chung nhận định, rằng: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "phong bì", chính  là do thân nhân người bệnh" bởi lẽ đến nay, vẫn không ít người nghĩ là đã vào BV, và nếu không "biết điều" thì... khó sống (?!).  Thậm chí có người còn quả quyết nếu không bồi dưỡng, mũi kim tiêm sẽ... đau hơn, quần áo, vải trải giường sẽ ít được thay đổi thường xuyên hơn và khi cần di chuyển, sẽ bị nặng tay hơn.

Bác sĩ Nguyễn, khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy, nói: "19 năm lăn lộn trong nghề y, tôi tin rằng không hề có chuyện nếu bệnh nhân, thân nhân người bệnh không bồi dưỡng, thì sẽ bị... hành".

Bà Trần Thị Kim Liên, nhà ở Long An, nuôi con đặt hậu môn nhân tạo ở khoa Ngoại, BV Trưng Vương, cho biết: "Hàng ngày, nhìn thấy mấy cô điều dưỡng, hộ lý thay túi chứa phân ở bụng cho con tôi cực quá nên tôi tự nguyện gửi cho các cổ ít tiền để cảm ơn". Sự cảm ơn ấy nếu nói về tình, thì không sai nhưng nếu nói về lý, thì phải chăng người nhận đã vi phạm vào khoản "nhận quà"?

* Một số bác sĩ trong bài đã được thay đổi họ tên. Mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên, nằm ngoài ý muốn của người viết

Vũ Cao
.
.