CA Điện Biên: Rừng thẳm núi cao không nản chí học hành

Thứ Hai, 24/03/2008, 10:00
Trong có vài năm, trình độ nghiệp vụ và lý luận của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên đã từng bước được đào tạo một cách cơ bản. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học, cao học, cử nhân chính trị ngày càng tăng cao, đến nay, tỉ lệ cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học đã tăng từ 10,8% (năm 1998) lên xấp xỉ 60%...

Năm 2000, từ một đơn vị yếu kém đến nay, Công an tỉnh Lai Châu (cũ) nay là Công an tỉnh Điện Biên đã vươn lên là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của lực lượng CAND, với 7 năm liên tục được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; ngày 10/1/2008, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Công an tỉnh Điện Biên đã vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng đó là Huân chương Hồ Chí Minh lần 2.

Có nhiều bí quyết cho những thành công và vinh dự này, mà chủ trương nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ là một trong số đó.

"Tầm nhìn xa"

Mảnh đất lịch sử ấy là phên dậu cực Tây Bắc của Tổ quốc nhưng kinh tế còn nghèo, dân trí còn thấp. Những người công an ở đây không chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở mảnh đất này mà còn phải góp phần xua đi bóng tối của sự lạc hậu, của những hủ tục đã thống trị từ ngàn đời ở nơi đây.

Mà muốn hoàn thành được trọng trách này, thì bản thân người cán bộ công an phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Và, ở Điện Biên bài toán nâng cao trình độ đã được Công an tỉnh giải đúng đáp số với những cách làm tối ưu và thuyết phục nhất.

Cũng không phải từ khi Thiếu tướng Đậu Quang Chín giữ cương vị Giám đốc Công an t?nh Lai Châu, mà từ khi rời quê hương xứ Nghệ đặt chân đến mảnh đất này, đồng chí đã say mê với những ý tưởng táo bạo về công tác xây dựng con người.

Cách đây gần 30 năm, đó là vào đầu năm 1979, Phó Công an huyện Tủa Chùa Đậu Quang Chín thực hiện "3 cùng" tại một gia đình người Mông ở bản Tỉnh B, xã Xá Nhè. Ở đây, thấy một cậu bé người Mông khoảng 7, 8 tuổi trông lanh lợi, thông minh nhưng... thất học do nhà quá nghèo, đồng chí đã vận động gia đình đưa cậu bé này đến lớp.

Hồi đó, chuyện đi học của bà con vùng đồng bào dân tộc ở Tủa Chùa nói chung và người Mông nói riêng khó khăn như... lên giời (!). Cả bản có duy nhất một người có trình độ... lớp 2. Nhưng bằng uy tín và tấm lòng chân thành của mình, đồng chí Phó Công an huyện cũng đưa được cậu bé đến trường để học chữ.

Không phụ lòng mong mỏi của đồng chí Chín, sau này cậu bé người Mông ấy đã học rất giỏi; tốt nghiệp cấp III rồi thi đỗ vào Trường đại học An ninh và 35 tuổi đã trở thành Trưởng Công an huyện trẻ nhất tỉnh Điện Biên - đó là Thiếu tá Trang A Lử - Trưởng Công an huyện Mường Chà hiện nay.

Hồi bấy giờ, sau Trang A Lử, Phó công an huyện Đậu Quang Chín còn vận động hàng chục đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, bây giờ nhiều người trong số họ trở thành cán bộ cốt cán của xã, của huyện, nhưng Trang A Lử vẫn được coi là người trưởng thành nhất. "Công đó là nhờ chú Chín" - Thiếu tá Lử nói.

Cũng phải thẳng thắn mà nói, vào thời điểm cách đây hơn chục năm, công tác đào tạo cán bộ của Công an tỉnh Lai Châu chưa được quan tâm đúng mức. Tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học ở thời điểm cao nhất chỉ đạt 10,8%.

Đến khi tách tỉnh, tình trạng thiếu cán bộ, hoặc đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo cơ bản diễn ra khá phổ biến. Toàn lực lượng lúc bấy giờ có đến 60 - 62% cán bộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu được đào tạo sơ học hay theo diện cử tuyển, nhiều đồng chí chưa qua văn hóa cấp III... Thế mà, đội ngũ này phải làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên vùng núi Tây Bắc hết sức nặng nề.

Công an tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị để họp bàn đề ra nhiều giải pháp khắc phục. M?t trong những "quyết sách" mang "tầm nhìn xa" của Đảng ủy - Ban giám đốc được khẳng định lại trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh Điện Biên lần thứ XVII, (nhiệm kỳ 2000/2005) là phải chú trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo nhân lực, sử dụng nhân tài.

Có chủ trương rồi, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, Ban giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong từng thời điểm, với các gi?i pháp và cách làm quyết liệt.

Một nửa quân số đi học nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Gần chục năm nay, Công an tỉnh Điện Biên được nhiều người biết đến với chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện “3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân.

"3 cùng", nói thì dễ, nhưng làm được lại rất khó khăn. Lên Điện Biên mà cùng ở với dân, tự mình phải hỏi có chịu được gian khổ không. Từ thành phố về bản, nửa ngày đường hoặc cả ngày, xe máy, xe đạp, đi bộ, cưỡi ngựa, tất thảy đều có. Ngủ thì ngủ phản, ngủ hè, thậm chí chỉ chặt lá cọ gối tạm.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện 3 cùng với nhân dân.

Việc làm của họ ghi sâu hình ảnh vào tâm khảm người dân: Cùng ở, cùng làm, cùng ăn. Cho nên Công an Điện Biên cũng biết làm nương không kém dân bản, biết sửa mái nhà cho dân, bắc cầu qua suối, chẳng nề hà gì.

Với phương châm: mỗi cán bộ phải được chuyên môn hóa, phải giỏi một chuyên ngành và có thể biết thêm một số chuyên ngành khác, Ban giám đốc Công an tỉnh một mặt chủ động rà soát để tuyển chọn, cử cán bộ đi học tại các trường tập trung.

Để tạo điều kiện và động viên cán bộ chiến sĩ yên tâm học tập, trong khi vẫn phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh phát động phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên nhận thêm việc, làm thêm giờ, mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân".

Người ở nhà nhận thêm việc, làm thêm giờ cho người đi học. Số cán bộ đi học ngoài chế độ lương bổng được giữ nguyên, Đảng ủy - Ban giám đốc còn tranh thủ các nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ thêm kinh phí học tập, đi lại, mua giáo trình, tài liệu học tập. Cán bộ, chiến sĩ thi đỗ cao học, đều được ghi danh trên bảng vàng Nhà truyền thống Công an tỉnh, được đưa vào diện cán bộ quy hoạch lãnh đạo chỉ huy.

Phong trào học tập được đẩy lên mạnh mẽ, có đơn vị quá nửa quân số đi học nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không ít cặp vợ chồng cùng công tác trong ngành cũng đều thu xếp việc gia đình để tới trường.

Vì thế mà trong có vài năm, trình độ nghiệp vụ và lý luận của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên đã từng bước được đào tạo một cách cơ bản. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học, cao học, cử nhân chính trị ngày càng tăng cao, đến nay, tỉ lệ cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học đã tăng từ 10,8% (năm 1998) lên xấp xỉ 60%.

Thượng tá Nguyễn Xuân Kiêm-Phó giám đốc Công an tỉnh tự hào nói: "Ngay cả huyện ngã ba biên giới xa xôi, nghèo khó bậc nhất toàn quốc là Mường Nhé (cách trung tâm tỉnh lị hơn 200 cây số) hiện nay 61% quân số có trình độ đại học; 3 đồng chí đang được đào tạo cao học tại Hà Nội...".

Ngược lại dòng thời gian kể từ thời điểm đầu những năm 2000, Thượng tá Hoàng Xuân Khởi - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ kể lại, khi đó Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh đã luôn trăn trở để tìm giải pháp nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.

Rồi chính Giám đốc Chín chứ không phải ai khác đã trực tiếp về tận Hà Nội, xin gặp các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Ban giám đốc Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh... nghĩa là tất tật các ban ngành có liên quan chỉ để “xin” được mở các lớp đào tạo tại tỉnh nhà.

Thế rồi, khi được Bộ, Tổng cục, Ban giám đốc các trường “bật đèn xanh" về thủ tục hành chính thì Công an tỉnh lại phải đối mặt với vô vàn những khó khăn mới, trong đó khó khăn đặc biệt về kinh phí. Có lẽ vì cảm thông với cái khó của một đơn vị nghèo nhưng lại giàu tinh thần hiếu học nên lãnh đạo Bộ Công an và các ngành chức năng của tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để các lớp đại học tại Điện Biên được tiến hành.--PageBreak--

Phát huy kiến thức đã học vào thực tiễn công tác

Chỉ tính riêng trong 7 năm qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chọn và đề cử được 1.336 lượt cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo bồi dưỡng tại các trường CAND và các trường bên ngoài đúng đối tượng, tiêu chuẩn và chỉ tiêu của Bộ Công an giao cho hàng năm. Bên cạnh đó, đơn vị còn liên kết với Học viện An ninh nhân dân đào tạo được 2 khóa và 2 khóa với Học viện Cảnh sát nhân dân để mở các lớp đại học cho cán bộ công an tại Trung tâm huấn luyện của tỉnh.

Cũng trong thời gian qua đã có 37 đồng chí được cử đi đào tạo thạc sĩ và 4 đồng chí đăng ký nghiên cứu sinh. Đồng thời được sự đồng ý của Ban tổ chức TW và lãnh đạo Bộ Công an, từ năm 2004 Công an tỉnh Điện Biên đã liên kết với Học viện Chính trị Quốc gia khu vực I, mở 2 lớp Cao cấp Lý luận chính trị cho 265 đồng chí là lãnh đạo các phòng, Công an các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo chỉ huy các cấp.

Đến nay, 100% lãnh đạo các đơn vị có trình độ đại học về chuyên môn và có bằng cao cấp lý luận chính trị. Đáng mừng là nhiều đồng chí có từ 2 - 3 bằng đại học; có 100% điều tra viên các cấp đều có trình độ đại học và trên đại học.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện 3 cùng với nhân dân.

Số cán bộ thi đỗ cao học tốt nghiệp Thạc sĩ, khi ra trường đều phát huy tốt năng lực, sở trường công tác. Nguyễn Hữu Bình là một Thạc sĩ Luật học vừa tốt nghiệp tại Học viện Cảnh sát. Cuối năm 2007, anh được đề bạt giữ cương vị Phó trưởng phòng khi mới 31 tuổi.

Anh tâm sự với chúng tôi: "Là dân Hà Tây tốt nghiệp Học viện Cảnh sát năm 1999, lên nhận công tác trên Điện Biên chúng tôi cũng tâm tư lắm. Nhưng tôi và các đồng nghiệp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh. Chúng tôi được tạo mọi điều kiện để vừa công tác vừa đi đào tạo nâng cao trình độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Năm 1987, Điện Biên Đông là địa bàn đầu tiên của tỉnh Điện Biên xuất hiện cái gọi là "Vàng Chứ"; như vết dầu loang, từ đây Vàng Chứ phát triển và lan rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh. Hồi đó, các cấp, các ngành và lực lượng công an đã vào cuộc, nhưng hiệu quả thực sự vẫn không được như mong muốn.

Qua tổng kết rút kinh nghiệm, Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh nhận ra rằng một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này chính là trình độ và năng lực cán bộ, chiến sĩ còn nhiều hạn chế. Để hỗ trợ đắc lực cho Công an huyện, một ban chỉ huy mới cùng một đội ngũ cán bộ có trình độ được nhanh chóng tăng cường xuống huyện.

Có điều kiện rảnh rang, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội nghiệp vụ của Công an Điện Biên Đông được cử đi ôn thi, sau đó theo học các lớp đại học an ninh, đại học cảnh sát.

Đến nay, theo Thượng tá Đỗ Văn Ruẫn - Trưởng Công an huyện cho biết, đơn vị của anh đã có 65% đội ngũ cán bộ có trình độ đại học. Tất cả số cán bộ được đi đào tạo các chuyên ngành về đều đã phát huy được kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.

Từ một địa bàn phức tạp về an ninh, từ năm 2004 Điện Biên Đông đã giải quyết dứt điểm tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, di dịch cư tự do, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Chúng tôi được giới thiệu làm quen với Thiếu tá Sình A Sỉnh, Đội trưởng Đội an ninh. Anh là một trong những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua Vì ANTQ của Công an huyện Điện Biên Đông, không dưới chục lần được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Anh tâm sự với chúng tôi, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù đã có thâm niên hơn 10 năm công tác trong Lực lượng Công an, lăn lộn đủ mọi địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện vùng cao này, kinh nghiệm công tác có thừa nhưng khổ nỗi, Thiếu tá Sỉnh lại chưa qua đào tạo bất kỳ một trường lớp nào ngoài cái bằng... chứng chỉ sơ cấp công an.

Năm 2000, anh là 1 trong 3 anh em trong đội thi đậu Học viện An ninh. Sau 5 năm học tập ra trường về, với kiến thức đã được đào tạo bài bản anh đã tham mưu và trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả, từng bước ổn định tình hình an ninh chính trị địa bàn. Những điểm "nóng" một thời như: Phình Giàng, Pú Nhi, Mường Luân, Phì Nhì... lần lượt "hạ nhiệt" và ổn định

Vũ Mạnh Hà
.
.