Ca ghép tim đầu tiên cho trẻ nhỏ tại Việt Nam: 24 giờ sinh tử

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:45
Sau một tháng được ghép tim, cháu Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi) đã khỏe mạnh hơn trước rất nhiều và có thể chuẩn bị ra viện. Khi chúng tôi đến Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực - Bệnh viện (BV) Việt Đức, cháu đã ngồi dậy đòi ăn, chơi điện thoại và giã biệt máy tạo nhịp tim mà cháu từng phải gắn bó suốt nhiều ngày. Đây là sự hồi sinh kỳ diệu sau ca ghép tim đầu tiên cho bệnh nhân là trẻ em ở Việt Nam của BV Việt Đức vào ngày 15-3 vừa qua.

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”

Thật khó hình dung cậu bé có đôi mắt lanh lợi, dễ thương hôm nay từng ngấp nghé cửa tử thần vì cơ tim dãn nở do suy tim giai đoạn cuối, khiến thời gian sống của cháu chỉ được tính bằng ngày. Trước ngày mổ, Nguyễn Thành Đạt phải hoàn toàn sống nhờ máy hỗ trợ tạo nhịp tim. Nhưng giờ đây, cuộc đời Đạt đã bước sang trang mới khi một trái tim khỏe mạnh đang rộn ràng đập trong lồng ngực cháu, truyền niềm hạnh phúc cho người mẹ đang chăm chút con với tất cả sự âu yếm, yêu thương.

Một ngày mùa thu năm trước, những cơn ho chợt đến và kéo dài khiến cậu bé Nguyễn Thành Đạt suy sụp rất nhanh. Cháu liên tục phải cấp cứu ở nhiều BV, từ BV Phổi đến BV Nhi Trung ương rồi BV Bạch Mai và BV Tim Hà Nội. Sau hành trình nhiều tháng chạy chữa, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân của những cơn ho kéo dài đó là do cháu bị viêm tim nặng, cơ tim dãn, suy tim giai đoạn cuối. Chỉ trong thời gian ngắn, cháu đã sụt mất 8 kg, còn có 21 kg. Những cơn đau, khó thở hành hạ, khiến Đạt đau đớn một thì bố mẹ cháu xót xa gấp mười lần.

Các bác sĩ của BV Bạch Mai đưa ra phương án nếu cháu tự thở được thì sẽ thay tim nhân tạo để đợi khi cháu lớn sẽ có cơ hội ghép tim cao hơn. Nhưng rất tiếc, cháu lại không đủ điều kiện về sức khỏe để đặt tim nhân tạo. Được BV Tim Hà Nội tư vấn, gia đình quyết định đưa cháu đến BV Việt Đức với hy vọng cháu sẽ được ghép tim, dù rất mong manh vì có tạng của trẻ ghép cho trẻ là điều không tưởng. 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước tiến hành ghép tim cho cháu Đạt.

Nhưng số phận đã mỉm cười với bé Đạt. Thật bất ngờ khi chỉ một ngày chuyển sang BV Việt Đức, bác sĩ thông báo có tạng hiến và cháu được ghép tim. Nhưng lấy đâu ra một tỷ đồng để ghép tim cho cháu? Vì thế, nhiều người trong gia đình, họ hàng đều khuyên bố mẹ bé Đạt dừng bước trên hành trình cứu chữa cho con.

Chị Nguyễn Thị Mai Phương (mẹ bé Đạt) nghẹn ngào kể lại: Vợ chồng tôi quyết tâm cứu cháu bằng mọi giá. Nhưng chỉ có đúng một ngày để vay mượn và dù đã chạy vạy khắp nơi cũng chỉ có được số tiền 200 triệu. Dĩ nhiên số tiền này chỉ đủ chi phí 20% cho ca ghép, nên chúng tôi rất tuyệt vọng. Nhưng PGS. TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực đã động viên gia đình cố gắng để cháu được ghép tim và hứa sẽ kêu gọi sự trợ giúp cho bé.

Sự không thống nhất trong quyết tâm cứu bé của gia đình, rồi lại không có kinh phí cho ca phẫu thuật thực sự là một sức ép với các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực. Nhưng đây là một cơ hội ngàn năm có một với bé Đạt, vì gần một năm qua bây giờ BV Việt Đức mới nhận được tim hiến của người chết não. Đã có vài chục người bị bệnh tim nặng ra đi vì không thể chờ được đến lúc có tạng, trong khi bé Đạt lại vô cùng may mắn vì mọi chỉ số sinh học của người hiến hoàn toàn phù hợp với cháu.

Vì thế, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước quyết tâm dành cho cháu cơ hội sống. Thế là các bác sĩ vừa chuẩn bị cho ca ghép tim, vừa lo kinh phí cho ca mổ bằng việc kêu gọi cộng đồng giúp đỡ gia đình cháu để có số tiền bù vào phần thiếu hụt.

Cuộc phẫu thuật cân não

Đến lúc này, các chuyên gia ghép tạng lại phải đối mặt với khó khăn rất lớn về kỹ thuật vì đây là ca ghép cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Bé Đạt mới 10 tuổi, lại chỉ nặng có 21 kg, thể trạng yếu ớt, trong khi trái tim hiến là của một thanh niên đã trưởng thành, nên không tương đương nhau. Điều này là một thách thức với cả ê-kíp phẫu thuật vì Việt Nam mới chỉ ghép tim người lớn, chứ chưa từng ghép cho bệnh nhi.

Đã vậy, lại là ghép tim của người lớn cho trẻ nhỏ, nên các bác sĩ hoàn toàn trắng về kinh nghiệm thực hành. Thế nhưng thời gian chuẩn bị cho ca ghép rất gấp gáp, không cho phép tìm tài liệu quốc tế để tham khảo. Đã thế, khi đưa ra thảo luận, đã có nhiều ý kiến bàn lùi vì lo không thành công, khi người hiến có trọng lượng 60 kg thì quả tim hiến ghép cho vào cậu bé chỉ nặng 21 kg sẽ xoay xở ra sao, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ.

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ, quả thật, dù đã nhiều lần trực tiếp ghép tim, nhưng đây là một ca ghép đầy cân não với ông và ê-kíp. Sau những đắn đo, cân nhắc, cùng với kinh nghiệm của hơn 10 ca ghép tim thành công, ông có niềm tin về tay nghề của mình. Hơn nữa, lúc đó, nếu không quyết đoán nhanh thì vừa phí quả tim của người hiến, mà cơ hội sống cho cháu Đạt càng ngàn cân treo sợi tóc, nên ông và ê-kíp vẫn quyết tâm ghép tim cho cháu.

Ê-kíp phẫu thuật đã phải thức trắng đêm để 7 giờ  sáng hôm sau bắt tay ngay vào ca ghép. Các bác sĩ đo đạc tỉ mỉ kích thước buồng tim bằng siêu âm, X quang, chụp CT và nhận thấy, tuy 80% kích thước tim người cho tương xứng với người nhận do tim cháu bé bị dãn to, nhưng 20% về chiều dài lại không tương xứng, còn trọng lượng người cho so với trọng lượng của cháu bé vênh nhau khoảng 300%, khiến việc ghép rất phức tạp.

Các bác sĩ còn phải nghiên cứu bằng mô hình kỹ càng để làm sao khi ghép, quả tim người lớn phù hợp với buồng tim của cháu bé và không chèn ép lên phổi. Nếu đặt không đúng vị trí, quả tim bị đè ép hoặc bị xoắn vặn, máu không chảy gây rối loạn cuống mạch, sẽ gây tử vong sau ghép. Bằng kinh nghiệm và dựa vào tính toán các góc độ, các phẫu thuật viên đã tiến hành nhiều kỹ thuật rất phức tạp để xoay cho quả tim người hiến lọt vào lòng hố tim và bao đựng quả tim của người nhận, xử lý cho ca ghép thành công.

Trong vòng gần 24 tiếng kể từ khi tiếp nhận cháu Đạt, các bác sĩ phải làm tất cả xét nghiệm, rồi hội chẩn, nghiên cứu, tính toán kích thước buồng tim, chọn phương án ghép tim phù hợp, bảo đảm an toàn nhất. Đó thực sự là 24 giờ vô cùng căng thẳng của ê-kíp phẫu thuật. Đã vậy, trong quá trình mổ, phổi của cháu bị phù khiến cháu không thở được.

Bé Đạt bị bệnh đã ở giai đoạn cuối, chỉ còn da bọc xương, sức khỏe suy kiệt càng là những khó khăn cho ca mổ. Nhưng với trình độ chuyên môn cao và sự sáng tạo không mệt mỏi, cùng sự tận tâm với người bệnh, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước và ê-kíp đã hoàn thành ca ghép tim cho bệnh nhi đầu tiên của Việt Nam sau suốt gần 10 tiếng liền đứng bên bàn mổ.

Trao đổi với chúng tôi về ca ghép đặc biệt này, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết thêm: Do cháu thở máy lâu nên nguy cơ nhiễm trùng phổi sau mổ rất cao. Việc hô hấp sau mổ rất vất vả. Các bác sĩ phải cho cháu điều trị bằng loại kháng sinh siêu mạnh để xử lý triệt để nhiễm trùng bởi sức đề kháng rất kém. Với phương pháp điều trị đúng, chỉ ít ngày sau, cháu Đạt đã được rút ống thở và ngừng can thiệp phổi.

Với gia đình chị Phương, không từ nào có thể nói hết niềm hạnh phúc khi sau gần 10 giờ đồng hồ căng thẳng chờ đợi bên ngoài phòng mổ đã được báo sĩ báo tin ca mổ thành công. Hai vợ chồng chị ôm nhau òa khóc. Chị xúc động kể: Niềm hạnh phúc càng trào dâng vào lúc con trai tôi được rút ống thở và câu đầu tiên cháu nói là: “Bố ơi, bố cho con ăn cam!”. Sau gần 1 năm đưa con chạy chữa khắp các BV, nhiều lúc sự sống của cháu mong manh như ngọn đèn trước gió, giờ thấy con dần khỏe mạnh từng ngày, nhiều lúc tôi không dám tin là sự thật.

Chị Phương cũng chia sẻ, con trai chị đã được cứu sống nhờ trái tim của một người hiến tặng, nên chị cũng sẽ đi hiến tạng. Bởi thấy con được cứu sống từ một nghĩa cử cao đẹp, chị cũng rất muốn được làm những điều có ích cho người khác, như một sự tri ân đến người đã trao sự sống cho con chị và các bác sĩ đã tái sinh cho cháu Đạt...

Nền tảng

Tôi có may mắn được theo sát hành trình ghép tim ở BV Việt Đức từ lần đầu tiên, vào năm 2011, do PGS. TS Nguyễn Hữu Ước trực tiếp thực hiện, nên hiểu rằng, thành công của ca ghép tim đầu tiên cho bệnh nhi này không phải tự trên trời rơi xuống, cũng không phải là sự may mắn mà là sự đúc rút và tiếp nối kinh nghiệm suốt 6 năm qua của ê-kíp ghép tim Khoa Phẫu thuật - lồng ngực.

Ca ghép tim đầu tiên ở BV Việt Đức là ông Nguyễn Văn G. (Hải Phòng). Các bác sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng của bệnh nhân quá nặng do bị suy tim lâu ngày kèm theo suy thận, đã phải nằm liệt giường chờ chết, khiến nguy cơ đột tử cao, lại mang nhóm máu B hiếm người có. Thời gian bảo quản tim chỉ có 10 phút càng đặt lên vai các thầy thuốc sức ép rất lớn phải thành công.

Chính gia đình ông G cũng không dám tin ông sẽ đủ sức khỏe vượt qua cuộc đại phẫu thuật này, nên lúc đưa ông vào phòng mổ, vợ ông - bà Lương Thị T. - đã hôn ông một nụ hôn mà bà nghĩ sẽ là lần cuối cùng.

Bé Đạt sau ca ghép tim..

Nhưng với quá trình chuẩn bị kỹ càng từ nhiều năm trước, với tay nghề của các thầy thuốc trong việc gây mê, phẫu thuật tim hở, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước đã cùng các cộng sự tiến hành thành công ca ghép chỉ sau 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, ca mổ bị mất rất ít máu, sử dụng ít thuốc gây mê, nên đã giúp bệnh nhân tỉnh nhanh sau phẫu thuật.

Suốt những ngày sau mổ, cả ê-kíp đều căng thẳng dõi theo sức khỏe của bệnh nhân. Cánh báo chí chúng tôi cùng những người thân của các bác sĩ đều hồi hộp theo dõi kết quả của ca ghép tim đầu tiên này, với một tâm trạng thật lạ lùng.

Chỉ sau 2 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, nhịp tim ổn định, huyết áp bình thường, ăn uống tốt, vận động và ngồi nói chuyện được lâu mà không khó thở như trước. Nhờ tim hoạt động tốt trở lại, thận của bệnh nhân cũng không còn bị suy, chân đã hết liệt. Khó có thể diễn tả được niềm vui của các thầy thuốc BV Việt Đức, đặc biệt là Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, khi 28 ngày sau, ông Nguyễn Văn G. được ra viện.

Chung niềm vui với các bác sĩ, với bệnh nhân, chúng tôi lại có mặt để tiễn ông về với gia đình. Nghẹn ngào vì xúc động, vợ ông nói trong nước mắt rằng có mơ bà cũng không tưởng tượng được gia đình bà lại có đại phúc như vậy. Bà kể, chỉ 15 ngày sau khi chồng mổ, lần đầu được vào gặp ông, bà bàng hoàng không tin khi thấy ông đã khỏe mạnh trở lại.

Còn ông G. cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thầy thuốc Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực và ví họ là những người đã sinh ra ông lần 2, cho ông một cuộc sống mới trên cõi đời này. Toàn bộ chi phí ca ghép tim do ông G. do Bệnh viện Việt Đức chi trả.

Diễn biến sức khỏe của ông G. rất tốt, đến mức nhiều lần lên Hà Nội để tái khám, ông G. đều tự đi bằng xe máy.

Khi đó, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch - lồng ngực đã chia sẻ mong muốn với chúng tôi: Thành công của ca ghép tim đầu tiên của BV Việt Đức sẽ là cơ sở để rồi đây, việc ghép tạng trở thành hoạt động thường quy ở nơi này. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các bệnh nhân, để họ được cứu chữa kịp thời, với chi phí thấp hơn nhiều phải đi ra nước ngoài phẫu thuật. Nhưng điều quan trọng là, ca mổ đã chứng minh được trình độ, năng lực của các bác sĩ phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam, khi suốt quá trình ghép tạng đã không có bất kỳ diễn biến nào nằm ngoài dự tính.

Điều PGS. TS Nguyễn Hữu Ước mong muốn là ghép tim trở thành việc thường quy ở BV Việt Đức đã là sự thật. Để rồi các chuyên gia ghép tạng tiếp tục vươn lên tầm cao mới vào tháng 9-2015 khi ghép quả tim được vận chuyển gần 2.000 km từ TP HCM ra Hà Nội. Tháng 6-2016, BV lại tiếp tục ghép tim “xuyên Việt” trong bối cảnh thời gian chết não của bệnh nhân kéo dài tới 2 ngày khiến chức năng tim suy giảm và bị thương tổn. Lần gần nhất là ghép tim thành công cho trẻ nhỏ từ một trái tim người lớn.

Góp phần quan trọng cho những thành công này là hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại với các phòng mổ hiện đại nhất Việt Nam mà BV đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thời gian qua. Hệ thống dao mổ, máy gây mê, đèn mổ, các loại dao hàn mạch và hệ thống khí oxy, khí nén... cho phép rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế phải truyền máu và giảm các nguy cơ trong quá trình phẫu thuật, giúp người bệnh được điều trị hiệu quả nhất. Hệ thống hình ảnh chất lượng cao cùng hệ thống đèn phẫu thuật cảm biến ở các phòng mổ giúp các phẫu thuật viên mổ và ghép chính xác.

Nhưng, xuyên suốt trong thành công của các ca ghép tim, nhất là những ca ghép trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đã khẳng định trình độ tay nghề của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức không thua các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.

Thanh Hằng
.
.