Các chiêu lừa đảo của “ông Tây bà đầm”

Thứ Sáu, 06/02/2009, 09:30
Một số đối tượng người nước ngoài sau khi thành lập công ty và được phép hoạt động tại Việt Nam đã câu kết với một số cán bộ ngân hàng trong nước thiếu tinh thần trách nhiệm vay vốn tín dụng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất. Nhưng thực chất, số đối tượng này đã chiếm đoạt số tiền vay vốn, không triển khai thực hiện dự án và trốn khỏi Việt Nam.

Chính sách mở cửa, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này, không ít các đối tượng lừa đảo người nước ngoài đã vào Việt Nam "làm ăn" với các thủ đoạn tinh vi lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta.

Dưới đây là những cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo của các “ông Tây bà đầm” trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam qua hàng loạt các vụ việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện trong hai năm 2007 và 2008.

Hàng trăm mánh lừa cũ, mới

Một vụ án từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 9/2008 là vụ 2 đối tượng nước ngoài bị bắt giữ sau khi rút được một số tiền lớn tại hai ngân hàng ở Việt Nam đang trên đường bỏ trốn.

Theo hồ sơ điều tra, ngày 20/9, Công an Đà Nẵng phát hiện Baggio Carlitos Linska (quốc tịch Mozambique) đến chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc hai tài khoản. Ngay sau khi có tài khoản, lập tức một số tiền gần 300 nghìn bảng Anh tương đương khoảng nửa triệu USD được chuyển vào.

Điều đáng nghi ngờ là đối tượng này tức tốc làm thủ tục để rút tiền. Qua điều tra, công an phát hiện số tiền trên có  từ khoản tiền bọn tội phạm đánh cắp từ một tài khoản nước ngoài, sau đó chuyển vào  qua hai chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lực lượng công an Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp tiến hành bắt tạm giữ Linska và Massamba Lendebe Vis (quốc tịch Mozambique), cùng liên quan đến vụ án này, tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Văn phòng Interpol  phối hợp với A17, Công an thành phố Đà Nẵng đã làm rõ nguồn gốc số tiền nói trên là do một tổ chức tội phạm quốc tế đánh cắp từ tài khoản tại một ngân hàng thương mại ở London (Anh), sau đó chuyển vào Việt  Nam cho các đối tượng nước ngoài nói trên nhận bằng tiền mặt VND.

Văn phòng Interpol Việt Nam làm việc với cảnh sát nước ngoài.

Đây là một vụ án mà các đối tượng phạm tội đã lợi dụng hệ thống thương mại điện tử để phạm tội. Các đối tượng người nước ngoài mà chủ yếu là người châu Phi đã sử dụng công nghệ cao lấy cắp các thông tin cá nhân của các chủ tài khoản tại nước ngoài để chuyển tiền về Việt Nam. Sau đó, chúng nhập cảnh sang Việt Nam, đến ngân hàng để rút tiền với số lượng lớn.

Thực ra, thủ đoạn này được các "ông Tây bà đầm" đem vào Việt Nam từ năm 2007 và tiếp tục rộ lên trong năm 2008.

Các vụ lừa đảo kiểu này diễn ra công khai, nhiều lần đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam vì địa bàn này tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài và có chung đường biên giới với Campuchia nên các đối tượng dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam và trà trộn trong khách du lịch.

Nhưng theo đánh giá của Văn phòng Interpol Việt Nam thì có một điểm đáng chú ý là nếu năm 2007 các vụ việc nêu trên chỉ do một số đối tượng đơn lẻ thực hiện thì năm 2008 loại tội phạm này diễn ra mang tính tổ chức, có sự câu kết giữa các đối tượng nước ngoài và đối tượng trong nước.

Văn phòng Interpol đã phối hợp với Cảnh sát Nigeria xác minh đối tượng Olagbegi Olaniyi Olvwsegun (36 tuổi, quốc tịch Nigeria) câu kết với đối tượng Opeoluwa Mark Adeyemi (38 tuổi, quốc tịch Nigeria) - một hacker chuyên nghiệp và là giám đốc một doanh nghiệp trong nước sử dụng thông tin cá nhân, mật khẩu, tài khoản, thẻ tín dụng đánh cắp của các cá nhân trong nước và quốc tế đặt vé máy bay của các hãng hàng không giá rẻ cho khách hàng của công ty này, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho các hãng hàng không.

Một mánh lừa nữa, tuy không còn là mới bởi đã được du nhập vào nước ta cách đây vài năm nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện ở Việt Nam. Đó là việc một số người nước ngoài thông qua Internet gửi thư điện tử tới một số cá nhân người Việt Nam thông báo rằng những người này đã được trúng thưởng xổ số với số tiền lớn, có khi lên tới hàng trăm nghìn USD. Số tiền thưởng này sẽ được chuyển tới tài khoản của người trúng thưởng. Tuy nhiên, thông báo này cũng nói rõ, nếu muốn được nhận thưởng thì người trúng thưởng  phải chuyển trước cho công ty xổ số một khoản tiền gọi là "tiền phí vận chuyển", thường bằng khoảng 1/10% số tiền thưởng.

Do đánh trúng vào giấc mơ tỉ phú nên một số người nhẹ dạ cả tin đã lập tức gửi tiền phí vận chuyển cho các công ty xổ số dù số tiền không hề nhỏ, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng sau khi tiền đã chuyển đi rồi thì các công ty xổ số này cũng biến mất trên mạng Internet. Không có giải thưởng nào được trao, cũng chẳng có một công ty xổ số nào bởi đây chỉ là một trò lừa đảo trên mạng. Văn phòng Interpol Việt Nam đã từng cảnh báo chiêu thức lừa đảo này trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhờ vậy số nạn nhân là người Việt Nam đã ít dần nhưng không phải là đã hết.

Những chiêu lừa tinh vi lần đầu tiên xuất hiện

Tập trung nhiều chiêu lừa tinh vi nhất, có lẽ là trong lĩnh vực thực hiện hợp đồng, đầu tư vay vốn, thực hiện dự án. Chỉ riêng trong năm 2008, Văn phòng Interpol Việt Nam đã hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ trong nước và cảnh sát nước ngoài xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến 45 công ty trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực này. Có 3 thủ đoạn mà bọn tội phạm quốc tế thường sử dụng trong lĩnh vực này.

Thủ đoạn thứ nhất, bọn tội phạm nước ngoài giả vờ góp vốn đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức góp vốn (máy móc, công nghệ...) sau đó yêu cầu các doanh nghiệp của Việt Nam, ngân hàng chuyển tiền ra nước ngoài để mua máy móc, thiết bị... phục vụ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để lừa đảo hoặc nâng khống giá trị các hợp đồng để chiếm đoạt tài sản lên tới hàng triệu đôla. Các cơ quan chức năng đã từng phát hiện một đối tượng người nước ngoài là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty cổ phần đã nâng khống giá trị hợp đồng nhập khẩu 59 máy dệt kim từ 2,1 triệu euro lên 3,3 triệu euro để biến phần chênh lệch 1,2 triệu euro thành vốn góp của mình trong công ty.  --PageBreak--

Thủ đoạn thứ hai, một số đối tượng người nước ngoài sau khi thành lập công ty và được phép hoạt động tại Việt Nam đã câu kết với một số cán bộ ngân hàng trong nước thiếu tinh thần trách nhiệm vay vốn tín dụng để đầu tư vào dây chuyền sản xuất. Nhưng thực chất, số đối tượng này đã chiếm đoạt số tiền vay vốn, không triển khai thực hiện dự án và trốn khỏi Việt Nam.

Xác minh tại nước ngoài cho thấy số đối tượng này đã từng có tiền án, tiền sự ở nước ngoài mà điển hình là vụ một công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế 100% vốn nước ngoài được cấp phép thành lập với mục đích đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế. Công ty này đã vay một khoản tiền rất lớn của ngân hàng để triển khai dự án. Nhưng Văn phòng Interpol Việt Nam qua xác minh tại nước ngoài cho thấy một số đối tượng người nước ngoài có liên quan đến thực hiện dự án này  đã có tiền án, tiền sự ở nước ngoài, thậm chí có đối tượng còn đang bị truy nã(!)

Người nước ngoài lừa đảo ở Việt Nam bị bắt giữ.

Thủ đoạn thứ ba, các đối tượng người nước ngoài thành lập các công ty ma để ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cho các công ty của Việt Nam sau đó thực hiện hành vi lừa đảo như nhận tiền nhưng không giao hàng hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng. Chúng thường chào hàng với giá hấp dẫn, sau đó làm giả các loại giấy chứng nhận hàng hóa, giấy tờ tùy thân thậm chí còn mời đại diện phía đối tác Việt Nam ra nước ngoài để xem hàng, giấy tờ. Sau khi lấy được lòng tin của đối tác Việt Nam và nhận được tiền của đối tác Việt Nam đã không chuyển hàng mà cao chạy xa bay. Một cá nhân ở Hà Nội đã bị băng nhóm tội phạm Tanzania lừa đảo trên 100.000 USD với thủ đoạn này.

Cùng với đó, trong năm 2008 còn rộ lên một thủ đoạn lừa đảo mới khó bị phát hiện là làm giả hợp đồng, hóa đơn, chứng từ để chiếm đoạt thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là lên mạng tra cứu thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, tên giám đốc, ngành nghề kinh doanh của các công ty nước ngoài. Sau đó làm giả các hợp đồng mua bán với các công ty nước ngoài này để chiếm đoạt thuế VAT.

Xác minh tại nước ngoài cho thấy các công ty này không có quan hệ kinh doanh với các công ty tại Việt Nam. Một số đối tượng còn sử dụng tên của những công ty nước ngoài đã chấm dứt kinh doanh để làm giả các hợp đồng mua bán nhằm gây khó khăn cho quá trình xác minh của cảnh sát nước ngoài.

Điển hình là vụ một công ty TNHH thương mại và dịch vụ  đã làm giả giấy tờ, các hợp đồng ngoại thương mua bán thuốc lá ngoại với các công ty tại Hồng Công, Singapore và Vương quốc Anh để hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt rút gần 100 tỉ đồng của ngân sách Nhà nước. Xác minh tại nước ngoài được biết, một số công ty tại nước ngoài không ký kết hợp đồng mua bán thuốc lá với công ty này.

Hay vụ một công ty thủy sản trong nước đã mua hóa đơn giá trị gia tăng trái phép, ký các hợp đồng ngoại thương xuất khẩu sang một số nước ở châu Âu sau đó lập hồ sơ xin hoàn thuế chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước. Kết quả xác minh của Văn phòng Interpol tại nước ngoài cho thấy các công ty nước ngoài nói trên không có quan hệ cũng như không ký các hợp đồng có liên quan với công ty thủy sản này.

Các "ông Tây bà đầm" sẽ còn tiếp tục mang những chiêu lừa mới đến Việt Nam

Theo dự báo của Văn phòng Interpol Việt Nam thì trong năm 2009, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta.

Bọn tội phạm người nước ngoài sẽ lợi dụng những hạn chế yếu kém của ta như: trình độ và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, trình độ quản lý kinh tế, trình độ luật pháp quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, thiếu thông tin chính xác trong các hợp đồng kinh tế để tiến hành các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền vốn với khối lượng lớn.

Tội phạm lừa đảo có tổ chức xuất hiện ngày càng phổ biến, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động lừa đảo trong ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp của nước ngoài sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng gia tăng. Đối tượng mà các đối tượng phạm tội thường nhằm vào để thực hiện hoạt động phạm tội sẽ là những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp, các đối tượng phạm tội sẽ lợi dụng những địa bàn, những quốc gia mà ở đó thủ tục đăng ký kinh doanh dễ dàng để đăng ký những doanh nghiệp, những công ty “ma - bình phong” để hoạt động lừa đảo.

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như ra lệnh chuyển tiền giả, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền... cũng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với mức độ thiệt hại ngày càng lớn.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài vào tìm kiếm đối tác đầu tư đặc biệt là từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, nhiều thách thức mới cũng được đặt ra đối với các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải thận trọng hơn và các cơ quan thực thi pháp luật phải chủ động hơn để đối mặt trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tài chính của các băng nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế

.
.