Cầm đồ - “Cầm” cả cuộc đời! (tiếp theo và hết)

Thứ Sáu, 30/04/2010, 18:40
Nhiều chiêu lách luật, quản lý lỏng lẻo đã khiến cho không chỉ những khách hàng của tiệm cầm đồ mà ngay cả chủ tiệm cũng phải nếm "trái đắng". Dường như, mảnh đất màu mỡ cho tội phạm hiện vẫn đang bị "bỏ ngỏ"?

Phố cầm đồ cho “dân chơi”

Đặng Dung - con phố mà mới chỉ nhắc tên đã khiến rất nhiều người dân Hà Nội nghĩ ngay tới "mặt hàng" chủ lực của nó, đó là những tiệm chuyên cầm đồ "xịn" với giá cả khá hữu nghị. Tuy vị thế của nó đã ít nhiều bị suy chuyển, song hiện tại nó vẫn đang là địa chỉ tin cậy của những ai cần vay nóng.

Một đêm tháng 4, chúng tôi có mặt tại con phố được mệnh danh là đệ nhất Hà thành về khoản cầm đồ. So với vài năm trước đây, con phố này đã có chút đổi khác. Vẫn là những tiệm cầm đồ san sát, đèn đuốc sáng choang, nhưng đã có một quán cà phê và một nhà hàng khá sang trọng mọc lên giữa tuyến phố.

Tân - một chủ tiệm cầm đồ vừa mới nhượng lại cửa hàng cho một đại gia khác để chuẩn bị mở quán cà phê - kể: Cách đây hơn chục năm, có thể gọi Đặng Dung là... con phố chết. Nằm kẹp giữa hai tuyến đường một chiều là Phan Đình Phùng và Quán Thánh, con phố này sẽ vẫn mãi êm đềm, vắng lặng nếu như không có ngày, một nữ đại gia phố cổ tên Hiền ôm cả tỉ đồng đến... mở tiệm.

Nguyên tắc của các tiệm cầm đồ ở đây là cầm cao, sát giá, lãi suất thấp, bảo quản đồ tốt. Năm 1997 - 1998, Hà Nội đua xe ''rộ'' nhiều ''đội đua'' tìm đến đây cầm xe vì giá cầm cao ngất ngưởng: một con ''rim chiến'' (Dream II Thái Lan) cầm được 20 triệu đồng. Khách có thể yên tâm ''gửi'' vào kho mà không lo mất một con ốc, đừng nói chuyện đổi đồ. Với khách lạ, các hiệu cầm đồ ở Đặng Dung cho cầm quá thời hạn 5-15 ngày; khách quen cho cầm... 1 năm, thích thì lên trả lãi theo tuần, theo tháng.

Vào khoảng 22h, tôi và Tân đang ngồi nhấm nháp chén trà nóng tại vỉa hè thì gặp một đội hình "ca sĩ" từ đâu "bay" đến. Ba cô gái trẻ, cô nào cô nấy áo hai dây trễ ngực, quần đùi ngắn tới chỗ không thể ngắn được nữa, đỗ xịch trước một tiệm cầm đồ. Một cô đứng ngoài trông xe, còn hai cô đi thẳng vào trong nhà.

"Bọn này chắc là thắng lô đến để "nhổ" đồ về đây mà"- Tân ghé tai tôi nói nhỏ. Lát sau, mấy cô gái đi ra mỗi cô cầm trên tay một chiếc điện thoại di động bấm loách choách. Theo lời Tân, dù được mệnh danh là phố cầm đồ cho nhà giàu, song khách hàng chính của phố lại là các "cầu thủ" (dân cá độ bóng đá) và đám "hàng họ" (gái bán dâm, gái đú).

Cứ tầm khoảng 5, 6 giờ chiều các cầu thủ lại đem xe cộ, điện thoại... ra cầm để lấy tiền úp đề, rải lô và bắt bóng. Với mức giá 2.000 đồng/ngày cho món hàng dưới 1 triệu đồng và 3.000 đồng/ngày cho món trên 1 triệu đồng, có thể nói bước giá như vậy là "ngon" nhất Hà Nội rồi. Đám hàng họ sau giờ sát phạt cũng cần ít tiền để rải con lô dăm ba chục điểm nhằm gỡ gạc.

Ở Đặng Dung có cặp “vợ chồng” điển hình của mô-tip chồng cầu thủ - vợ ca sĩ hiện đang khá nổi trong giới "sao Việt". Thanh Tuấn sau vài chuyến đi buôn bán xuôi ngược kiếm được tí vốn liền về lại thủ đô làm ăn. Cờ bạc đãi tay mới, Tuấn ăn một lúc bảy trận cả Ngoại hạng Anh, Series A của Italia và Champious League... Thế nhưng sau đó liền tù tì ba tuần, không hôm nào Tuấn thắng nổi một trận cho nên vốn liếng cũng... lặn luôn. Cũng qua bóng bánh mà Tuấn quen được Lan - một "ca sĩ" quán nhậu mà nghề chính là... buôn bán vốn tự có.

Chiều nào người ta cũng thấy cặp “vợ chồng” cưỡi SH mò lên Đặng Dung. Thường là cắm đồ để lấy tiền "quay vòng vốn". Cũng có khi gặp may, cả hai lại tự thưởng cho mỗi người một chiếc điện thoại di động vào loại "cáu cạnh".

Nhắc tới điện thoại di động, Tân kể tiếp. Thực ra, người ta cứ hay quan niệm điện thoại trên Đặng Dung là "hàng xịn", là đồ thanh lý từ các tiệm cầm đồ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điện thoại Trung Quốc ồ ạt tràn về, và không ít những ông bà chủ ở Đặng Dung nhập hàng, lợi dụng danh nghĩa hàng "cắm" để bán với giá cao.

Cũng chính vì lý do này, thương hiệu Đặng Dung đã ít nhiều bị phai nhạt. Bây giờ, đám dân chơi bắt đầu... chuyển dịch ra một số khu vực khác. Đó là khu Phùng Hưng, Láng, một số tiệm nhỏ lẻ ở Phó Đức Chính, Phạm Hồng Thái...

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới những phố cầm đồ mà không đề cập tới các "họ nhà gia" (đại gia) của làng cầm đồ Hà thành. Có thể nói, họ mới là người chủ thực sự, đứng phía sau "sân khấu" để điều hành thị trường cầm đồ.

Công an quận Ba Đình kiểm tra định kỳ các tiệm cầm đồ trên địa bàn.

Đại gia H. "liều" là chủ một dãy tiệm cầm đồ liên hoàn trên phố Đặng Dung. Khởi nghiệp từ một tiệm nhỏ tí xíu có 5-6m2 với số vốn vài ba trăm triệu, sau vài năm số tài sản của H. “liều” đã tăng gấp hàng chục lần. Và công việc hiện tại của H. "liều" bây giờ không phải là đứng quầy ghi sổ sách nữa. H. "liều" giao toàn bộ quyền điều hành cho một người khác, còn H. "liều" chỉ việc đi ăn, uống và... quan hệ. Rất ra dáng doanh nhân!

Những dạng như H. "liều" ở đất Hà thành này có cả trăm. Song nhắc tới T. "mo" thì những ai trong giới cầm đồ hầu như đều phải ngả nón. Không ai biết chính xác, song số vốn của của T. "mo" không dưới vài trăm tỉ đồng. Một dãy cửa hiệu cầm đồ trên phố Phùng Hưng, Láng Thượng... đều là do T. "mo" mở ra.

Một đàn em của T. "mo" tiết lộ, nghề gì cũng có cái mánh của nó. Trong nghề cầm đồ thì nhiều khi các chủ tiệm thích đồ... vô chủ hơn. Bởi vì thứ nhất, đồ này sẽ "dìm" được giá, và khả năng chủ quay lại "nhổ" là không cao. Do đó sẽ bán được giá hời. Ví dụ một chiếc xe SH vô chủ, cắm chỉ được tầm 9-10 triệu đồng. Tới khi phát mại tài sản thì bỏ rẻ các chủ tiệm cũng bán được 20-30 triệu. Và dĩ nhiên, những đồ vô chủ này sẽ không bao giờ được ghi vào sổ sách mà được lưu trong một "sổ chìm" khác. Đây chính là một nguy cơ lớn về việc tiếp tay cho các hành động phạm tội như trộm cắp, cướp giật...

Một "món" ưa thích của các chủ tiệm cầm đồ là giấy tờ nhà đất. Thường những ai đi cắm nhà, nhất là đoạn trên quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... thì phải cần số tiền hàng tỉ đồng. Và với lãi suất 2.000-3.000đồng/triệu/ngày thì đây mới thực sự ra tấm ra món. Nhưng để được cho vay, thì người vay sẽ phải ra công chứng, viết giấy bán nhà cho chủ tiệm cầm đồ. Sau đó, người vay sẽ phải viết tiếp một giấy vay nợ, cam đoan sẽ trả đủ trong x (ngày), nếu không căn nhà đó sẽ có chủ mới.

Lắm lúc một chủ tiệm cầm đồ không kham nổi vì số tiền cho vay lên tới vài tỉ đồng thì sẽ phải liên kết với các chủ tiệm khác, đồng thời "cắt phế" khoảng 30% lãi suất.--PageBreak--

Những "trái đắng"

Song song với sự tồn tại của các tiệm cầm đồ luôn tiềm ẩn những nguy cơ về tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chị Nguyễn Thị Thanh - một chủ tiệm cầm đồ ở phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) chắc chưa quên được "thằng em kết nghĩa" tên Phạm Thế Huy của mình. Với bộ dạng một công tử đại gia, con của một vị phó chủ tịch tỉnh, Huy đã làm thân với chị Thanh để thuê nhiều xe ôtô rồi đem đi "cắm" lấy tiền nướng sạch vào đỏ đen.

Ban đầu, mỗi lần thuê xe ôtô của chị Thanh, Huy đều thanh toán tiền thuê xe đầy đủ và đúng hẹn nên đã lấy được lòng tin. Sau đó, Huy nảy ý định thuê xe rồi đi đặt lấy tiền đánh bạc. Với thủ đoạn sau khi  thuê được ôtô, Huy làm giả tờ đăng ký xe và giấy tờ mua bán ôtô rồi lấy tên khác là Nguyễn Thái Huy. Chỉ đến khi chờ dài cổ vẫn không thấy tài sản của mình đâu, họ mới biết đã bị Huy cho ăn "bánh vẽ".

Tháng 8-2008, Huy gặp chị Thanh hỏi thuê xe ôtô tự lái. Chị Thanh đã cho Huy thuê chiếc xe ôtô Ford Everest BKS 30M-6408 trị giá 530 triệu đồng. Khi thuê, Huy để lại sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và 10 triệu đồng, hợp đồng thuê xe một tháng với số tiền thuê là 25 triệu đồng.

Chị Thanh đã giao xe ôtô cho Huy cùng toàn bộ giấy tờ (bản sao đăng ký xe). Nhận xe xong, Huy đã làm giả đăng ký xe ôtô rồi mang chiếc xe đến đặt cho anh Nguyễn Hồng và Trần Trung Thành để vay 440 triệu đồng trong thời gian một tháng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày. Sau khi lấy được tiền, Huy cho anh Sơn 4 triệu đồng tiền công môi giới. Toàn bộ số tiền còn lại, Huy cờ bạc hết. Đến khi vụ việc vỡ lở, các bị hại chỉ biết kêu trời.

Trong vòng 4 tháng cuối năm 2008, Huy đã gây ra 5 vụ lừa đảo xe ôtô của chị Nguyễn Thị Thanh. Tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt 5 chiếc ôtô là 2,425 tỉ đồng. Ngoài ra, Huy còn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo, chiếm đoạt của chị Đỗ Thị Thu Hương số tiền là 1,15 tỉ đồng. Như vậy, toàn bộ số tiền Huy lừa đảo có trị giá là 3,575 tỉ đồng.

Phố cầm đồ Đặng Dung.

Cũng liên quan tới chuyện lừa đảo trong lĩnh vực cầm cố, nhiều chủ tiệm cầm đồ trên địa bàn quận Ba Đình đang... khóc dở mếu dở vì bị mượn hàng tỉ đồng mà không biết bao giờ thu hồi vốn được. T.Đ.K. là một chủ tiệm cầm đồ trên phố Phạm Hồng Thái, không biết do làm ăn thua lỗ thế nào mà phải vác cả giấy tờ nhà đi... cắm. Biết K. là người trong nghề nên nhiều chủ tiệm đồng ý cho K. vay đến vài tỉ đồng với vật thế chấp là giấy tờ nhà. Một thời gian sau, K. lại đến năn nỉ các chủ tiệm này cho mượn lại sổ đỏ rồi mang ra ngân hàng vay, để lấy tiền trả cho họ. Lúc đầu không ai nghe. Nhưng sau K. "văn" giỏi quá, lại nóng ruột muốn nhận lại tiền nên họ đã trả lại K. giấy tờ nhà đất. Nhưng khi đã vay được tiền của ngân hàng rồi, K. vẫn không trả cho ai một xu.

Các chủ tiệm "cay" K. lắm, nhưng không ai dám làm lớn chuyện. Bởi nếu lôi nhau ra tòa thì khả năng số tiền cho K. vay sẽ đành phải... để gió cuốn đi.

Quản lý được không?

Đại úy Trần Minh Hải, Phó trưởng Công an phường Trúc Bạch cho chúng tôi biết, trên địa bàn phường hiện có 19 cửa hiệu kinh doanh cầm đồ, có hồ sơ giấy phép kinh doanh. Công an phường đã lập hồ sơ quản lý theo đúng Nghị định 72 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, tổ chức ký cam kết định kỳ các tiệm cầm đồ luôn được quan tâm. Thông báo tang vật trong các vụ án cũng luôn được thông báo, rà soát tại các cửa hàng cầm đồ trên địa bàn phường.

Còn Trung tá Nguyễn Mạnh Long, Phó trưởng Công an phường Quán Thánh khẳng định, hoạt động cầm đồ trên địa bàn phường đang giảm mạnh và có xu hướng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Cách đây khoảng 8 năm, phường có 23 tiệm kinh doanh cầm đồ thì nay chỉ còn 15. Bên cạnh đó có tới 36 cửa hiệu kinh doanh điện thoại di động. Trong năm 2009, nhờ sự cảnh giác của chủ tiệm cầm đồ mà Công an phường đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng cướp giật trên đường Láng, mang về đây tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo số liệu của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội thì khá nhiều tang vật của các vụ án như trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt được tìm thấy tại... các tiệm cầm đồ. "Lực lượng công an tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, song vẫn không xuể" - một cán bộ trong lực lượng tâm sự thẳng thắn với tôi như vậy.

Nếu xét trên khía cạnh quản lý nhà nước, thì việc cấp phép cho các tiệm cầm đồ hiện có vẻ dễ dãi. Nếu cá nhân (doanh nghiệp) muốn kinh doanh loại hình này chỉ cần lên Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm giấy phép đăng ký kinh doanh. Tiếp đó lên công an cấp quận, huyện để làm thủ tục bảo đảm phòng cháy chữa cháy, ký cam kết bảo vệ an ninh trật tự. Vậy là có thể... ngồi mát ăn bát vàng được rồi.

Tuy nhiên, lỗ hổng ở đây là cơ quan cấp phép không thẩm định được số vốn thực có của hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty TNHH. Họ có thể khai bao nhiêu tùy thích. Bên cạnh đó, từ một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này, có thể thành lập được nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ khác, dựa trên cơ sở hoạt động dưới sự kiểm soát của công ty "mẹ". Tình trạng chủ tiệm cầm đồ "đi đêm" với khách hàng để tiêu thụ hàng cấm cũng không ai kiểm soát được.

Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý phải có những biện pháp mạnh tay hơn, siết chặt việc kinh doanh cầm đồ mới mong giảm thiểu mối nguy cơ này

Minh Tiến
.
.