Cần giải pháp quyết liệt xử lý tín dụng đen

Thứ Ba, 18/12/2018, 10:16
Hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi suất cắt cổ, bất hợp pháp đã và đang trở thành một hành vi khá phổ biến, gây nhiều hệ lụy, làm phát sinh nhiều loại tội phạm nghiêm trọng.

Để góp phần nhận diện rõ và phòng chống vấn nạn này, chiều ngày 13-12-2018, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nhận diện tín dụng đen & Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn" đã được Báo Công an Nhân dân tổ chức. Hàng trăm câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc khắp nơi gửi về đã được các khách mời - đại diện các cơ quan chức năng - thẳng thắn phân tích và trả lời.

Từ những bức xúc của người dân

Tại cuộc tọa đàm, Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương đã có thông tin cụ thể về một vụ việc khá nổi cộm vừa được công an tỉnh này triệt phá. Công ty TNHH Nhất Tín Anh có trụ sở ở khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương hoạt động từ ngày 25-4-2016, chuyên cho vay kiểu tín dụng đen. Công ty do các đối tượng Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Hồng Quân và Vương Văn Đại quản lý hoạt động.

Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nhận diện tín dụng đen & Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn" do Báo CAND tổ chức.

Hoạt động tín dụng đen của Công ty Nhất Tín Anh được che lấp dưới phương thức cho thuê lại xe mô tô của chính những người vay tiền chịu lãi suất cắt cổ… Ban đầu, các nhân viên của Công ty Nhất Tín Anh đi phát tờ rơi quảng cáo với lời hứa hẹn "cho vay lãi suất thấp và không cần tài sản thế chấp".

Thủ đoạn của chúng là yêu cầu người đến vay phải mang theo tài sản là xe mô tô, có giấy chứng nhận đăng ký xe có giá trị tương đương hoặc cao hơn so với số tiền vay. Người vay sẽ làm giấy bán xe mô tô mà họ mang theo cho Công ty Nhất Tín Anh rồi công ty lại làm hợp đồng cho bị hại thuê lại xe mô tô do chính họ đem đến với giá tiền thuê tương đương với lãi suất 15%/tháng trên tổng số tiền mà người dân muốn vay (hoặc 5.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/1 ngày).

Giao dịch xong, Công ty Nhất Tín Anh sẽ trao số tiền cho người vay và giao lại xe mô tô để người vay sử dụng. Khi giao tiền Nhất Tín Anh không giao đủ số tiền vay mà sẽ trừ một khoản tiền tương đương với tiền lãi/ tổng số tiền vay từ 10 ngày đến 30 ngày (tùy theo thỏa thuận của người vay với Công ty Nhất Tín Anh về thời gian đóng lãi là 10, 20 hay 30 ngày), nếu đóng trễ ngày hẹn sẽ bị phạt 200 ngàn đồng. Đến khi người vay không đủ khả năng đóng tiền lãi và gốc thì đại diện của Nhất Tín Anh sẽ đến nơi ở của người vay buộc họ phải bàn giao xe (mô tô, ô tô…) cho chúng…

Hình ảnh một nhà dân bị "khủng bố".

Trong năm 2018, người dân đã vay của Nhất Tín Anh số tiền hơn 450 triệu đồng và công ty này đã thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng.

Vụ việc này là một trường hợp điển hình. Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" chưa cụ thể, rõ ràng và chưa đủ nghiêm khắc. Mặt khác, "tín dụng đen" là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện.

Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an thì cho hay, đối tượng cho vay "tín dụng đen" hầu hết là các cá nhân, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, có hoạt động cho vay trái phép với lãi suất cao. Thủ đoạn cho vay tinh vi, thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính…

Quảng cáo thường có nội dung "kết nối khách hàng - ngân hàng", hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng, hình thức cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên..., thời gian cho vay nhanh, thủ tục vay đơn giản; thường không quy định lãi suất mà tính số tiền lãi phải trả hằng ngày (ví dụ: 1-2 ngàn đồng/ 1 triệu đồng/1 ngày).

Tất cả những hình thức kể trên thực chất là cái "bẫy" vay tiền với lãi suất rất cao. Người vay tiền thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ dễ dàng rơi vào vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con", tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.

Một số bị hại trong quá trình vay mượn để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết đưa vào bẫy, làm hợp đồng bán các tài sản có giá trị để làm điều kiện vay vốn. Khi bị các đối tượng đe dọa, họ không dám tố giác, trình báo với cơ quan Công an do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính. Khi cơ quan Công an phát hiện thì sự việc xảy ra đã quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Còn thiếu định chế quản lý và xử lý

Khi xảy ra tình trạng không thể trả được nợ, hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt sẽ xảy ra, gây mất an ninh trật tự (ANTT) xã hội. Đi cùng tín dụng đen là một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, có hành vi theo kiểu xã hội đen ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người vay. Nhiều trường hợp vay "tín dụng đen" dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt…

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND, tặng hoa cho các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến.

Các đối tượng cho vay tín dụng đen thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản và lách luật, tránh sự xử lý của cơ quan Công an. Vụ việc tại Công ty Nhất Tín Anh kể trên là một điển hình.

Các đối tượng khi đi đòi nợ, xiết nợ thường dùng thủ đoạn "khủng bố" tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải (mắm tôm, nước sơn...), gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trong khu vực. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý.

Với cơ quan Công an, việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ hiện nay vẫn bị hạn chế do những quy định sửa đổi của pháp luật. Việc xử lý các vụ việc bị lái theo hướng dân sự hóa. Việc các đối tượng dùng các hình thức đòi nợ phi đạo đức, trái pháp luật thì chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Thượng tá Lại Quang Huấn thừa nhận: "Đúng là hiện nay các quy định về chế tài xử lý hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi khác liên quan đến "tín dụng đen" như đòi nợ thuê, ném chất bẩn, chất thải, chửi bới, bôi nhọ uy tín, danh dự… hiện nay còn nhẹ, khó xử lý triệt để và chưa tạo được sự răn đe. Bộ Công an đã tổng hợp những bất cập, khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý "tín dụng đen" báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những giải pháp khắc phục, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an".

Thượng tá Lại Quang Huấn lý giải, trong thực tiễn hiện nay việc xử lý "tín dụng đen" gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Khó khăn nhất chính là do những bất cập, chưa đồng bộ và chưa đầy đủ giữa các quy định của pháp luật.

Việc áp dụng quy định của hành vi cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự hiện nay còn chưa có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và thống nhất về cách tính lãi suất cho vay và tiền thu lợi bất chính, dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý vụ án. Kết quả là việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng còn lúng túng, chưa phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính, vụ việc dân sự…

Công tác quản lý và xử lý các đối tượng hành nghề cho vay lãi nặng của lực lượng Công an cũng bị hạn chế, do các văn bản pháp luật không quy định thẩm quyền của lực lượng Công an đối với việc cấp phép hoạt động, quản lý và xử phạt hành chính.

Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, để xử lý "tín dụng đen" một cách triệt để, về vĩ mô cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định của các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài. Trước mắt, khi chưa hoàn thiện các quy định pháp luật, lực lượng Công an và các ban, ngành có liên quan cần phải có sự phối hợp chung để phòng ngừa, xử lý các vi phạm", góp phần giải quyết trước mắt những vấn đề nổi cộm do "tín dụng đen" gây ra.

Bộ Công an hiện đang triển khai kế hoạch tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm.

Gần đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh… Quan điểm của Thượng tá Lại Quang Huấn là không cấm và cũng không khuyến khích, nhưng cần phải có những quy định chặt chẽ, siết chặt các quy định về cấp, thu hồi giấy phép, quản lý, kiểm tra, xử lý có gắn trách nhiệm quản lý và thẩm quyền xử lý của cơ quan Công an.

Mặt khác phải có những chế tài xử phạt nặng đối với những hành vi vi phạm, đặc biệt là những hình thức đòi nợ phi đạo đức, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự và thiệt hại đến lợi ích kinh tế chính đáng của con nợ. Chỉ khi nào các cơ quan tòa án, thi hành án dân sự… giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động vay nợ của người dân được như kỳ vọng thì có thể loại bỏ ngành nghề đòi nợ thuê.

Ông Trần Minh Tuấn - Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Eximbank có 207 chi nhánh và phòng giao dịch được bố trí rộng khắp, trải dài từ Bắc vào Nam. Eximbank có nhiều sản phẩm cho vay để phục vụ nhu cầu vốn cho nhiều đối tượng. Nhiều mục đích, thời hạn vay cũng như nhiều phương thức trả nợ được thiết kế riêng phù hợp với mọi đối tượng khách hàng như: mua nhà, mua đất, xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm trang thiết bị nội thất; cho vay để mua phương tiện vận tải…; cá nhân vay để phục vụ nhu cầu kinh doanh theo hình thức hộ gia đình hay hình thức doanh nghiệp tư nhân; các sản phẩm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay; vay tiêu dùng nhỏ lẻ: vay tín chấp từ lương, vay thấu chi tài khoản, vay theo hình thức phát hành thẻ tín dụng.

Eximbank còn có sản phẩm cho vay sạp chợ đã được triển khai nhiều năm nay. Thủ tục vay rất đơn giản… Khi có nhu cầu vay, khách hàng có thể đến trực tiếp tại các điểm giao dịch của Eximbank hoặc gọi trực tiếp đến Trung tâm Chăm sóc hỗ trợ khách hàng qua tổng đài 18001199 - phục vụ 24/7, để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Phú Lữ - Mã Hải
.
.