Căng mình chống dịch trên biên giới Tây Nam

Chủ Nhật, 25/04/2021, 11:41
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên tuyến biên giới Tây Nam, lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... nòng cốt, hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, tăng cường kiểm soát chặt biên giới đường bộ, đường sông và đường biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng ngừa dịch bệnh...

Người nước ngoài “quá cảnh” qua biên giới Tây Nam

Chúng tôi đến An Giang vào những ngày giữa tháng 4 và cảm nhận được không khí “chống dịch như chống giặc” rất nóng bỏng ở địa bàn biên giới này. Tỉnh An Giang có 5 huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới với Campuchia, tổng chiều dài giáp biên khoảng 100km, riêng huyện An Phú là 45 km. 

Công an tỉnh An Giang tuyên truyền người dân tuyến biên giới phòng, chống dịch COVID-19, tích cực cung cấp thông tin, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người Việt Nam và người nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc tại Campuchia tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và ngược lại. Lãnh đạo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 31 vụ với 41 bị can liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Trong đó, đã chuyển viện kiểm sát 18 vụ, 26 bị can và đưa ra xét xử 5 vụ với 6 bị can, đang tiếp tục điều tra 13 vụ với 15 bị can.

Lực lượng Biên phòng và Công an tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền ngư dân tích cực cung cấp thông tin, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép trên vùng biển Phú Quốc.

Một cán bộ trinh sát cho biết, mặc dù vào thời điểm này số tiền chi phí cho mỗi người sang biên giới trái phép được các đối tượng dẫn dắt đẩy lên cao, tuy nhiên để thu hút những người có nhu cầu sang Campuchia hoặc từ Campuchia về Việt Nam, các đối tượng bảo lãnh bằng cách không thu tiền trước. Mặt khác, người sang Campuchia lao động được các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí. Các đối tượng, khi đến khi vực biên giới thì tìm nơi tập kết chờ cơ hội để được đưa sang biên giới... Theo đó, người nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc được đưa từ biên giới phía Bắc vào, chia làm nhiều chặng đường do nhiều đối tượng dẫn dắt phụ trách và chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Người nước ngoài không quen biết với đối tượng dẫn đường và tài xế, không có số điện thoại nên không khai báo được gì, thậm chí quanh co, chối tội không hợp tác khi bị phát hiện, bắt giữ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lí.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, từ tháng 3-2020 đến nay, TP Hà Tiên đã tiếp nhận trên 5.100 trường hợp cách ly. Hiện tại, có hơn 160 người đang có mặt tại các khu cách ly tập trung, trong đó có 21 trường hợp F0. Có 37 trường hợp dương tính với COVID-19, đã điều trị khỏi 19 trường hợp. Đã có 36 trường hợp nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên được Bộ Y tế công bố dương tính với COVID-19. Theo dự báo thì lượng người nhập cảnh về trong thời gian tới sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao.

Siết chặt biên giới đường bộ, đường sông và đường biển

Hiện tỉnh An Giang đã lập hàng trăm tổ, chốt trên toàn tuyến biên giới. Nhiệm vụ của các tổ, chốt là phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố biên giới tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở ở cả đường bộ và đường sông.

Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Biên phòng, Quân sự tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, ngăn ngừa xuất, nhập cảnh trái phép.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch ở biên giới phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, chiến sĩ. Tỉnh đã thực hiện việc đóng cửa các cửa khẩu, không thông quan hàng hóa sau 18h hằng ngày. Lực lượng Biên phòng chủ trì cùng Quân sự và Công an xây dựng lực lượng dự phòng để sẵn sàng thay thế cho lực lượng tuyến đầu để đảm bảo tốt cho công tác phòng, chống dịch.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, trực tiếp khảo sát dọc tuyến biên giới và chỉ đạo đối với công an các đơn vị và 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc. “Công an An Giang luôn tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm trên tuyến biên giới, đặc biệt là tội phạm có tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà công an toàn tỉnh phải tập trung đấu tranh, xử lý, ngăn chặn triệt để, để góp phần cùng cả nước làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19”, Đại tá Đinh Văn Nơi chia sẻ.

Cũng như An Giang, Đồng Tháp có hơn 50 km đường biên giới giáp với tỉnh PrâyVeng (Campuchia). Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên đường bộ và các tuyến sông khu vực biên giới. Công tác phối hợp được duy trì thực hiện xuyên suốt, chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Bộ đội biên phòng đã phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín biên giới, duy trì 100% quân số trực tại các tổ chốt, các đường mòn, lối mở, đóng chốt 17 tổ cố định, gồm các lực lượng Công an, Biên phòng và Quân sự. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 400 trường hợp nhập cảnh trái phép...

Tại Kiên Giang, cùng với việc tuần tra kiểm soát, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển về tình hình dịch bệnh, những thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép. Từ đó, nâng cao vai trò cảnh giác cho ngư dân khi tham gia các hoạt động đánh bắt khi phát hiện các tình huống nghi ngờ phải thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng. 

Lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Phú Quốc.

Ghi nhận tại khu vực biên giới vùng biển Gành Dầu (TP Phú Quốc), Đồn Biên phòng Gành Dầu phối hợp cùng Công an các xã, thị trấn thực hiện tuần tra, vận động, tuyên truyền sâu rộng, phát huy vai trò của ngư dân trong tố giác các trường hợp nhập, xuất cảnh trái phép của người dân cho lực lượng chức năng. Cụ thể như vụ phát hiện, giữ 11 phụ nữ từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc vào ngày 23-3; vụ dùng xuồng máy chở 3 phụ nữ từ Campuchia vào Phú Quốc, ngày 30-3. Cả hai vụ việc trên đều được ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển, phát hiện phương tiện khả nghi nên báo về lực lượng chức năng, phối hợp, ngăn chặn.

Để phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, UBND TP Hà Tiên đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân tham gia cung cấp thông tin, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép. Ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, đối với cá nhân, tổ chức khi phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương thông tin chính xác đối tượng nhập cảnh trái phép sẽ được thưởng 500.000 đồng/lần. 

Trường hợp phát hiện nhiều lần hoặc 1 lần nhiều đối tượng hoặc phát hiện cả chủ phương tiện vận chuyển và đối tượng nhập cảnh sẽ được đề xuất tăng mức thưởng cao hơn. Đối với các chủ phương tiện vận chuyển chuyên chở hành khách, hàng hóa như xe ôm, taxi, tàu, ghe... khi được thuê vận chuyển mà phát hiện hành khách là đối tượng nhập cảnh trái phép và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý sẽ được thưởng đột xuất với số tiền gấp đôi số tiền được thuê vận chuyển. Ngoài việc thưởng tiền, UBND TP Hà Tiên còn đề xuất khen thưởng theo quy định đối với cá nhân, tổ chức tham gia tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trần Lĩnh
.
.