Cánh chim bằng đã yên nghỉ

Thứ Ba, 25/10/2016, 13:10
Sau 30 giờ mất tích, xác chiếc trực thăng EC130T2 mang số hiệu VN8632 của Trung tâm huấn luyện Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam được lực lượng cứu hộ phát hiện tại khu vực bãi Ma Chầu, núi Dinh, thuộc địa phận ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu lúc 15 giờ 15 phút ngày 19-10-2016.

Điều không ai muốn tin là cả 3 phi hành viên trong tổ bay đều tử nạn. Cả 3 đều được đưa về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện nghi thức tang lễ.

Cả 3 phi hành viên trên chuyến bay định mệnh đều là những phi công trẻ đầy triển vọng của lực lượng không quân.

Chân dung 3 phi công Dương Lê Minh, Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.

Chuyện về Đại úy phi công Dương Lê Minh

Đó là chuyến bay huấn luyện do Đại úy Dương Lê Minh, 32 tuổi - giáo viên thực hành của VNH (Trung tâm huấn luyện bay thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam có trụ sở tại TP Vũng Tàu) - làm tổ trưởng. Tổ viên là 2 phi công vừa tốt nghiệp đại học phi công hải quân khóa đầu tiên của Trường Sĩ quan Không quân (Khánh Hòa) vào đầu năm 2016.

Đại úy Dương Lê Minh là một phi công xuất sắc, lão luyện của VNH. Anh là con trai kế tự của Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thượng tá phi công Dương Văn Thanh - cố Phó Đoàn trưởng Đoàn Không quân C10 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, giáo viên huấn luyện bay tại Trường Sĩ quan Không quân (Khánh Hòa). Cố Thượng tá phi công Dương Văn Thanh có hơn 2.195 giờ bay, trực tiếp đào tạo thành công 48 phi công quân sự cho quân chủng.

Nhớ lại câu chuyện cách nay 11 năm, ông Nguyễn Bá Thẩn - cựu chiến binh đơn vị kỹ thuật Trường Sĩ quan Không quân là hàng xóm (tổ 1, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) của Đại úy Dương Lê Minh vừa là đồng đội của cố Thượng tá phi công Dương Văn Thanh, kể:

Khoảng 15 giờ 25 phút, ngày 29-4-2005 (khi ấy Dương Lê Minh vừa mới trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Không quân) Thượng tá Thanh cùng sinh viên phi công Đào Việt Hưng thực hành huấn luyện bay chiến đấu tấn công mục tiêu bằng chiếc máy bay L 39 mang số hiệu 8732.

Sau khi rời đường băng được vài phút, sở chỉ huy bay nhận được tín hiệu cấp cứu của ông Thanh. Qua bộ đàm, ông Thanh cho biết động cơ máy bay ngưng hoạt động. Trung tâm chỉ huy phát lệnh cho phép phi công nhảy dù thoát hiểm. Khi ấy, máy bay đang lao về hướng đảo Hòn Tre có dân cư sinh sống.

Quyết không để xác máy bay gây nguy hiểm cho sinh mạng người dân, ông Thanh bình tĩnh hướng dẫn học trò nhảy dù thoát hiểm, còn mình thì cố gắng lái không động cơ điều khiển chiếc máy bay rời xa khu dân cư. Khi máy bay đã hướng ra mặt biển an toàn, độ cao và thời gian không còn đủ để thoát hiểm nên ông Thanh đã hy sinh.

Nguyễn Văn Tùng (vòng tròn bên trái) và Đặng Đình Duy (vòng tròn bên phải) cùng các bạn đồng khóa.

Những đồng đội của ông Thanh đều xác nhận, ngay khi nhận được mệnh lệnh nhảy dù, ông Thanh có toàn quyền quyết định và không phải chịu trách nhiệm những sự cố đáng tiếc sau khi máy bay rơi. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người lính, ông đã không nghĩ đến sinh mạng mình mà lo lắng cho tính mạng người dân dưới mặt đất.

Ngày 9-1-2007, ông Thanh được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Trước sự hy sinh anh dũng của cha, Dương Lê Minh vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ bay. Sau khi tốt nghiệp đại học Trường Sĩ quan Không quân, Dương Lê Minh được điều động về VNH để làm công tác đào tạo phi công. Anh được đánh giá là phi công xuất sắc, làm việc có trách nhiệm và được nhiều người quý mến.

Buổi sáng ngày 18-10-2016, Dương Lê Minh kèm cặp 2 tân sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Phi công Hải quân bay thực hành loại máy bay EC 130 T2. Chuyến phi hành được cất cánh tại sân bay VNH tại TP Vũng Tàu, cất cánh lúc 7 giờ 30 phút. Hơn 15 phút sau, máy bay gặp nạn.

Chân dung cố Thượng tá phi công Dương Văn Thanh.

Có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 175 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp), một người cậu ruột của Đại úy Dương Lê Minh cho biết anh Minh có vợ cùng 2 con nhỏ, cháu lớn hiện mới hơn 2 tuổi, còn cháu nhỏ vừa sinh vài tháng trước.

Tiếc thương 2 phi công thế hệ “vàng”

2 tân phi công cùng tử nạn với Đại úy Dương Lê Minh là Trung úy Đặng Đình Duy (25 tuổi, quê quán Thanh Nguyên, Thanh Liêm, Hà Nam) và Trung úy Nguyễn Văn Tùng (25 tuổi, quê quán Đông Hương, TP Thanh Hóa).

Trung úy Đặng Đình Duy tốt nghiệp phi công quân sự khóa 40 và phi công hải quân khóa 1 hồi tháng 1-2016.

Trung úy Nguyễn Văn Tùng tốt nghiệp phi công quân sự từ năm 2013 (khóa K38) và tiếp tục học phi công hải quân khóa 1.

Nguyễn Văn Tùng rất yêu thương mẹ.

Để có được tấm bằng đại học phi công hải quân tại Trường Sỹ quan Không quân (Khánh Hòa), các học viên phải trải qua nhiều tiêu chuẩn tuyển lọc khắt khe về kiến thức không quân, phải trải qua quá trình thực hành bay tại 1 trung tâm huấn luyện bay danh tiếng ở vùng Tây bán cầu và phải đạt tổng giờ bay phản lực cơ 235 giờ, bay trực thăng cánh quạt hơn 88 giờ. Giới quân sự gọi đó là thế hệ "phi công vàng" của quân chủng Phòng không - Không quân. 

Vụ tai nạn đã làm lực lượng Phòng không - Không quân mất đi 2 sỹ quan “phi công vàng”.

Một vài người bạn của Trung úy Đặng Đình Duy xác nhận, Duy mới hứa hôn với một cô gái tên T, làm việc tại TP Vũng Tàu nhưng chưa định ngày cưới. Duy rất hiền lành, sống hòa đồng và đá bóng rất giỏi. Còn Trung úy Nguyễn Văn Tùng là một đứa con ngoan của gia đình. Mẹ anh là một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang và giỏi kinh doanh ở TP Thanh Hóa.

Chiều 19-10, ông Nguyễn Văn Phái (61 tuổi, sinh sống ở Bình Dương, bác ruột Trung úy Nguyễn Văn Tùng) cùng người em ruột là bà Nguyễn Thị Thu đã có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng chờ nhìn mặt cháu mình lần cuối. Cả hai đều rưng rưng kể, Tùng là đứa con ngoan, hiền lành, học giỏi và mê làm phi công từ nhỏ. Tùng có một người chị đã lập gia đình và đang sinh sống ở Thanh Hóa. Ba mẹ Tùng làm ăn khấm khá nhưng Tùng không bao giờ ỷ lại vào gia đình.

Ngay sau khi nhận được tin 3 phi công tử nạn, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 18, thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã ký Quyết định số 832/QĐT-IG ngày 19-10-2016, truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho đồng chí Dương Lê Minh; Quyết định số 833/QĐT-IG ngày 19-10-2016, truy thăng quân hàm từ Trung úy lên Thượng úy cho 2 đồng chí Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng. Lễ truy điệu và truy phong quân hàm được tổ chức ngày 21-10-2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 4, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)

Trực thăng EC130 T2

EC130 T2 là mẫu trực thăng dân sự hạng nhẹ, được giới chuyên môn quốc tế đánh giá là loại hiện đại nhất trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Eurocopter. Tiền thân của máy bay EC130 T2 là mẫu EC130 B4.

Năm 2012, Tập đoàn Eurocopter cải tiến EC130 B4 thành loại EC130 T2 với 70% cấu tạo khung thân khác hẳn EC130 B4, trang bị động cơ Arriel 2D của Hãng Turbomeca (Pháp), với cánh quạt chính có 3 lá.

Ngay sau khi ra mắt, mẫu EC130 T2 của Tập đoàn Eurocopter đã nhận được đơn hàng 50 chiếc EC130 T2 từ tập đoàn du lịch trực thăng Mỹ Maverick Helicopters. Đồng thời, 55 chiếc khác cũng được các quốc gia đặt hàng.

Mẫu máy bay trực thăng EC130 T2.

Năm 2014 Tập đoàn Eurocopter đổi tên thành Airbus Helicopters. Kể từ 1-1-2016 các loại máy bay của Eurocopter cũng đổi. EC130 T2 được đổi tên là H 130. Theo website của Airbus Helicopters, tính đến năm 2014, có hơn 12.000 trực thăng của hãng được bán cho hơn 3.000 khách hàng ở 150 nước. Trong đó có một số quốc gia mua EC130 T2 làm taxi bay (Hãng PhilJets, Philippines; Tập đoàn công nghiệp Jababeka, Indonesia)

Đầu năm 2015, sau khi VNH mua chiếc máy bay EC 130 T2 mang số hiệu VN 8632, Đại úy Dương Lê Minh là 1 thành viên trong tổ bay sang tận Hãng Airbus Helicopters đưa về. Vượt chặng đường dài gần 3.000 km, qua 5 nước, hạ cánh nạp dầu tại 7 sân bay, anh cùng phi đội đã đưa máy bay về hạ cánh an toàn tại Vũng Tàu vào ngày 14-03-2015.

Thế hệ máy bay EC130 T2 được đánh giá là loại máy bay hiện đại, linh hoạt và cơ động trong mọi tình huống thời tiết.

Một vài phi công VNH cho biết, chuyến phi hành đó, học viên Duy là phi công chính, Dương Lê Minh ngồi ở ghế huấn luyện và học viên Tùng ngồi phía sau. Có thể do sáng hôm đó, mây mù và mưa dầy nên tầm nhìn phi công bị hạn chế. Hiện chưa thể kết luận luận nguyên nhân vụ tai nạn. Bộ Quốc phòng đã thu giữ chiếc hộp đen để giải mã để tìm hiểu nguyên nhân.

Trước đây, trên thế giới đã có 2 trường hợp EC130 T2 gặp sự cố kỹ thuật.

Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 12-10-2015. Khi đó, một chiếc EC130 T2 của công ty vận tải Penerbangan Angkasa Semesta trên đường vận chuyển 3 hành khách, bất ngờ mất độ cao do động cơ ngưng hoạt động. Mặc dù phi công và kỹ thuật viên đã cố xử lý tình huống nhưng máy bay vẫn rơi thẳng xuống một cái hồ thiên nhiên thuộc tỉnh Sumatra, Indonesia. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một người còn sống đang bám vào thân cây trôi ở giữa hồ. 5 người khác mất tích, sau đó được xác nhận tử vong. Cho đến nay nguyên nhân tai nạn vẫn chưa được công bố.

Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 17-1-2016, chiếc trực thăng EC130 T2 số hiệu NV11VQ thuộc công ty vận tải du lịch Blue Hawaii Helicopter (Mỹ) bất ngờ bị sự cố động cơ đã phải hạ cánh khẩn cấp và rơi trên một bãi biển thuộc phía tây đảo Hawaii. Một phi công và 2 hành khách bị thương nhẹ, 4 hành khách khác bị thương nặng. Viên phi công chuyến nay đã kể rằng, sau khi nghe cảnh báo trục trặc động cơ, anh đã chuyển hướng bay về phía bãi biển, quyết định phanh chậm và cắt động cơ để máy bay “hạ cánh cứng” lên bãi biển.

Và vụ tai nạn tại Vũng Tàu ngày 18-10-2016 được ghi nhận là vụ thứ 3 của mẫu máy bay trực thăng EC130 T2.

Nông Huyền Sơn
.
.