"Cánh tay nối dài" vì bình yên cuộc sống

Thứ Bảy, 21/11/2020, 13:12
Khi dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở được đưa ra thảo luận tại Quốc hội thì lực lượng công an viên vẫn đang ngày đêm giữ bình yên cho thôn, xóm, làng, ấp như bao năm qua họ từng làm.

Có gặp các đồng chí Công an viên, nghe họ kể “chuyện nghề”, mới thấy họ thực sự là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân tại cấp cơ sở; mới thấy việc sắp xếp 3 lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã, dân phòng và bảo vệ dân phố thành một lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở là cần thiết. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hiện nay, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí công an xã chính quy.

Công an viên Phạm Hữu Định ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội cùng hai con.

Gánh vác việc chung

Chúng tôi đến thôn 3, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội đúng ngày bà con đang rộn ràng chuẩn bị tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Dù đã hẹn từ trước nhưng mãi đến gần trưa chúng tôi mới gặp được anh Vương Đặng Hòa - công an viên phụ trách thôn. Dù cố giấu nhưng gương mặt anh vẫn lộ chút mệt mỏi. Gặng hỏi, anh bảo vì đêm qua trên địa bàn xã có vụ việc về an ninh trật tự (ANTT) nên anh em công an viên phối hợp với công an (CA) xã giải quyết xuyên đêm. Sáng sớm nay, không kịp nghỉ ngơi, anh Hòa lại vội vàng ra nhà văn hóa thôn giúp bà con chuẩn bị cho sự kiện lớn.

Tuy không phải là người lớn tuổi nhất nhưng anh Hòa lại là người có tới 10 năm là công an viên - thâm niên lâu nhất ở xã Thạch Hòa. Trước đây, khi chưa có CA chính quy, xã Thạch Hòa có 26 CA xã. Với một xã mà tình hình an ninh trật tự rất phức tạp do có trục đường giao thông liên huyện, lại nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng, kiểm đếm đền bù để xây dựng nhiều dự án lớn, nhỏ như Thạch Hòa thì CA xã phải rất vất vả trong việc đảm bảo ANTT tại đây. Có đợt cao điểm nhiều vụ việc anh Hòa đi trực suốt mấy ngày không kịp về nhà. Hiện tại xã đã có 8 CA chính quy và số công an viên chỉ còn lại 9 người. Trước tình hình mới, số công an viên mai một dần, người làm, người nghỉ khiến ai cũng thấy hụt hẫng, trăn trở.

Công an xã và Công an viên xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đến thăm hỏi gia đình điển hình tiên tiến phát triển kinh tế ở thôn Sán Seo Tỷ.

Cần phải thấy rằng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở không nhằm mục đích xây dựng thêm lực lượng mới, bởi thực tế các lực lượng này đang tồn tại và hoạt động rất hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Và thực tế, 7 nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề ra trong dự thảo luật chính là công việc thường xuyên, quen thuộc và tự nguyện bao năm nay của một số lực lượng quần chúng trong đó có công an viên. Chỉ có điều trước giờ chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Đã đến lúc phải tổng kết, nhìn nhận toàn diện để đưa vào luật. 

Chúng tôi đến thăm nhà công an viên Phạm Hữu Định ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trước khoảng sân la liệt những buồng chuối to nhỏ và những đống chuối rấm phủ trong nilon. Mẹ anh Định năm nay hơn 80 tuổi vẫn đang ở ngoài bãi chăm bón cho cây. Anh Định bảo, ngoài phần chuối bán buôn, phần còn lại anh rấm chín để mẹ anh mang ra chợ bán. Người đàn ông sinh năm 1982 này trông già hơn so với tuổi, gương mặt in hằn những lo toan, vất vả.

Cách đây 6 năm, vợ anh Định đột ngột ra đi sau một tai nạn thương tâm, để lại cho anh 3 đứa con thơ dại, cháu nhỏ nhất khi ấy mới 2 tuổi. Anh một mình gồng gánh cả gia đình, chăm lo cho 3 con và người mẹ già. Nặng gánh thế nhưng 10 năm nay, nhiệm vụ của một công an viên thì chưa bao giờ anh sao nhãng. Anh hăng hái tham gia dân quân thôn, công an viên và đội tình nguyện, phụ cấp mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng. Số tiền ít ỏi ấy chẳng đủ lo cho gia đình, anh thuê đất bãi để trồng chuối và đu đủ, quanh năm mưa nắng ngoài đồng bãi. Thế nhưng, chỉ cần nhận được tin báo có vụ việc ANTT là anh lập tức đi ngay.

Anh Định bảo với chúng tôi, công việc của công an viên phụ trách thôn vừa tỉ mỉ, chi tiết lại hết sức nhạy cảm. Chẳng hạn như việc làm sổ lưu trú cho người dân, anh Định phải đi từng nhà lấy thông tin về dân cư suốt mấy ngày liền. Hoặc một vụ mâu thuẫn đất đai của người dân trong thôn, anh phải phân tích, giảng giải, mời địa chính đến đo đạc để phân định đúng sai.

Công việc nhiều nhưng phụ cấp thấp, lại hay “chạm mặt” bà con. Khi đã động chạm đến quyền lợi của bà con thì công an viên cũng bị ghét lây, bị hiểu nhầm là điều không tránh khỏi. Nhưng vì trách nhiệm với công việc chung mà anh cũng như nhiều công an viên khác chẳng nề hà. Có bác dù đã 62 tuổi vẫn hăng hái làm công an viên, nhiều người kinh tế gia đình khó khăn, phải đi làm thợ xây hay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn gánh vác công việc chung. Dở câu chuyện, anh Định băn khoăn, không biết thời gian tới những công an viên như anh sẽ thế nào...

Công an xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang tổ chức buổi họp giao ban với mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Huy động sức mạnh người dân

Trong bối cảnh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác đang có xu hướng ngày càng phức tạp thì việc chính quy hóa CA xã được cho là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc trấn áp tội phạm, bảo vệ ANTT tại địa phương. Nhưng bên cạnh đó vẫn rất cần vai trò của những công an viên, đặc biệt ở những địa bàn khó quản lý như vùng cao, vùng sâu. 

Trao đổi với chúng tôi về sự cần thiết phải có công an viên để hỗ trợ CA chính quy, Thượng Tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang phân tích thực trạng ngay ở địa bàn huyện mà anh phụ trách. Mèo Vạc là huyện có diện tích lớn, lên tới 570km2 với khoảng 90 nghìn dân, chia thành 18 xã, 199 thôn, bản. Hiện nay huyện đã hoàn thành xong việc đưa về mỗi xã 5 đồng chí CA chính quy.

Tuy nhiên, địa bàn xã rất rộng, dân cư sống phân tán, lại sống trên núi cao nên 5 CA chính quy quản lý một xã sẽ gặp nhiều khó khăn, rất cần có sự phối hợp và hỗ trợ từ các công an viên thôn. Bởi các vụ việc đều xảy ra từ cơ sở và các đồng chí công an viên thôn luôn là người nắm bắt đầu tiên và nắm chắc tình hình để báo cáo cho CA xã. Lực lượng công an viên ở các thôn hiện nay cũng rất mỏng, mỗi thôn chỉ có 1 công an viên phụ trách, rất cần được bổ sung thêm. Mỗi thôn lại chia ra vài chòm xóm, mỗi chòm cách nhau 30 phút đi bộ. Từ trung tâm thôn đến xóm mất hàng tiếng đồng hồ thì việc một công an viên nắm tình hình ANTT ở thôn cũng không hề đơn giản.

Không chỉ khó khăn về địa hình mà ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn. Đại úy Đinh Ngọc Thắng - Trưởng Công an xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc cho chúng tôi biết dân số của xã là gần 8.000 người, trong đó hầu hết là bà con người Mông và không biết tiếng phổ thông. Ngược lại, 5 cán bộ CA chính quy phụ trách xã hầu như không biết tiếng Mông. Bởi vậy, các công an viên phụ trách thôn không chỉ theo dõi an ninh trật tự mà còn là người phiên dịch đầy tin tưởng trong quá trình CA chính quy tiếp xúc với bà con. Anh Hờ Mí Phua - công an viên phụ trách thôn Xín Thầu, xã Khâu Vai là một trong những “thông dịch viên” như thế.

Anh Hờ Mí Phua - Công an viên phụ trách thôn Xín Thầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc hướng dẫn bà con bảo quản tài sản gia đình.

Phua sinh năm 1996, nhà ở thôn Xín Thầu. Từ nhỏ Phua đã chăm chỉ học hành. Lớn lên, Phua được lên trường huyện cách nhà 15km để học cấp 2, cấp 3. Nhờ thế Phua thạo tiếng phổ thông và khi 19 tuổi được tuyển chọn vào làm công an viên. Thôn Xín Thầu ở góc rừng sâu, cách trung tâm xã 10km, việc đi lại rất khó khăn. Hờ Mí Phua đã thường xuyên phối hợp với trưởng thôn nắm chắc tình hình ANTT trong thôn. Bà con bị mất trộm, hay xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn đều đến nhà Phua để trình bày. Bất kể sáng sớm hay tối khuya khi bà con cần là Phua lập tức lên đường.

Mỗi khi CA xã tiếp xúc với người dân, Phua đi cùng để phiên dịch từ tiếng Mông sang tiếng phổ thông và ngược lại. Trong quá trình phối kết hợp ấy, Phua cũng được các anh CA xã chia sẻ, tập huấn một số công tác nghiệp vụ, từ đó nâng cao dần năng lực chuyên môn. Vất vả thế nhưng tiền phụ cấp Phua nhận được cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, chẳng đủ để lo cho 2 con nhỏ. Vợ chồng Phua phải chăm chỉ chăn nuôi và trồng ngô để kiếm thêm thu nhập.

Mong có thu nhập tốt hơn

Nếu dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở được thông qua, việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này cũng sẽ tốt hơn. Bởi thực tế đời sống của công an viên hiện nay còn nhiều khó khăn. Anh Vương Đặng Hòa - công an viên xã Thạch Hòa chia sẻ với chúng tôi rằng nhiều khi anh rất buồn khi phụ cấp trả cho công an viên thấp hơn nhiều lần so với lương công nhân đi làm cho các công ty. Đã gắn bó lâu dài và dành nhiều tâm huyết cho việc đảm bảo ANTT ở thôn xóm nên anh Hòa mong muốn được tiếp tục cống hiến và có thu nhập tốt hơn để ổn định đời sống.

Theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì kể từ khi triển khai lực lượng CA chính quy xuống xã, lực lượng công an viên có xu hướng giảm dần. Nhiều công an viên không muốn tiếp tục công việc do chế độ phụ cấp thấp. Tại Hà Nội, trong tổng số 5.500 công an viên nay đã giảm đi 1/4. “Nếu cứ giữ mức thu nhập thấp như hiện nay thì sắp tới lực lượng công an viên có thể sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt. Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó chưa giải quyết và đang cố gắng động viên” - Thiếu tướng Hải bộc bạch. 

Thượng Tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cũng trăn trở khi chế độ mà công an viên ở huyện Mèo Vạc được hưởng rất thấp, nhiều công an viên có đời sống rất khó khăn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, công an huyện thường hỗ trợ công an viên xây nhà ở kiên cố, có nguồn vốn để phát triển kinh tế để giúp họ thoát nghèo bền vững. Từ năm 2019 đến nay, công an huyện đã xây dựng được 4 nhà ở, mỗi nhà trị giá trên 50 triệu đồng cho 4 công an viên, hỗ trợ 2 con bò tạo sinh kế cho gia đình một công an viên.

“Ở huyện Mèo Vạc chúng tôi, công an viên phụ trách thôn, bản là lực lượng gần dân, sát dân, nắm chắc địa điểm, vị trí địa lý và tình hình dân cư. Họ là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở cơ sở, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Họ nắm bắt thông tin ban đầu và phối hợp với các lực lượng trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc. Họ là người tại địa bàn, thường ngày tiếp xúc với người dân, hiểu được phong tục, tập quán của dân bản nên công tác tuyên truyền, vận động thuận lợi hơn. Họ chính là những người âm thầm góp chiến công, giữ bình yên nơi biên cương của Tổ quốc” - Thượng Tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Huyền Châm
.
.