Cậu bé bị huỷ hoại khuôn mặt và những tấm lòng nhân ái

Thứ Năm, 04/11/2010, 14:25
Hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi Đài Truyền hình Stockholm (Thụy Điển) phát sóng bộ phim tài liệu “The boy without a face” của đạo diễn Folke Rydén, tôi về Quảng Trị tìm gặp nhân vật chính trong phim, mới hay Nguyễn Đức Huynh - "Cậu bé không mang khuôn mặt" đã là sinh viên bậc cao đẳng của Trường đại học Điện lực Hà Nội và đang kết nối vòng tay nhân ái để giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn bằng cách lập ra Landmine Survivor Air Group...

Không may trở thành nạn nhân một vụ nổ bom, bị hủy hoại cả khuôn mặt; song nhờ sự kêu gọi giúp đỡ của đạo diễn Folke Rydén mà Huynh đã được chữa trị thương tật, thoát khỏi bàn tay thần chết trở về cuộc sống với khuôn mặt mới. Giờ đây đã trưởng thành, Huynh lại kêu gọi sự kết nối của cộng đồng để cứu giúp người cùng cảnh ngộ, đó cũng là điều kỳ diệu của cuộc sống đầy nhân ái, yêu thương...

Cõng con đi nửa vòng trái đất để tìm khuôn mặt mới

Năm nay ông Nguyễn Đức Lộc đã bước sang tuổi 57. Trong căn nhà nhỏ nằm giữa khu phố 2, phường 3, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), ông Lộc kể cho tôi nghe bao vất vả, gian nan trên cuộc hành trình với thời gian khá dài để đưa đứa con bất hạnh đi đến các bệnh viện trong nước, rồi vượt nửa vòng trái đất sang tận nước Mỹ xa xôi để chữa trị thương tật, giành lại tính mạng cho nó khi sự sống đã leo lét như đèn treo trước gió. Chính sức mạnh của tình phụ tử thiêng liêng, cộng với bản tính thật thà, hiền lành, chất phác, giàu nghị lực sống của con người đã từng hứng chịu mưa bom, bão đạn trên mảnh đất tuyến lửa của một thời chiến tranh đã giúp cho ông Lộc dìu dắt con trai vượt qua "ải tử"...

Nhớ lại cái ngày định mệnh ấy, khuôn mặt đang vui của ông Lộc chùng hẳn xuống, vầng trán rộng của ông nhíu lại thêm bao nếp nhăn, hằn in những đau đớn: "Thú thiệt, khi vào bệnh viện ở Huế cấp cứu, nhìn thấy thương tích chi chít trên cơ thể bé bỏng của hai con, nhất là khuôn mặt các cháu đã bị chất lân tinh (phốtpho) đốt cháy, một vài bác sĩ đã lắc đầu nói là chỉ có thể cứu được mạng sống, không cứu được đôi mắt của hai cháu, tui như bị sụp xuống hố sâu không đáy. Nhà tui nghèo, vợ chồng lam lũ, khổ cực, chạy bữa trưa mất bữa tối thì lấy gì để nuôi hai đứa con nhỏ dại bị thương tật, đui mù.

Trong cơn tuyệt vọng, cùng quẫn, tui đã nghĩ đến việc "giải thoát" cho bản thân mình. Nhưng rồi, tui nghĩ lại, nếu tui rắp tâm làm chuyện ấy thì thật đớn hèn, sẽ bị người đời nguyền rủa, tui không xứng đáng là người chồng, người cha. Cuối cùng thì lương tâm và lý trí cũng thắng được những giây phút mềm yếu của bản thân. Tui đã là chỗ dựa tinh thần cho vợ, con trong cơn khốn đốn; là chỗ dựa cho các con của tui để chúng vượt qua bất hạnh mà lớn lên, trưởng thành trong cuộc sống...".

Theo lời kể của ông Lộc: Với sự tận tình chăm sóc và điều trị của các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe của Hòa mau chóng bình phục, đôi mắt cũng dần phục hồi thị lực. Còn đối với Huynh, phải mất hơn 2 tháng sau, em mới mở he hé mắt. Việc Huynh mở được đôi mắt trên khuôn mặt đã bị chất lân tinh đốt cháy bỏng cả da thịt là thành công lớn của các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, nó như tăng thêm niềm hy vọng cho ông Lộc về việc giành lại sự sống cho đứa con không may mắn từ bàn tay thần chết...

Hòa và Huynh là đôi song sinh của vợ chồng ông Lộc và bà Hoàng Thị An. Ông Lộc ứa nước mắt kể lại cái ngày hai con của mình mới lên năm: "Lúc đó chúng khôn ngoan, lanh lợi, nên vợ chồng tui rất mừng. Nhưng không ngờ trên đường đi học mẫu giáo, ngang qua xưởng gia công phế liệu chiến tranh thì một quả bom phát nổ làm hai anh em đều bị thương. Đầu tiên, người ta đưa các con tui tới Trạm xá 24 của quân đội ở gần phường 2, Đông Hà, sơ cứu. Tại đây, nhờ các anh bộ đội xác định chất làm cháy thi thể và khuôn mặt của Hòa và Huynh là chất lân tinh nên bác sĩ quân y đã dùng sunphat đồng để rửa, nhằm làm giảm bớt sức nóng. Sau đó chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế... Hòa bị nhẹ hơn nên điều trị mau bình phục, chỉ có Huynh là tui khổ sở trăm bề".

Huynh (bên trái) và em Lợi - những nạn nhân của bom, mìn sót lại sau chiến tranh.

Giọng ông Lộc như nghẹn lại: "Mặc dù được cứu sống, nhưng khuôn mặt của Huynh bị cháy loang lổ trông rất ghê rợn. Nếu không có các nhà báo trong nước lên tiếng, rồi những người có tấm lòng nhân ái cứu giúp thì cháu nó chắc cũng khó trưởng thành được như hôm nay...".

Ông Lộc kể rằng, sau khi có tờ báo trong nước đưa tin về trường hợp bị nạn của Huynh, một nữ doanh nhân ở thủ đô Hà Nội đã giúp đỡ để ông Lộc đưa con ra chữa trị ở Viện Bỏng 103. Rồi cũng qua báo chí, đạo diễn Folke Rydén, nhà làm phim người Thụy Điển, biết được câu chuyện thương tâm của Huynh... Đó là vào năm 1996, khi ông Folke Rydén sang Việt Nam du lịch. Từ Hà Nội, đạo diễn Folke Rydén đã tìm vào Đông Hà, tới nhà ông Lộc để gặp Huynh quay những thước phim về cậu bé là nạn nhân của bom mìn còn sót lại ở Việt Nam sau chiến tranh.

Bộ phim tài liệu "Cậu bé không mang khuôn mặt" (The boy without a face) của Folke Rydén được phát sóng trên Đài Truyền hình Stockholm, Thụy Điển, đã gây chấn động dư luận. Đồng cảm và sẻ chia với trường hợp thương tâm này, có rất nhiều nhà hảo tâm tình nguyện giúp đỡ gia đình ông Lộc để chữa trị thương tật và tìm lại khuôn mặt mới cho Huynh.

Trong số người giúp đỡ cho Huynh phải kể đến công lao của nhà doanh nhân người Thụy Điển - ông Goran Arvinius, đã không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội sang Việt Nam tìm mọi cách giúp Huynh, rồi thông qua Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội gửi tiền và hướng dẫn cho ông Lộc đưa con sang Bệnh viện nhi Shriners ở Boston (Mỹ) để phẫu thuật làm lại khuôn mặt mới...

Và rồi sau hành trình bay 2 ngày, họ đã đặt chân đến thành phố Boston. Tại đây, hai cha con được một gia đình bác sĩ người Mỹ đón, bố trí chỗ ở, ăn uống, đi lại rất chu đáo; những gì ông Lộc không hiểu thì có phiên dịch là người Việt giúp đỡ... "Ở bên ấy, mỗi tháng cháu Huynh chỉ tới bệnh viện 4 ngày để làm phẫu thuật và điều trị, tui có đi theo song không được vào ở cạnh như các bệnh viện trong nước. Bệnh viện nhi Shriners có điều dưỡng riêng chăm sóc cho cháu... Do vậy, trong những tháng ngày cháu Huynh ở Boston để chữa trị thương tật, phẫu thuật làm khuôn mặt mới, tui cũng tranh thủ thời gian đi làm một số công việc như: lau chùi nhà cửa, rửa bát... kiếm thêm tiền để hai cha con chi tiêu. Tui không biết tiếng Anh, song nghe người nước ngoài nói tui cảm nhận được là họ cần gì, nên làm việc cũng không để xảy ra sơ suất...".

Ông Lộc nói rằng, tại Boston có nhiều người Việt Nam sinh sống và khi biết về hoàn cảnh thương tâm của cha con ông, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia. Các sinh viên Trường đại học Havard biết chuyện cũng quyên góp tiền gửi cho... Qua 8 tháng ở Boston, sau khi khuôn mặt của Huynh đã được các bác sĩ Bệnh viện nhi Shriners phẫu thuật làm mới, bớt đi những vết sẹo chằng chịt, gớm ghiếc, ông Goran Arvinius lại nhất quyết mời cho bằng được hai cha con ông Lộc sang Thụy Điển. Vé máy bay ông Goran Arvinius đã mua nên ông Lộc lại đưa Huynh sang Thụy Điển ở lại với ân nhân của mình thêm một tháng nữa...

Thật khó có thể tin được Nguyễn Đức Huynh - nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Cậu bé không mang khuôn mặt" của đạo diễn Folke Rydén lại có cơ hội được gặp và chụp ảnh chung với Tổng thống Mỹ Bill Clinton, khi ông sang thăm Việt Nam vào cuối năm 2000. Đó là khoảng thời gian sau ngày Huynh từ Bệnh viện nhi Shriners (Boston), trở về với khuôn mặt đã được phẫu thuật tạo mới, dù méo mó song không còn dị dạng, gớm ghiếc như trước... Và, không chỉ mỗi Huynh mà Hòa cũng được cùng đi ra Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Mặc dù lúc ấy mới 11 tuổi, song Huynh vẫn hiểu được, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton lại quan tâm đến những nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam như anh em Huynh.

Có thể sự nỗ lực giúp đỡ đối với Huynh của nhà doanh nhân Thụy Điển - ông Goran Arvinius và các y, bác sĩ của Bệnh viện nhi Shriners ở thành phố Boston và nhiều người có tấm lòng vàng, cũng như sự gặp gỡ thân mật của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, đều không ngoài mục đích kết nối yêu thương, gác lại quá khứ để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Đến bây giờ, Huynh vẫn nhớ như in hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton thân mật bắt tay, xoa đầu hỏi chuyện hai anh em Huynh về cuộc sống hiện tại, hỏi chuyện về gia đình, ba mẹ của họ, rồi tặng cho họ món quà là những bức tranh phong cảnh...

Kết nối yêu thương qua thế giới ảo

Thời gian trôi mau, vết thương nào rồi cũng lên da non lành lặn, nhưng tuổi thơ của đời người thì không thể nào tìm lại được nữa...". Năm lên lớp 8, bị bạn bè trêu chọc và tâm lý tự ti mặc cảm về cái nhìn của một số người lớn trước khuôn mặt méo mó của mình, Huynh nằng nặc xin ba mẹ cho không học chữ nữa để bước sang học nghề, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Huynh không đành lòng thấy ba mẹ phải chịu nhiều khổ cực vì con... Tuy nhiên, học nghề chỉ được một thời gian ngắn, Huynh lại nhận ra rằng, con đường để mình tiến thân duy nhất phải thành công trong học tập. Thế là, Huynh lại bỏ học nghề quay về với sách vở, trường lớp...

Chật vật theo đuổi sự học dở dang cho đến năm 2008, Huynh thi đậu vào hệ cao đẳng thuộc Đại học Điện lực Hà Nội. Hiện nay, tuy đã là sinh viên, nhưng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhất là với hoàn cảnh của Huynh nên cậu càng phải gắng sức hơn.

Hai anh em Huynh và Hòa với vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton, năm 2000.

Huynh nói với tôi rằng, em được trưởng thành như bây giờ là nhờ có sự yêu thương, chăm sóc của ba mẹ; sự giúp đỡ, sẻ chia của những tấm lòng nhân ái bốn phương, nên đã lập ra trang web nannhanbommin.com để kết nối yêu thương, giúp đỡ lại những người cùng cảnh ngộ. Hy vọng rằng, trang web này của mình sẽ được nhiều người hưởng ứng, cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân bị tai nạn bom, mìn có thêm điều kiện để chữa trị thương tật, ổn định cuộc sống tốt hơn.

Huynh còn tận dụng những ngày nghỉ học để trở về quê hương Quảng Trị gặp gỡ những nạn nhân bom, mìn sau chiến tranh, sẻ chia, an ủi họ; vận động các tổ chức nhân đạo trợ giúp họ về khâu y tế, chữa trị thương tật... Một trong số nạn nhân Huynh đã nhiều lần gặp gỡ, giúp đỡ những món quà do sự vận động từ trang web của chính mình là cậu bé Hồ Văn Lai ở Cửa Việt. Trong một vụ nổ bom, Lai đã bị thương rất nặng. Và, mặc dù được các y, bác sĩ Bệnh viện tỉnh Quảng Trị và Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống, song Lai đã không còn đôi chân, lại mất thêm một tay và một mắt... Vậy mà, Lai vẫn nỗ lực vượt qua bao mặc cảm để học hành. Lai rất chăm học; trường học cách xa nhà, em cũng không quản ngại khó khăn do khuyết tật, tìm chỗ ở trọ để theo đuổi việc học đến cùng.

Và, trường hợp của Lai không chỉ là ngoại lệ, Huynh đã vận động các tổ chức nhân đạo, những cá nhân có tấm lòng vàng quyên góp, giúp đỡ cho nhiều nạn nhân bị tai nạn bom, mìn khác. Huynh cũng dành thời gian đến các trường học ở Quảng Trị trao đổi, trò chuyện với các em học sinh, giúp các em hiểu được sự nguy hiểm của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh và kỹ năng phòng tránh tai nạn do bom, mìn còn sót lại có thể gây ra...

Huynh bày tỏ mong ước thật giản dị rằng, mong muốn tôi và nhiều người "ghé thăm" trang web nannhanbommin.com của Huynh để sẻ chia, giúp đỡ những nạn nhân bị tai nạn bom mìn sót lại sau chiến tranh; nhất là đối với những đứa trẻ vô tội không may gặp bất hạnh. Hy vọng rằng, mong ước của Huynh sẽ đem lại sự lạc quan, tin tưởng về tương lai xán lạn của mỗi nạn nhân khi vòng tay nhân ái được kết nối. Lòng nhân ái, tình yêu thương, sẻ chia nỗi đau với đồng loại không có biên giới, không hề có sự phân chia lãnh thổ, hay màu da...

Long Vân
.
.