Câu chuyện Sầm Nưa

Thứ Bảy, 03/01/2009, 14:00

Kỳ II: Một ngày ở Linh địa.
>> Kỳ 1: Chuyện ghi trên chuyến chuyên xa

Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho các cụ lão thành được tổ chức ở cái hang có tên Hậu Cần ở huyện Viêng Xay thuộc khu căn cứ địa Sầm Nưa. Lòng hang khá rộng có thể chứa cỡ ngàn người. Nơi đây từng diễn ra các cuộc hội họp lớn, cả những cuộc míttinh  trong những năm bom đạn. Còn rất nhiều hang khác có cái to rộng từng diễn ra Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ở bên cạnh hang Hậu Cần đây. Ngoài ra còn một số hang dùng làm nơi ở cho các vị lãnh đạo tối cao Lào. 

Chợt nhớ câu chuyện trên xe, cụ Huỳnh Đắc Hương từng nói về linh địa Sầm Nưa nay nghe thêm chuyện của Trung tướng Chănxạmỏn Chănnhạlạt UVTW Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Cay Xỏn Phômvihản. Trung tướng cho hay rất nhiều bom đạn của Mỹ ném xuống Sầm Nưa nhưng lạ thay rất ít bom ném trúng cửa hang. Các đồng chí lãnh đạo tối cao Lào đều an toàn. Cái cười cởi mở của Trung tướng rằng, nói may nói lạ là nói vậy thôi, nếu không có công sức xương máu của bộ đội công binh Việt Nam thì khó mà an toàn được. Rồi Trung tướng chỉ tay về phía Đại tá Nguyễn Khiên rằng tôi nên hỏi Đại tá sẽ biết thêm nhiều điều...

Trung tướng dáng người chắc nịch trẻ hơn nhiều với độ tuổi thực, từng tham gia chiến đấu bảo vệ khu căn cứ địa Sầm Nưa. Trung tướng có hai người con đang theo học chương trình đại học ở Việt Nam. Tuy là đi theo đoàn, nhưng ngoài các cô gái  ở căn cứ địa Sầm Nưa buộc chỉ cổ tay, tôi cũng được Trung tướng thân thiết buộc cho một sợi. Thấy ngay điều phúc lẫn may mắn. Ấy là trong túi áo vét của mình bỗng chốc lủng liểng những bánh, trứng dùng để cúng kiếng trong Lễ buộc chỉ mà các cô gái Lào dúi vào từ lúc nào!

Chúng tôi lần lượt được đi thăm các hang lớn trong căn cứ địa. Sau hang Hậu Cần là hang dùng làm nơi ở và làm việc của đồng chí Khămtày Xiphănđon, Tổng chỉ huy tối cao quân đội Lào khi ấy sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chầm chậm bên vị đại tá già  từng là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Công binh 217, tôi lia vào sổ tay những điều cụ từng thuộc lòng.  Tôi hiểu không phải trí nhớ đang làm phận sự của nó mà với cụ lúc này đây có sự trợ giúp bằng xương máu của bao đồng đội. Cụ bồi hồi nhớ lại.

Nhiệm vụ xây dựng công trình cho lãnh tụ và các cơ quan TW Lào tại Viêng Xay là một việc quan trọng, thời gian yêu cầu khẩn trương nhưng phải đảm bảo tính mỹ thuật và an toàn tuyệt đối cho các công trình phòng thủ vĩnh cửu của TW  Lào. Trong suốt 6 năm khoét núi khoan hầm phải dùng  máy khoan với năng lượng nổ cùng sức người xây dựng được 51 công trình lớn nhỏ. Ngoài ra còn cải thiện các hang động khác đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng với khối lượng: đào phá đá 36.796m3, đổ bêtông 869.000m3, xây gạch đá 5.606m3, làm 9,200m2 nhà.

Cứ như cụ Nguyễn Khiên thì cái hang của đồng chí Khămtày này chỉ thiên nhiên mới làm cái việc phong hóa lõm vào một đoạn. Để có một lòng hang diện tích hàng trăm mét vuông dùng làm phòng ở, phòng họp,  phòng tiếp khách, y tế, bếp  vệ sinh như thế này công binh phải đào khoét cật lực trong nhiều ngày. Điều độc đáo ở đây là lòng  hang hun hút ăn sâu vào lòng đất như thế mà khi chui vào tôi có cảm giác không bị bế khí dẫn đến tức ngực hoa mắt! Nghe nói anh em công binh mình có cách thông và điều hòa khí bằng các nhánh hang phụ.

Đại tá Vũ Đức Mai, trước là Phó ban Xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa chỉ vào ngôi nhà hai tầng  với kiểu kiến trúc khá bắt mắt ngay sát hang của đồng chí Khămtày giới thiệu rằng đó là ngôi nhà xây dựng mãi sau này, năm 1973 khi đã yên hàn bom đạn dùng làm nơi ở và làm việc của  đồng chí đại tướng. Ngôi nhà do chính Đại tá thiết kế. Hai hang lớn khác của  đồng chí Cay Xỏn Phômvihản và Hoàng thân Xuphanuvông cũng thế. Công binh cũng phải dũi đào hàng nghìn mét khối đá cho tiết diện lẫn độ sâu độ dài của hang. Hang của đồng chí Cay Xỏn khá lớn và rộng. Ngoài khu sinh hoạt của đồng chí và gia đình (mỗi thành viên có một phòng) một ngách hang dễ phải hơn trăm mét thông sang một vòm hang lớn tại đó có phòng làm việc, phòng họp Bộ Chính trị. Lại thênh thang một vòm hang trong đó bêtông được trám vuông vức. Bảy hay tám chiếc giuờng tôi không nhớ cụ thể. Đó là nơi ngủ lại của các đồng chí Bộ Chính trị mỗi khi làm việc lâu qua đêm với đồng chí Tổng Bí thư Cay Xỏn.

Ngó những vật dụng còn sót lại (và hình như ở khu căn cứ địa này không sử dụng nghiệp vụ bảo tàng bày biện này khác) những chiếc giường gỗ xiêu vẹo, những cái phích loại lít rưỡi của Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông chế tạo từ những năm 60 và những chiếc ca uống nước tráng men của Nhà máy Sứ Hải Dương, Nhà máy Sắt tráng men Hải Phòng cũng từ những năm 60 như thế đã han gỉ cũ kỹ... Những người xem hôm nay không khỏi cảm động bùi ngùi với những năm tháng cam go ác liệt mà các đồng chí lãnh đạo tối cao Lào đã trải qua thuở ấy! Nhất là sự hiện diện của các đồ vật made in Vietnam một thuở một thời. Tình cảm đặc biệt Việt - Lào nhen nhóm tự thuở ấy nay vẫn thủy chung son sắt.

Qua một ngách hang khác, cụ Quách Bá Đạt  trong tổ cán bộ giúp việc cho đồng chí Cay Xỏn từ năm 1971 đến mãi năm 1988 bồi hồi nhớ lại những lần Anh Bảy (tên đồng chí Cay Xỏn hồi ấy anh em thường gọi thân mật. Anh Tám là đồng chí Khămtày. Phúc là tên thân mật của đồng chí Phumivôngvichít. Chu là tên gọi Việt của đồng chí Nuhắc Phumsavẳn) thường xuyên ngồi ăn cơm với anh em khi thì với đội bảo vệ khi thì tổ cán bộ giúp việc. Cụ Đạt bộc bạch rằng anh Bảy hình như có chịu ảnh hưởng khá sâu tác phong quần chúng của Bác Hồ?

Cũng chính anh Bảy, một lần kể cho cụ Đạt nghe câu chuyện này.  Năm 1948, phong trào cách mạng Lào lên mạnh nhưng chưa tạo được một căn cứ cách mạng kháng chiến làm chỗ dựa lâu dài cho cuộc kháng chiến. Để giúp Lào có được cơ sở này, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ kháng chiến cho cách mạng Lào. Võ đại tướng nhận lệnh Bác mà rất lo bởi chưa tìm ra được nhân sự. Đó là phải tuyển lựa được những thanh niên Lào có tinh thần yêu nước hăng hái... nhằm đưa về Sầm Nưa hoạt động.

Võ đại tướng cho người tìm hiểu thì được biết, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có một tổ chức thanh niên Lào yêu nước đang nghiên cứu tìm hiểu chủ nghĩa Mác Lênin. Nhóm này gồm những thanh niên Lào đang sinh sống, học tập ở Hà Nội và một số tỉnh quanh đó. Người phụ trách nhóm có tên là Cayxỏn Phômvihản. Khi cuộc kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, nhóm này cùng với anh em Việt Nam rút khỏi Hà Nội và hiện đang tham gia công tác tại Khu 12.

Võ đại tướng sau khi nghe được đã thân chinh tìm đến Khu bộ 12 đang đóng ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.  Đại tướng rất đỗi vui mừng khi được tiếp xúc ngay với đồng chí Cay Xỏn khi đó đang làm công tác tuyên truyền ngay tại Khu bộ. Qua tiếp xúc, Võ đại tướng biết được đồng chí Cay Xỏn là một thanh niên yêu nước thông minh có nhiệt huyết cách mạng đang  khao khát được về Lào để tham gia kháng chiến. Võ đại tướng đã về báo cáo với Bác và Thường vụ TW Đảng. Bác và Thường vụ đều nhất trí chọn đồng chí Cay Xỏn phụ trách đưa một đội công tác về Lào. Với quyết định đó, đội công tác có tên là Đội xung phong Bắc Lào được thành lập và có nhiệm vụ đứng chân ở địa bàn Sầm Nưa để làm công tác tuyên truyền. Đó là ngày 24/8/1948. 

Cả sự kiện quan trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II tháng 2/1951 cũng được anh Tám kể lại tường tận. Đó là sự kiện  trên cơ sở nền tảng Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển thành 3 đảng để đảm đương lãnh đạo cách mạng 3 nước Đông Dương. Bác Hồ đã nói rất sinh động:

“... Sau khi nghe các đồng chí Miên, Lào phát biểu ý kiến, chắc Đại hội cũng như tôi, chúng ta rất cảm động. Nhưng đây là cảm động vui chứ không phải cảm động buồn. Vì chúng ta như con một nhà. Bây giờ con cái đã lớn khôn rồi phải chia nhà cửa ra để ở riêng. Con trai có vợ, con gái có chồng (vỗ tay) sau này đẻ con đẻ cháu đông đúc, từ gia đình nhỏ tiến lên gia đình lớn. Từ gia đình đến họ hàng. Họ hàng càng to càng mạnh càng đông người thì nhiều việc nhất định thành công...”.

Trước cửa hang của Hoàng thân Xuphanuvông, một khu nhà với kiến trúc khá bắt mắt khiến người ta nghĩ ngay đến sự khang trang của Khu Căn cứ địa Lào. Nhưng cụ Vũ Đức Mai cho biết, như cái nhà 2 tầng trước hang đồng chí Khămtày, khu nhà liên hoàn này cũng được xây mới sau này cũng vào thời điểm năm 1973.  Nhà thứ lớn thứ nhỏ được nối bằng những hàng hiên trông rất hài hòa... Lại thêm sắc hồng tía của giống dền dại được trồng làm cảnh giăng bên lối đi làm không gian phủ ngập một màu hồng chen lẫn cây xanh như nhắc mọi người rằng Hoàng thân vốn có năng khiếu trong việc xây cất cũng như thẩm mỹ.

Mộ con trai Hoàng thân Xuphanuvông.

Cũng những vòm những ngách hang hao hao như bên hang của các cụ Khămtày, Cay Xỏn nhưng khá ấn tượng là cách bài trí phòng ốc có thông thoáng chỉn chu hơn chắc khi xây dựng Hoàng thân cũng từng tham góp với anh em công binh Việt Nam? Hoàng thân là chủ một gia đình đông đúc. Tên các con đặt theo lối Việt (phu nhân của Hoàng thân là người Việt ở Nha Trang) những là Quang, Minh, Chính, Đại... mà tôi không nhớ hết. Vậy nên có một lòng hang rộng được ngăn nhiều phòng mà chúng tôi được giới thiệu đó là những phòng dành cho các con của Hoàng thân. Lúc quay ra trên lối đi có một cái tháp nhỏ xây bằng gạch nung. Tấm hình một thanh niên rất đẹp trai hao hao gương mặt của Hoàng thân được gắn lưng thân tháp. Đó là mộ và hình anh Quang (hay Minh?).

Câu chuyện mà cụ Lạc và cụ Tân kể lại khiến cho tất thảy bùi ngùi. Người con trai của Hoàng thân nằm kia vốn đẹp trai thông minh và học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô ngành thủy lợi (hình như về mặt này người con trai Hoàng thân cũng nối được chí cha na ná nghề kỹ sư giao thông công chánh của Hoàng thân. Đập Bái Thượng trên sông Chu ở Thọ Xuân, Thanh Hóa do Hoàng thân thiết kế và xây dựng vẫn còn hữu dụng đến bây giờ) anh được Nhà nước Liên Xô cho học tiếp ở bậc cao hơn. Nhưng Hoàng thân đã gọi con mình về.

Anh Quang lại có năng khiếu về chính trị. Gọi con về nuớc nhưng Hoàng thân không cho con kè kè ở với mình trong căn cứ địa mà đưa anh xuống một đơn vị quân đội để rèn luyện thêm. Đau đớn thay, bom địch từng ném xuống Sầm Nưa dày là thế, thoát chết qua nhiều trận bom nhưng trong một lần xuống cơ sở anh Quang đã bị bọn địch phục kích và anh đã hy sinh cách căn cứ địa chỉ 5 cây số!

Những khóm đào phai trong vườn nhà Hoàng thân đã nhanh nhảu bung  những cánh hồng dường như để đón khách Việt? Nỗi buồn hoa nở không người trong cổ thi đã nhường cho những vồn vã thăm nom của khách xa trở về nơi linh địa.  Tôi dừng lại lâu hơn dưới gốc cây bưởi lấy từ vườn quả nhà Bác Hồ mà Hoàng thân trực tiếp đem về trồng ở trước cửa hang. Nghĩ thêm nghĩ xa đến hàng vạn cây bưởi Hồ Chí Minh được ông anh trai Phiđen cũng mang từ vườn quả nhà Bác về trồng hiện đang sinh sôi ra hoa kết trái tận bên kia Tây bán cầu. Quan san muôn dặm một nhà là thế?

(Xem tiếp ANTG số 822,  thứ Bảy ra ngày 3-1-2009)

.
.