“Cây kéo vàng” ở Trại giam Thủ Đức

Thứ Bảy, 05/09/2015, 06:35
Trong số hơn 1.500 phạm nhân của Trại giam Thủ Đức được đề nghị xét đặc xá dịp 2-9 này, có một phạm nhân khá đặc biệt bởi anh ta từng là người rất nổi tiếng trong giới tạo mẫu tóc, đó là Châu Văn Dũng, "Cây kéo vàng" nổi danh Sài Gòn đầu những năm 2000 với tên gọi Dũng Hàn Châu…

1. Sinh năm 1975, nhưng với gương mặt thanh tú, dáng người thư sinh, trông Dũng trẻ hơn với tuổi 40 rất nhiều. Biết chúng tôi là phóng viên Báo CAND, Dũng bảo: "Trước đây, tôi hay làm việc với các anh, các chị nhà báo, hằng ngày tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ và thường xuyên xuất hiện trên tivi với vai trò giám khảo các cuộc thi về tóc, và tạo mẫu tóc cho những nghệ sĩ nổi tiếng… thời ấy vui lắm, đi làm tóc cho mọi người ai cũng quý mến". Khi nói về nghề, ánh mắt Dũng vui hẳn lên, khoảng cách ngần ngại ban đầu cũng dần mất đi.

Quả thực, Dũng đã từng có một quá khứ khiến nhiều người trong giới tạo mẫu tóc phải mơ ước. Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em thì có đến 6 người làm tóc, nghề làm tóc như ăn vào máu, trong số 6 anh chị em làm tóc thì Dũng là người khéo tay nhất, thành danh nhất. Năm 2000, Dũng khởi đầu từ một tiệm cắt tóc nam với tên gọi "Hàn Châu" ở phường 8, quận 11.

Châu Văn Dũng.

Năm 2005, Dũng mở tiếp một salon nữ với tên tiệm "Dũng Hàn Châu" ở đường 3-2, phường 12, quận 11, TP HCM. Là người đam mê với nghề, lại có chút năng khiếu trời phú nên tiệm của Dũng ngày càng đắt khách. Dũng đã không ngừng học hỏi, đi tu nghiệp ở Úc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore về tóc. Đi học nghề, nâng cao trình độ, bắt kịp với xu thế của thế giới đã giúp Dũng trở thành người ưa sự hoàn hảo. Mỗi một khuôn mặt, kiểu tóc đóng một vai trò quan trọng, nên với mỗi một khách hàng dù là nghệ sĩ, bạn trẻ, Dũng đều cẩn thận, trau chuốt từng sợi tóc, từng đường kéo, thiết kế sao cho khách hàng đẹp lên, phù hợp với từng khuôn mặt, sự kiện.

Năm 2006, Dũng đạt giải Nhất tạo mẫu tóc trong cuộc thi "Đẹp lên cùng Cẩm nang mua sắm". Từ cuộc thi này, sự nghiệp tạo mẫu tóc của Dũng lên như diều gặp gió, nhiều nghệ sĩ tìm đến anh, có nghệ sĩ bay từ Hà Nội vào chỉ để Dũng tạo mẫu tóc rồi lại về. Tên tuổi của anh nổi như cồn. Tần suất xuất hiện trên các kênh truyền thông trong nhiều vai trò khác nhau, từ tạo mẫu tới giám khảo các cuộc thi về tóc. Vì thế chỉ sau 10 năm, Dũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng, chứng nhận từ các cơ sở đào tạo nghề ở nước ngoài… đồng thời, Dũng đã mở được 4 salon tóc, thu nhập từ 2-3 tỉ đồng/năm. Đây thực sự là con số đáng mơ ước của nhiều người.

Nghe chúng tôi thắc mắc về cái tên "Dũng Hàn Châu", Dũng giải thích, Dũng là tên, Châu là họ, còn chữ Hàn là hàn gắn. Mục đích của tên tiệm là sự hàn gắn, kết nối anh em về làm chung một mối để phát triển vững mạnh. Dũng Hàn Châu nổi danh từ đó, cái tên ấy giờ gắn với Dũng chứ nói Châu Văn Dũng ít người biết tới. Trong số gần 30 học viên Dũng đào tạo đến nay có những cái tên cũng khá nổi danh, ai về mở tiệm cũng gắn tên Hàn Châu ở sau tên mình, như "Phúc Hàn Châu" ở Đồng Nai là một trong số những học viên thành danh nhất của Dũng.

Nhưng, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, với tiền tài, danh vọng thì Dũng lại tự đánh mất mình. Nhắc lại chuyện cũ, Dũng kể: "Đúng lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao, vào năm 2008, tôi đóng 1 cửa tiệm dự định đi Úc, tuy nhiên, chuyến đi ấy không tới, mãi sau tôi mới biết mình bị lừa. Một cú lừa ngoạn mục, đã đẩy tôi từ đỉnh cao xuống tận cùng của sự thất vọng. Tiền mất, cửa hàng hoạt động cầm chừng, không kiềm chế được bản thân nghe theo sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè thử ma túy đá. Từ thử đến nghiện ma túy đá lúc nào không hay, bao nhiêu công sức gây dựng sự nghiệp bỗng chốc tan thành mây khói".

Dũng kể rằng, lúc mới nghiện mỗi ngày hết vài trăm, sau lên tới tiền triệu, trung bình mỗi ngày Dũng và bạn bè đốt hết khoảng 2 triệu đồng. Mỗi ngày qua đi theo ảo giác của ma túy đá, đầu óc mụ mị, không thiết làm gì. Từ 4 cửa tiệm đang ăn nên làm ra, Dũng phải đóng một cửa tiệm mang tên mình vào những tháng cuối năm 2008, 3 tiệm còn lại cũng phải giao cho anh, chị quản lý. Để có tiền chơi đá, Dũng đã mua "hàng đá" về dùng và bán lại. Ngày 22/1/2010, Dũng bị bắt rồi lĩnh bản án 16 năm về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ngày 27/11/2011, Dũng nhập trại giam Thủ Đức thi hành án với "vốn liếng" sau 3 năm chơi hàng đá là di chứng về thần kinh, trí nhớ giảm sút, nói hay bị vấp. Giờ đây, dù hồi phục phần nào nhưng không được như lúc ban đầu.

Dũng bảo rằng, cho tới bây giờ anh vẫn không quên được cảnh bà mẹ vừa khóc vừa chạy theo xe chở phạm ở sân tòa. 6 năm ở Trại giam Thủ Đức, một quãng thời gian đủ dài để nhận ra lỗi lầm, nhiều đêm nằm trong phòng giam không ngủ được, nhớ tới mẹ và gia đình.

Chúng tôi đã xem một lá thư Dũng viết gửi về cho mẹ. Lá thư dài tới 4 trang giấy A4, Dũng viết như để giải tỏa tâm trạng. "Lại một năm nữa sắp lặng lẽ trôi qua, là đêm dài con nhớ về má. Không biết nơi căn nhà từng đầy ắp tiếng cười của cả đại gia đình sum vầy sau những ngày lao động vất vả, má đã được yên giấc chưa hay má đang nghĩ đến con, đứa con của má đang nằm trong trại cải tạo ở tận phương trời xa lạ, làm má xót xa, đau lòng không thể tìm đến giấc ngủ bình yên hả má? Hàm Tân những ngày mưa trời se lạnh, con lại nhớ má nhiều hơn, nhưng khi ngồi nhớ má như bây giờ con mới có cơ hội nhìn lại bản thân lúc trước (…). Con buồn, con cảm thấy trống trải và rồi từ đó con trượt dài trong sai lầm. Đầu óc con như bị thôi miên theo cái thứ gây nghiện chết người ấy, con chẳng thèm để ý đến ai nữa, cuộc sống cứ đưa đẩy rồi con  phạm tội. Cái lỗi, gây ra đau khổ cho rất nhiều người và trong đó có má là người đau khổ nhất, anh chị em trong nhà chắc cũng buồn vì con như vậy. Nhưng má ơi con đâu muốn vậy! Giờ đây, mỗi lần nghĩ đến và tự kiểm điểm lại chính mình con thật sự hối hận vô cùng, luôn tự dằn vặt bản thân trong tiếc nuối. Tương lai, hạnh phúc cứ tự mình đánh mất đi, tình thân cũng tự mình vứt nó, cái mặc cảm tội lỗi không bao giờ xoa dịu được tâm hồn  má ạ…".

2. Đại úy Nguyễn Trường Thụ - cán bộ Đội quản lý giáo dục - Phân trại 3 cho biết, từ ngày Dũng Hàn Châu về đây thụ án, các cán bộ thường tạo điều kiện cho Dũng trổ tài tạo mẫu tóc vào những buổi biểu diễn văn nghệ của Phân trại và của Trại giam Thủ Đức, Dũng đã tạo mẫu tóc cho các bạn phạm nhân trong trại biểu diễn. Ai cũng bất ngờ.

Bởi nghe danh ngoài đời, vào gặp nhau trong trại mới biết được tài năng, biến hóa với tóc của Dũng. Mỗi dịp như thế, chỉ với kéo và lược, một số dụng cụ làm tóc đơn giản với bàn tay tài hoa, con mắt thẩm mỹ, Dũng như hòa mình vào thế giới của tóc, biến hóa theo từng gương mặt của người "mẫu", những phạm nhân trong trại lúc ấy trở nên đẹp, khác lạ với những góc cạnh không kém các người mẫu tóc ngoài đời. Mỗi gương mặt, với những mẫu tóc khác nhau, đã tạo nên những mẫu tóc đặc biệt. Những phạm nhân hóa thân vào vai diễn, ai cũng vui bởi mình vào đây vẫn còn được làm đẹp, và không ngờ mình lại được đẹp đến vậy. Những buổi biểu diễn văn nghệ là món ăn tinh thần rất giá trị đối với phạm nhân. Do vậy, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được Ban giám thị quan tâm, động viên để phạm nhân yên tâm cải tạo.

Không chỉ tạo mẫu tóc, làm đẹp cho mọi người, Dũng còn hướng dẫn, đào tạo nghề làm tóc cho các phạm nhân có năng khiếu, nguyện vọng về học nghề tóc. Theo đó, trong mấy năm qua, 3 phạm nhân nữ khi mãn hạn tù đã có nghề trong tay, về có thể mở cửa hàng làm nghề. Đây là một niềm vui nho nhỏ đối với Dũng nói riêng và các cán bộ trong trại nói chung. Bởi đem lại một nghề cho một người để về với cộng đồng, có việc làm ổn định, sống được với nghề, làm ăn lương thiện là vực dậy cả một đời người, tạo niềm tin cho họ vào cuộc sống.

Trong câu chuyện với chúng tôi, phạm nhân T.T.V. 25 tuổi quê ở Lâm Đồng có tên trong danh sách đề xuất đặc xá trong dịp 2-9 năm nay của Phân trại 3 cho biết, nhà ở xa, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên từ ngày nhập trại đến giờ chỉ có anh trai lên thăm được 1, 2 lần. Được Ban giám thị tạo điều kiện cho học nghề cắt tóc V. rất mừng vì được học nghề đúng với năng khiếu và người dạy nghề lại là Dũng Hàn Châu, người rất có kinh nghiệm dạy nghề. "Giờ đã thành nghề, khi được về, em sẽ làm lại cuộc đời bằng nghề làm tóc" - V. tâm sự.

Cùng được học nghề cắt tóc còn có Nguyễn Thị T.T. sinh năm 1990 với án tù 8 năm. T. kể trước kia cũng từng học làm tóc. Về thụ án ở Trại giam Thủ Đức từ tháng 6-2012, đầu năm 2014, T. được cán bộ giáo dục và Ban giám thị cho học nghề làm tóc. Được học lại nghề, mà thầy dạy lại là Dũng Hàn Châu nên T. tiến bộ rất nhanh. "Khi gia đình lên thăm, biết em được học nghề, mẹ em đã khóc vì vui mừng. Mẹ đã động viên em cố gắng học để thành nghề. Em chỉ có một ước mơ là về đời có tay nghề khá, có cơ hội để mở một tiệm tóc của riêng mình. Em sẽ đi lên từ đôi chân của mình, sống lương thiện" - T. chia sẻ.

Nói về những "học trò" đặc biệt của mình, Dũng bảo, các bạn học rất nhanh, với bao kỹ năng, tài nghệ Dũng đều cố gắng chỉ bảo cho các bạn. Khi ra đời các bạn có tay nghề khá, có thể tự mở cửa hàng.

Sau 6 năm thi hành án ở Trại giam Thủ Đức, dịp 2-9 này, Dũng là một trong số những phạm nhân được giảm án. Dũng bảo đây là một niềm vui giúp Dũng có thêm động lực để phấn đấu cải tạo tốt để sớm có ngày trở về. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Dũng bảo khi được trở về Dũng sẽ làm lại cuộc đời vẫn bằng nghề làm tóc.

Chiều muộn, nhìn Dũng lầm lũi trở lại khu giam, chúng tôi lại nghĩ tới mơ ước khi được trở về sẽ tiếp tục cầm kéo của Dũng. Vẫn biết ngày được trở về còn xa, nhưng cũng mong Dũng sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ ấy của mình.

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.