Chàng trai vàng karatedo Trần Văn Thông - trắng tay khi rời sàn đấu

Thứ Năm, 20/03/2014, 22:05

Võ sĩ karatedo Trần Văn Thông sinh năm 1971 tại Hà Nội, là vận động viên thuộc thế hệ vàng của karatedo Việt Nam với bảng thành tích đáng nể: 10 năm liền vô địch karatedo toàn quốc. Huy chương Vàng Sea Game 17 ở Singapore năm 1993. Huy chương Bạc ASIAD 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản), Huy chương Vàng SEA Games 19 tại Jakarta, Indonesia (1997), Huy chương Vàng vô địch châu Á 1999.
>> Chuyện về những ngôi sao thể thao: Đắng lòng sau tấm huy chương

Nhưng giờ thì Thông đã giải nghệ, chẵn  10 năm. 10 năm, một quãng thời gian đủ dài để người ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng khi tôi hỏi về những ngày đầu tiên khi rời Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn, Thông vẫn lặng người đi một hồi lâu. Chàng trai vàng của karatedo Việt Nam một thời rất khó nhọc khi nói về những ngày đầy hoang mang ấy. Thông bảo, không hoang mang sao được khi mà rời sàn đấu chuyên nghiệp, Thông gần như trắng tay.

14 tuổi, khi còn đang học cấp 2 ở Trường THCS Đoàn Kết (Hà Nội), Thông bắt đầu biết đến võ thuật. Đơn giản vì say mê chứ không hề biết mình có năng khiếu. Tham gia tập ở lò võ Đống Đa, cậu bé 14 tuổi khi ấy không bao giờ nghĩ có một ngày đoạt huy chương vàng trong giải đấu không phải ở tầm quốc gia mà tầm quốc tế.

Nhưng, Thông kể, thầy Long (tức võ sư Đoàn Đình Long - NV), nhìn ra em và chính thầy đã nhặt em từ lò võ này rồi dìu dắt em vào con đường thể thao chuyên nghiệp. Sau nhiều lần thi đấu đoạt giải cao từ cấp quận đến cấp thành phố, Thông được gọi vào Đội tuyển Karatedo Quốc gia.

Khỏi phải nói, niềm vui ấy đối với Thông lớn lao biết chừng nào. Bước ngoặt cuộc đời của một võ sinh Hà Nội, có tố chất và tràn đầy năng lượng nhưng nghèo khó bắt đầu từ đây. Nhiều năm sau này, trải qua bao nhiêu nước mắt, nụ cười, Thông mới đủ từng trải để thấm thía cái điều mà anh đã nghe từ cái ngày đầu tiên bước chân vào làng thể thao chuyên nghiệp. Rằng, hầu như chỉ có con nhà nghèo mới đắm mình vào những môn thể thao tốn sức. Nhìn lại, quả thực đồng môn của Thông đa phần đều xuất thân từ những gia đình kinh tế không khá giả.

Trung tâm Huấn luyện thể thao Nhổn lúc bấy giờ chỉ là một khu nhà 5 tầng chứ không to, đẹp, hoành tráng như bây giờ. Nhổn khi ấy cũng là một địa danh khá xa xôi với người Hà Nội. Từ nhà Thông ở khu Hai Bà Trưng, xuống Nhổn là cả một chặng đường dài, đạp xe mướt mồ hôi mới tới. Từng nhiều năm luyện tập ở nhiều lò võ, mồ hôi, nước mắt từng rơi trên nhiều sàn tập nhưng chỉ có ở Nhổn, Thông mới trải nghiệm được một cách đầy đủ nhất những vất vả, hy sinh của nghiệp thể thao.

Sau này, khi đã từ biệt Nhổn để trở về với đời thường, với tất cả những hoang mang, ngơ ngác, Thông đã nhiều lần tự hỏi mình, rằng, bước ngoặt ấy là may mắn hay bất hạnh của đời anh?

Võ sĩ Trần Văn Thông (bên phải) trong một buổi tập tại Trung tâm thể thao quốc gia khi anh còn là vận động viên.

Những ngày tháng ở Nhổn, bây giờ nghĩ lại, Thông vẫn khó hình dung được, sức lực nào khiến anh và các đồng môn đáp ứng được yêu cầu tập luyện với cường độ cao đến thế. Những thanh niên như Thông ngày ấy, tiếng là trai Hà Nội nhưng nào có biết Hà Nội thế nào. Bởi, suốt cả ngày họ chỉ bó mình trong 4 bức tường của sàn tập. Mọi ý nghĩ, mọi giác quan của anh khi ấy chỉ đều chăm chăm vào một mục đích làm sao để thực hiện tốt nhất những bài tập thầy giao. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tập, tập và tập. Có những khi, ngay cả trong giấc mơ, những thế võ cũng trở về khiến những giây phút tưởng là thảnh thơi nhất cũng hóa ra mệt nhọc.

Một cựu vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp kể, đối với các vận động viên chuyên nghiệp thì việc học văn hóa cũng được chuyển luôn vào Nhổn. Có lần kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lại trùng vào mùa thi đấu. Vậy là thôi, việc học văn hóa đành thu xếp lại, để thi sau thôi vì ưu tiên số 1 là thể thao. Cựu vận động viên ấy kể, thế là em bị lỡ mất một năm tốt nghiệp nhưng vẫn còn xuân chán so với nhiều vận động viên khác. Có bạn, phải bỏ lỡ tới mấy kỳ, tốt nghiệp phổ thông chậm mất mấy năm vì mùa thi lại vướng đúng vào mùa giải chuyên nghiệp.

Thông cũng vậy. Thông ngượng nghịu và tiếc nuối kể lại, việc học văn hóa với các vận động viên như anh phải nhường lại cho thể thao. Tập tành mệt nhọc thế nên khi vào lớp học văn hóa, ôm quyển sách mà chữ nghĩa cứ chạy lung tung cả. Hiếm ai có thể vừa đảm bảo được việc tập luyện lại vừa học tốt văn hóa.

Giờ, sau nhiều năm, Thông vẫn giữ lại cho riêng mình 3 vật bất ly thân ngày ấy. Đó là đôi giày bata Việt Nam, chiếc túi cói và bộ đồ tập võ. Vận động viên chuyên nghiệp tầm quốc gia như Thông ngày ấy nghèo lắm. Quanh năm chỉ đi giày bata, đến khi đi thi đấu nước ngoài, được phát đôi giày Adidas mà cứ phải tròng chân vô rồi đi đi lại lại, tập mãi mới quen. Chế độ ăn uống ở Nhổn ngày ấy cũng chả dư giả gì. Môn karatedo lại hay bị chấn thương. Mẹ Thông thương con lắm. Mỗi lần Thông về thăm nhà, thấy anh sùm sụp cái mũ lá che đi nửa mặt là lấy tay khẽ rờ vào những vết thâm tím nơi gương mặt sạm đi của con trai mà rơi nước mắt. Giờ, Thông bảo hàm anh đầy răng giả. Chấn thương trong luyện tập, chấn thương trong thi đấu, một phần cơ thể đã văng đi tận nơi nào, anh không còn nhớ nữa…

Võ Sĩ Trần Văn Thông cùng vợ và các con.

Mẹ Thông xót con trai, đã nhiều lần khuyên Thông bỏ Nhổn về nhà. Nhưng Thông gạt đi. Suốt cả thời tuổi trẻ, Thông sống với những đam mê bất tận. Thông yêu karatedo như máu thịt. Cuộc sống của Thông khi ấy là sàn tập mà thiếu nó, Thông như người thiếu dưỡng khí. Những năm tháng ở Nhổn là tất cả tuổi trẻ của Thông. Những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của cả một quãng đời tuổi trẻ ý nghĩa nhất, tươi đẹp nhất, Thông cống hiến cho sàn tập, cho những cuộc thi đấu đầy áp lực. Không chỉ riêng Thông mà Thông bảo, tất cả các vận động viên đều vậy.--PageBreak--

Sea Games 17 năm 1993 ở Singapore, lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển karatedo đi thi đấu. Thông năm ấy 22 tuổi, thi đấu ở hạng cân 60kg và anh vinh dự là vận động viên karatedo đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng. Chiếc Huy chương Vàng Thông giành được cho Việt Nam ngay trong lần đem chuông đi đánh xứ người đầu tiên của Việt Nam giống như một mốc son  đánh dấu sự trở lại đầy vinh quang của karatedo Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Một năm sau  tại ASIAD 1994 ở  Hiroshima (Nhật Bản), Trần Văn Thông lại tiếp tục đem vinh quang về cho Việt Nam với tấm Huy chương Bạc. Trong vòng 5 năm sau đó, Thông lại thêm hai lần nữa mang Huy chương Vàng về cho Việt Nam từ đấu trường quốc tế - Huy chương Vàng SEA Games 19 tại Jakarta, Indonesia (1997), Huy chương Vàng vô địch châu Á 1999.

Nhưng, vinh quang nào cũng phải trả giá, cũng phải đánh đổi. Với Thông, đó là tuổi trẻ, đó là sự hẫng hụt của những kiến thức văn hóa - xã hội cần thiết. Suốt cả một quãng đời rực rỡ nhất thì bó mình trong 4 bức tường của sàn tập, Thông bảo suốt ngày chỉ đấm đá, nói chuyện khác ngoài karatedo là lơ ngơ ngay. Lúc còn trẻ, chỉ sống bằng đam mê nên không hay biết về những thiếu hụt ấy.

Sau rồi, ngoài 30 tuổi bắt đầu giật mình nhận ra chính mình và lo lắng. Hết tuổi thi đấu, rời khỏi Nhổn, mình sẽ làm gì - đó là câu hỏi ám ảnh Thông khi mà ở vào cái tuổi tam thập nhi lập anh vẫn chưa có bạn gái và giá trị vật chất mà thể thao chuyên nghiệp đem lại cho anh vẫn chỉ đủ nuôi sống bản thân anh. 30 tuổi, Thông bắt đầu nghĩ khác lúc 20 tuổi và anh bắt đầu lo lắng cho tương lai. Mẹ anh lúc đó đã già. Một gia đình nhỏ, của riêng anh, đã đến lúc phải nghĩ tới. Mẹ già, vợ và các con - là trụ cột, Thông có gì để đảm bảo cuộc sống cho những người thân yêu của mình?

Năm 2004, Thông quyết định giải nghệ, dù lúc đó anh đang được giữ lại làm huấn luyện viên ở Nhổn. Thông nói, đó là một quyết định vô cùng khó khăn. Nếu khi bước chân vào Nhổn, bắt đầu cuộc đời của một vận động viên chuyên nghiệp, Thông hào hứng bao nhiêu thì giờ khi quyết định từ giã nó, anh cảm thấy nặng nề bấy nhiêu. Bởi, với Thông đam mê vẫn còn mà đành từ bỏ vì gánh nặng áo cơm.

Thông trở về với đời thường. Không có gì trong tay ngoài những tấm huy chương mà nói như Thông là "nhiều vô kể, không đếm xuể". Lưng vốn chả có gì. Tiền thưởng huy chương ngày ấy chỉ đủ chiêu đãi bạn bè. Thông bảo, ở một số nước, vận động viên được hỗ trợ một khoản tiền kha khá để làm vốn lận lưng khi hết tuổi thi đấu nhưng ở mình thì chưa có. Thế nên, giải nghệ như Thông khi ấy, coi như trắng tay.

Ra đời, Thông lơ ngơ như gà công nghiệp. 34 tuổi Thông mới lấy vợ mà nói như Thông thì "cũng may, cô ấy là bạn cũ" chứ bao nhiêu năm gắn bó với thể thao, chỉ có đấm với đá, chỉ có tập và tập, Thông có rất ít quan hệ xã hội. Làm gì để lo cho mẹ già và vợ con khi ấy đối với Thông đều rất khó khăn khi trong tay không có cả tiền bạc lẫn quan hệ xã hội. Kỹ năng sống cũng rất hạn chế bởi bao nhiêu năm quay cuồng với thể thao, chỉ có ăn và tập, cơm đã có nhà bếp lo, áo quần đã có trung tâm cấp phát, cuộc sống chỉ quẩn quanh nơi sàn tập. Lúc ấy, Thông bảo, đã nghĩ đến chuyện đi làm lao động chân tay thôi, như bốc vác hoặc lái taxi.

Nhưng "cũng may, lại một may mắn nữa" - Thông cười rạng rỡ - "là có một người bạn, anh ấy tư vấn giúp cho thành lập Công ty cổ phần Cộng lực Bắc Nam". Công ty - gọi thế cho sang - chứ đó chỉ là một căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông, bé tí tẹo nằm nép sau một gốc bàng trên đường Yên Phụ. Tiền thuê nhà làm trụ sở, tiền vốn ban đầu vô cùng ít ỏi, Thông có được là nhờ vay mượn bạn bè mà đa phần trong số đó là đồng môn. Dân thể thao có lợi thế là nhanh nhẹn, phản ứng linh hoạt, sức khỏe vô biên nên làm dịch vụ bảo vệ xem ra có vẻ đúng sở trường. Khoảng gần chục anh chị em - đa số là vận động viên giải nghệ - được Thông tập hợp lại làm chung với nhau trong công ty.

Ban đầu, khi chưa ký được hợp đồng làm bảo vệ cho các cơ quan, doanh nghiệp, Thông và các anh em trong công ty sống nhờ vào những hợp đồng làm bảo mẫu cho một số trẻ thành niên, cha mẹ các cháu không có thời gian giám sát. Anh em chia nhau làm theo ca, theo sát các em - sáng đưa các em đến trường, trưa đưa các em đi ăn, chiều tối đưa các em về nhà, trông các em học. Các em được các anh chị bảo mẫu giám sát suốt ngày nên không còn thời gian để đàn đúm bạn bè nên dần dần cũng ngoan hơn. Tiếng lành đồn xa, người nọ giới thiệu người kia nên dịch vụ bảo mẫu của công ty dần dà cũng có nhiều khách hàng. Giờ Thông và các đồng nghiệp đảm nhận thêm một vài hợp đồng làm bảo vệ cho một vài cơ sở nữa, cuộc sống cũng tạm ổn.

Con trai Thông giờ đã học lớp 3, con gái út năm nay cũng đến tuổi đi học. Cả nhà Thông sống cùng bà ngoại trong một căn nhà nhỏ ở Nghi Tàm. Vẫn còn đam mê karatedo, Thông giờ tham gia huấn luyện cho Đội tuyển CAND. Cựu võ sĩ karatedo giờ không còn hoang mang nữa nhưng vẫn buồn khi nói về cuộc sống sau giải nghệ của vận động viên. Thông bảo, dù sao anh cũng là người may mắn bởi còn lành lặn sau khi giã từ sàn đấu chứ không như một số đồng nghiệp. Họ gặp nạn trong khi luyện tập hoặc trong khi thi đấu. Có người thiệt mạng. Có người chịu tàn phế suốt đời.

Thông lặng đi một hồi lâu rồi nói, như người có lỗi khi kể cho tôi nghe câu chuyện nhiều vất vả, khó nhọc của mình và các đồng nghiệp trong những ngày đầu xuân như thế này.

Nhưng đào đã không còn khoe sắc nữa. Những ngày tết tấp nập ngựa xe đã qua rồi. Phía ngoài căn nhà nhỏ của Thông trên đê sông Hồng, chiều tôi tới nhà anh, đã thấy nhiều lắm những gốc đào trơ trọi được vứt vội trên những xe chở rác kêu leng keng trên đường…

Đ.H.
.
.