Chiếc lông cò bay trong cổ tích

Thứ Ba, 14/11/2017, 07:54
Có lẽ trong những vùng đất làm nghề truyền thống thì ở Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội, có cái cổng làng cổ và đơn giản nhất. Những dòng chữ đã ố vàng theo thời gian, nhưng lại gợi nhớ biết bao ký ức về thuở ban đầu hoang sơ, trên gò đất của nơi chiêm khê mùa thối đã bao năm trôi qua. Trên cổng còn ghi thêm “Xóm Gò Đậu”. Đó là một cái tên ẩn giấu bao nỗi trầm luân của làng quê...

Khởi nghiệp từ những chiếc mũ lông cò

Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là câu chuyện có thực cách đây hàng trăm năm, ở xóm Gò Đậu này. Xưa dân cư quần tụ trên gò đất rộng lớn, với những lũy tre và cây cối xanh tốt, tạo nên làng xóm cùng cấy cày trên cánh đồng chiêm trũng, mênh mông nước mỗi ngày mưa. Đặc biệt khu đất này vốn là nơi cò đến trú ngụ. Ban ngày chúng đi kiếm ăn, chiều về rợp kín trời, rồi đậu lại trên những lũy tre và tán cây.

Khi người dân tìm đến sinh sống cũng không làm những đàn cò vơi bớt. Cho dù các cuộc săn bắt và bẫy đặt khắp nơi nhưng cò vẫn sinh sôi nảy nở. Vì thế, ban đầu người dân quanh vùng gọi nơi đây là đất “Cò đậu”. Cái tên “Cò đậu” tồn tại mãi cho tới khi chính quyền đến làm giấy tờ, đặt tên chính thức cho làng là “Gò Đậu”.

Ban đầu cò là một nguồn sống cho dân sinh, nhưng làng cũng là nơi chịu họa lông cò bay tứ tán và rụng khắp nơi. Hằng ngày dân làng đến khổ vì phải quét dọn lông cò cùng với phân rác. Nhưng thật bất ngờ, có những người trẻ chọn những chiếc lông cò đẹp nhất kết buộc, hoặc đan ken làm thành đồ chơi.

Đầu tiên là những cây bút viết, sau đó là cầu lông, rồi chiếc vòng tay xinh xinh... nhưng có lẽ thú vị nhất là chiếc mũ và túi đựng đồ bằng lông cò được coi là món quà nghèo tặng bạn bè như một thú chơi của những bạn trẻ trong làng. Trò chơi đan lát bắt đầu từ đây. Nó gợi hứng cho câu chuyện chẻ tre, nứa, bương, vầu đan thành những vật dụng làm ăn, phục vụ sản xuất. Dân bắt đầu làm những cái rổ, cái nơm, cái rọ... rồi đến giá, thúng, dần, sàng, mành...

Cứ thế dân làng “Cò đậu” làm nghề đan lát lúc nào không hay nữa. Vậy mà tính cho đến nay đã hơn 400 năm. Nếu căn cứ vào những sản phẩm được ghi dấu qua các triều đại phong kiến, có thể nói đất “Gò Đậu” là một trong những xứ sở đầu tiên làm nghề mây tre đan ở phía Bắc, sau đó mới lan truyền đi các nơi.

Ông Nguyễn Văn Trung đan chân dung Bác Hồ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, người làng Gò Đậu cho biết, hiện Bảo tàng cung đình Huế đang lưu giữ một tác phẩm thư pháp chữ Hán, đan bằng mây của các cố nghệ nhân làng Gò Đậu, vào năm 1712. Người ta còn bắt gặp những bức hoành phi, câu đối đan mây của nghệ nhân Phú Vinh ở tận Cộng hòa Chile, được làm từ năm 1840.

Còn theo tài liệu của CLB nghệ nhân Phú Vinh (tên mới của xóm Gò Đậu), vào thời Vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 9 cụ nghệ nhân đã được phong sắc. Nghệ nhân Tĩnh còn kể, chính bố ông là cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905-1983), người nổi tiếng trong làng vì đã thành công trong việc đan tranh chân dung Bác Hồ đầu tiên, với hai màu đen trắng của dây mây truyền thống.

Câu lạc bộ nghệ nhân Phú Vinh thành lập từ năm 2007, nay có tới 20 nghệ nhân và thợ giỏi, người cao niên nhất 85 tuổi và trẻ nhất là 25. Hơn nửa thế kỷ qua, nghề mây tre đan ngày càng phát triển và trở thành phương tiện kiếm sống ổn định, đưa dân Phú Vinh thoát nghèo và còn làm giàu cho đời sống dân sinh.

Nghề của làng Phú Vinh lan truyền sang hầu hết các làng chung quanh trong xã Phú Nghĩa. Cả 7 làng trong xã đều theo nghề mây tre đan. Giờ đây xã Phú Nghĩa có tới 27 công ty và hàng trăm cơ sở sản xuất nhiều mẫu mã các loại như đĩa, khay, túi xách, bình hoa, đèn ngủ, rèm cửa, bàn ghế, tranh, phù điêu tạo hình trang trí nội thất...

Đặc biệt, chủng loại gốm sứ quấn mây, một nét độc đáo mà chỉ có ở Phú Vinh. Đây là thành tựu sau 20 năm nghiên cứu thử nghiệm của nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh và Nguyễn Thị Hơn, tạo nên sự kết hợp mỹ miều nhất trong nghề mây tre đan trên gốm màu. Những mặt hàng trên của làng thường được xuất đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây là những quốc gia khó tính trong sự chọn lựa mây tre đan, bởi ở nước họ cũng sản xuất những hàng đan lát ở các vùng nông thôn.

Hiện ở xã Phú Nghĩa có khoảng 7.800 người sinh sống bằng nghề này. Khắp các ngõ ngách thôn xóm đều nhộn nhịp công việc. Ai ai cũng chăm chỉ cặm cụi luôn tay cài nan. Ngay tại chợ nhỏ ở đầu làng Phú Vinh, cảnh các bà các cô vừa bán hàng, vừa đan những chiếc giỏ hoa hay chao đèn diễn ra hằng ngày. Họ tranh thủ mọi nơi mọi lúc. Bà già con trẻ ai có việc nấy. Người chẻ nan, người tuốt mây, hay người chuốt hàng trước khi phun dầu bóng...

Trước mắt tôi là dãy tre trên bờ ao, gợi nhớ đến bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, càng thấy tre gần gũi với cuộc sống làm sao. Những câu thơ ám ảnh về đất nước một thời chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc và tình yêu quê hương da diết trong tâm hồn. Tôi đi như mộng du trên đường làng. Những câu ca dao cổ cứ ẩn hiện: “Em về cắt rạ đánh tranh. Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà. Sớm khuya hòa thuận đôi ta. Hơn ai gác tía lầu hoa một mình”.

Những chiếc đèn đan bằng cật tre mỏng như lá lúa, treo ở các quầy hàng, đang đung đưa trong gió, với ánh sáng kỳ ảo bảy màu, thể hiện nét tài hoa của những người thợ trong làng.

Làng nghề Phú Vinh.

Nghệ sĩ mây tre đan

Thật may trong chuyến đi này, tôi được gặp Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, hiệu trưởng trường dạy nghề đan mây tre ở Phú Vinh, cũng là giám đốc một công ty mây tre đan tư nhân. Vui hơn nữa, lần gặp này đúng dịp ông vừa được nhận giải thưởng quốc tế trong cuộc thi thiết kế mặt hàng mây tre đan (7-2017).

Ngắm các mặt hàng mỹ nghệ, ứng dụng của ông Trung làm ra càng chứng tỏ, nghề mây tre đan của Phú Vinh đạt tới độ tinh xảo. Nhiều mẫu mã phù hợp với không gian, nghệ thuật trang trí nội thất, sân vườn khá hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nuôi chí lớn dựng nghiệp và khai phá con đường đi riêng của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã quyết tâm theo học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, để nâng cao trình độ thiết kế cho những mẫu hàng mới. Chúng phải đạt các tiêu chí bền đẹp và độc đáo, phù hợp với không gian trưng bày.

Năm 1983, ông Trung được thành phố Hà Nội cử sang Cuba dạy nghề đan lát mây tre. Sau 4 năm, ông đã gây dựng cho nước bạn cơ sở khá đầy đủ để sản xuất các mặt hàng. Đặc biệt, tại nước bạn, nghệ nhân Trung còn phát hiện ra vật liệu đan lát, từ cây bèo tây. Đến nay nguyên liệu bèo tây phơi sấy được coi là nguyên liệu kỳ lạ nhất và tạo dựng được thương hiệu mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn. Xưởng mà ông xây dựng trên đất bạn hiện vẫn làm việc với hàng ngàn công nhân.

Mọi người gọi cái tên thân thương cho nó là xưởng nghề “Trung Cuba”. Riêng rặng tre mà ông trồng tại vườn xưởng, từ ngày đó đến nay đã phát triển rộng thành một cụm tre lớn, ghi dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Cuba luôn bền vững, xanh tươi.

Khi về nước năm 1987, tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) có công văn đưa nghệ nhân Nguyễn Văn Trung về làm Hiệu phó Trường Mỹ nghệ Hà Đông, nhưng ông lại có nguyện vọng xin trở lại quê làm nghề. Ông bùi ngùi kể với tôi câu chuyện đã xảy ra khi thành lập xưởng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ may tre đan. Đó là một hợp đồng được ký kết năm 1993, với 6 container hàng.

Ngỡ là phen này sẽ đổi đời, nhưng không ngờ do thủ tục không chặt chẽ, phía đối tác chỉ lấy có 2 container. Toàn bộ số hàng còn lại phải bán tống bán tháo. Vụ làm ăn lỗ tới 200 triệu đồng. Vào thời điểm này, đó là một con số khổng lồ đối với một cơ sở tiểu thủ công. Cú sốc lớn tưởng như muốn đánh gục ông suốt 10 năm phải trả nợ. Vậy mà ông vẫn gượng dậy, sống chết với nghề, tìm kiếm các hợp đồng mới để thoát tình trạng phá sản. Đó là một hành trình đầy gian nan.

Làng nghề Phú Vinh.

Kể đến đây ông sực nhớ lại cảnh mình đã phải mang hàng sang tận Đức để bán rong năm 2005, và tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách khác nhau. Ông mỉm cười, với tay lấy cặp sáo trúc trên tường đưa cho tôi xem, rồi nói đó là kế sách đầu tiên để thu hút người qua đường.

Bắt đầu là giai điệu “Làng tôi” của Văn Cao. Đây là bản nhạc được nhiều người phương Tây yêu thích, có nơi còn dùng bản nhạc này trên sàn nhảy, trong những dịp liên hoan quốc tế. Tiếng sáo ông Trung thổi gợi cảm về tình yêu quê hương, giai điệu trong vắt ngọt ngào trên cây sáo, cốt gây ấn tượng cho khách qua đường. Ông chỉ cần họ tò mò vào xem mặt hàng của mình là tốt rồi. Không ngờ, chỉ trong mấy ngày xe hàng đã bán hết, ngoài sự mong đợi.

Cứ kế sách đó tiếp tục. Hứng khởi ông còn gảy cả đàn bầu để chào hàng. Năm sau, ông mang hàng đi Nhật tới 6 lần, hàng cũng được người Nhật rất ưa chuộng. Cuộc hành hương nơi xa xứ bằng âm nhạc ấy kéo dài hết năm 2007 mới chấm dứt. Bởi từ đó bắt đầu có những hợp đồng do khách hàng tự tìm đến đặt hàng.

Đến nay, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Trung đã có những hợp đồng lớn xuất sang Pháp, Nhật, Iran... Quả là một bước nhảy vọt sau những nỗ lực của ông “giám đốc” cõng hàng đi bán rong khắp nơi.

Hiện nay nghệ nhân Nguyễn Văn Trung còn lưu giữ 300 bức tranh đan bằng mây tre do ông sáng tác. Đây là những tác phẩm thể hiện hình tượng thiếu nữ, phong cảnh và phần lớn là chân dung các lãnh tụ quốc tế và trong nước. Đó là các hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lênin, Fidel Castro, Võ Nguyên Giáp...

Đây là những mặt hàng có tính nghệ thuật cao, thường được định giá tới 10 triệu đồng. Nhưng riêng tranh Bác Hồ, ông Trung không bao giờ bán, mà chỉ làm quà tặng cho các đơn vị cơ sở đối tác và lưu giữ làm bảo tàng sau này.

Chợt thấy chim vỗ cánh bay

Kể về những nghệ nhân trong làng, ông Trung khoe Phú Vinh còn có đội ngũ thợ trẻ rất say mê sáng tạo, làm nên những sản phẩm có một không hai. Sau đó ông nhắc đến cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu là anh Nguyễn Văn Quang, người đã từng lập kỷ lục khi đan một chiếc bình bằng mây tre cao 4,1m.

Không những thế, thân bình còn được anh đan thêm hình ảnh tháp Rùa, chùa Một Cột, Khuê Văn Các cùng hình ảnh rồng bay. Dự án khởi công từ 10-10-2007, phải đúng 1.000 ngày mới xong, để làm quà tặng nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phải nói đó là một bản lĩnh sáng tạo của tuổi trẻ làng Phú Vinh.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Quang luôn nhớ đến lời ông dạy rằng: “Khi ta cầm sợi mây đan, ta chợt thấy chim vỗ cánh bay, càng ngắm càng thấy chim bay cao dần. Tết hoa cũng vậy, làm sao để người ngắm mà thấy hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn. Dùng sợi mây, nan tre để làm được việc đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều, khi dùng nó để mô tả phong cách, dáng điệu một chân dung con người”.

Những lời dạy mãi mãi là bài học nhớ nằm lòng cho lớp thợ trẻ trong làng. Giờ đây lớp thợ trẻ ấy đã xuất hiện, những bàn tay tài hoa nối tiếp con đường của cha ông làm nên sự nghiệp 400 năm của làng.

Lúc này bất ngờ câu hát trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp vang lên trong tôi, với hình ảnh đầy xúc động: “Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam, bão táp mưa sa đứng thẳng hàng...”. Tôi ngỡ như đường làng bồng bềnh trong lời ca, cùng những chiếc lông cò bay phấp phới, trong chuyện cổ tích thuở nào.

Vương Tâm
.
.