Chó Phú Quốc - báu vật bên bờ tuyệt chủng

Thứ Tư, 01/08/2007, 17:22

Ông Khiêm và các cộng sự đã tiến hành khảo sát nhận thấỵ, hiện nay trên đảo Phú Quốc chỉ còn chừng hơn 100 con chó săn thỏ có dải lông mọc ngược đặc trưng ở trên lưng. Nhưng hầu hết đều bị chứng u nang biểu bì. Nhiều con trong số này, do cách nuôi dưỡng cẩu thả, đã trở nên ghẻ lở, ốm, đói.

Ông Dư Thanh Khiêm, 56 tuổi, sinh trưởng tại Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1970, Dư Thanh Khiêm tìm được học bổng sang Bỉ học ngành Bang giao quốc tế, đồng thời cũng tìm được một cô bạn gái người Bỉ. Trong  một lần dạo chơi, cặp tình nhân tình cờ bắt gặp và mua một cặp chó săn thỏ giống Afghan hound để nuôi cho vui, không ngoài mục đích tăng phần lãng mạn cho cuộc tình sinh viên ở gác trọ.

Niềm đam mê kỳ lạ

Cặp chó họ mua sinh con. Người bạn gái của anh đem một chú chó thế hệ sau đi dự một Dogshow của thành phố Brussels và bất ngờ đoạt giải nhất. Kể từ đó, cặp tình nhân và những con chó của họ thường xuyên có mặt ở các cuộc thi chó.

Trò chơi ưa thích của họ là thách đố nhau dự đoán con chó nào sẽ bị loại, con nào sẽ đoạt giải. Không muốn “thất thủ” trước cô bạn gái, Dư Thanh Khiêm đã lao vào tìm sách vở, tài liệu để nghiên cứu.

Ông trở thành một nỗi kinh ngạc lớn đối với hàng loạt chuyên gia, giám khảo các cuộc thi chó ở xứ người. Hễ ông đưa ra nhận xét hay dự đoán nào là kết quả cuộc thi luôn diễn ra đúng y như dự đoán đó.

Tự thấy mình có... tài, ông bỏ ra rất nhiều thời gian để tầm sư học đạo và nghiên cứu về chó. Năm 1980, ông đã bay một chặng đường dài sang tận nước Mỹ để được trực tiếp diện kiến "phù thủy chó", bà Kay Fineth, lúc đó đã rất già, không bao giờ bước chân ra khỏi nhà và nhiều chuyên gia lừng lẫy khác học thêm kinh nghiệm.

Bị hút hồn bởi một con chó có tên là Coastwind Alraxas, cha đẻ của khoảng 100 con chó vô địch khác trên toàn nước Mỹ, Dư Thanh Khiêm đã “làm một việc điên rồ” là bán hết gia tài để lấy tiền rước ngay “cô con gái của nhà vô địch” là con chó cái Coastwind Avita đưa về Bỉ. Avita có hàng lông mi dài và cong vút. Đối với ông thì “mắt giai nhân không thể sánh bằng mắt nàng (chó) Avita kiều diễm”.

Những con chó dòng họ Coastwind có đặc điểm chung là bộ lông rất dài. Mỗi tuần, mỗi con phải được tắm 1 lần, sau đó chủ của chúng phải mất 8 tiếng đồng hồ liên tục ngồi gỡ rối... lông chó. Nhưng công sức và sự đam mê đã không bị lãng phí. Chú chó đực mang tên Coastwind Domineux, “cháu ngoại” của nhà vô địch năm xưa tại Hoa Kỳ lại tiếp tục giành ngôi vô địch trong nhiều cuộc thi chó tại Bỉ. Nó trở thành tiền đề để ông xây dựng nên cả một trại nuôi chó giống nổi tiếng mang tên Coastwind, chuyên sản xuất ra những con chó giống nổi tiếng họ Mirjamar (tiếng Arập nghĩa là San Hô) bán rất đắt.

Tuy nhiên, sau đó ít lâu ông lại gặp và phải lòng một cô người mẫu. Rõ là mắt các nàng chó Coastwind kiều diễm hơn mắt giai nhân, nhưng nếu phải chọn một - vì giai nhân lại là người không hề thích chó -  thì ông đành chọn giai nhân chứ không chọn sự nghiệp chó. Để lập gia đình với cô người mẫu, ông buộc phải giải tán trại Coastwind.

Ông Khiêm là một chuyên gia nghiên cứu ứng dụng phương pháp giảng dạy tổng thể và cấu trúc nghe nhìn (SGAV), một trong những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ và ngoại ngữ được xem là tiên tiến của châu Âu.

Gần 30 năm liền ông chuyên đi dạy tiếng Pháp cho... Tây. Tại Bỉ, Viện Giáo dục Woluwe Saint Pierre do ông sáng lập và làm Viện trưởng là một địa chỉ giáo dục có uy tín, có rất đông người theo học.

Năm 1994, ông đưa phương pháp SGAV về giảng dạy tại các trường đại học ở Huế, Đà Nẵng và Nha Trang, được đón nhận khá nồng nhiệt. Cũng thời gian này, ông nhận ra một điều, có không ít khách du lịch phương Tây đến Việt Nam bỗng dưng... nhớ nhà, thèm ăn thức ăn Tây. Vậy là ông mời chuyên gia ẩm thực từ Pháp, Bỉ... sang tổ chức nhiều lớp dạy nấu món ăn Tây cho các đầu bếp của một số khách sạn, nhà hàng lớn ở Việt Nam.

Phương pháp SGAV đã giúp dỡ bỏ rào cản ngôn ngữ giữa thầy và trò, giúp các đầu bếp Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Hai năm sau, ông lại đưa 3 đầu bếp và 3 phục vụ bàn của Khách sạn Đệ Nhất, Khách sạn Kinh Đô và Trường nghiệp vụ Du lịch sang tham dự Tuần lễ ẩm thực Việt Nam tại Bỉ, gây ấn tượng mạnh đối với khách sành ẩm thực ở xứ người.

Mùa hè năm 1996, ông đã vận động và mời được vua bếp Pierre Fonteyne, người đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các đầu bếp ngoại hạng Vương quốc Bỉ sang Việt Nam biểu diễn và dạy nấu món Tây. Vua bếp Pierre là người nổi tiếng khó tính và... kiêu.

Cộng đồng người Do Thái tại Mỹ tôn sùng danh tiếng của ông, từng mời ông sang Mỹ dạy nấu ăn với thù lao 10.000 USD/ngày nhưng ông không thích nên chỉ sang vài ngày là bỏ về, nài nỉ mấy cũng không ở lại.

Với Việt Nam thì khác. Vua bếp đã sang dạy 3 tuần lễ liền mà không hề lấy thù lao. Mùa hè năm sau, ông lại sang giúp đào tạo đầu bếp chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao cộng đồng các quốc gia Pháp ngữ thêm 3 tuần nữa, cũng hoàn toàn miễn phí.

Những buổi tối ở Việt Nam, Vua bếp thường mặc lễ phục, ngực đeo đầy những huy chương danh dự và... sà vào những quán vỉa hè trên đường phố Hà Nội, TP HCM để thưởng thức những món ăn bình dân.

Người ta ngạc nhiên, ông giải thích: “Món ăn Việt Nam tuyệt vời nhất thế giới. Đầu bếp Việt Nam là những nghệ sĩ trứ danh, xứng đáng để tôi phải nghiêng mình kính trọng”. Nó tạo nên niềm say mê, kéo vua bếp sang Việt Nam một lần nữa vào năm 2004 để tiếp tục đào tạo giúp Việt Nam một khóa đầu bếp ngoại hạng. Trước khi lên máy bay về Bỉ, ông đã thốt lên: “Thương quá Việt Nam ơi!”.

Cũng trong năm này, ông Dư Thanh Khiêm đã mời được một phái đoàn khác từ Bỉ sang làm việc với Tổng cục Du lịch Việt Nam để bàn bạc việc phát triển đào tạo tiếng Pháp cho ngành du lịch trong nước. Kể từ đó, ông đi đi về về liên tục.

Con đường hồi sinh cho giống chó Phú Quốc

Biết ông yêu chó, năm 1980, có một người bạn, nguyên là một giảng viên dạy lịch sử mang sang Bỉ tặng ông một bức tranh màu nước vẽ một chú chó Phú Quốc rất đẹp. Con mắt của một chuyên gia cẩu học khiến ông biết ngay đó là một con chó quý. Kể từ đó, ông đã không tiếc thời gian lần theo dấu vết những thư tịch, tài liệu có nhắc đến chó Phú Quốc.--PageBreak--

Choáng váng vì những chiến tích của những Xoài, Chuối từng đạt được từ hơn trăm năm trước, Dư Thanh Khiêm cũng đồng thời thảng thốt  và lo lắng trước việc chó Phú Quốc đang đi vào giai đoạn mai một cuối cùng, có nguy cơ biến mất.

Trước tiên, những ghi nhận về loài chó quý này lại ẩn chứa rất nhiều sự ngộ nhận và pha tạp. Trong cuốn sách “Tous les chiens - Races et standards”, bác sĩ thú y Hubert Heullet mô tả chó Phú Quốc “dáng con sói có lẽ xuất phát từ Đông Dương nhưng rất giống chó Dingo của châu Úc và chó Berger vùng Alsace”.

Để minh họa, ông bác sĩ này đã mô tả cho họa sĩ Andre Larrarigue vẽ một bức “chân dung chó Phú Quốc" giống hệt chó Berger và dĩ nhiên là không hề có điểm nào giống với chó Phú Quốc. Ba mươi năm sau, NXB Larousse cho xuất bản cuốn “Le chien” (con chó) cũng sử dụng lại tranh minh họa này, gây ra một sự hiểu lầm tai hại về hình dáng loài chó Phú Quốc.

Vào năm 1970, tác giả của cuốn "Larousse du chien" lại dựa vào bài báo của Emile Oustalet cách đó 80 năm để mô tả lại con chó Phú Quốc nhưng lại cho rằng nó có cùng gốc gác với chó hoang Dingo châu Úc, được những tên flibustier (cướp biển vùng Caribe) đưa đến Phú Quốc. Lại một sự ngộ nhận khác, bởi chưa bao giờ có chuyện cướp biển Caribe lại “làm ăn” hay thăm viếng gì vùng đảo Phú Quốc cả.

Ở trong nước, đã có chuyên gia về chó có bài viết cho rằng vào thế kỷ XIX, nhà thám hiểm kiêm cố đạo David Livingston đã mang giống chó có dải lông mọc ngược của Nam Phi đến đảo Phú Quốc, hình thành loài chó đặc biệt này. Ông Khiêm đã lục lọi kỳ hết những tài liệu sách vở của nhà thám hiểm hoặc viết về nhà thám hiểm này để chứng minh được rằng ông cố đạo Tây chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam.

Loài chó Nam Phi được nhắc đến chỉ được lai tạo vào nửa cuối thế kỷ XIX, trong khi cùng thời điểm đó Xoài và Chuối, hai đại diện thuần chủng Phú Quốc đã có mặt tại châu Âu và giành giải quán quân tuyệt đối.

Không chỉ hiểu sai do ngộ nhận, có vẻ như đang có cả “một âm mưu quốc tế” (chữ dùng của ông Dư Thanh Khiêm) nhằm đưa nguồn gốc chó Phú Quốc đặt vào một vùng đất khác. Thập niên 80, thế kỷ XX hàng ngàn con chó Phú Quốc đã được thu gom bán sang miền Đông Thái Lan với giá rẻ bèo: mỗi "cây" thuốc lá Salem đổi ngang một con chó.

Người Thái đã cho chúng lai tạp với một số giống chó địa phương khác và nhờ Hiệp hội chó giống Nhật Bản đăng ký tiêu chuẩn với FCI vào năm 2003 như một loài chó thuần chủng của Đông Thái Lan. Từ đó, họ tung ra luận thuyết là chó Phú Quốc có nguồn gốc từ chó Thái Lan!

Đào hang nuôi con - đặc tính hoang dã của chó Phú Quốc.

Là một người có nhiều hoạt động gắn với ngành du lịch, ông Khiêm nhìn ngay ra mức độ tai hại nghiêm trọng của sự thật bị bẻ cong này, nhất là trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm và hình ảnh du lịch.

Thực trạng chó Phú Quốc thậm chí còn bi đát hơn cả những sai lệch trên tài liệu. Người Việt có một quan niệm tai hại: to là đẹp, ngoại là quý! Chó Phú Quốc bị lai tạp lung tung, phần lớn là lai với loài chó Berger Đức (để tăng kích thước), hoặc lai với chó Thái Lan (nhằm tăng vẻ mượt mà bên ngoài), làm phai nhạt dần những đặc tính thuần chủng quý hiếm.

Những con chó lai dễ bán được giá cao hơn, nhưng lại trở nên vụng về, mất đi phần lớn những đặc tính nhanh nhẹn, linh hoạt, chính xác vốn được coi là điểm đặc biệt vượt trội của chó Phú Quốc.

Ông Khiêm và các cộng sự đã tiến hành khảo sát nhận thấỵ, hiện nay trên đảo Phú Quốc chỉ còn chừng hơn 100 con chó săn thỏ có dải lông mọc ngược đặc trưng ở trên lưng. Nhưng hầu hết đều bị chứng u nang biểu bì. Đây là một sự phát triển bất bình thường của lớp mỡ bao bọc chung quanh lông, chỉ phát hiện được khi chó đã trên 3 tháng tuổi.

Nhiều con trong số này, do cách nuôi dưỡng cẩu thả, đã trở nên ghẻ lở, ốm, đói. Chỉ còn lại khoảng 3-4 con tạm ổn về vóc dáng, mang đầy đủ các đặc trưng theo bản tiêu chuẩn của Bá tước Henri de Bylandt. Như vậy, nguồn gien quý này chỉ còn lại tối đa 1% cá thể. Hai trong số này là con Phèn (chó đực) và con Gái (chó cái) đã được ông Khiêm mang đến buổi hội thảo giới thiệu như một bản chuẩn.

Để cứu loài chó Phú Quốc, ông Khiêm và những người tâm huyết đang tìm cách thiết lập lại  bản tiêu chuẩn cho chúng, sau đó tiến hành thủ tục đăng ký với FCI. Tổ chức này (hiện có 84 thành viên, mới gia nhập gần đây là Trung Quốc và Cuba) lại chỉ đối thoại với các Hiệp hội quốc gia chứ không đối thoại và làm việc với cá nhân hay các hiệp hội địa phương.

Ngày 11/1/2007, ông Yves de Clercq đã có thư trả lời nguyện vọng mà ông Khiêm đề đạt: “Cơ quan FCI có hai tập sách của Bá tước Henri de Bylandt và  quả thật chúng tôi đã có dịp ngưỡng mộ giống chó này, chó săn Phú Quốc mà hình như hồi xưa khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay giống chó này không còn nằm trong danh sách những giống chó được FCI nhìn  nhận và duy chỉ có Hiệp hội quốc gia chó giống của nước có giống chó được quyền xin phép việc nhìn nhận giống chó bởi FCI. Rất tiếc Việt Nam không phải là thành viên nên không thể làm việc này”.

Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực gìn giữ, phát triển một số cá thể chó có dáng chuẩn, ông Khiêm và những người quan tâm đến chó Phú Quốc đang xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Chó giống Việt Nam (Việt Nam Kennal Club - VKC) nhằm lấy tư cách đề đạt tiêu chuẩn chó giống với FCI, cứu nguy một loài vật nuôi quý giá.

Theo ông, trong tháng 8/2007, việc này sẽ hoàn tất và đến năm 2011, chó Phú Quốc sẽ đủ tư cách có mặt tham dự triển lãm hoàn vũ tại Paris.

Đó là con đường duy nhất nhằm cứu nguy một loài vật quý đang bên bờ tuyệt chủng đồng thời cũng sẽ làm tăng giá trị của bản thân chúng, cả về kinh tế lẫn văn hóa trên trường quốc tế. Cuộc hội thảo vừa tổ chức có thể coi là tiếng chuông đầu tiên trong hồi chuông báo nguy giúp hồi sinh và phát triển giống chó Phú Quốc này

.
.