“Chúng tôi tự hào là người con đất Việt”

Thứ Tư, 03/02/2021, 10:30
Những năm gần đây, cái nhìn của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã khác. Việt Nam giờ không chỉ là một đất nước yên bình, ổn định mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, miền đất hứa hẹn về đầu tư... Tất cả những điều đó một phần được thúc đẩy bởi công cuộc đổi mới, bởi sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, giúp nâng tầm vị thế của đất nước.


Gửi gắm tình yêu và niềm tin
Bà con Việt kiều tham gia đoàn công tác số 6 trong chuyến thăm Trường Sa năm 2016.

Đó là những tâm sự rất thật của bà con kiều bào khi được hỏi về cuộc sống nơi đất khách quê người cũng như sự nhìn nhận về bước phát triển của đất nước trong những năm qua. Bà Phạm Quỳnh Nga, Tổng Biên tập trang Viet-bao.de cho biết, tuy đã sống ở Đức gần 30 năm nay và có hơn 10 năm làm báo, công việc bận rộn nhưng năm nào bà cũng về thăm quê hương ít nhất 1 lần. 

Vậy mà gần một năm nay, vì dịch bệnh COVID-19, bà chưa được về Việt Nam hội ngộ cùng người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Nỗi nhớ càng trở nên da diết khi vào những ngày cuối tháng 1, Việt Nam tưng bừng cờ hoa chào đón sự kiện trọng đại nhất trong 5 năm - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Chúng tôi tự hào, vui mừng khi thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đất nước không ngừng phát triển về kinh tế, văn hóa-xã hội; đời sống của người dân ngày càng khấm khá, hạnh phúc. Đặc biệt, sự kiểm soát tốt về đại dịch COVID-19 ở Việt Nam không chỉ được đánh giá cao mà còn là kinh nghiệm hữu ích để Chính phủ Đức và nhiều nước trên thế giới tìm hiểu, học tập. Phải đặt vào địa vị của những người xa xứ như chúng tôi, mỗi lần về Việt Nam, bước xuống sân bay là trái tim như vỡ òa, xúc động bởi sự thay da đổi thịt của quê hương. Từ cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc; từ các dịch vụ kinh tế cho tới hành chính công; từ sức trẻ và sự năng động của dân số cho tới khát vọng vươn lên không ngừng của đồng bào trong nước; đến sự tiếp đón của nhân viên..., tất cả đều như khoác một chiếc áo mới”, bà Phạm Quỳnh Nga tâm sự.

Bà Phạm Quỳnh Nga, Việt kiều tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Cũng theo bà Phạm Quỳnh Nga, năm nay đại dịch nổ ra khiến cả thế giới lao đao, nước Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề và các hoạt động về kinh tế cũng như điều kiện sinh hoạt của bà con Việt kiều gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, với niềm tin vững chắc, niềm tự hào là người con đất Việt, con cháu của các Vua Hùng, các tổ chức, hội đoàn, cá nhân người Việt ở Đức vẫn luôn gắn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện hướng về quê hương trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. 

“Đại hội XIII đã thành công tốt đẹp. Là người con Hà Nội xa quê, tôi mong muốn rằng, các quyết sách, chủ trương của Đại hội sớm được thực hiện, nhất là những chính sách liên quan đến người Việt  ở nước ngoài để kiều bào khắp nơi có cơ hội được bày tỏ tình yêu quê hương đất nước; được gần gũi, gắn bó với cộng đồng trong nước hơn nữa; cùng vun đắp, tạo nên sức mạnh dân tộc Việt”.

Còn doanh nhân Jen Nguyen (Việt kiều Australia) thì chia sẻ: “Tôi có cơ hội làm việc và tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế. Cái cảm xúc mỗi khi được nghe họ ca ngợi về con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam thật khó tả. Tình yêu của họ đối với người dân và truyền thống Việt Nam càng khiến tôi cảm thấy tự hào và sống, cống hiến có trách nhiệm hơn vì một Việt Nam hùng cường. Tôi thấy rằng, trong đường hướng phát triển đất nước mà Đảng đề ra, chúng ta đã chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, ham học hỏi nên khi áp dụng nền giáo dục và đào tạo đúng cách thì người Việt sẽ có được tư duy và tầm nhìn xa rộng, vượt khỏi lợi ích bản thân mà hướng đến lợi ích xã hội và quốc gia”.

Nữ doanh nhân Jen Nguyen (Việt kiều Australia).

Nỗ lực làm cây cầu kết nối

May mắn hơn các bạn bè kiều bào khác khi có mặt tại Hà Nội vào những ngày diễn ra Đại hội XIII, TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) vui vẻ “khoe” với chúng tôi rằng, với sự cởi mở, dân chủ và tinh thần phát huy trí tuệ mà Đảng triển khai, anh đã có cơ hội được bày tỏ những góp ý vào Văn kiện Đại hội XIII, vào 3 đột phá chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

“Tháng 3-2019, khi gửi đến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham luận, tôi có trao đổi về 2 vấn đề: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học công nghệ, kinh tế và mô hình khu đô thị sáng tạo, thông minh tại Hàn Quốc cùng khả năng áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 1-2020, tôi cũng gửi thêm tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc hình thành và phát triển đô thị thông minh” và cuối tháng 10-2020, chúng tôi có tham dự Hội nghị Kiều bào đóng góp ý kiến chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phát triển kinh tế tại TP Hồ Chí Minh... Những sự kiện như thế này đã nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống của những Việt kiều như tôi. Với mong mỏi được góp phần nào đó cho quê hương, Tổ quốc và bằng những khả năng, kinh nghiệm cùng các mối quan hệ, chúng tôi luôn muốn trở thành “cánh tay nối dài” để tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc và trong khả năng có thể với các địa bàn khác trên thế giới”, TS Trần Hải Linh nói.

Cũng theo TS Trần Hải Linh, mỗi lần trở về quê hương, anh đều cố gắng để làm những điều có ý nghĩa nhất cho cả Việt Nam và Hàn Quốc. “Năm 2015, lần đầu tiên tôi đến thăm các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và thấy trên nhiều đảo đều thiếu điện, nước ngọt, rau xanh. Lúc đó, chúng tôi nghĩ mình phải ứng dụng những kiến thức học tập và nghiên cứu được giúp đỡ quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Do đó, khi trở lại Hàn Quốc, tôi cùng một số kiều bào Việt đã tham gia nghiên cứu những giống rau có thể chịu hạn, mặn, phương pháp lọc không khí thành nước, làm điện từ năng lượng mặt trời. Sau một năm, chúng tôi thành công và chuyển giao những kỹ thuật, máy móc, giống rau chịu hạn, mặn cho quân và dân Trường Sa ứng dụng. Tiếp đó, tôi cùng một số kiều bào có những công trình nghiên cứu lớn hơn giúp ích cho người dân và chiến sĩ trên đảo Trường Sa với mục tiêu giúp họ có điện, nước ngọt, rau xanh đảm bảo cho sức khỏe.

Rồi chính sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã thôi thúc chúng tôi thành lập Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc - một tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia, trí thức và những đơn vị, tổ chức có mục đích giao thương không chỉ giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà phát triển cả các thị trường khác trên thế giới, từ đó huy động năng lực của cá nhân và tập thể vì lợi ích chung của doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng. VKBIA được thành lập vào ngày 2-9-2019 và chính thức có lễ ra mắt vào 21-9-2019.

Trong gần 2 năm qua, chúng tôi đã có dịp đồng hành và hỗ trợ chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư cho một số địa phương ở Việt Nam với Hàn Quốc như: tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Tiền Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Bình Định...”, TS Trần Hải Linh kể.

TS Trần Hải Linh (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác số 6 trong chuyến thăm Trường Sa năm 2016.

Khi được hỏi về kết quả Đại hội XIII, TS Trần Hải Linh khẳng định, toàn thể Đại hội đã sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đức, có tài vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đặc biệt là những người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đó là những người xứng đáng, có tâm, có tầm để phục vụ nhân dân, đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức trong những năm tới.

“Tôi có 4 mong muốn, đó là: Đảng tiếp tục thực hiện chống tham nhũng thành công; xác định các mục tiêu chủ chốt để phát triển kinh tế đất nước, phục hồi sau đại dịch COVID-19; tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, sự hội nhập của đất nước với sự phát triển của thế giới. Tôi tin rằng kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có kiều bào của Hàn Quốc, cùng đồng bào ở trong nước luôn chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng và phát triển Việt Nam ngày càng vững mạnh”, TS Trần Hải Linh nhấn mạnh.

Định vị giá trị văn hóa dân tộc

Trong khi đó, là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ và báo chí tại Áo, nhà văn-nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến lại có cách thức riêng để truyền tải thông điệp của Đại hội Đảng cũng như chiến lược phát triển của Việt Nam. Chị đã tận dụng tối đa được vai trò của truyền thông trong việc kết nối bạn bè quốc tế với Việt Nam và nỗ lực xây dựng nhiều chương trình hợp tác về truyền thông giữa Việt Nam-Áo nói riêng và Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) hoặc Liên Hợp Quốc nói chung.

Nhà văn-nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến trong một lần phỏng vấn Thủ tướng Austria Sebastian Kurz

Tâm sự về niềm tin của bản thân cũng như cộng đồng người Việt ở Áo và cả kiều bào trên thế giới vào Đại hội Đảng lần thứ XIII, TS Bích Yến cho hay: “Thành ngữ cổ có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đó là 3 yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển của một đời người, suy rộng ra là của một quốc gia, dân tộc. Các nội dung trong Báo cáo Chính trị và văn kiện chính thức của Đại hội XIII cũng đã dựa trên triết lý sâu sắc này của các bậc tiền nhân. Tôi cho rằng, vấn đề then chốt của Việt Nam hiện nay là cần phải nhanh chóng đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là việc bồi đắp lý tưởng, lòng tự hào và khát vọng dân tộc. Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc chúng ta và của nhân loại thì nhận thấy một điểm cốt tử, đó là, sự trường tồn của dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới phần lớn phụ thuộc vào những vị minh quân, những vị anh hùng hào kiệt và đặc biệt là phụ thuộc vào ý chí và khát vọng dân tộc của toàn thể dân chúng. Khát vọng đó đã tạo ra cốt cách và phẩm hạnh của người Việt, giúp cho ông cha chúng ta chiến thắng mọi nghịch cảnh, giữ cho dân tộc Việt phát triển như ngày nay”.

Rồi từ những sách lược, chủ trương của Đảng, Chính phủ và từ công việc được nghiên cứu, tác nghiệp với nhiều nền văn hóa, nhiều chính khách, nguyên thủ trên thế giới, nhà văn, nhà báo Bích Yến đã nuôi dưỡng một giấc mơ là, làm thế nào để định vị được giá trị văn hóa và phẩm hạnh của dân tộc Việt trên toàn cầu. Năm 2015, chị cùng một số nhà khoa học, lãnh đạo kiều bào của 7 quốc gia thành lập dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” (chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) để lan tỏa, định vị giá trị và phẩm hạnh của dân tộc Việt (đặt trong sự tôn trọng và tôn vinh giá trị và phẩm hạnh của các dân tộc khác) trên toàn cầu.

Sau 5 năm triển khai, dự án đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào, tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” và an vị tượng Vua Hùng ở 10 nước trên thế giới gồm CH Czech, LB Nga, Hungary, CHLB Đức, CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraine. Đặc biệt, năm 2018, dự án vinh dự nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tiếp tục triển khai tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” ở các nước có đông đảo bà con kiều bào sinh sống, đồng thời xây dựng đề án này thành đề tài khoa học cấp quốc gia.

Tiếc là, trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” buộc phải chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Dẫu vậy, dự án vẫn “chạm” đến hàng triệu trái tim của đồng bào, kiều bào và bạn bè quốc tế và hiện được công chúng, dư luận xã hội, báo chí-truyền thông đánh giá là dự án văn hóa lớn nhất dành cho kiều bào trên toàn cầu.

Sông Thương
.
.