Chuyện "3 không" ở đảo Lý Sơn

Thứ Năm, 13/03/2008, 09:30
Huyện Lý Sơn gồm 3 xã, với 20 ngàn dân, song từ khi thành lập huyện đến nay, nhờ sự sáng tạo trong việc đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy, nên chưa có vụ trọng án nào xảy ra. Anh em ở Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Quảng Ngãi nói với tôi rằng, hiếm có huyện nào phấn đấu được "3 không" như ở Lý Sơn: không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội.

Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một huyện đảo, được tách ra từ huyện Bình Sơn năm 1993. Từ Quảng Ngãi, với con tàu gỗ 2 tầng cũ kỹ lại trong mùa biển động, nên phải mất 3 giờ, tôi và Trần Sự, cán bộ Phòng PX15, Công an tỉnh Quảng Ngãi mới đến được đảo Lý Sơn.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là trên hòn đảo giữa biển Đông này có rất nhiều xe máy. Khi tàu cập bến, hàng trăm chiếc xe chờ đến đón người thân. Người nào ngồi trên xe máy cũng đều đội mũ bảo hiểm và cầm thêm một chiếc cho người thân. Dọc con đường độc đạo về trụ sở Công an huyện, không thấy bóng dáng CSGT đâu, nhưng tuyệt nhiên không thấy trường hợp nào ngồi trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.

Thượng tá Nguyễn Công Danh, Trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn cho biết, tình hình thực hiện đội mũ bảo hiểm của nhân dân trên đảo đạt 100%. Tôi hỏi: “Chắc Công an huyện mình tuần tra kiểm soát ngặt nghèo, xử phạt nghiêm minh nên nhân dân mới thực hiện tốt như thế?". Thượng tá Danh lại cười hiền khô: “Cả huyện có 4 đồng chí vừa là CSGT, kiêm luôn CS phòng cháy, văn phòng, nên bình thường chỉ có một đồng chí đi làm nhiệm vụ!".

Cả một huyện mà chỉ cần một đồng chí CSGT đi làm nhiệm vụ, trên cung đường dài 17,6km, mà tình hình chấp hành luật lệ giao thông vẫn tốt, kể cũng là một chuyện lạ. Mặc dù, tình hình chấp hành luật lệ giao thông tốt như vậy, nhưng anh Danh bảo rằng, năm 2007 là năm thiệt hại về người do tai nạn giao thông lớn nhất từ trước đến nay với số người tử nạn là... 2 người.

Từ 10 năm nay, mới lại có vụ tai nạn giao thông gây chết người trong huyện mà nguyên nhân đều do người điều khiển xe máy tự đâm vào cột điện.

Tôi hỏi chắc phải có bí quyết nào và nhờ anh kể để tuyên truyền, làm bài học cho lực lượng CSGT ở những nơi khác, Thượng tá Danh bảo, bí quyết này khó có thể áp dụng được ở nơi khác, bởi đặc thù văn hóa vùng miền. Bí quyết đảm bảo an ninh trật tự ở đây bắt nguồn từ sự "lợi dụng" tín ngưỡng văn hóa của đồng bào ở huyện đảo. Chuyện này phải bắt đầu từ xa xưa...

400 năm trước, đảo Lý Sơn có 14 người ra ở lập làng, lập xã. 14 người mang 14 họ khác nhau, họ sống rất gắn kết và có những quy ước, luật lệ rất ngặt nghèo. Trải qua 400 năm, đến nay, trên đảo Lý Sơn đã có tổng cộng 100 họ, nhưng những tôn ti tộc họ vẫn cực kỳ bền vững, quy ước trong các dòng tộc được tôn trọng hết sức. Người đứng đầu dòng họ có uy tín tuyệt đối, giống như già làng, trưởng bản ở các dân tộc vùng cao.

Các đồng chí trưởng, phó Công an huyện thay nhau gặp gỡ từng gia tộc để làm giao ước thi đua. Đến năm 2005, Công an huyện đã ký kết được với tất cả tộc trưởng, tộc họ có mặt trên đảo, cùng 13 người có uy tín ở khu dân cư, 7 cơ sở tôn giáo...

Sau khi ký kết thi đua, các vị tộc trưởng, linh mục và những người có uy tín ở các khu dân cư được công an tổ chức tập huấn kiến thức toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sau đó, các tộc trưởng, linh mục, người có uy tín tiếp tục họp mặt tuyên truyền pháp luật cho con cháu, dạy bảo con cháu chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tất cả những người trong họ đều phải ký cam kết và hứa với tộc trưởng không được càn quấy, gây gổ, đánh nhau làm phát sinh mâu thuẫn làng xóm, tránh xa các tệ nạn như cờ bạc, mại dâm, ma túy...

Chính vì làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở, nên Công an huyện Lý Sơn đã giải quyết tốt "1 không", đó là không tội phạm. Từ ngày tách huyện, năm 1993 đến nay, toàn huyện không xảy ra trọng án.

Có một điều rất lạ, đó là từ ngày tách huyện đến nay, tỉ lệ phá án, từ nhỏ đến lớn, từ vụn vặt đến phức tạp, đều đạt 100%. Để có được con số đó, theo Thượng tá Danh, một mình Lực lượng Công an huyện không thể làm nổi, mà có sự giúp sức của toàn dân, đặc biệt là các trưởng họ.

Trong những ngày lang thang ở huyện Lý Sơn, tôi cũng không thấy có quán cà phê đèn mờ với những em chân dài, quần ngắn nào cả. Thượng tá Danh bảo rằng, từng gia đình đều cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia vào các tệ nạn, lại được sự theo dõi, quản thúc chặt chẽ của tộc trưởng, của công an, rồi tộc họ nọ theo dõi tộc họ kia, nên đố ai dám vi phạm, dám kinh doanh thứ "hàng cấm" đó.

Còn tình trạng nghiện hút thì sao? Trả lời câu hỏi của tôi, Thượng tá Danh kể câu chuyện 2 thanh niên mắc nghiện được phát hiện vào đầu năm 2004 gây chấn động khắp đảo. Hồi đó, người dân trên đảo thấy xuất hiện hai thanh niên có biểu hiện bất thường.

Lực lượng Công an huyện vào cuộc điều tra và phát hiện hai "ông kễnh" này không đi biển nữa mà đi làm than ở Quảng Ninh nên dính nghiện. Lập tức, Công an huyện đưa đi cai và giao cho gia đình bắt đi biển. Lênh đênh giữa biển khơi đánh cá, lấy đâu ra thuốc mà tái nghiện, nên hai đối tượng này cai được. Thỉnh thoảng hai thanh niên này đi biển về, công an lại đến... hỏi thăm sức khỏe và thấy họ đều khỏe hơn trước rất nhiều.

Năm 2005, thanh niên đi làm than ở Quảng Ninh kéo về ồ ạt. Một tộc trưởng mang nộp cho Công an huyện một chiếc xơ-ranh dính máu mà ông nhặt được ở ven đường. Ông tộc trưởng này yêu cầu công an truy tìm bằng được kẻ... dùng chiếc xơ-ranh đó.

Vậy là Công an huyện phải vào cuộc. Thượng tá Danh xác định, nếu có nhiều đối tượng nghiện thì dứt khoát có người cung cấp ma túy tại đảo. Chuyên án đầu tiên và duy nhất liên quan đến ma túy được thành lập.

Đối tượng Võ Thị Nga bị bắt giữ với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Thị đã bán bao nhiêu hêrôin, cho những ai, thị cũng khai báo hết. Thế là 18 ông nghiện trên khắp huyện Lý Sơn được đưa về trụ sở.

Một sự kiện hiếm có diễn ra vào ngày 19/5/2005, hàng ngàn người dân trên đảo Lý Sơn, đại diện cho các dòng họ, gia đình có mặt tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện để tham dự phiên tòa xét xử mua bán ma túy đầu tiên trên hòn đảo này. Võ Thị Nga bị kết án 8 năm tù. Một số đối tượng liên quan cũng bị xử tù.

Sau phiên tòa này, Công an huyện Lý Sơn tiếp tục triển khai tuyên truyền đến từng họ tộc, gia đình trên đảo, nhằm loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi huyện. 18 đối tượng nghiện được đưa vào bờ cai nghiện, sau đó giao cho gia đình, dòng họ quản thúc chặt chẽ, dưới sự giám sát của công an.

Trong suốt quá trình đó, anh em công an phối hợp với biên phòng, "gác cổng" chặt chẽ tại bến tàu. Thấy nghi ngờ đối tượng nào là kiểm tra liền. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu ra vào, nên việc kiểm tra cũng dễ dàng. Các đối tượng bị quản thúc cũng không được rời khỏi đảo, nên có thèm thuốc cũng chẳng biết tìm đâu ra. Quản lý chặt chẽ như vậy, nên đến nay, 18 đối tượng đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy.

Anh em công an thi thoảng lại tiến hành kiểm tra, nhưng từ năm 2006 đến nay, không thấy ai tái nghiện, ma túy cũng không còn xuất hiện trên hòn đảo này nữa. Đó là cái "không" thứ 3, điều mà khó huyện, thị nào trong cả nước có thể làm được.

Để hòn đảo Lý Sơn trở thành hòn đảo "3 không", không phải là điều dễ dàng, khi mà toàn bộ Lực lượng Công an huyện chỉ có 23 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng mỏng, nên anh em phải căng sức ra làm và hầu như không tết nào anh em được về đất liền cả. Tôi cũng chưa từng thấy đơn vị nào mà anh em phải làm kiêm nhiệm nhiều việc đến vậy.

Cả huyện có 5 cán bộ điều tra, thì phải kiêm nhiệm cả văn phòng, tổng hợp, hỗ trợ tư pháp, quản lý trại giam. Mấy ngày ở đảo, tôi được Trung úy Trần Đức Vinh chở đi làm việc. Hỏi về công việc của anh, tôi nghe thấy chóng mặt: cán bộ tham mưu tổng hợp, tổ chức cán bộ, thanh tra, kế toán, công tác đoàn, cán bộ y tế...

Hòn đảo Lý Sơn tuy nhỏ, nhưng người Lý Sơn lênh đênh trên biển đến tận Hoàng Sa, Trường Sa, mà ra biển, thì biển của họ, trời của họ, rất khó kiểm soát. Năm 1998, Bộ Công an cấp cho Công an huyện Lý Sơn một chiếc xuồng 145CV, và một người lái để tuần tra, kiểm soát trên biển, nhưng đến năm 2004, xuồng xuống cấp, không hoạt động được nữa.

Anh em muốn ra biển, tóm nốt những đối tượng buôn bán, sử dụng thuốc nổ trái phép, nhưng không thực hiện được vì không có phương tiện. Mỗi lần muốn ra biển bắt phạm, các anh phải thuê tàu của dân, nhưng tàu đánh cá của dân thì làm sao đuổi được tàu "xịn" của bọn tội phạm...

Phạm Ngọc Dương
.
.