Chuyện bên lề một bức ảnh gây sốt

Thứ Sáu, 24/01/2020, 13:33
Điều thú vị là khi bức ảnh đồng chí Cảnh sát cõng con trai anh Thành được đăng tải trên báo chí, lan truyền trang mạng xã hội đã gây sốt thì khi bức ảnh "hai anh em cõng nhau chiều ngược lại" cũng tạo nên sự chú ý đặc biệt.

Hôm trước anh cõng em

Vượt băng qua đám cháy

Mặc lửa rát, hiểm nguy

Anh cắn răng ào chạy

Hôm nay em gặp lại

Xin được cõng ân nhân

Cái cõng thay lời nói

Cảm ơn triệu triệu lần

Tôi là người ở giữa

Ngắm hai người cõng nhau

Mà thấy đời thật đẹp

Lung linh những phép màu.

                             (Chiến Văn)

1. Đây là những câu thơ rất mộc mạc, chân tình của facebooker Chiến Văn trên mạng xã hội được cộng đồng đính vào facebook Thanh Nguyen Van của anh Nguyễn Văn Thành, bố cháu Nguyễn Hoàng Giang - Người được cứu sống trong vụ hỏa hoạn lúc 10h ngày 10-9-2019 tại 12 Núi Trúc, Hà Nội.

Việc anh Thành chia sẻ trên facebook của mình bức ảnh cháu Giang đang bất tỉnh được một chiến sỹ Cảnh sát PCCC cõng ra khỏi cơn bão lửa đã gây sốt cộng đồng mạng. Đó là hình ảnh chân thực về cuộc chiến chống giặc lửa của những người chiến sỹ làm công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). 

Hình ảnh Trung úy Vũ Ngọc Hoàng cõng cháu Giang khi vừa ra khỏi đám cháy. Ảnh: Phạm Thắng.

Đồng chí Cảnh sát mặt đen nhẻm, mồ hôi dính bết, dáng vẻ mệt đứt hơi cõng trên lưng chàng thanh niên 17 tuổi mềm oặt vừa từ đám cháy đi ra đã lột tả hết sự khẩn thiết của việc cứu người cũng như những nguy nan mà người làm công tác này phải đối diện.

Bức ảnh sau khi được đăng tải trên báo, đặc biệt là được chính người cha của chàng thanh niên được cứu sống chia sẻ đã gây xúc động mạnh. Nó được mọi người nhấn nút like, chia sẻ với tốc độ chóng mặt và nhận được rất nhiều bình luận. Rất nhiều, rất nhiều người chúc mừng con trai anh đã được cứu sống kịp thời và cũng có vô vàn những lời khen ngợi dành cho chiến sỹ Cảnh sát. 

Bản thân anh Thành cũng vô cùng xúc động khi liên tục đăng các status đầy xúc cảm về nghĩa cử cao đẹp của những chiến sỹ Cảnh sát PCCC & CNCH.

Ngày 29-9: "Đây là vị thần đã đến để cứu con trai tôi, một điều lạ đến khó tin. Tên anh là "Ngọc Hoàng". Cảm ơn anh và cả đội rất nhiều, khi con trai ra viện, nhất định tôi sẽ gặp anh và toàn đội PCCC quận Đống Đa và Ba Đình - những người đã lao vào khói lửa hôm đó để nói ngàn lời cảm ơn!". 

Ngày 1-10: "Một dòng cảm xúc biết ơn của mình về sự việc của con trai, cũng là tâm tư của rất nhiều người thân muốn được bình an… Tất cả hòa quyện làm thành một dòng chảy mà đến tôi cũng không ngờ được. Sự biết ơn của bao trái tim với những con người luôn xuất hiện như những vị thần để cứu vớt những nạn nhân của lửa và khói bụi. Ngày mai con trai được ra viện rồi, đáng yêu lắm. Có rất nhiều phóng viên đã ghi lại cảm xúc của Thành và những người trong cuộc… Cảm ơn thiên thần PCCC". 

Ngày 8-10: "Bố con cháu đã đến Đội PCCC Ba Đình để cảm ơn. Các chú thật gần gũi và mộc mạc, lúc ra trận thì anh dũng tuyệt vời". 

Ngày 11-10: "Giây phút sinh tử anh cõng em! Giây phút hội tụ, em cõng anh. Em sống rồi anh Hoàng ơi, cảm ơn anh đã cõng em băng qua khói lửa để em được sống. Anh rất mộc mạc chỉ nói: "là nhiệm vụ thôi mà, có gì to tát đâu...".

Điều thú vị là khi bức ảnh đồng chí Cảnh sát cõng con trai anh Thành được đăng tải trên báo chí, lan truyền trang mạng xã hội đã gây sốt thì khi bức ảnh "hai anh em cõng nhau chiều ngược lại" cũng tạo nên sự chú ý đặc biệt. Hình ảnh chàng thanh niên đang lịm đi trên lưng chiến sỹ Cảnh sát lao ra từ đám cháy đang tươi cười cõng ân nhân của mình thật đẹp. Đẹp ở thần thái, đẹp ở tình người và đẹp ở cách trả ơn và nhận ơn.

2. Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ cháy, tôi có dịp trò chuyện với anh Thành và được anh chia sẻ sự cảm kích đối với những chiến sỹ Cảnh sát PCCC. Khi xảy ra cháy, anh không có mặt. Đến khi nhận được tin con gặp nạn, nhìn con đen nhẻm như cột nhà cháy đang bất tỉnh, anh vô cùng hoảng loạn, phải cố trấn tĩnh để giải quyết mọi việc. 

Rồi nhìn cảnh những bệnh nhân bị ngạt khói đang nằm trong viện cùng con trai, anh bị choáng. Các bác sỹ lúc này cũng không dám đưa ra tiên lượng với cháu Giang… May mắn đã mỉm cười khi Giang vượt qua cơn hiểm nguy và khi xem được bức ảnh con trai được đưa ra đám cháy mà phóng viên ghi lại, anh rất cảm kích.

Hình ảnh Trung úy Vũ Ngọc Hoàng khi thực thi nhiệm vụ chữa cháy tại số 12 Núi Trúc, Hà Nội.

Cùng con "chiến đấu" gần 1 tháng trong bệnh viện, khi con khỏe trở lại, anh đã đưa cháu đến tìm ân nhân. Điều đáng nói là, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã cứu con anh thoát nạn chỉ nhận bó hoa và lời cảm ơn chứ không chịu nhận những món quà vật chất. 

Họ - Những người như đồng chí Hiếu - Đội PCCC & CNCH Ba Đình hay đồng chí Ngọc Hoàng  - Đội PCCC & CNCH Đống Đa đều không hề thân quen nhưng người thì nhường bình thở, người thì cõng con anh lao qua đám cháy đã cho con anh cơ hội sống và nhận sự hiểm nguy về mình. 

Gặp họ ở ngoài đời, anh thấy họ vô cùng bình dị, khác hẳn với tính chất "máu lửa" khi diệt giặc hỏa. Trước đây, anh rất mơ hồ về công việc của Cảnh sát PCCC nhưng khi sự việc xảy ra với gia đình mình, anh thêm hiểu và biết ơn.

Để tìm hiểu câu chuyện, tôi đã tìm đến trụ sở Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Đống Đa. Đội trưởng, Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh cho biết vụ cháy xảy ra ngày 10-9 tại phố Núi Trúc cách trụ sở Đội khoảng 500m. Ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã điều động 2 xe lên đường. 

Cháu Giang cõng ân nhân của mình khi đến cảm ơn Đội Cảnh sát  PCCC&CNCH Đống Đa và đồng chí Hoàng.

Khi đến hiện trường, phát hiện đám cháy ở ngôi nhà 5 tầng. Nhiệm vụ hàng đầu của Cảnh sát PCCC là cứu người, tiếp đến cứu tài sản, dập lửa, chống cháy lan… Thế nên, một mũi công tác triển khai việc tìm người mắc kẹt. Mũi còn lại làm công tác dập lửa, cứu tài sản… 

Đồng chí Thượng úy Dương Minh Hoàng, Đội phó là người trực tiếp có mặt tại vụ cháy cho biết, dù ngôi nhà cháy bị khóa nhưng việc tìm người mắc kẹt vẫn phải triển khai vì đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Sau này, qua chia sẻ của gia đình mới biết, cháu Giang vừa đi học ở Anh về, múi giờ thay đổi nên vẫn đang ngủ trên tầng, còn người nhà đi vắng. 

Khi được phát hiện, cháu Giang nằm sấp trên nền nhà, đã bất tỉnh. Bởi tuân thủ nguyên tắc trong chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên các chiến sỹ hôm đó mới phát hiện ra cháu Giang. Việc phát hiện ra nạn nhân trong đám khói mịt mùng đã khó khăn, nên đưa được họ ra ngoài lại là cả một chặng đường không dễ dàng gì.

Đồng chí Trung úy Vũ Ngọc Hoàng - Chiến sỹ Cảnh sát trong bức ảnh cõng Giang ra khỏi đám cháy cho tôi biết, nhiệm vụ của anh hôm đó không phải trực tiếp chữa cháy nhưng thấy cần tăng cường nên tham gia. Khi lên tầng 3 nghe thấy đồng đội báo có người mắc kẹt nên lao lên tầng 4. Khói dày đặc nên anh còn không nhận thấy nạn nhân mà phải theo chỉ dẫn của đồng chí Hiếu. 

Các đồng chí trong Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Ba Đình đến thăm cháu Giang tại bệnh viện sau khi cháu được cứu sống. Ảnh: FB Thanh Viet Nguyen.

Bước đầu, xác định nạn nhân còn sống, dù thở yếu, đồng chí Hiếu đã tháo bình thở đặt cho nạn nhân. Còn Hoàng cõng nạn nhân đi xuống. Cầu thang quá hẹp, lại có nhiều đồ vướng nên anh phải tháo mũ của mình và bình thở của Giang. Càng xuống dưới, khói càng dày đặc. Đến chiếu nghỉ tầng 3 với tầng 2, Hoàng mệt quá, đôi chân muốn khuỵu xuống… Nhưng, nếu không cố bước thì hậu quả thật khôn lường… 

"Em nặng 75kg, Giang 65 kg, nếu bình thường, em có thể cõng em ấy chạy băng băng. Vậy nhưng lúc đó, khói cay xè, ngạt thở, mắt không mở nổi… Em bước ra ngoài được là nhờ lý trí. Và cái cảm giác được hít thở khi ra được bên ngoài đến lúc này em không thể nào quên".

Khi tôi hỏi, cảm giác của Hoàng khi xem lại bức ảnh, anh bảo rất xúc động. Đọc báo thấy nhiều người khen ngợi, người thân của Giang cũng bày tỏ lòng biết ơn nhưng Hoàng nói rằng, đấy là nhiệm vụ, không chỉ anh mà tất cả những chiến sỹ Cảnh sát PCCC khác trong hoàn cảnh này đều làm thế. Hỏi chuyện, tôi mới biết, Hoàng quê ở Đông Anh, Hà Nội. 

Từ bé, rất thích làm Cảnh sát hình sự do mê phim "Cảnh sát hình sự" trên truyền hình. Nhưng rồi như duyên nợ, anh lại trở thành sinh viên trường Đại học PCCC. 

Ra trường từ năm 2013, đến nay có gần 7 năm anh làm công việc của người lính cứu hỏa. Đặc thù công việc đòi hỏi luôn ở trạng thái sẵn sàng nên việc tuân thủ điều lệnh, nguyên tắc nghề nghiệp đòi hỏi mỗi chiến sỹ phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi. Năm 2019 với Hoàng thật đặc biệt, đó là anh có 2 bức ảnh kỷ niệm - Ảnh anh cõng người gặp nạn và ảnh được người gặp nạn cõng lại.

Chia sẻ về câu chuyện này, Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh cho rằng, là người gần 30 năm gắn bó với công tác PCCC, việc cứu người, cứu tài sản hay những gian nan, hiểm nguy của anh và đồng đội là chuyện thường ngày. Nhưng hai bức ảnh trên đã ghi lại thời khắc đặc biệt, phản ánh chân thực những vất vả cũng như thành quả của nghề cứu hỏa. Nó là câu chuyện hay, cảm động về nghề của những người lính cứu hỏa.

Khi tôi viết bài báo này, mùa xuân đang về trên khắp phố phường. Và khi bạn đọc đọc bài viết này, có thể đang là ngày Tết. Nhưng, cho dù khắp nơi đang chộn rộn đào mai, thịt mỡ dưa hành thì các chiến sỹ Cảnh sát PCCC trên toàn quốc vẫn đang làm việc. Không có ngày nghỉ cho lính cứu hỏa. 

Cao Hồng
.
.