Chuyện chưa kể về nguyên mẫu phim “Biệt động Sài Gòn”

Thứ Ba, 01/08/2017, 16:33
Viết lên bản hùng ca bất tử về lực lượng Biệt động Sài Gòn, bộ phim cùng tên của đạo diễn Long Vân đã trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần góc khuất của những con người đã từng khiến kẻ thù nhiều phen kinh hoảng với những đợt tấn công “xuất quỷ nhập thần” thuở nào vẫn còn vô số các bí ẩn chưa được giải mã.

Cuộc đời người anh hùng Trần Văn Lai (tỉ phú Mai Hồng Quế, ông chủ thầu khoán Dinh Độc Lập) với 2 người vợ biệt động - những nguyên mẫu góp phần làm nên câu chuyện tình tay ba từng khiến người xem phim rơi nước mắt là một điển hình.

Có lẽ phải đến năm 2014 - 2015, khi ông Trần Văn Lai - cựu cán bộ biệt động Sài Gòn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhiều tư liệu về cuộc đời của ông mới được tiết lộ.

Trong bộ hồ sơ về người anh hùng với rất nhiều thành tích thuở nào có một chuỗi những chiến công đặc biệt được ông thực hiện trong vỏ bọc của tỉ phú Mai Hồng Quế - chủ thầu khoán của “Phủ đầu rồng”. Nổi bật trong đó là mạng lưới nhà, hầm trú ém, nuôi dưỡng cán bộ, cất giấu một khối lượng lớn vũ khí phục vụ đánh vào các vị trí trọng yếu của Mỹ - Ngụy trong đợt Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968.

Giúp ông lập nên kỳ tích này, có công lao đóng góp rất lớn của 2 người vợ: Bà Phạm Thị Chinh và Đặng Thị Thiệp. Cả hai người vợ này đều là biệt động, được tổ chức sắp đặt nhằm củng cố vỏ bọc cho ông Lai hoạt động tại nội thành nhưng sau đó nảy sinh tình cảm rồi nên vợ nên chồng.

Bà Phạm Thị Chinh lúc sinh thời.

Bà Thiệp vẫn đang sống một mình trong ngôi nhà nhỏ bên hông chợ Tân Định, TP Hồ Chí Minh. Bà Chinh đã hy sinh năm 1964, được công nhận liệt sĩ năm 1984. Tuy nhiên, đến nay, rất ít người biết sự thật về cuộc đời của 2 người vợ này.

Phải lần tìm theo khá nhiều chỉ dấu, cuối cùng chúng tôi mới tìm được ngôi nhà cũ của gia đình bà Phạm Thị Chinh. Nằm tĩnh lặng trong con ngõ nhỏ của đường Xuân Đỉnh, Bắc Từ  Liêm, Hà Nội, ngôi nhà này chỉ còn người em út bà Chinh là bà Phạm Thị Nguyên và con cháu.

Lục lại ký ức và mớ tài liệu cũ, bà Nguyên đưa chúng tôi trở lại với thôn Đông, Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà Nội từ những ngày còn kháng chiến chống Pháp. Thuở ấy, cô tiểu thương buôn vải Nguyễn Thị Khoa đã là mẹ của 4 người con gái: Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Lộc, Phạm Thị Chinh và Phạm Thị Nguyên.

Người cha của 4 cô con gái này là ông Phạm Tứ Kỳ. Ông Kỳ thuộc dòng dõi khoa bảng nổi tiếng ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, không quen bươn chải nên gánh nặng kinh tế dồn cả lên đôi vai gầy của vợ.

Vất vả bán buôn nuôi 6 miệng ăn nhưng bà Khoa vẫn lo được cho 3 người con gái ăn học, đồng thời tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Những năm 1945 - 1946, gia đình bà đã trở thành điểm tổ chức hội họp và nuôi giấu cán bộ tham gia kháng chiến.

Phạm Thị Chinh là con gái thứ 3 nhưng thông minh, lanh lợi. Vốn chịu thương chịu khó nên ngoài giờ học, cô vẫn thường phụ mẹ đi chợ, làm việc nhà. Lân la nghe mẹ và các anh chị, cô chú cùng chí hướng trò chuyện, cô gái bé nhỏ giác ngộ cách mạng lúc nào cũng không hay.

Với đám “trẻ trâu” như Phạm Thị Nguyên, chuyện mẹ, chị tham gia hoạt động bình thường như thể cuộc sống vốn là như thế. Thậm chí, chúng còn thấy vui vui, oai oai, tự hào vì thấy mình là người quan trọng khi được tham gia “công việc của người lớn”.

Con ngõ nối từ trục đường chính vào nhà bà Nguyễn Thị Khoa chỉ dài chừng nửa cây số nhưng “trạm gác” dày đặc. Tín hiệu được các cô chú, anh chị thống nhất dặn dò từ trước. Có khi đó là chiếc khăn phất phơ treo cao đâu đó. Người trong nhà chỉ nhìn khăn hiện diện hay biến mất là biết có động hay không để tùy nghi di tản. Có khi tín hiệu chỉ là những câu nói thường ngày: “Trời chuẩn bị chuyển mưa, cất thóc vào” hoặc “Nắng rồi, phơi thóc ra đi”...

Đám trẻ được phân công nhiệm vụ canh gác, đứa nào chơi cứ chơi, bế em cứ bế, vừa có cơ hội tụ tập, xong việc còn được khen, được thưởng. Cũng không ít lần, cô bé Nguyên chứng kiến cảnh các mẹ, các chị, các cô chú đang họp phải vội vã thu dọn tài liệu đem cất giấu vì lính vào làng. Vườn tược ngoại thành mênh mông. Tài liệu được vùi tạm xuống mấy luống khoai, luống rau  trước nhà, có khi được cất ngay tại mái gianh trên đầu. Khi đám lính đến nơi thì ai đã vào việc nấy. Người nào ở gần thì đã vọt về tận nhà.

Năm 1947, Phạm Thị Chinh vinh dự được kết nạp Đảng. Đây cũng là năm cô vừa tròn 17 tuổi. Làm cán bộ giao liên, Phạm Thị Chinh còn là phó bí thư phụ nữ xã. Vừa làm nhiệm vụ giao nhận công văn tài liệu, đưa đón cán bộ từ khu tự do vào xã rồi chuyển tiếp vào nội thành, cô vừa có nhiệm vụ vận động chị em tham gia công tác kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, không để chồng con đi lính, đi phu làm tay sai cho giặc. Công việc nhiều nên cô họp hành, đi về như con thoi, có khi vắng nhà đến mấy ngày.

Một ngày giữa năm 1950, khi Phạm Thị Chinh vừa về nhà thì tín hiệu báo có lính đến. Cô vọt nhanh qua vườn hàng xóm. Khi chúng vào đến sân nhà thì cô đã ra tận ngoài đường. Nghe tiếng chúng réo gọi đúng tên cúng cơm của mình, đoán chắc có chuyện không lành nhưng nếu trốn đi, chắc chắn gia đình bị vạ lây nên cô lật đật chạy trở lại. Tên đội trưởng hất hàm hỏi đi đâu, cô tỉnh bơ bảo qua nhà hàng xóm... “đi cầu”.

Hộ dân của Xuân Tảo thưa thớt, ít nhà có cầu tiêu riêng nên chuyện đi nhờ vườn nhà kế bên rất bình thường. Không có lý do nào bắt bẻ được cô gái trẻ, không lục tìm được tài liệu nào nhưng do được chỉ điểm trước, chúng vẫn bắt cô về bót Liễu Giai. Gần 3 tháng ròng, mỗi ngày, mấy mẹ con bà Khoa thay phiên nhau đi tiếp tế. Địch hết dụ dỗ lại đánh đập, tra khảo vẫn không moi được thông tin nào đáng giá, không có chứng cứ, chúng buộc phải thả cô về.

Giữ được tính mạng nhưng sức khỏe của cô sa sút nghiêm trọng. Đang tuổi xuân thì mà mất một thời gian khá dài được gia đình chạy chữa, Phạm Thị Chinh mới sinh hoạt lại bình thường.

Về quãng thời gian này, ông Đỗ Đăng Thiềm, nguyên là chi ủy viên phụ trách dân vận xã Xuân Đỉnh từ năm 1948 đến 1954 xác nhận: Sau khoảng 3-4 tháng bỏ tù, địch không khai thác được gì nên bà Chinh được thả tự do. Khi về xã, bà lại tiếp tục tham gia công tác.

Từ năm 1951, địch phát hiện Xuân Đỉnh là nơi tập kết cán bộ và là cửa ngõ phía tây để cán bộ ra vào nội thành nên liên tục đưa quân về khủng bố, lập đồn bốt ngay tại làng, cho quân ngày đêm truy lùng, bắt bớ khiến nhiều cán bộ, đảng viên phải tạm lánh đi nơi khác. Bà Phạm Thị Chinh vừa được thả về, luôn trong vòng kìm kẹp, không thể hoạt động được.

Sợ con gái gặp nguy hiểm, bà Nguyễn Thị Khoa sắp xếp cho con gái vào Sài Gòn. Lưng vốn cho con là đôi vòng xuyến 6,7 chỉ vàng, bà dành dụm từ lâu. Bà còn cẩn thận dặn dò con vào Nam chăm chỉ làm ăn. Nhận vòng từ mẹ, con gái còn nhõng nhẽo: Ít vốn thế này thì khó làm ăn xoay xở... Cả hai mẹ con đều không thể ngờ, họ sẽ vĩnh viễn không thể gặp lại nhau sau đó.

Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai.

Thực ra, Đông Ngạc, Từ Liêm vốn nổi tiếng là vùng đất khoa bảng của Hà Nội và họ Nguyễn, họ Phạm là 2 trong số những dòng họ lớn, nổi tiếng nhất. Nhưng, những biến thiên của lịch sử khiến nhiều người lưu lạc mưu sinh. Hai người em trai của bà Khoa gồm Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Quang Bằng cũng nằm trong số đó. Có khác chăng là họ đã khôn khéo, may mắn làm ăn phát đạt, trở thành hai chủ tiệm vàng nổi tiếng đất Sài Gòn - Gia Định: tiệm vàng Phú Xuân và Vĩnh Xuân.

Buôn bán giàu có nhưng cả hai ông đều ít học. Phạm Thị Chinh giỏi tính toán, biết tiếng Pháp nên sớm được các cậu tin tưởng, chọn làm thư ký, giúp việc. Khi đã có vỏ bọc vững vàng, cô xin phép mở sạp vải riêng ngoài chợ Tân Định, Sài Gòn, vừa buôn bán kiếm sống, vừa tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Người trong chợ biết cô với tên khác: Phạm Thị Phan Chính.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều về hoạt động trong nội thành Sài Gòn, trong đó có ông Trần Văn Lai. Bà Phạm Thị Chinh được tổ chức phân công đón và giúp đỡ ông tạo vỏ bọc hợp pháp. Trong vai một ông chồng dỗi vợ, ông Lai đến bót cảnh sát để xin sang Miên (Campuchia) chơi cho... bõ tức. Tấm bằng khen và thẻ đặc cách của vua Miên cho phép ra vào đất nước này bất cứ lúc nào giúp Trần Văn Lai nhanh chóng qua mắt địch.

Sau một vài cuộc điện thoại kiểm tra theo địa chỉ được cung cấp cho cảnh sát, bà Chinh xuất hiện, năn nỉ “chồng” về nhà. Các tình tiết của cuộc gặp ly kỳ này đã được khai thác rất chi tiết trên phim “Biệt động Sài Gòn”. Chỉ có điều, ở trên phim, họ chỉ giả yêu để tạo vỏ bọc hoạt động, còn ngoài đời, ông Lai và bà Chinh sau đó yêu nhau thật.

Sau khoảng 1 năm cùng nhau hoạt động, hai người chính thức nên vợ nên chồng. Thông tin này được bà Chinh gửi về cho mẹ qua tấm bưu thiếp ghi vỏn vẹn mấy dòng: Con đã lập gia đình với người cùng làng Me. Hàm ý của tấm bưu thiếp cho bà Khoa hiểu, người mà con gái bà lấy làm chồng cũng là đồng đội, đồng chí.

Tất nhiên, phải sau một thời gian quá dài, phải lòng vòng sang tận Campuchia, tấm bưu thiếp này mới tới tay mẹ ruột bà Chinh. Đây cũng là tin tức cuối cùng mà bà Khoa nhận được về con gái.

Trong khoảng thời gian này, nhờ gia thế của nhà vợ, sự khôn khéo của bà Phạm Thị Chinh, cộng thêm khả năng ngụy trang tài tình cùng 2 vật “hộ thân” là bằng khen và tấm thẻ do vua Miên cấp, ông Trần Văn Lai nhanh chóng tiếp cận “Phủ đầu rồng”. Được tin cậy giao làm chủ thầu khoán, chịu trách nhiệm trang trí nội thất Dinh Độc Lập, các thương vụ làm ăn sau đó khiến Trần Văn Lai trở thành tỷ phú Mai Hồng Quế nổi tiếng đất Sài Gòn.

Ra vào thường xuyên Dinh Độc Lập, ông có điều kiện thuận lợi lập nhiều chiến công: Vẽ bản đồ chi tiết, cách bố phòng, lịch trình hoạt động tại Dinh, xây dựng cơ sở, đưa đón cán bộ vào thị sát tình hình, chuyển tiền vàng về phục vụ kháng chiến. Ông cũng là “tác giả” của hàng loạt hầm trú ẩn, chứa một khối lượng vũ khí lớn phục vụ các đơn vị đánh thẳng vào Dinh Độc Lập và nhiều mục tiêu quan trọng khác của Mỹ, Ngụy tại Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968.

Bức tranh ông Trần Văn Lai vẽ chính mình và người vợ cả sau khi bà hy sinh.

Nhưng, đó là kết quả của sau này và phải đến tận năm 2014, khi đơn vị cũ và gia đình ông làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, các chiến công này mới được công bố rộng rãi, và ông Lai thì đã mất đi người bạn đời ông hết mực trân quý nhiều chục năm trước...

Đó là vào khoảng tháng 5 năm 1964, sau khi đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm, địch dự kiến thả 2 cán bộ cao cấp đang bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo:  ông Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc. Điều kiện đưa ra là phải có người ở Sài Gòn bảo lãnh.

Theo yêu cầu của cấp trên, C trưởng Biệt động - Đơn vị 159 Biệt động quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là ông Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.S.O.M) cùng vợ Phạm Thị Phan Chính (Phạm Thị Chinh) đứng ra làm thủ tục nhận người. Ông Bình họ Phan, ông Sắc họ Phạm. Hai họ này đều nằm trong tên của bà Chính. Để bảo lãnh 2 cán bộ này, bà Chính tự nhận 2 ông là người nhà với lý do làm theo lời mẹ dặn thì đây là 2 người họ hàng thân thiết, bà Chính phải giúp đỡ.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, vì yêu cầu của Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, 2 cán bộ này được rút ra chiến khu. Đinh ninh là kế hoạch đánh lớn Sài Gòn đã chuẩn bị sẵn sàng, 2 vợ chồng ông Lai vẫn quyết tập trung cho nhiệm vụ đảm bảo chiến đấu của lực lượng vũ trang biệt động nội thành. Cả hai vợ chồng không thể biết rằng, kế hoạch mà họ nghĩ đã chuẩn bị diễn ra trong một ngày rất gần sẽ lùi lại đến tận 4 năm. Hậu quả là bà Chinh bị bắt ngay sau đó.

Mặc dù địch giở nhiều thủ đoạn tra tấn, bà vẫn một mực không khai. Vì không tìm ra chứng cứ, bà Chinh được trả về gia đình. Thương tích quá nặng, bà mất ít ngày sau đó. Với một người chồng vô cùng yêu vợ như ông Lai, đây là nỗi đau không gì bù đắp được. Nỗi đau thấu tận tâm can và nhân lên gấp bội khi ông đơn độc chịu đựng trong giày vò, ân hận.

Mất tỉnh táo trong phút giây đau đớn ấy, ông đã vẽ tranh tự họa 2 vợ chồng và viết bài thơ khóc vợ, khắc thẳng lên bia mộ. Trong bài thơ có 2 câu: “Sớm muộn Bắc - Nam thề hiệp một/ Đừng buồn, đừng tủi nữa nghe Chinh...”. 2 câu thơ này khiến ông suýt nữa bị kỉ luật vì cấp trên cho rằng có thể làm lộ bí mật hoạt động.

(Còn nữa)

Minh Hà
.
.