Chuyện cổ tích của hai người khiếm thị

Thứ Sáu, 19/12/2008, 14:00
Cuộc đời của họ là cả một tấm gương sáng về nghị lực sống, tinh thần cần cù lao động. Nhưng trên hết, mặc dù cả 4 con mắt đều mù, song họ lại có hai tấm lòng sáng. Chúng tôi may mắn được gặp ông Diềng Gì Sày và vợ là bà Phùn Nhì Múi ở thôn Cao Lâm, xã Phong Dụ, thuộc huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh).
Không có việc gì khó...

Những ai muốn đến thăm vợ chồng ông Sày, bà Múi vào ban ngày quả là một công việc không hề dễ dàng. Tôi cũng vậy.

Được nghe người dân Cao Lâm đồn nhiều về hai vợ chồng mù lòa nhưng đã làm được hầu như tất cả mọi việc tưởng chừng không thể, song phải mất ba lần tìm gặp, tôi mới có cơ hội diện kiến hai con người đặc biệt này.

Lần đầu tôi đến Tiên Yên vào đúng đợt cơn bão số 6, cả thị trấn Tiên Yên ngập chìm trong biển nước. Chúng tôi vừa đặt chân đến thôn Cao Lâm (xã Phong Dụ, cách thị trấn Tiên Yên gần 20km về phía tây bắc) thì nhận được tin, chiếc cầu treo bắc qua sông dẫn vào thôn đã bị thủy thần thổi mất dạng. Thế là đành phải quay về.

Lần thứ hai, chúng tôi có mặt tại Cao Lâm, chiếc cầu vẫn chỉ còn trơ mố. Dưới sông thì có bè, song nước quá to, không ai dám đưa chúng tôi qua. Và phải đến lần thứ ba, buổi chiều một ngày đầu tháng 12/2008, chúng tôi lại một lần nữa tìm vào Phong Dụ, sau khi đã hỏi han kỹ lưỡng mọi vấn đề về đường sá.

Cậu bé dẫn đường tên Tiến, cũng là người chèo bè đưa chúng tôi qua sông, chỉ vào chiếc then cài một ngôi nhà trên sườn đồi rồi thở dài: "Ông bà Sày đi vắng rồi". Nghe Tiến nói vậy, chúng tôi thở dài ngao ngán và không biết nên về hay ở lại. Bỗng Tiến reo lên: "A, anh Lìn, con trai ông Sày vừa đi làm nương về". Hỏi thăm anh Lìn, chúng tôi được biết hai ông bà vẫn đang làm ngoài nương, cách nhà khoảng 2km đường rừng.

Chúng tôi liền nhờ anh Lìn chỉ dẫn, cắt rừng mà đi. Hôm qua vừa có trận mưa to nên mỗi mét đường là chừng ấy đoạn trơn trượt, dốc lên dốc xuống. Tôi phải bỏ giày, dùng hết sức bấm đầu ngón chân xuống bùn mới trụ vững. Thế mà theo anh Lìn thì bố mẹ anh ngày nào cũng hai lượt đi về trên con đường ấy.

Sau chừng 30 phút đi bộ, tôi đã thấy hai cái bóng người đang tưới cây, làm cỏ. Vì đường đi khó khăn, ông Sày đã dựng tạm một chiếc lều giữa đám đất thuộc quyền sở hữu của hai ông bà để tiện cho công việc.

Trong ánh chiều chạng vạng, ông Sày vẫn tỉ mẩn làm cỏ cho nương quế mới trồng. Hàng quế mọc thẳng đều tăm tắp, cứ 50cm một cây đúng kỹ thuật. Con dao quắm trên tay ông cứ lia nhanh mà tuyệt nhiên không một cây quế nào bị đụng vào. Được biết, hiện ông Sày đã trồng được hơn 2.000 cây quế, chuẩn bị cho thu hoạch và đang tiếp tục trồng thêm quế non.

Thế rồi để chuẩn bị cho bữa cơm tối, ông Sày lại thoăn thoắt trèo lên một cây ổi mọc giữa giàn mướp, bứt lấy 4-5 trái mướp rồi đưa cho bà Múi đứng dưới gốc đỡ lấy. Lạ kỳ thay không một quả mướp nào bị tuột khỏi bàn tay của hai ông bà mù.

Bên cạnh việc trồng mướp cùng 5 hécta hồi, quế, keo gần 10 tuổi, hai ông bà còn canh tác 500m2 lúa nước. Vợ chồng ông Sày còn có đàn trâu với 6 con và cả lợn, gà. Hầu như không phải nhờ con cháu, cả hai cứ lầm lụi sáng đi ra nương, làm quần quật tới trưa thì nổi lửa nấu cơm ngay ở lều cỏ. Chiều lại tiếp tục làm cho đến tối.

Ông Sày có một sức lực dẻo dai hiếm thấy. Trời đã chuyển sang đông vậy mà lúc nào cũng chỉ thấy ông mặc một chiếc áo sơmi và chiếc quần đùi, phô ra tấm thân gầy guộc, khẳng khiu. Nhưng nhìn cảnh ông leo cây rất nhanh, tôi cứ thầm thán phục.

Anh Lìn, con trai ông Sày khoe: cách đây 2 năm, mấy bố con ông đã tự đóng gạch, xây được ngôi nhà ba gian rộng rãi thoáng mát như hiện nay. Chứ trước kia chỉ là nhà tranh vách đất. Nhà có mấy cái giường, cũng đều là do bố anh tự lên rừng chặt gỗ mà đóng thành.

Có quan sát đôi vợ chồng người mù làm việc, chúng tôi mới thấm thía câu: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...". Hai ông bà cứ huơ đôi tay ra, rồi dò dẫm một lúc là việc nào ra việc nấy, không hề đổ vỡ hoặc sai lệch. Cảm tưởng như những đôi bàn tay kia có mắt. Và một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa, hai ông bà đã nuôi dạy 4 đứa con trưởng thành cùng một đàn cháu chắt.

Gương sáng của người dân Cao Lâm

Theo lời ông Sày, ông sinh năm 1947 là em út trong gia đình có 4 anh em trai. Lúc ông tròn 1 tuổi thì trong thôn có dịch phong đậu. Khi ông chữa gần khỏi thì bà mẹ thương con phải kiêng khem mấy tháng, vội bắt con gà đem thịt để bồi dưỡng. Không ngờ bệnh tái phát, khiến ông mù cả đôi mắt.

Đến tuổi ăn tuổi làm, Sày nghe thấy anh em bạn bè đứa thì đi làm nương, cấy lúa, đứa thì đi đơm cá đơm tôm giúp bố mẹ, mình thì toàn ru rú ở nhà suốt ngày thì buồn lắm. Sày quyết tâm không thua chúng bạn.

Ban đầu Sày tập làm những việc vặt như quét tước, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước... Rồi Sày mò ra vườn tập trồng cây, dọn cỏ. Không ít lần đôi tay ông bị bỏng, phồng rộp vì bị nước sôi đổ vào. Sau ông mới tập được cách nghe tiếng nước reo, tiếng cơm sôi...

Rồi ngày đầu tiên cầm cái cuốc, Sày cứ bổ được một nhát là phải dừng lại, dùng tay lần sờ để xác định vị trí xem mình có bổ vào gốc cây nào không. Có lần thay vì cuốc xuống đất, ông bổ trúng... chân, máu tuôn xối xả. May có mấy người dân trông thấy, khênh ông đi trạm xá băng bó. Bố mẹ ông thấy con vất vả, nhiều lần "cấm" ông không được đi làm, chỉ làm mấy việc vặt ở nhà thôi nhưng Sày không chịu.

Ngoài 20 tuổi, Sày xin hợp tác xã cấp cho nửa quả đồi toàn sỏi đá mà dân làng chả ai thèm nhòm ngó để phát hoang, làm ruộng bậc thang đồng thời trồng hồi, trồng quế... Đường từ nhà ra nương lắm dốc nhiều đèo nên lúc đầu Sày nhờ người thân dắt, sau rồi tự lần mò đi.

"Tôi đẽo một chiếc gậy trúc vừa tay, thế rồi vừa mò vừa đi. Lắm khi gặp những chỗ đường dốc, trơn tuột nên ngã dúi ngã dụi. Song tôi cố nhớ những đoạn ấy trong đầu để lần sau cẩn thận hơn. Bây giờ đường đi lối lại trong bản, tôi thuộc nằm lòng" - ông tâm sự.

Mấy người anh trai của Sày cứ lần lượt lấy vợ, sinh con. Còn Sày mặc dù rất chăm chỉ làm lụng và tốt bụng, song chả được cô gái nào ngó ngàng. Năm Sày ngoài 30 tuổi, thấy con cứ lầm lũi đi rừng về nương, bà mẹ buồn rầu nghĩ: "Bây giờ nó còn khỏe, còn có thể làm lụng. Nhưng sau này già yếu rồi thì biết làm thế nào?". --PageBreak--

Thế rồi bà mẹ ngày đêm tìm người mối lái. Những cô gái xinh đẹp, có học thì bà chả dám. Bà tạm "khoanh vùng" một số người có ít nhiều khiếm khuyết để hỏi cho con mình.

Ít lâu sau, bà gọi Sày ra một chỗ rồi bảo: "Cách đây mấy quả núi có một đứa con gái mù như mày, mày ưng thì mẹ xin người ta về cho". Đó là cô Phùn Nhì Múi, hơn Sày đến 6 tuổi ở thôn Nà Hắc (Hà Lâu, Tiên Yên). Sày không nói gì, song đôi mắt hấp háy niềm vui.

Ngôi nhà của ông Sày, bà Múi.

Chuyện Sày lấy vợ bỗng dưng trở thành "chuyện lạ" ở Cao Lâm. Người ta bảo nhau "thằng mù thì làm ăn được gì"; "tưởng lấy ai, hóa ra lại đi lấy một đứa mù!”. Mặc kệ thiên hạ muốn nói gì thì nói, Sày nhờ cha mẹ sắm một mâm lễ rồi nhờ mẹ dẫn sang Hà Lâu hỏi vợ. Nghỉ lại ở nhà gái một đêm, sáng hôm sau Sày tấp tểnh “dắt” vợ về, lòng đầy tự hào.

"Chúng tôi sinh tổng cộng được sáu đứa, trong đó một đứa bỏ cha mẹ đi sớm, một đứa phải đem cho người ta...". Kể đến đây, tôi thấy trong hốc mắt sâu hoắm của ông những giọt nước ứa ra. Tôi biết ông cảm thấy có lỗi vì không nuôi được trọn vẹn cả sáu đứa.

Tôi mới lựa lời: "Nhưng bốn người con còn lại của bác đều khỏe mạnh ngoan ngoãn?". "Vâng, cũng may là thằng Diềng Chống Quay, thằng Diềng Chống Lìn, con Diềng Tài Múi và con Diềng Thị Thắm đều ít ốm đau, dễ nuôi...".

Nói thì thế, nhưng chuyện hai vợ chồng mù nuôi con thật không đơn giản. Đến người sáng chăm con còn vất vả, nói gì...

Hai vợ chồng mù, cuộc sống đã vất vả là thế, nhưng họ lại chả biết "kế hoạch hóa", thế là cứ đẻ sòn sòn... Con chị chưa qua, con em đã tới cả hai vợ chồng cứ quay như chong chóng với lũ con. Có lần bà Múi quấy bột cho con, thấy con cứ ăn thun thút, bà mừng lắm. Lát sau bỗng thấy nó ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, không ăn nữa.

Người hàng xóm sang chơi, thấy đứa trẻ tái xanh tái xám, mắt trợn ngược vội bồng ra trạm xá. Thì ra bà Múi không đút bột vào miệng mà toàn vào... mũi, tràn cả xuống tai, xuống tóc nó mà không biết.

Ông Sày nhớ lại những ngày gian khó. Hồi thằng Quay, thằng Lìn còn vắt mũi chưa sạch, con Múi, con Thắm còn phải bế ẵm, nhà tôi đói lắm. Ruộng nương mỗi năm chỉ làm một vụ, cứ một mình ông quần quật từ sáng sớm đến tối mịt may ra đủ bữa rau bữa cháo. Có năm thiên tai lũ lụt, mùa màng thất bát, ông Sày phải lọ mọ lên rừng đào củ ráy, củ mài.

Mà đâu chỉ nhà ông đói mà cả làng, cả bản đều không nhà nào còn hạt gạo. Người sáng mắt ngày còn đào được dăm củ, còn mù như ông thì từ sáng tới trưa đào được một củ là may lắm. Mang củ mài về, bà Múi thương chồng vất vả, nấu một nồi cháo cho riêng ông. Còn bà và các con chỉ ăn mấy thứ rau dại cầm hơi. Ông Sày tuy mù nhưng rất tinh, ông bắt mấy mẹ con phải ăn cháo trước một lượt rồi ông mới ăn.

Ngày thằng Lìn mới chập chững biết đi, hai ông bà đã phải quây mấy tấm gỗ trước cửa để các con khỏi chạy lung tung, nhỡ ngã xuống ao xuống mương thì không ai biết mà tìm.

Một hôm ông lên nương sớm, đã dặn bà ở nhà ngoài việc nấu cơm, chăm đàn gia cầm phải "để mắt" đến lũ trẻ. Nhưng đến tối mịt, ông Sày đi làm về, kiểm lại thì thấy... thiếu một đứa, hai vợ chồng mới bổ đi tìm.

Tìm hồi lâu vẫn không thấy nó đâu, ông Sày định về mắng vợ một trận song lại nghĩ "bà ấy cũng mù như mình, lại không thông thuộc đường đi lối lại, chửi mắng cũng chả ích gì". Thần người một lúc, ông Sày nhớ ra ở quả đồi bên kia nương có mương nước lắm cá, có khi thằng Quay ở đấy chăng.

Ra đến nơi, quờ quạng một lúc thì ông Sày tìm thấy cần câu, nhưng không thấy con đâu. Nghĩ con đã chết đuối, chân ông khuỵu xuống, ôm mặt khóc rưng rức. Bỗng ông nghe thấy tiếng ri rỉ một góc. Té ra thằng Quay bị trượt chân ngã xuống mương, may đúng chỗ nước nông, chỉ ngang ngực nhưng không sao lên được. Nó sợ quá chỉ biết khóc.

Hai người mù nuôi 4 đứa con trải qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, đến nay các con đều đã trưởng thành. Ba người đã lập gia đình, chỉ còn cô con gái út ở nhà, ngày ngày giúp bố mẹ chăm sóc đàn trâu, chuồng lợn. Hàng xóm láng giềng cứ tấm tắc khen hai ông bà giỏi. Người ta còn khâm phục hơn khi trong gia đình ông Sày không bao giờ thấy tiếng cha mẹ to tiếng với nhau hay với con cái. Bốn người con của ông bà đều ngoan ngoãn, lễ phép, có hiếu với bố mẹ.

Cũng hiếm người có tinh thần lạc quan như vợ chồng ông Sày. Tôi hỏi ông: "Bác có tưởng tượng ra hình ảnh xóm làng đẹp thế nào không, có biết dung nhan bác gái và các con không?". "Tôi không biết cảnh vật xung quanh thế nào đâu, nhưng tôi biết bản làng tôi rất đẹp, vợ và các con tôi cũng rất đẹp" - ông khẳng định chắc nịch. Còn bà thì cứ tủm tỉm cười.

Được biết, thôn Cao Lâm gần 60 hộ với trên 320 nhân khẩu thì có tới phân nửa là hộ nghèo. Vậy mà nhiều năm nay, gia đình ông bà Sày vẫn đủ cơm ăn áo mặc, không phải đi vay mượn ai bao giờ. Ngược lại ông còn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ông Phương, Chủ tịch xã cho chúng tôi biết, người dân Cao Lâm đều rất khâm phục nghị lực của vợ chồng ông Sày, bà Múi. Họ bảo nhau phải học tập tinh thần vượt khó của hai ông bà, cùng nhau thoát nghèo. Ông Phương cũng tự hào kể: "Tôi đã đi khắp huyện Tiên Yên, đi cả nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh nhưng chưa thấy ở đâu có hai người như ông Sày, bà Múi".

Tạm biệt Tiên Yên, trong lòng chúng tôi cứ vương vấn mãi hình ảnh đôi vợ chồng mù ngoài tuổi lục tuần vẫn ngày ngày dắt díu nhau lên nương, khuôn mặt luôn thường trực nụ cười đôn hậu, mặc cho mọi sự xoay vần

Minh Tiến
.
.