Chuyện của lính chữa cháy: Những pha giải cứu ngoạn mục

Thứ Tư, 07/06/2017, 13:18
Cảnh sát chữa cháy chỉ là một bộ phận trong lực lượng Phòng cháy và Chữa cháy (bao gồm: phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn). Không có thước đo nào có thể định lượng được, so sánh được giá trị giữa bộ phận chữa cháy với các bộ phận khác. Nhưng xét về tính chiến đấu thì bộ phận trực tiếp chữa cháy là lực lượng chịu nhiều khắc nghiệt nhất, nguy hiểm do thường xuyên "giáp mặt với giặc".


Đáng buồn là, họ thường bị chính những nạn nhân – người hàm ân -  chỉ trích, mắng nhiếc ngay khi họ đem tính mạng mình lăn xả vào lửa.

Họ cần công chúng hiểu hơn về công việc của mình.

Vụ giải cứu 3 người thoát chết ở cư xá Lữ Gia

Vào lúc 2 giờ 16 phút ngày 12-05-2017, người dân đi đường phát hiện tầng trệt của căn nhà 3 tầng ở số 38, đường 16, cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh bốc cháy, tỏa khói dữ dội. Họ tìm cách gọi cửa thông báo cho chủ nhà, đồng thời hô hoán những người dân sinh sống xung quanh huy động nhiều bình chữa cháy mini đến ứng cứu. Do cửa khóa nhiều lớp chắc chắn nên mọi người không thể vào bên trong dập lửa, cứu người.

Nghe tiếng gọi, chủ nhà gồm 3 người thức giấc nhưng không thể thoát ra ngoài. Ngôi nhà chỉ có 1 lối ra vào duy nhất là cửa chính. Đó lại là nơi phát cháy. Cả 3 người hoảng loạn la hét cầu cứu trong tuyệt vọng.

Nhận được tin cầu cứu của người dân, Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát PC&CC Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thông báo về địa điểm xảy ra cháy cho lực lượng Cảnh sát PC&CC Quận 11. Thiếu tá Lê Minh Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Quận 11 - đã nhanh chóng lập đội hình chữa cháy gồm 1 xe chỉ huy, 4 xe nước, 2 xe bơm nước và 44 cán bộ chiến sỹ. Đội hình chữa cháy tiếp cận hiện trường lúc 2 giờ 18 phút, tức sau khi người dân phát hiện cháy 2 phút.

Khi tiếp cận hiện trường, biết có người kẹt trong đám cháy, Thiếu tá Lê Minh Hiếu phát lệnh dùng máy cắt thủy lực phá cửa rồi cho trinh sát xông thẳng vào giữa đám cháy để cứu, đồng thời tìm vị trí nguồn lửa, gốc lửa và chất gây cháy. Lúc này, 3 nạn nhân bị ngộp khói, không còn kêu cứu được nữa.

Chủ nhà số 38 (đường 16, cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh) kể lại khoảnh khắc được Cảnh sát PCCC cứu mạng.

Trung úy Nguyễn Hoàng Đông Thảo - Trinh sát đội chữa cháy chuyên nghiệp - nhận nhiệm vụ xông thẳng vào lửa cứu người. Bên ngoài, các chiến sỹ cầm lăng phun nước dọn lửa mở đường. Người dân nín thở chờ đợi từng giây.

Ít phút sau, mọi người thở phào, vỗ tay tán thưởng khi trông thấy 3 nạn nhân lần lượt được đưa ra khỏi đám cháy.

Trinh sát đám cháy là ai?

Đại tá Nguyễn Văn Hữu - Trưởng phòng Hướng dẫn Chỉ đạo về Chữa cháy, sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh - cho biết, mỗi một kíp trực chữa cháy có nhiều bộ phận đảm nhiệm những vai trò khác nhau nhưng nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm nhất là trinh sát chữa cháy. Bởi vì khi tiếp cận đám cháy, việc đầu tiên người chỉ huy cần làm là cứu người và tìm hiểu gốc cháy, nguyên liệu cháy.

Nếu không biết gốc cháy, không biết nguyên liệu cháy thì người chỉ huy sẽ không đưa ra được phương án chữa cháy thích hợp. Nói cách khác, nếu không nắm rõ gốc cháy và nguyên liệu cháy mà bắn nước bừa vào đám cháy, có khi làm lửa lan rộng và bùng phát to hơn.

Cảnh sát PC&CC không có đơn vị trinh sát riêng biệt. Người chỉ huy những đơn vị cấp tiểu đội chữa cháy chuyên nghiệp chọn trong đơn vị của mình những người có kinh nghiệm nhất, gan dạ nhất, có sức khỏe và giỏi nghiệp vụ nhất đảm nhiệm vai trò trinh sát. Khi nhận được tin có cháy, người được phân công nhiệm vụ trinh sát sẽ nai nịt trang phục chuyên biệt gồm bộ đồ may bằng chất liệu chống cháy, bình oxy và mặt nạ chống độc.

Trung úy Nguyễn Thanh Tùng - Cán bộ phòng Cảnh sát PC&CC quận 1, đã từng trải qua 9 năm kinh nghiệm trinh sát - cho biết: "Khi vào giữa đám cháy, trinh sát sẽ không thấy gì cả. Khói mù mịt, giơ tay trước mặt cũng không trông thấy. Mọi hành động đều dựa vào bản năng phán đoán. Thí dụ khi muốn lên tầng thì phải đoán vị trí cầu thang nằm ở đâu rồi dùng tay mò mẫm, men theo tường. Nếu biết có người còn kẹt trong đám cháy thì mò tìm dưới gầm giường, gầm tủ, gầm bàn. Hành động phải thật nhanh vì bình oxy có giới hạn thời gian. Vả lại, khi bị cháy, kết cấu công trình có thể đổ sập bất cứ lúc nào".

Ít trinh sát nào chia sẻ nỗi sợ hãi khi xông vào đám cháy vì e ngại làm nhụt chí đồng đội. Họ thường che giấu cảm giác đơn độc trong khói đen mịt mù và cảm giác lo lắng bị chôn vùi dưới gạch vụn bất cứ lúc nào.

Một cán bộ chữa cháy chuyên nghiệp, kể thật lòng: "Ai mà không sợ chết. Tuy nhiên, khi nghĩ đến bên trong đám cháy có người đang hoảng loạn chờ đợi mình vào cứu thì mọi sợ hãi tan biến, chỉ lo nhanh chân chạy đến chỗ họ thôi. Với những đám cháy không có người bị kẹt trong lửa thì chúng tôi nghĩ, tài sản tích lũy cả đời của người dân đang chờ được giải cứu".

Trung úy Nguyễn Thanh Tùng vẫn nhớ mãi vụ cháy khách sạn Kim Linh (đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh) xảy ra vào lúc 19 giờ ngày 9-11-2015. Đó là 1 khách sạn 9 tầng. Khói, lửa bốc ra từ tầng 5. Những khách lưu trú từ tầng 4, tầng 5 tháo chạy được xuống đất và thoát ra ngoài nhưng những người lưu trú ở các tầng trên không dám chạy xuyên xuống tầng 5 mà chạy dồn lên tầng 8.

Các nạn nhân trong vụ cháy nhà số 38 (đường 16, cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh) được các trinh sát cứu sống.

Khi đến hiện trường, Trung úy Nguyễn Thanh Tùng thấy rất nhiều người đứng xung quanh khu vực khách sạn sợ hãi, lo lắng và khẩn cầu cho những người bị kẹt trong đám cháy. Trong lúc đó, trên tầng 5 khói bốc ra cuồn cuộn. Anh mang theo nhiều mặt nạ cách ly khói rồi dẫn đầu tổ trinh sát xông vào, chạy thẳng lên cầu thang bộ. Chạy đến tầng 4, đầu gối đã bủn rủn, toan dừng lại lấy sức nhưng nghe tiếng la hét cầu cứu từ phía trên dội xuống, anh lại chạy tiếp. Những đồng đội bám theo hỗ trợ đã dừng lại ở tầng 5 để tìm gốc lửa.

Khi lên đến tầng 8, thì cơ thể hầu như cạn kiệt sức lực. Anh chỉ cần 1 phút dừng lại để hồi sức. Thế nhưng, 1 phút ấy có thể khiến những nạn nhân chết ngạt vì khói. Anh vắt hết sức lực cuối cùng để đẩy các nạn nhân đang sặc khói vào một căn phòng phía giáp mặt đường rồi vừa trấn an mọi người vừa dùng ga giường chèn khe hở, ngăn khói. Tuy đuối sức nhưng anh cố thực hiện mọi động tác bằng thái độ điềm tĩnh. Đó cũng là cách hạ cơn hoảng sợ của mọi người.

Cửa sổ thông ra mặt tiền đường được mở toang. Xe thang đã đưa thùng cứu hộ tiếp cận cửa sổ. Anh ưu tiên đưa 4 phụ nữ ra thùng cứu hộ của xe thang trước.

Nhận định, ngọn lửa tầng 5 đã được khống chế, chỉ còn khói, anh đeo mặt nạ cách ly khói độc cho 8 nạn nhân còn lại rồi đưa họ theo cầu thang bộ trở xuống.

Anh nói: "Thoát được ra ngoài, trông thấy niềm vui vỡ òa của người dân, cơn mệt tan biến ngay. Rất khó mô tả cảm xúc một cách chính xác. Nó giống như  mình vừa chinh phục được một thử thách khó mà trước đó chưa từng vượt qua. Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò trinh sát, tôi rất lo lắng. Bây giờ thì quen với cảm giác mò mẫm trong khói lửa rồi".

Trung úy Phan Công Hạnh - Cảnh sát PCCC quận 1, TP Hồ Chí Minh  là người có thâm niên gần 10 năm xông thẳng vào giữa đám cháy - chia sẻ tâm tư: "Khi đối diện đám cháy, tâm trạng của mọi người lính chữa cháy đều như nhau. Đó là tập trung mọi tâm trí vào việc cứu người, cứu tài sản và khống chế lửa. Không ai có thừa đầu óc để nghĩ đến việc khác. Hầu như mọi mạch máu trong cơ thể đều căng phồng, sôi sục để hành động. Khi chỉ huy ra lệnh đi thẳng vào đám cháy là lao đi ngay, không chần chừ dù chỉ 1 giây. Lúc đó, chỉ cần 1 lời động viên nhẹ của người dân cũng thấy ấm lòng".

Tình người giữa tâm lửa

Đối với Trung úy Phan Công Hạnh (Cán bộ phòng Cảnh sát PC&CC quận 11) thì vụ cháy nhà số 690B Lê Hồng Phong, phường 10, Quận 10, Tp Hồ Chí Minh xảy ra vào ngày 28-06-2013 là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, người dân đi đường trông thấy tầng 2 ngôi nhà khói, lửa bốc nghi ngút nên hô hoán cho chủ nhà biết. Hai vợ chồng chủ nhà đang ở tầng trệt nghe tiếng hô hoán của người dân mới biết nhà mình phát cháy. Sực nhớ đứa con gái 7 tuổi đang ngủ trên tầng 3, họ toan lao lên cứu. Thế nhưng tầng 2 đã cháy dữ dội, họ bất lực gào khóc, cầu cứu mọi người.

Lực lượng Dân quân phường 10 nhanh chóng có mặt dùng bình chữa cháy xách tay xông vào dập lửa. Đội phó đội Dân quân Nguyễn Thanh Hải liều mình xông lên tầng 3 để giải cứu bé gái. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận tầng 2, khói và lửa cuồn cuộn đã đẩy người dân quân dũng cảm này dội ngược ra.

Khoảnh khắc người cha mừng rỡ ôm con gái sau khi được trinh sát cứu mạng khỏi đám cháy nhà số 690B Lê hồng Phong, phường 10, quận 10, TP HCM.

Bên ngoài, ai cũng mủi lòng khi chứng kiến bé gái đang hoảng loạn cầu cứu qua khung kính cửa sổ trên tầng 3. Cha mẹ bé gái gần như phát cuồng trước giây phút thập tử nhất sinh của con mình. Họ van lạy mọi người tìm cách cứu con. Ai cũng bất lực.

Đúng lúc này, lực lượng Cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp xuất hiện. Biết có người còn kẹt trong đám cháy, người chỉ huy phát lệnh cho Phan Công Hạnh (thời điểm này, anh chỉ mới đeo hàm Thượng sĩ) bằng đủ mọi giá phải cứu bé gái. Người mẹ ám khói đen gương mặt, cầm tay Hạnh gào khóc: "Xin hãy cứu con tôi".

Anh Hạnh kể: "Lửa mạnh, khói dầy nên mọi thứ tối om. Tôi phải lần tay men theo tường để đi lên tầng 3. Mặc dù đồng đội bên ngoài dùng lăng xịt nước mở đương nhưng lửa mạnh nên hơi nóng táp vào người rất kinh. Tâm trí chỉ nghĩ 1 điều duy nhất là bên kia lửa có một sinh mạng con người. Trách nhiệm của mình là phải đưa người đó ra ngoài an toàn. Thế là cứ phăm phăm đi vào. Khi mò đến trước cửa phòng có bé gái bên trong, tôi đạp bung cửa.

Thấy bé gái sợ hãi nằm cúm rúm dưới góc phòng đầy khói nhưng vẫn còn cử động, tôi mừng không thể tả. Do sợ hãi, bé trùm chăn kín người, nằm úp mặt sát đất. Nhờ vậy, bé không bị ngộp khói. Tôi hô lớn: “Cháu đừng sợ, chú đến cứu cháu đây”. Cô bé rất ngoan cường!.

Lấy chăn gói bé gái lại, Hạnh bế lên lao ngược trở ra. Nước của đồng đội từ bên ngoài xịt vào hỗ trợ bắn lên trần nhà rồi dội xuống văng trúng người nóng rát. Độ nóng ngọn lửa đã biến nước thành nước sôi. Hạnh dùng thân người mình che chở cho bé. Đến đầu cầu thang, Hạnh trượt chân. Mất thăng bằng, Hạnh vẫn ôm bé gái an toàn trên người, trượt dài từng nấc cầu thang xuống đến tận đất.

Hai chú cháu vừa thoát ra ngoài, người dân vỗ tay tán thưởng rào rào. Cha mẹ của bé mừng như phát cuồng, lao đến giật lấy bé chạy ngược ra ngoài.

Bây giờ cô bé đó đã là cô nữ sinh lớp 7. Thỉnh thoảng, ba mẹ vẫn đưa bé đến thăm chú Hạnh.

(Còn nữa)

Nông Huyền Sơn
.
.